Thứ nhất, là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Để thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội
đất nước, Nhà nước đã tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ
cho các dự án phát triển. Tuy nhiên vấn đề bồi thường và hỗ trợ và tiến
hành tái định cư cho những diện bị thu hồi đất ở nhiều địa phương gặp
không ít khó khăn, vướng mắc. Một số dự án chưa có khu tái định cư hoặc
chưa giải quyết tái định cư đã quyết định thu hồi đất ở. Những trường
hợp bị thu hồi đất ở thì tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại
khu tái định cư. Giá đất bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị
trường, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu
dân cư nông thôn. Tiền bồi thường đất nông nghiệp thường không đủ để
nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để
nhận chuyển nhượng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển
sang làm ngành nghề khác. Nhìn chung các địa phương chưa coi trọng việc
lập khu tái định cư chung cho các dự án trên cùng địa bàn, một số khu
tái định cư đã được lập nhưng không bảo đảm điều kiện tốt hơn hoặc bằng
nơi ở cũ, giá nhà ở tại khu tái định cư còn tính quá cao nên tiền nhận
bồi thường không đủ trả cho nhà ở tại khu tái định cư. Các quy định của
pháp luật về đất đai để giải quyết vấn đề tái định cư đã khá đầy đủ
nhưng các địa phương thực hiện chưa tốt, thậm chí một số địa phương chưa
quan tâm giải quyết nhiệm vụ này dẫn đến tình trạng KN kéo dài.
Thứ hai, là KN về việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đây là dạng KN rất phổ biến hiện nay. Dạng KN này
phát sinh một phần từ sai sót của cơ quan có thẩm quyền, như : Cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất sai sót về tên chủ sử dụng, sơ đồ thửa đất,
diện tích… Có những trường hợp, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất mà không có lý do chính đáng hoặc lý do không rõ ràng. Các cơ quan
có thẩm quyền trong quá trình giải quyết lại không giải thích rõ cho dân
hiểu lý do tại sao không cấp giấy. Quá trình giải quyết hồ sơ diễn ra
chậm, gây phiền hà, sách nhiễu… gây khó khăn cho người sử dụng đất. Một
nguyên nhân khác là do quy hoạch treo hoặc do người dân không chấp nhận
dù lý do không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chính đáng….
Thứ ba, là KN quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai.
Nội dung KN này cũng có nhiều dạng. Một số bộ phận
người dân không nắm rõ về Luật Đất đai và Luật KN,TC nên phát sinh tình
trạng vi phạm pháp luật hoặc các trường hợp lấn chiếm, vi phạm quy tắc
xây dựng. Một số người mặc dù khá am hiểu pháp luật nhưng vẫn cố tình vi
phạm, khi bị phát hiện và xử phạt thì ngoan cố khiếu nại. Bên cạnh đó
cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình
giải quyết, như : ra quyết định xử phạt sai đối tượng, bị nhầm lẫn, sai
tên chủ sử dụng; việc thi hành quyết định xử phạt có sai sót hoặc sai
pháp luật; việc ra quyết định không đúng căn cứ pháp luật; việc ra quyết
định quá nhẹ hoặc quá nặng (về mức phạt hoặc hình thức phạt) hoặc thiếu
trách nhiệm, thiếu khách quan.
Thứ tư, là KN việc giải quyết các tranh chấp về đất đai của các cơ quan nhà nước.
KN trong lĩnh vực này cũng rất phức tạp và đa dạng, như :
+ KN việc giải quyết tranh chấp đòi lại đất cũ :
- Đòi lại đất, tài sản của dòng họ, của người thân
trong các giai đoạn khác nhau, qua các cuộc điều chỉnh đã giao cho người
khác sử dụng.
- Đòi lại đất cũ do trước kia thực hiện chính sách
"nhường cơm sẻ áo” của Nhà nước trong những năm 1981 – 1 986 (đã nhường
đất cho người khác sử dụng nay họ đòi lại).
- Đòi lại đất khi thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, theo mô hình sản xuất tập thể quản lý tập trung.
+ KN việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, thừa kế tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất :
+ KN việc giải quyết tranh chấp ranh giới sử dụng đất :
+ KN việc giải quyết tranh chấp nhà đất do đã cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ :
+ KN việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất :
+ KN việc giải quyết tranh địa giới hành chính :
Loại tranh chấp này thường xảy ra giữa 2 tỉnh, 2
huyện, 2 xã với nhau tập trung ở những nơi có vị trí quan trọng trong
việc phát triển kinh tế, văn hoá, bên cạnh những vị trí dọc theo triền
sông, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là
vị trí quan trọng. Các tranh chấp có thể diễn ra ở những nơi có tài
nguyên thiên nhiên quý, hiếm, nơi có nguồn lâm thổ sản có giá trị lớn.
Khi Nhà nước tiến hành phân tách các đơn vi hành chính tỉnh, huyện, thị
xã, xã mới thì tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính diễn
ra ở nhiều địa phương trên cả nước v.v…
Về thực trạng tố cáo liên quan đến đất đai hiện nay thường thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau :
+ Thứ nhất, TC cán bộ lợi dụng chức vụ,
quyền hạn và lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để bao chiếm
ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với chương trình trồng rừng,
các dự án phát triển khu dân cư, các dự án tái định cư.
