VĂN ĐOÀN
Từ thiếu sót của tòa
phúc thẩm, cơ quan thi hành án tỉnh không có cơ sở để kê biên, định giá
tài sản. Tháng 1-2009, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm vụ tranh
chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà H. và bà B. cùng
ngụ tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chủ đất thua kiện
Tại tòa, bà H. khai đầu năm 2007, bà B. đã viết giấy
tay nhận của bà 150 triệu đồng tiền đặt cọc mua hai lô đất ở xã Long
Phước, thị xã Bà Rịa với giá 450 triệu đồng. Theo thỏa thuận, bên bán
chịu trách nhiệm sang tên, bên mua chịu chi phí sang tên. Từ tháng 3 đến
tháng 8-2007, bà B. viết giấy tay nhận thêm của bà H. gần 200 triệu
đồng. Tháng 9-2007, do bà B. không làm thủ tục sang tên như đã cam kết,
bà H. đã kiện bà B. ra TAND thị xã Bà Rịa.
Đáng nói là trong khi tòa đang thụ lý vụ án thì bà B.
đã bán hai lô đất trên cho hai người khác và hai người này đã được cấp
“giấy đỏ”. Do vậy, bà H. đã yêu cầu TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hủy hợp
đồng chuyển nhượng đất giữa bà B. với hai người mua, đồng thời yêu cầu
bà B. tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất với mình. Nếu không
đồng ý, bà B. phải trả lại cho bà toàn bộ số tiền cọc và tiền lãi hàng
tháng theo quy định.
Phía bà B. không chấp nhận yêu cầu này với lý do bà
không chuyển nhượng đất cho bà H. mà chỉ cầm giấy tờ nhà đất để vay
tiền. Vì không có khả năng trả nợ nên bà H. đã ép bà ký giấy nhận cọc
bán hai lô đất trên.
Sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, TAND tỉnh Bà
Rịa-Vũng Tàu đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà B. và bà
H., buộc bà B. trả lại cho bà H. gần 500 triệu đồng (gồm có tiền đặt cọc
và tiền lãi), hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà B. với hai người
mua đất. Tòa này cũng kiến nghị UBND thị xã Bà Rịa thu hồi hai “giấy đỏ”
đã cấp cho hai người mua đất, phục hồi cho bà B. quyền sử dụng gần
6.000 m2 đất. Hai người mua đất được quyền khởi kiện bà B. bằng một vụ
án dân sự khác nếu có yêu cầu.
Chưa thể thi hành án
Đầu tháng 3-2009, do bà B. không tự nguyện thi hành
án (THA) nên THA thị xã Bà Rịa đã ra quyết định kê biên hai lô đất của
bà B. Thế nhưng đến khi THA thị xã lên kế hoạch cưỡng chế đối với bà B.
thì một người mua đất đã gửi đơn xin hoãn THA.
Ngày 19-3, THA tỉnh yêu cầu THA thị xã hoãn cưỡng
chế đối với bà B. để có thời gian xem xét, giải quyết đơn khiếu nại.
Đầu tháng 4, THA tỉnh đã rút hồ sơ lên để tự mình giải quyết, viện lẽ vụ
việc có tính chất phức tạp. Mới đây, ngày 16-4, THA tỉnh lại có công
văn kiến nghị cấp tối cao giám đốc thẩm án. Cho rằng cách xử lý của THA
tỉnh gây cho mình nhiều thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần, bà H. đã
khiếu nại.
Trao đổi với phóng viên chiều 8-5, ông Trần Văn Mười,
Trưởng THA tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Do bản án của TAND tỉnh xử
chưa rõ nên THA tỉnh chưa thể THA. Mặc dù trên lô đất của bà B. có một
căn nhà cấp bốn rộng hơn 100 m2, một dãy chuồng trại nuôi heo với diện tích gần 200 m2…
nhưng TAND tỉnh lại không tuyên biện pháp xử lý các tài sản này khiến
THA tỉnh không có đủ cơ sở pháp lý để kê biên, định giá tài sản. Ngoài
ra, việc tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà B. với hai người mua
đất có một số bất ổn. Theo điểm b khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai năm
2003 thì hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng đất được lựa chọn đến UBND
xã chứng thực hoặc đến cơ quan công chứng chứng nhận hợp đồng. Vậy mà
bản án lại nhận định hai hợp đồng chuyển nhượng đất của bà B. với hai
người mua “đã né tránh không qua chính quyền sở tại chứng thực, thể hiện
qua việc bà B. đã đến phòng công chứng tỉnh để chứng nhận hợp đồng”.
Kế tiếp, dù quá trình làm thủ tục chuyển nhượng đất
của các bên không gặp bất kỳ sự ngăn chặn nào của cơ quan có thẩm quyền
nhưng bản án lại nhận định “bà B. có hành vi tẩu tán tài sản” để từ đó
tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà B. với hai người mua.
“Vì những vướng mắc và mâu thuẫn trên, chúng tôi đã
gửi công văn đề nghị chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao
xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm” – ông Mười nói.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment