PHẠM THÁI
Những năm qua, tình hình
khiếu nại và khởi kiện liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất ngày
một gia tăng, tính chất, mức độ khá phức tạp. Luật Đất đai và các văn
bản hướng dẫn đã quy định rõ các dấu hiệu để phân định thẩm quyền giải
quyết các khiếu kiện về vấn đề này. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền
thường căn cứ vào yếu tố hình thức là đất đã có Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất để xác định thẩm quyền giải quyết mà ít quan tâm đến bản
chất của tranh chấp cũng như yêu cầu của đương sự.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai
năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thẩm quyền giải quyết
tranh chấp đất đai thuộc hai hệ thống: cơ quan hành pháp (UBND cấp
huyện, cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và cơ quan tư pháp (Tòa án
nhân dân). Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai 2003 quy định dấu hiệu
phân định thẩm quyền giải quyết giữa hai hệ thống cơ quan này, tuy có
phạm vi khác nhau (Luật Đất đai 2003 mở rộng thẩm quyền của Tòa án hơn
so với Luật Đất đai 1993) nhưng đều có dấu hiệu chung: tranh chấp về
quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(GCNQSDĐ) và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải
quyết; tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có GCNQSDĐ thì
do UBND giải quyết.
Các tranh chấp liên quan đến đất đai xảy ra rất nhiều dạng nhưng chủ yếu thuộc hai nhóm quan hệ. Nhóm thứ nhất,
tranh chấp trong quan hệ pháp luật đất đai (ai là người có quyền sử
dụng đất) do Luật Đất đai điều chỉnh. Loại tranh chấp này thường phát
sinh từ hành vi chiếm dụng, sử dụng trái phép, cơi nới, lấn chiếm đất. Nhóm thứ hai,
tranh chấp trong quan hệ pháp luật dân sự do Bộ luật Dân sự điều chỉnh.
Nhóm này gồm hai dạng: tranh chấp liên quan đến các hợp đồng dân sự mà
quyền sử dụng đất là đối tượng của hợp đồng (hợp đồng chuyển đổi, chuyển
nhượng, tặng cho, thế chấp… quyền sử dụng đất) và tranh chấp về quyền
thừa kế quyền sử dụng đất.
Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số
01/2002/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 3.1.2002 của Tòa án nhân dân tối
cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Địa chính hướng dẫn thẩm
quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền
sử dụng đất và quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đối với các tranh
chấp về hợp đồng dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất và tranh chấp về
thừa kế quyền sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, mà
không cần xem xét đất có GCNQSD hay không. Như vậy, việc phân định thẩm
quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa TAND với UBND dựa vào
yếu tố có GCNQSDĐ hay không, chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp là tranh
chấp ai là người có quyền sử dụng đất trong quan hệ pháp luật đất đai.
Quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã
rõ các dấu hiệu để phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về
tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, việc hiểu và thực hiện nhiều khi lại chưa
rõ ràng, thiếu rạch ròi; vẫn còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm
hoặc “lấn sân”, giải quyết không đúng thẩm quyền. Thực tế cho thấy, các
cơ quan có thẩm quyền thường căn cứ vào yếu tố hình thức là đất đã có
GCNQSDĐ và các loại giấy tờ khác để xác định thẩm quyền giải quyết mà ít
khi quan tâm đến bản chất của tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật
đất đai hay quan hệ pháp luật dân sự, cũng như yêu cầu của đương sự.
Xin nêu một vài vụ việc để minh chứng và cùng trao đổi.
Năm 2008, ông Ng.V.Nh gửi đơn khiếu nại đến UBND
huyện Q yêu cầu phục hồi lại GCNQSDĐ cho ông, vì cho rằng con trai là
Ng.Ng.S đã giả mạo chữ ký của ông để làm hồ sơ tặng cho quyền sử dụng
đất. UBND huyện Q đã trưng cầu giám định chữ ký của ông Nh trong hồ sơ
tặng cho. Kết quả giám định không phải chữ ký của ông Nh nên UBND huyện Q
đã phục hồi lại GCNQSDĐ cho ông Nh. Việc UBND huyện Q cấp GCNQSDĐ cho
anh S là căn cứ vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Do đó, để phục
hồi lại GCNQSDĐ cho ông Nh thì cần căn cứ vào kết luận hợp đồng tặng cho
có hiệu lực hay vô hiệu. Việc giải quyết tranh chấp, kết luận hợp đồng
có hiệu lực hay vô hiệu thuộc thẩm quyền của Tòa án, trong vụ việc này
UBND đã làm thay chức năng của Tòa án.
Ngày 22.10.2006, ông Tr.V.Nh gửi đơn đến UBND huyện Q
khiếu nại việc cấp GCNQSDĐ cho ông H không đúng, vì diện tích đất này
ông H mượn của ông. Trường hợp của anh Ng.V.Tr cũng tương tự, ngày 3.10.2008 anh Tr gửi đơn khiếu nại cho rằng diện tích đất mà UBND huyện Q đã cấp
GCNQSDĐ cho anh Đ.X.T là của gia đình anh cho mượn. Hoặc như, trường
hợp của ông Ng.V.M, đã hơn mười năm nay luôn đeo đuổi việc khiếu nại đòi
lại đất. Ông đã gửi hàng chục đơn đến UBND huyện Q và các cơ quan chức
năng khiếu nại việc UBND xã Q.Th lấy đất có nguồn gốc của gia
đình ông sử dụng hợp pháp qua nhiều thế hệ để cấp cho bốn hộ gia đình
khác và cấp GCNQSDĐ cho các hộ này. Cả ba trường hợp này UBND huyện Q
đều không giải quyết, vì cho rằng đất đã có GCNQSDĐ nên thuộc thẩm quyền
giải quyết của TAND.
Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 16/1999/KHXX
ngày ngày 1.2.1999 của Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp
phát sinh tranh chấp đất mà đương sự cho rằng, việc UBND cấp GCNQSDĐ
không đúng thì đây là việc khiếu nại hành chính thuộc thẩm quyền giải
quyết của UBND. Ở các vụ việc nêu trên, đương sự không yêu cầu giải
quyết tranh chấp đất mà họ khiếu nại việc UBND cấp GCNQSDĐ cho người đã
mượn đất, hoặc người chiếm dụng bất hợp pháp đất của họ là không đúng
pháp luật. Đó là việc khiếu nại quyết định hành chính trong lĩnh vực
quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND.
Lâu nay nhiều người cho rằng, nguyên nhân tranh chấp
đất đai gia tăng là do giá đất tăng. Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên cớ.
Nguyên nhân phát sinh tranh chấp đối với các hợp đồng dân sự liên quan
đến đất đai là do sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên
không thực hiện; thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục pháp lý;
đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, nguyên nhân phát
sinh chủ yếu do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, mập mờ; các sai sót
trong đo đạc, lập bản đồ địa chính, trong việc cấp GCNQSDĐ. Thực tế cho
thấy, sự sai lệch về vị trí, ranh giới, kích thước, diện tích… ghi trong
GCNQSDĐ so với thực địa xảy ra khá phổ biến đã dẫn đến sự nghi ngờ việc
lấn chiếm giữa các hộ liền kề rồi xảy ra tranh chấp. Một khi hồ sơ địa
chính xác định rõ ràng, chính xác vị trí, ranh giới, diện tích các thửa
đất thì ít ai dám lấn chiếm đất của người khác.
Như vậy, để giải quyết dứt điểm, kịp thời, đúng đắn
các tranh chấp đất đai thì cần có sự nhìn nhận thấu đáo với tư duy “điều
trị nguyên nhân” chứ không “điều trị triệu chứng”. Nếu tranh chấp phát
sinh do các sai sót trong công tác quản lý đất đai thì UBND phải có
trách nhiệm giải quyết, sửa sai chứ không thể hiểu máy móc là đất đã có
GCNQSDĐ để đùn đẩy trách nhiệm.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment