Wednesday, March 19, 2014

QUYỀN NHÂN THÂN CỦA CÁ NHÂN: CẢI CHÍNH NĂM SINH CỦA VIỆT KIỀU, TỈNH ĐẨY CHO HUYỆN LÀ SAI QUI ĐỊNH

ÁI NHÂN
Tỉnh không thể lấy lý do đã bàn giao sổ bộ cho huyện và xã vì không đúng Nghị định 158. Chị Lê Hồng An sinh tại xã Long An, huyện Tân Châu, An Giang và đang định cư ở Pháp. Giấy khai sinh và các giấy tờ khác của chị như hộ khẩu, lý lịch, hộ chiếu… đều ghi chị sinh năm 1980.
Sổ bộ có khác biệt
Do cần một số giấy tờ để bổ sung hồ sơ nhập quốc tịch Pháp nên chị An đã nhờ cha mình đi trích lục bản sao giấy khai sinh. Bấy giờ, người cha phát hiện bản sao vừa được cấp ghi chị An sinh năm 1984. Để có sự thống nhất, người cha đã nộp đơn đề nghị UBND huyện Tân Châu cải chính năm sinh cho chị An.
Tuy nhiên, Phòng Tư pháp huyện đã từ chối giải quyết yêu cầu nêu trên. Trong công văn trả lời cho người cha ngày 5-7-2007, Phòng Tư pháp huyện cho biết “chưa đủ cơ sở giải quyết cải chính hộ tịch cho chị An vì theo báo cáo của UBND xã, năm sinh của chị An (năm 1984) được ghi theo đúng sổ bộ của xã; việc đăng ký khai sinh của chị An được thực hiện theo đúng quy định”.
Không đồng ý, người cha đã khiếu nại đến Sở Tư pháp tỉnh An Giang. Trong công văn gửi UBND huyện ngày 1-11-2007, sở này có nêu: Sở Tư pháp đã thẩm tra, xác minh thực tế tại địa phương và nhận thấy việc cải chính năm sinh của chị An từ năm 1984 thành năm 1980 là có cơ sở giải quyết. Bởi sau khi sinh chị An vào năm 1980 thì đến năm 1981, người cha có thêm một con gái. Điều này được hàng xóm, thân tộc của chị An và sổ hộ khẩu gia đình ghi nhận. Sở Tư pháp tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Tân Châu giải quyết vụ việc vì Sở không còn lưu giữ sổ bộ do đã bàn giao cho cấp huyện và cấp xã từ năm 2006.

Thế nhưng UBND huyện vẫn không tiếp nhận hồ sơ với lý do không có thẩm quyền. Người cha quay trở lại Sở Tư pháp thì nơi đây lại bảo nên về huyện. Phải sau một thời gian chạy tới chạy lui, người cha mới được UBND huyện giải quyết.
Ai có thẩm quyền cải chính?
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại vào chiều 23-6, ông Trương Văn Khan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, cho biết: “Sở đã chỉ đạo huyện Tân Châu cải chính hộ tịch cho chị An và huyện đã giải quyết”. “Giải quyết như thế liệu có đúng thẩm quyền hay không vì việc cải chính hộ tịch có yếu tố nước ngoài?”. Với câu hỏi này của PV, ông Khan đáp: “Chúng tôi đã phân cấp thẩm quyền rồi, cấp huyện hay cấp tỉnh giải quyết cũng được” (!?).
Ông Nguyễn Quốc Cường – Vụ phó Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) khẳng định: Đối với yêu cầu cụ thể của chị An, thẩm quyền cải chính hộ tịch thuộc về Sở Tư pháp chứ không phải UBND huyện. Sở Tư pháp tỉnh An Giang không thể căn cứ vào việc không còn lưu sổ bộ để cho rằng thẩm quyền thuộc về UBND huyện.
Khoản 3 Điều 96 Nghị định 158 đã quy định rõ: “Các quy định về thay đổi, cải chính hộ tịch tại mục 7 Chương II của nghị định cũng được áp dụng đối với công dân VN định cư ở nước ngoài mà trước đây đã đăng ký hộ tịch trước cơ quan có thẩm quyền của VN. Sở Tư pháp mà trong địa hạt của tỉnh đó trước đây đương sự đã đăng ký hộ tịch có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch trong những trường hợp này”. Về nguyên tắc, khi đã được phân định thẩm quyền thì cấp tỉnh phải tuyệt đối tuân thủ, không thể đưa xuống huyện. Nếu được thực hiện không đúng thẩm quyền, việc cải chính không có giá trị pháp lý và người dân sẽ phải mất công làm lại.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code