Wednesday, March 19, 2014

CHỐNG THAM NHŨNG PHẢI TỪ LUẬT ĐẤT ĐAI

NGUYÊN TẤN
Đất đai có thể nói đã và đang trở thành một nguồn lợi béo bở nhất, đồng thời cũng dễ dàng nhất cho nạn tham nhũng hiện nay. Do đó, không nên bỏ qua mục tiêu ngăn chặn tham nhũng khi sửa đổi Luật Đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Dù với tư cách đại diện chủ sở hữu nhưng Nhà nước có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đối với đất đai.
Ví dụ, theo điều 5, Luật Đất đai, Nhà nước có các quyền: quyết định mục đích sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; định giá đất; quyết định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất…
Với những quyền to lớn đó, nếu không có quy định ràng buộc chặt chẽ và cơ chế giám sát hữu hiệu thì tất yếu sẽ nảy sinh tham nhũng, nhất là khi đất đai trở thành một thứ hàng hóa có giá trị như hiện nay.
Thực tế cho thấy, tiêu cực, sai phạm đang có mặt trong hầu hết tiến trình thực thi quyền lực đối với đất đai nhưng phổ biến hơn cả là trong việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Việc thu hồi đất dù thủ tục xem ra hết sức phức tạp, rối rắm, nhưng lại đang bị lợi dụng, lạm dụng đến mức có người cho rằng “không đâu như ở Việt Nam thu hồi đất dễ như vậy”.
Một trong những cách thu hồi đất nhanh và rẻ là “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế”. Với trường hợp này, người được giao đất được lợi rất nhiều thứ. Một mặt, việc thu hồi đất sẽ do Nhà nước “gánh” giùm và mặt khác tiền đền bù luôn luôn thấp vì áp theo khung giá do Nhà nước ấn định. Nói cách khác, họ được “cấp” đất với chi phí rẻ so với giá đất trên thị trường, ngược lại người bị thu hồi luôn luôn phải chịu thua thiệt nặng nề. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ hơn một năm qua, từ đầu năm 2008 đến nay, trong 12.039 vụ thanh tra tại các tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng đã phát hiện 8.052 héc ta đất có sai phạm, kiến nghị thu hồi 3.790 héc ta, đã thu hồi 361,9 héc ta đất.
Với những mặt tiêu cực có thể xảy ra, việc thu hồi đất lẽ ra nên hết sức hạn chế, thế nhưng, pháp luật về đất đai lại mở rộng cho quá nhiều đối tượng được áp dụng.
Theo điều 40, Luật Đất đai, có bốn trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế gồm đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn.

Thế nhưng, đến Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, loại “dự án đầu tư lớn” được diễn giải, mở rộng thêm ba đối tượng, đó là các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch thuộc nhóm A; các dự án từ vốn ODA; các dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài mà không thể đầu tư trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Đến lượt các văn bản diễn giải tiếp, chẳng hạn tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2-4 năm nay (trước đây là Nghị định 16/2005/NĐ-CP), loại dự án thuộc nhóm A lại được mở rộng, nâng lên khoảng 50 lĩnh vực khác nhau. Đó là chưa kể những dạng “biến tướng” khác trong quá trình thực thi pháp luật.
Gắn liền với việc thu hồi đất, giao đất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở; đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác… Giá trị đất sau mỗi lần chuyển đổi như vậy có thể tăng lên gấp bội lần, thậm chí hàng trăm lần và do đó cũng trở thành miếng mồi ngon cho tiêu cực, tham nhũng, nhất là khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn quy định về việc chuyển đổi này còn khá sơ sài. Luật Đất đai chỉ quy định vỏn vẹn trong hai điều khoản và không hề nói rõ điều kiện cụ thể nào thì được chuyển mục đích sử dụng.
Hệ quả là với tình trạng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng tràn lan ở các địa phương, hàng loạt héc ta “bờ xôi ruộng mật” lần lượt bị thế chỗ bởi các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng, để rồi thậm chí bị bỏ hoang do dự án “treo”, chủ đầu tư không có năng lực; hay hàng loạt khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nề khi chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2000-2007 diện tích đất trồng lúa của cả nước đã giảm tới 361.935 héc ta. Chỉ riêng từ năm 2000-2005, đất lúa giảm 318,4 ngàn héc ta, trong đó chuyển sang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp không thu tiền là 40.700 héc ta, chuyển sang cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 24.700 héc ta và 220.000 héc ta đất dịch chuyển sang ngành nuôi trồng thủy sản. Với diễn biến trên, sản lượng lúa bị sụt giảm từ 400.000-500.000 tấn/năm và ảnh hưởng tới đời sống của ít nhất 100.000 hộ nông dân/năm.
Trong khi đó, cơ chế để giám sát việc thực thi quyền lực trong quản lý đất đai còn bộc lộ nhiều bất cập. Một trong những vấn đề quan trọng cần giám sát là quy hoạch sử dụng đất đai từ khi lập cho đến quá trình thực thi, triển khai. Nếu việc này được giám sát chặt chẽ thì khó có chuyện quy hoạch đường đi qua nhà của vị quan chức nọ bị bẻ cong sang nhà người khác hoặc tùy tiện cấp đất cho nhà đầu tư làm sân golf thay vì lẽ ra phải được giữ lại để nuôi bò sữa.
Theo Luật Đất đai, cả bốn cấp hành chính gồm Chính phủ, tỉnh (thành phố), huyện, xã đều có chức năng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, chỉ có việc lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất ở cấp xã mới phải lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, người dân không có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch của các cấp còn lại mặc dù những quy hoạch này dùng để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết.
Mặt khác, luật cũng chưa xác định giá trị pháp lý của việc đóng góp ý kiến, nghĩa là nếu ý kiến đó hợp lý mà không được cơ quan lập quy hoạch tiếp thu thì… cũng chẳng sao cả. Chính vì vậy, trên thực tế không ít nơi công đoạn lấy ý kiến của dân bị cơ quan lập quy hoạch lờ đi hoặc làm qua loa, hình thức. Một dự án xây dựng cụm công nghiệp tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, thậm chí quên” luôn cả việc lấy ý kiến người dân và đến bảy tháng sau khi phê duyệt quyết định quy hoạch chi tiết mới được công bố.
Thế nhưng, ngay cả trong trường hợp người dân được lấy ý kiến đi chăng nữa thì việc đóng góp cũng khó đạt hiệu quả vì quy hoạch đất đai là một lĩnh vực chuyên môn phức tạp, không phải ai cũng hiểu để đóng góp ý kiến. Ngay tại nhiều cơ quan hay dự án ở TPHCM, những bảng, biển quy hoạch được treo, cắm từ năm này qua năm khác nhưng hầu hết người dân chẳng ai quan tâm vì họ có hiểu gì đâu.
Để khắc phục vấn đề này, nên chăng với những dự án có quy mô tác động lớn cần có một hội đồng thẩm định độc lập bao gồm các nhà chuyên môn, các nhà khoa học?
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code