KHẢI HÀ
Nghi ngờ hàng xóm nhậu
chú chó mực thân yêu, một người đã kiện ra tòa đòi bồi thường hai triệu
đồng. Sau vài lần nói chuyện, thỏa thuận không thành, mới đây ông T.,
ngụ quận 12 (TP.HCM) đã gửi đơn đến TAND quận này kiện đòi ông R., hàng
xóm, phải đền cho mình hai triệu đồng vì dám cả gan “trộm thịt con chó
mực” của ông.
Bữa nhậu thịt cầy
Theo đơn kiện, năm trước, ông T. được bạn tặng cho
một con chó mực quý, thuộc loại lai chó săn, mắt mũi rất tinh và khôn
lanh khác thường. Ông mang về nuôi, thả nó chạy loanh quanh giữ nhà.
Cách đây khoảng hai tháng, sau một đêm ngủ dậy thì ông không còn nhìn
thấy nó quấn quýt dưới chân ông nữa. Ông gọi tìm nó khắp làng khắp xóm
cũng không thấy tăm hơi đâu. Thường thì ngày ngày con chó chẳng đi đâu
xa nên sự mất tích đột ngột của nó khiến ông nghĩ ngay đến tình huống
xấu là nó đã bị ai đó bắt trộm. Lòng ông buồn thiu nhưng vẫn hy vọng có
phép màu là một ngày con chó của ông sẽ quay về.
Một hôm, nhân có người bạn đến chơi, sẵn đang rầu rĩ,
ông T. mời bạn lai rai vài ly. Trong lúc nói chuyện trên trời dưới đất,
người bạn tình cờ kể cho ông T. nghe hôm trước có ngồi nhậu thịt cầy
tại nhà ông R., người cùng xóm với ông T. Nghe vậy, lòng ông T. chợt như
lửa đốt và linh cảm rằng mồi nhắm trong bữa nhậu đó chính là con chó
mực của ông. Sau khi hỏi dò dăm ba câu để biết chính xác về thời gian
nhậu, bữa nhậu thịt cầy đó có mấy món…, ông T. nén bụng, dự định chờ khi
nào bạn về sẽ qua nhà người hàng xóm hỏi cho ra lẽ.
Chẳng có “chó đốm đen, đốm đỏ” gì cả
Buổi chiều nhậu xong, ông T. vội vã qua ngay nhà ông
R. và vào đề ngay: “Tôi có con chó mực khôn lắm, hôm trước bị mất. Trùng
hợp là hôm đó nhà ông có bữa nhậu thịt chó. Tôi ngờ là ông đã bắt trộm
rồi thịt con chó nhà tôi…”. Ông R. nghe đến đâu tròn mắt đến đó, một hai
khăng khăng rằng không bắt trộm chó của ai cả mà chỉ mua của một người
bán rong rồi làm thịt mời anh em đến nhậu.
Ông T. hỏi con chó ấy như thế nào thì sau một lúc hồi
tưởng, ông R. bảo đó là một con chó vàng, nặng khoảng 9, 10 kg nhưng
chẳng có chút đốm đen, đốm đỏ gì cả. Tuy nhiên, “thấy ông R. trả lời có
vẻ ấp úng”, ông T. càng làm dữ, cho rằng ông R. nói dối. Ông bảo nếu có
bắt chó nhà ông thật thì ông R. chỉ cần thú nhận là được, ông sẽ chẳng
truy cứu gì, còn cứ chối là sẽ biết tay ông… Lúc này ông R. cũng nổi
xung, đỏ mặt tía tai bảo ông T. ăn nói hàm hồ rồi đuổi ông T. về.
Ông T. hậm hực bỏ đi. Về đến nhà, càng nghĩ, ông càng
chắc mẫm là chính ông R. đã “xử” con mực nhà ông. Bởi nếu không thì ông
R. “chẳng đến mức bối rối chối quanh” khi nói chuyện với ông, hơn nữa
con chó cỡ 9, 10 kg thì lại nặng ngang ngửa với con chó mà ông bị mất.
Thế nên ngay hôm sau, ông lại sang nhà ông R. hỏi chuyện cũ. Cũng như
lần trước, ông R. bảo chẳng trộm cắp gì rồi đuổi ông T. về. Ông nói ông
T. mà quấy rầy nữa là ông sẽ không để yên vì cái tội dám vu khống ông ăn
trộm. Ông T. tức quá, bước ra khỏi cửa nhà ông R. rồi nói vọng vào là
nếu ông R. không đền cho ông hai triệu đồng thì ông sẽ báo cho cơ quan
chức năng xử lý. Ông R. cũng không vừa, nói vọng ra là ông T. cứ việc đi
thưa, thưa đâu ông hầu đó.
Kiện đòi hai triệu đồng
Sau một thời gian suy nghĩ và “dựa vào niềm tin chắc
chắn”, ông T. đã quyết định khởi kiện ông R. đòi bồi thường chú chó mực
bị mất. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tòa buộc ông R. phải xin lỗi ông một
câu vì lỡ “nhậu” mất con thú yêu của ông.
Ông T. trình bày trong đơn kiện là ông “có nhiều suy
luận hợp lý” cho thấy ông R. đã bắt con chó nhà ông làm thịt, mời bạn bè
đến nhậu. Cụ thể, nếu không bắt chó nhà ông thì ông R. không dễ dàng bỏ
qua cho ông khi ông mấy lần đến “nói chuyện phải quấy”. Hơn nữa, ông R.
“thường tỏ ra bối rối” khi ông đề cập đến chuyện con chó bị thịt là đen
hay vàng, bao nhiêu kg, mua của ai, bao giờ… Cuối cùng, ông cho rằng
giá trị con chó không lớn nhưng nó đã quấn quýt với ông bấy lâu nay. Ông
dành nhiều tình thương cho nó. Khi nó mất, ông đã tìm kiếm ngược xuôi,
tiếc nuối, lo lắng, mất ăn mất ngủ, tinh thần suy sụp.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment