ANH PHƯƠNG
Một là,
các địa phương cần có quy hoạch tổng thế kinh tế – xã hội đi trước một
bước, bảo đảm kết cấu hạ tầng sau đó thực hiện đồng bộ việc quy hoạch sử
dụng đất, quy hoạch công nghiệp, đô thị, quy hoạch nông nghiệp chuyển
đổi cơ cấu cây trồng nhằm bảo đảm phát triển đồng bộ, tránh lãng phí
đất, ổn định cuộc sống người dân.
Chính phủ và các địa phương trong quá trình lập quy
hoạch phát triển công nghiệp, đô thị cần nghiên cứu xem xét nên quy
hoạch tại những khu vực đất nông nghiệp có năng suất thấp, không nên quy
hoạch khu công nghiệp, đô thị tại những vùng có điều kiện thuận lợi cho
phát triển nông nghiệp năng suất cao để bảo đảm sử dụng hợp lý nguồn
tài nguyên đất, an toàn lương thực và phát triển cân bằng, bền vững.
Hai là, các địa
phương cần căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch
sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch công nghiệp đã được phê
duyệt để có dự báo, tính toán nhu cầu đào tạo chuyển nghề, tư vấn hướng
nghiệp sớm cho số lượng lao động có đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất
phi nông nghiệp.
Ba là, các ngành
công nghiệp, giáo dục – đào tạo, lao động – thương binh và xã hội ở địa
phương cần xây dựng chiến lược đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết
việc làm từ xa cho người nông dân và con em họ, tránh tình trạng “nước
đến chân mới nhảy”.
Bốn là, các
địa phương cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ và kiểm tra thường
xuyên đối với các doanh nghiệp trong vấn đề ưu tiên tuyển dụng và đào
tạo nghề cho lao động địa phương có đất bị thu hồi (như: xây dựng quỹ
đào tạo nghề bắt buộc đối với từng doanh nghiệp, tùy vào nội dung sản
xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cần quy định số lượng tối thiểu
lao động tại địa phương…).
Năm là, đối với
những người ngoài độ tuổi lao động tại các doanh nghiệp cần có các chính
sách phát triển nghề phụ, xây dựng quỹ phúc lợi từ các doanh nghiệp
đóng trên địa bàn để hỗ trợ cho những người này, ưu tiên giao đất dịch
vụ để ổn định cuộc sống.
Sáu là, các địa
phương cần có kế hoạch cung cấp đầy đủ các thông tin về dịch vụ, thị
trường, việc làm, những nguy cơ có thể xảy ra sau khi mất đất nông
nghiệp cho người dân. Có chính sách tư vấn phương án sử dụng tiền bồi
thường có kế hoạch cho người dân bị mất đất nông nghiệp, tránh tình
trạng sử dụng tiền bồi thường tùy tiện, không hợp lý.
Bảy là, cần thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình bồi thường, tái định cư, giải phóng
mặt bằng, công khai đến người dân có đất bị thu hồi, tránh tình trạng
thu hồi đất không có kế hoạch, người dân bị động trước việc giải phóng
mặt bằng. Cần bảo đảm việc cấp phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất theo
đúng những quy định của pháp luật hiện hành. Tránh tình trạng vội vàng
chạy theo phong trào, thu hút đầu tư để giải phóng mặt bằng khi các vấn
đề bồi thường, tái định cư, hướng nghiệp ổn định cuộc sống người dân
chưa được giải quyết.
Tám là, nhanh
chóng triển khai việc bồi thường đất nông nghiệp bằng đất dịch vụ. Các
địa phương cần có quy hoạch vị trí đất làm dịch vụ gắn với quy hoạch đất
khu công nghiệp, khu đô thị, trên cơ sở tham khảo ý kiến nhân dân,
tránh tình trạng dành những vị trí đẹp, mặt tiền cho xây dựng các khu
công nghiệp, còn lại phần đất phía trong mới bố trí đất dịchvụ.
Chín là, trong
quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cần
quy định rõ việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân (những người có đất sẽ
bị thu hồi) ngay từ khi có chủ trương xây dựng các khu công nghiệp, khu
đô thị (đặc biệt là những khu vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều hộ gia
đình nông dân, lấy nhiều đất lúa nước, đất tốt cho sản xuất nông
nghiệp), tránh tình trạng cấp trên quyết quy hoạch cấp dưới phải tuân
theo, khắc phục việc lấy ý kiến ở cấp cơ sở và ý kiến nhân dân chỉ là
hình thức./.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 22 (166) NĂM 2008
0 comments:
Post a Comment