NGUYỄN THANH BÌNH
Nghị định số 181 ngày 29.10.2004 và Nghị định số 84 ngày 25.5.2007
của Chính phủ có một số điều, khoản quy định có thể đã gây ra những
xung đột pháp lý về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với
các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất (gọi tắt là “sổ đỏ”).
Điều 42 khoản 3 Nghị định số 181 quy định: “Trường
hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất
ổn định được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì việc thu hồi giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết
định của Tòa án nhân dân đã được thi hành…”. Theo đó, những khiếu kiện
về QSDĐ mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thẩm
quyền của tòa án và chỉ có tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải
quyết. Trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, việc tranh chấp đó phải qua
UBND cấp xã, phường hòa giải nhưng không thành.
Điều 67 khoản 2, điểm a Nghị định số 84 quy định bãi
bỏ Điều 42 khoản 3 Nghị định số 181 nêu trên. Tuy nhiên, Điều 21 Nghị
định 84 lại có những nội dung quy định chưa thống nhất, thậm chí còn mâu
thuẫn về thẩm quyền, cách thức giải quyết một số trường hợp tranh chấp
mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Cụ thể, khoản 1 quy
định cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ căn cứ văn bản kết luận của cơ
quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra, nếu thấy kết luận đó đúng thì có
quyền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 2 quy định
trường hợp chính cơ quan đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ phát hiện giấy
chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì thông báo bằng văn bản để Thanh
tra cùng cấp thẩm tra. Qua thẩm tra, xác định giấy chứng nhận QSDĐ đã
cấp trái pháp luật thì cơ quan đã cấp giấy chứng nhận ra quyết định thu
hồi giấy chứng nhận đã cấp. Khoản 3 quy định, trường hợp công dân phát
hiện giấy chứng nhận đã cấp sai pháp luật có quyền gửi văn bản kiến nghị
đên cơ quan đã cấp. Cơ quan đã cấp giấy chứng nhận thực hiện biện pháp
như khoản 2 nêu trên để giải quyết kiến nghị của công dân.
Như vậy, cả 3 trường hợp nêu trên đều thuộc thẩm
quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Cụ thể là cơ quan đã cấp giấy
chứng nhận QSDĐ trái pháp luật; trong đó, cơ quan giúp việc cho cơ quan
đã cấp giấy là Thanh tra cùng cấp. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 21 Nghị định
84 lại quy định các trường hợp thuộc quy định tại khoản 1, 2 và 3 nêu
trên chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân
dân đã có hiệu lực thi hành (tức là thuộc thẩm quyền của tòa án), trừ
trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 181. Quy định
như vậy vừa mâu thuẫn với quy định tại 3 khoản nêu trên, vừa không
lôgích.
Từ khi có Nghị định 84 đến nay, nhận thức và vận dụng
pháp luật để xác định thẩm quyền, cách thức giải quyết các tranh chấp
về đất mà người sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở mỗi nơi, mỗi
vụ, việc mỗi khác. Tình trạng chuyển đơn vòng quanh giữa cơ quan hành
chính với Tòa án làm cho người dân bức xúc, gây mất trật tự xã hội và
làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Thực tế, tranh chấp
liên quan đến việc đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ xảy ra nhiều, các cơ quan
và công chức Nhà nước không nhận thức thống nhất nên không giải quyết
đúng đắn được. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét vấn
đề này để sớm có văn bản hướng dẫn hoặc bổ sung, sửa đổi quy định cho
thống nhất, giúp cho việc vận dụng pháp luật chính xác và thống nhất
trong cả nước.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
80736/Default.aspx
0 comments:
Post a Comment