Sunday, March 9, 2014

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ

Nguyễn Minh Tuấn

Bài viết ngắn dưới đây giới thiệu những nét cơ bản nhất về tổ chức chính quyền trung ương thời Ngô - Đinh - Tiền Lê như những định hướng ban đầu để khi có điều kiện, sinh viên tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn.
---------------------
Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài chịu sự cai trị của chính quyền Trung Hoa. 

Để bảo vệ chủ quyền còn non trẻ bên cạnh một nước lớn như Trung Hoa, việc xây dựng mô hình chính quyền quân sự có tính tự vệ là một phản ứng tự nhiên và là sứ mệnh có tính lịch sử. 
Trong giai đoạn phôi thai của nhà nước phong kiến, khi cuộc đấu tranh vũ trang giữa các lực lượng cát cứ và giữa chính quyền trung ương với các lực lượng cát cứ địa phương diễn ra mạnh mẽ thì tổ chức chính quyền thời này nặng về tính chất quân sự. 

Về tổ chức chính quyền ở trung ương, Ngô Quyền đã đặt ra các chức quan văn, quan võ , quy định các nghi lễ trong triều đình và màu sắc, trang phục của quan lại các cấp. 

Đến thời nhà Đinh, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế chọn Hoa Lư làm kinh đô và cũng là căn cứ quân sự. Chính quyền lựa chọn việc đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh, chống lại sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ. Để bảo vệ một chính quyền non trẻ vừa mới giành lại được, việc chọn Hoa Lư làm kinh đô là một lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh trong bối cảnh bấy giờ. Hoa Lư có địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt, nhưng lại có bất lợi rất lớn là không thuận lợi về vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá.
Năm 974 Đinh Tiên Hoàng tổ chức lại quân đội trong cả nước tổ chức quân đội thành 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Tổng chỉ huy quân đội là Thập đạo tướng quân điện tiền chỉ huy sứ Lê Hoàn. Nếu đúng như vậy thì quân đội lúc đó lên đến 1 triệu người. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề sử sách chép lại, còn việc có đúng thực tế như vậy không thì đến nay cũng chưa có bằng chứng thực sự rõ ràng minh chứng cho điều đó.

Năm 1002 Lê Hoàn đổi 10 Đạo thành Lộ, Phủ, Châu. Dưới triều Tiền Lê, Lê Hoàn và các đời vua tiếp sau củng cố và tăng cường thêm quân đội thường trực, đặt ngạch thân binh, tuyển lính túc vệ đóng quân ở kinh thành. Các chức quan cao cấp chỉ huy quân đội được đặt ra như Thái Uý, Khu mật sứ. Ngoài quân đội của nhà vua, còn có quân đội của các vương hầu, quý tộc chiêu mộ và điều khiển ở điền trang, thái ấp mà vua có thể điều động khi cần thiết. 

Trong triều đình Ngô - Đinh - Tiền Lê, các vị vua đã tiến hành phong tước, mà trước hết là một số người trong hoàng tộc. Thời kỳ này trật tự lễ nghi trong triều đình đã bước đầu được định hình, các vị vua khi mới lên ngôi đều đã chế định triều nghi, phẩm phục.

Từ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước đến các biện pháp quản lý xã hội thời kỳ này còn mang đậm tính chất quân sự.

Thực chất nhà nước thời kỳ này vẫn mang dáng dấp của một cái làng lớn, chủ yếu giải quyết tính đại diện của nhà nước về quân sự. Làng xã với tính chất tự quản mạnh vẫn thể hiện rõ nét tính độc lập của mình trong quan hệ với chính quyền trung ương.

Mỗi nhà nước phải có bệ đỡ về tư tưởng, chính quyền thời này không muốn dập khuôn theo mô hình Nho giáo, đã chọn Phật giáo nhằm tranh thủ nhân tâm. Điều đáng tiếc là Phật giáo lại quá xa lạ với luật pháp có tính quân sự của nhà Đinh, vì vậy đã tạo ra một sự phản kháng hết sức gay gắt trong thời gian này.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code