HỒNG CHÂU
Vợ có hôn thú yêu cầu
tòa trả lại những quyền lợi hợp pháp của mình. Dù chồng bà làm như thế
là cạn tình nhưng giữa hai người vẫn chưa chấm dứt hôn nhân nên chưa cạn
lý. Bà D. ở Cần Thơ vừa có đơn kháng cáo một vụ án hình sự, yêu cầu cấp
phúc thẩm bác bỏ tư cách đại diện người bị hại của bà Q. vì cho rằng bà
này không phải là vợ chính thức của người bị hại… Chuyện bà kháng cáo
đã làm nảy sinh nhiều tình tiết pháp lý thú vị.
Từ vụ án hình sự
Chập tối cuối tháng 9-2008, có một chiếc xe tải đến
lấy trái cây tại khu vực mà bà Q. thu tiền phí bến bãi. Thấy xe dừng lấy
hàng như thế, một người đàn ông đã lúp xúp chạy đến nói với lái xe là
lần sau không được đậu xe tại khu vực này nữa. Nghe người đàn ông này
“đe” lái xe như vậy, bà Q. nghĩ sẽ ảnh hưởng đến chuyện thu tiền bến bãi
của mình nên đã lên tiếng tranh cãi với người đàn ông. Tuy nhiên, đang
đôi co qua lại thì bỗng dưng người đàn ông này ngưng rồi phán: “Không
thèm cãi nhau với đàn bà!”. Câu nói này vô tình lại lọt đến tai chồng bà
Q. nên ông này lập tức lên tiếng: “Tao là đàn ông nè!”. Vừa nói ông
chồng vừa bước lại gần người đàn ông rồi định xông vào hành hung. May
mắn là mọi người gần đó thấy chuyện nên lập tức can ngăn.
Dù tránh được chuyện xô xát nhưng hai bên vẫn lại
tiếp tục… đấu khẩu. Đến hồi cao trào thì chồng bà Q. cầm dao từ trong
nhà chạy ra để đánh người đàn ông. Cũng không vừa, người này liền chạy
vọt tới tiếp chiêu với chồng bà Q. Thấy người này hùng hùng hổ hổ, chồng
bà Q. chột dạ, quay ngược vào nhà cầm thêm “vũ khí” là một khúc gậy.
Giáp chiến, người đàn ông bị lãnh một nhát dao ở lưng nên bỏ chạy. Tuy
nhiên liền đó, người này nhặt được miếng kiếng vỡ hơn nửa thước nên quay
lại chém trúng chồng bà Q. khiến ông chết.
Cuối tháng 2-2009, Tòa án TP Cần Thơ phạt người đàn
ông sáu năm tù về tội giết người, buộc bị cáo bồi thường cho bà Q. là
đại diện cho người bị hại hơn 50 triệu đồng cùng tiền cấp dưỡng cho hai
con của bà đến tuổi trưởng thành.
Rắc rối vợ trước, vợ sau
Vụ án tưởng sẽ khép lại thì đùng một cái nảy sinh ra
chuyện bà D. có đơn chống án đòi tăng hình phạt với bị cáo và đứng ra
nhận mình mới là vợ chính thức của người bị hại. Theo bà, tòa đã xác
định chưa đúng, chưa thể hiện đúng quyền lợi của gia đình chính thức của
người bị hại. Lý ra bà mới người đại diện hợp pháp của người chết chứ
không phải bà Q. Trên cơ sở đó, bà cũng phải được bồi thường từ cái chết
của chồng…
Để chứng minh mình là vợ chính thức, bà D. đã kể rằng
năm 1983, bà và người bị hại chung sống với nhau và đã ra xã đăng ký
kết hôn. Chung sống và có đến ba mặt con thì hai bên mâu thuẫn nên chồng
bà bỏ đi chung sống với bà Q. rồi có con với người này. Dù chồng bà làm
như thế là cạn tình nhưng giữa hai người vẫn chưa chấm dứt hôn nhân nên
chưa cạn lý. Thế nên khi chồng bà chết, các cơ quan tố tụng không đưa
bà vào tham gia vụ án với tư cách là vợ chính thức, là đại diện cho
người bị hại mà lại đưa bà Q. ra để làm đại diện là không thể chấp nhận
được.
Án có bị hủy?
Với chứng cứ là giấy chứng nhận kết hôn với chồng
chưa bị cơ quan nào bác bỏ, rõ ràng bà D. có những quyền lợi liên quan.
Tuy nhiên, liệu quyền kháng cáo bản án hình sự nêu trên có được chấp
nhận? Nếu chấp nhận sẽ giải quyết theo hướng nào?
Nhiều ý kiến đã cho rằng bà D. không có quyền kháng
cáo bởi trên thực tế bà là vợ của người bị hại nhưng trong vụ án này bà
lại không được đưa vào nên không có một tư cách tố tụng nào. Vấn đề là
khi bà có đơn gửi đến tòa án cùng các chứng cứ liên quan thì nhất thiết
cơ quan tố tụng phải thấy sự thiếu sót này để kháng nghị bản án. Cấp
phúc thẩm sẽ xem xét xử lý cho hợp lý hơn như sửa án, hủy án để bảo vệ
quyền lợi ích hợp pháp của bà D.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đã cho rằng bà D. vẫn
có quyền kháng cáo vụ án bởi thực tế bà là vợ của người chết. Cấp sơ
thẩm chưa đưa bà vào tố tụng là thiếu sót. Tuy nhiên, thiếu sót này có
thể là do khách quan vì lúc đó có thể không ai khai báo gì về chuyện hôn
nhân này. Bây giờ bà D. xuất hiện như là một sự khởi đầu của vòng tố
tụng tiếp theo (vòng phúc thẩm). Còn về chuyện giải quyết, một kiểm sát
viên cho rằng nếu bà D. chỉ kháng cáo phần dân sự không thôi, cấp phúc
thẩm sẽ xem xét, hòa giải để giải quyết. Nếu các bên đồng ý, tòa sẽ công
nhận mà không cần hủy án để làm lại. Trong trường hợp này tòa sẽ có
công văn nhắc nhở cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, chuyện khá
căng bởi bà D. kháng cáo cả phần hình phạt và yêu cầu xem lại tư cách
tham gia tố tụng của bà Q. nên khả năng bản án bị hủy rất lớn. Bởi lẽ,
cấp sơ thẩm không đưa bà vào tham gia tố tụng, vô hình trung đã tước đi
nhiều quyền lợi hợp pháp của bà. Làm như thế là tòa đã vi phạm nghiêm
trong thủ tục tố tụng nên phải bị hủy để làm lại.
Vợ trước, vợ sau, ai sẽ làm người đại diện hợp pháp
cho người bị hại? Kháng cáo của bà D. có được tòa chấp nhận hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment