Wednesday, March 19, 2014

TRANH CHẤP VỀ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG TẶNG CHO: TRÚNG SỐ ĐỘC ĐẮC, MẤT TÌNH BẠN BÈ

NGUYÊN TRƯỜNG
Vì một tờ vé số trúng độc đắc, hai người bạn nối khố lôi nhau ra tòa để sau đó không ai nhìn mặt ai… Hai nhân vật trong vụ án này là bạn thân, thân đến độ “điếu thuốc chia đôi, ly cà phê sẻ nửa”, từng hứa với nhau “chừng nào trúng vé số sẽ chia đôi”. Thế mà khi trúng một tờ vé số độc đắc trị giá 125 triệu đồng, họ lại lôi nhau ra tòa rồi sau đó không ai nhìn mặt ai…
Trước “chơi đẹp”
Anh N.T.T và anh T.T.L, ngụ huyện Ba Tri (Bến Tre) vốn là hai người bạn thân cùng làm thuê cho một chủ ghe. Cuối tháng 10-2006, khi ghe ghé tỉnh Trà Vinh, cả hai anh cùng một người bạn khác lên bờ uống nước. Tại quán nước, anh T. mua ba tờ vé số, anh L. mua bốn tờ vé số (loại mệnh giá 5.000 đồng). Sau đó, anh L. giữ tất cả số vé số này.
Sáng hôm sau, anh T. bận làm dưới ghe nên chỉ còn anh L. và người bạn hôm trước đi uống cà phê. Tại quán nước, anh L. dò vé số thì một trong ba tờ của anh T. mua hôm trước đã trúng giải đặc biệt trị giá 125 triệu đồng. Thế là anh L. rủ người bạn cùng đi đổi vé số trúng, sau khi trừ đi thuế và hoa hồng còn tổng cộng 111 triệu đồng. Trên đường về, anh L. đưa cho người bạn đi cùng 11 triệu đồng, còn mình giữ lại 100 triệu đồng.
Về tới ghe, anh L. kể lại chuyện trúng số cho anh T. nghe. Anh T. tưởng bạn nói giỡn, anh L. bèn đưa cho anh T. 50 triệu đồng và nhắc lại lời hứa của hai bên là “nếu trúng số độc đắc sẽ chia đôi”. Sau đó, anh L. kể lại việc chia cho người bạn đi cùng 11 triệu đồng và hỏi anh T. có giữ lời hứa không. Anh T. nhận 50 triệu đồng và cũng đồng ý về việc cho người bạn đi cùng 11 triệu đồng.

Sau… đòi lại!
Chuyện tưởng thế là xong, chẳng ngờ… hai tháng sau, anh T. tìm đến tận nhà anh L. để đòi lại 39 triệu đồng.
Anh T. bảo hôm mua ba tờ vé số, anh sợ chúng bị ướt vì thường xuyên phải gỡ dây neo ghe nên mới giao cho anh L. giữ. Lúc anh L. tự ý dò vé số, lãnh thưởng, sau đó về báo trúng rồi đưa cho anh 50 triệu đồng, anh không biết số thực trúng là bao nhiêu nên không thắc mắc. Sau này, anh biết phần anh L. giữ lại là 50 triệu đồng nên mới gặp để đòi. Lý giải về việc chỉ đòi lại 39 triệu đồng, anh T. nói “Tôi chấp nhận cho anh L. 11 triệu đồng, bằng với người bạn đi chung kia”.
Trong khi đó, anh L. khẳng định hôm uống cà phê anh mua bốn tờ vé số, anh T. chỉ mua ba tờ. Hai bên đã thỏa thuận là ai trúng vé số thì đều chia đôi, nếu anh trúng anh cũng sẽ chia cho anh T. như vậy. Mặt khác, khi chia nhau số tiền trên, anh T. hoàn toàn đồng ý. Anh đã có thành ý báo cho các bạn biết chuyện trúng số chứ không giấu nhẹm, mà giờ anh T. đòi lại là “chơi không đẹp”. Hơn nữa, sau khi được chia tiền, anh đã tiêu xài hết, giờ anh T. đòi, anh cũng không có gì mà trả.
Đưa nhau ra tòa
Không đòi được tiền, anh T. đã nộp đơn khởi kiện anh L. ra TAND huyện Ba Tri.
Cuối năm 2008, tại phiên xử sơ thẩm của TAND huyện này, một số nhân chứng khai có lợi cho anh L. Cụ thể, vợ chồng người chủ ghe khai: “Cuối năm 2006, chúng tôi thấy cả hai tự dưng có số tiền lớn và tiêu xài phung phí nên gọi lên tìm hiểu và biết sự việc diễn ra giống như anh L. nói. Thấy gia đình anh T. nghèo, lúc đó vợ chồng tôi có khuyên anh T. không nên chia đôi cho bạn số tiền lớn như vậy nhưng anh T. vẫn không thay đổi ý định”. Việc ông bà chủ ghe kêu hai anh T. và L. lên để tìm hiểu vụ này như trên còn có một nhân công khác đi cùng ghe xác nhận với tòa.
Tuy nhiên, người bạn được chia 11 triệu đồng lại khai khác: “Trước và sau khi trúng vé số, tôi không nghe anh T. hứa cho anh L. số tiền nào cả, chỉ biết sau khi đi lãnh thưởng về thì anh L. đưa tôi 11 triệu đồng, đưa cho anh T. 50 triệu đồng”. Cạnh đó, anh T. cũng phủ nhận những lời làm chứng của ông bà chủ ghe.
TAND huyện Ba Tri đã tuyên buộc anh L. phải trả lại cho anh T. 39 triệu đồng với nhận định: Công việc thường xuyên của anh T. là gỡ dây neo, vì sợ thấm nước ướt các tờ vé số nên mới gửi anh L. giữ. Anh L. đã tự ý dò và lãnh thưởng, chia tiền chứ anh T. không đồng ý chia đôi số tiền trên. Lời khai của vợ chồng chủ ghe là không có cơ sở, không được anh T. chấp nhận. Hơn nữa, việc thỏa thuận giữa hai bên không được lập thành văn bản, không có tỷ lệ phân chia…
Ấm ức quá, anh L. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre vừa qua, các nhân chứng như vợ chồng chủ ghe, bạn ghe vẫn khẳng định những lời khai của họ tại phiên sơ thẩm là đúng sự thật. Tuy nhiên, tòa vẫn bác kháng cáo và y án sơ thẩm. Nghe tòa tuyên án xong, anh L. ngao ngán: “Lần sau ai hứa chia cho tôi bất cứ cái gì, tôi cũng sẽ bắt làm văn bản cho chắc ăn!”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code