THÁI HIẾU
Mua biệt thự của công ty kinh doanh nhà, đất nhưng sau tám năm mới biết vướng quy hoạch nên chỉ còn 163m2.
Tháng 7-2001, ông T. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến Công ty cổ phần Phát
triển đô thị Bình Minh (nay là Công ty cổ phần Đầu tư Miền Nam) mua một
biệt thự (có tổng diện tích nhà, đất hơn 910 m2) tại khu biệt thự Thảo Điền quận 2.
Mua bán cả đất làm công viên
Sau khi xem xét hiện trạng và thỏa thuận những phần
được khấu trừ, hai bên làm hợp đồng mua bán biệt thự với giá 400 lượng
vàng. Ông T. thanh toán thành hai đợt là 320 lượng vàng và đã nhận nhà
để ở. Riêng số vàng còn lại, ông T. cam kết sẽ trả nốt sau khi được công
ty hoàn tất thủ tục đăng bộ nhà.
Ngỡ việc đăng bộ chỉ kéo dài khoảng một tuần nhưng đã
tám năm trôi qua kể từ ngày mua bán, ông T. vẫn chưa được công ty giao
giấy hồng.
Đến ngày 15-6-2009, ông T. tưởng như “chết đứng” khi nhận được hung tin: Căn biệt thự của ông có đến hơn 540 m2 đất là công viên cây xanh theo quy hoạch đã có trước đó; có hơn 27 m2
diện tích nhà xây dựng sai phép và sai quy hoạch. Theo chỉ đạo của UBND
TP.HCM, công ty phải thu hồi phần diện tích đất trên để làm công viên
cây xanh, đồng thời phải phối hợp với UBND quận 2 tháo dỡ phần diện tích
nhà xây sai phép nêu trên. Thời hạn tổ chức thực hiện các việc này là
ba tháng. Nếu để trễ hạn, UBND TP sẽ có biện pháp xử lý nghiêm.
Tính ra, sau khi thu hồi đất, tháo dỡ một phần nhà thì căn nhà của ông T. chỉ còn lại 163 m2.
Tính sao cho ổn thỏa?
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Hoàn, nguyên
Giám đốc Công ty Bình Minh, người đã ký hợp đồng bán biệt thự trên cho
ông T. giải thích: “Khi tôi về làm việc thì căn biệt thự đã được xây
dựng xong. Tôi đã ký hợp đồng bán biệt thự cho khách hàng theo hiện
trạng, trong đó có ghi nhận đầy đủ các thông tin về quy hoạch. Đối với
phần đất làm công viên, công ty đã đồng ý trừ cho ông T. 50 lượng vàng.
Cạnh đó, công ty cũng hỗ trợ cho ông T. 10 triệu đồng để ông trồng cây
xanh nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng dễ dàng thu hồi đất.
Như vậy, khi đã đồng ý mua biệt thự thì ông T. phải có nghĩa vụ thực
hiện theo quy hoạch”.
Riêng ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch Hội đồng quản
trị Công ty cổ phần Đầu tư Miền Nam, chỉ nói gọn: “Chúng tôi sẵn sàng
nhận lãnh trách nhiệm giải quyết các vụ việc đang tồn tại sau khi đã bàn
bạc thống nhất trong tập thể của công ty”.
Tại thời điểm này, cả hai phía công ty và ông T. đều
chưa đưa ra được phương án giải quyết cụ thể đối với những thiệt hại mà
ông T. sẽ phải gánh chịu.
Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:Có thể kiện ra tòa giải quyếtTrước giờ, nhà ở đem ra giao dịch, chuyển nhượng… đều buộc phải có giấy chủ quyền hợp lệ. Do công ty và ông T. mua bán nhà chưa có giấy hồng nên nhiều khả năng hợp đồng mua bán của hai bên bị vô hiệu. Theo Điều 137 Bộ luật Dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Như vậy, về nguyên tắc, công ty phải hoàn lại cho ông T. 320 lượng vàng đã nhận; còn ông T. thì phải giao trả nhà, đất theo nguyên trạng cho công ty để công ty có thể thực hiện các yêu cầu liên quan của chính quyền.Vì trong hợp đồng mua bán nhà ở có ghi rõ tình trạng hiện hữu của căn nhà, có nêu rõ nghĩa vụ của người mua là phải chấp nhận các quy định về địa dịch thông hành, về lộ giới, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, quy hoạch sử dụng đất… nên xem ra hai bên mua, bán đều có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu. Hai bên có thể ngồi lại thương lượng cách thức xử lý vụ việc trên tinh thần hợp tác. Trường hợp thương lượng bất thành, một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa để được giải quyết dứt điểm.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment