Wednesday, March 19, 2014

NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÒI CHIA LỢI NHUẬN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN TRÀNG TIỀN: BÀI HỌC TỪ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

HẢI YẾN
Thời gian gần đây, Cty cổ phần Tràng Tiền được khá nhiều báo chí nhắc đến không phải vì sản phẩm kem nổi tiếng mà vì những mâu thuẫn xung quanh sự việc người lao động đòi được trả “lương hiệu quả kinh doanh bằng 50% lợi nhuận sau thuế”. Theo các chuyên gia pháp lý, đây là sự đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Trước hết, cần phân biệt giữa tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương và chỉ tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế là chỉ tiêu được tính vào cuối năm bằng cách lấy tổng doanh thu cộng các khoản thu nhập khác trừ tổng chi phí sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hợp lệ và thuế TNDN phải nộp.
Vô lý
Vì vậy, nếu xác định “lương hiệu quả kinh doanh bằng tỷ lệ % lợi nhuận sau thuế” là xác định một khoản phải chi ngay trên cơ sở một chỉ tiêu chưa biết hoặc mới chỉ là ước tính. Bên cạnh đó, sau khi đã bù đắp các khoản chi phí, trong đó có chi phí tiền lương và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, trong các DN, lợi nhuận sau thuế là của chủ sở hữu. Với các DNNN, đó là của Nhà nước, với các Cty cổ phần, đó là của các cổ đông – những người là chủ sở hữu của Cty. Quy định đó là hợp lý vì khi DN có lãi thì chủ sở hữu được hưởng phần lợi nhuận sau thuế, ngược lại, nếu DN kinh doanh thua lỗ, thì chủ sở hữu sẽ bị mất vốn góp. Việc phân phối lợi nhuận sau thuế được thực hiện theo quy định tại Điều lệ Cty. Khoản 12, Điều 22 Luật DN năm 2005 quy định một trong những Nội dung của Điều lệ Cty là: “12. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh”. Điều lệ Cty do các cổ đông thông qua, không có quy định nào bắt buộc phải lấy ý kiến của người lao động vào văn bản này.

Nếu thừa nhận việc người lao động được trả “lương hiệu quả kinh doanh bằng cách trích từ lợi nhuận sau thuế” thì khi Cty kinh doanh bị lỗ vì lý do khách quan, người lao động cũng phải góp tiền để bù lỗ cho Cty. Điều đó không được quy định ở bất kỳ văn bản luật nào và ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Và thiếu căn cứ pháp lý
Căn cứ Luật Lao động, Luật DN, Luật thuế thu nhập DN hiện hành, tiền lương và các khoản phụ cấp mang tính chất lương mà DN trả cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật là một trong những khoản chi phí phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của DN. DN phải xây dựng quy chế lương và đăng ký với Sở LĐ – TB và Xã hội nơi Cty đóng trụ sở thì các khoản lương và phụ cấp DN chi trả cho người lao động mới được thừa nhận tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập DN.
Lợi nhuận sau thuế của Cty cổ phần là của các cổ đông. Bởi lẽ, theo quy định của Luật DN VN và thông lệ quốc tế, “Cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp vào DN”. Điều đó có nghĩa là, nếu Cty hoạt động kinh doanh có lãi, các cổ đông được chia cổ tức, ngược lại, nếu Cty hoạt động kinh doanh bị lỗ, hoặc bị phá sản, thì cổ đông sẽ bị mất (một phần hoặc toàn bộ) số vốn góp. Hơn nữa, kể cả khi có lãi, song do nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu… các cổ đông có thể quyết định sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư. Điều đó luôn luôn được khuyến khích nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng, việc Cổ đông và Hội đồng Quản trị Cty quyết định trích tỷ lệ 50% (hoặc bất kỳ một tỷ lệ nào khác) từ lợi nhuận sau thuế để chi trả lương hiệu quả kinh doanh, là không đúng về nội dung kinh tế của tiền lương. Đòi hỏi của người lao động về “lương hiệu quả kinh doanh bằng 50% lợi nhuận sau thuế” về bản chất là đòi chia lãi với chủ sở hữu. Đó là đòi hỏi vượt quá các quyền của người lao động và có lẽ là “chuyện lạ, có thật” chỉ xảy ra ở Cty cổ phần Tràng Tiền!
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code