+ Thứ hai, TC cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc
thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, như : giao đất; cho thuê
đất; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất; không thực hiện đăng trình tự, thủ tục thu hồi đất, đền
bù, hỗ trợ.
+ Thứ ba, TC UBND giao đất trái thẩm
quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy
hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp
luật.
+ Thứ tư, TC hành vi gian lận trong
việc lập phương án bồi thường về đất đai để tham ô, như lập hai phương
án bồi thường (cho người có đất bị thu hồi riêng, để thanh toán với Nhà
nước riêng).
+ Thứ năm, TC hành vi trục lợi về đất
đai thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây
dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp với thực tế,
gây xáo trộn không cần thiết đối với đời sống nhân dân.
Tình trạng khiếu kiện về đất đai nêu trên bắt nguồn
từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó chủ yếu
là do các nguyên nhân cơ bản sau:
+ Một là, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm cho nhu cầu sử dụng đất tăng lên, thúc đẩy giá đất tăng cao.
+ Hai là, do nhận thức của người dân về
sở hữu đất đai không đồng nhất với quy định của pháp luật; vẫn còn tồn
tại các phong tục, tập quán truyền thống, hương ước, luật tục với những
quy định lạc hậu về sở hữu đất đai chưa được loại bỏ đã "ăn sâu, bám rễ"
trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng vốn ít có điều kiện tiếp xúc
với pháp luật. Trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng (đặc biệt là
những người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc người
dân có trình độ học vấn thấp) vẫn tồn tại quan niệm đất đai là của ông
cha, tổ tiên để lại. Hoặc cũng có một số người dân quan niệm rằng đất
đai là của Nhà nước nhưng khi Nhà nước đã giao cho sử dụng ổn định lâu
dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì là của họ. Chính vì
nhận thức không đúng này nên trong điều kiện kinh tế thị trường, đất đai
ngày càng trở lên có giá thì tình trạng đòi lại đất của ông cha ngày
càng gia tăng.
+ Ba là, do việc cho thuê, cho mượn,
cầm cố đất đai trong nội bộ nhân dân, việc đưa đất đai, lao động vào các
tập đoàn sản xuất, các nông, lâm trường, không có hoặc không lưu giữ
được các tài liệu, sổ sách; việc trưng dụng, trưng thu, trưng mua, thu
hồi đất không có quyết định, chưa bồi thường hoặc đã bồi thường nhưng
không lưu giữ giấy tờ, hồ sơ nên không có cơ sở để xác định khi diễn ra
tranh chấp.
+ Bốn là, Luật Đất đai, Bộ Luật Tố tụng
dân sự, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ
án hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất. Chính sách,
pháp luật về đất đai chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường, đặc biệt
là chính sách tài chính đất đai chưa điều tiết hoặc đã điều tiết, phân
phối nhưng chưa hợp lý phần giá trị tăng thêm mang lại từ đất khi sử
dụng đất cho các dự án đầu tư như trong công tác thu hồi đất, bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi..
+ Năm là, công tác giải quyết
tranh chấp, khiếu kiện đất đai ở một số nơi còn dựa vào cảm tính chủ
quan, nể nang, chưa đúng pháp luật và thiếu công bằng.
Công tác xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng
đất tại Tòa án còn bộc lộ những hạn chế, lúng túng nhất định khi áp
dụng pháp luật về đất đai, pháp luật dân sự, đường lối chính sách của
Nhà nước về đất đai trong từng giai đoạn lịch sử dẫn đến một số bản án,
quyết định của Tòa án còn chưa thật sự chính xác thiếu khách quan. Chất
lượng xét xử của Tòa án trong một số vụ chưa cao, có vụ án phải xét xử
đi xét xử lại nhiều lần, kéo dài; có những vụ án có sai lầm trong áp
dụng pháp luật, cấp trên phải sửa đổi hoặc hủy bản án, quyết định của
Tòa án cấp dưới. .
Công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về
đất đai ở các địa phương nhìn chung hiệu quả chưa cao, thiếu kịp thời,
chưa dứt điểm còn để tồn đọng nhiều đơn thư chưa giải quyết.
Từ thực trạng nêu trên, thiết nghĩ cần phải thực hiện
đồng bộ nhiều giải pháp cả cấp bách và lâu dài trong đó các giải pháp
cơ bản sau đây để góp phần giải quyết hiệu quả hơn các tranh chấp, khiếu
kiện về đất đai :
1. Về công tác xây dựng, tuyên truyền pháp luật :
- Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra các
văn bản quy phạm pháp luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật có
liên quan nhằm phát hiện các quy định mâu thuẫn, không phù hợp để kịp
thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về
đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan.
- Cần sửa đổi một cách cơ bản Luật đất đai hiện hành,
khắc phục những vướng mắc giữa lý luận và thực tế về vấn đề sở hữu đất
đai, giá đất, vấn đề thu hồi, đền bù thiệt hại về đất đai khi thực hiện
các dự án đầu tư, sao cho có sự hài hoà về lợi ích giữa Nhà nước, người
sử dụng đất và nhà đầu tư.
- Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sao cho thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
2. Về công tác tổ chức – cán bộ : Cần tăng
cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố lại công tác quản lý và sử dụng đất
đai từ trung ương đến địa phương; tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên
sâu về kiến thức,
kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời chú trọng hơn đến công tác rèn luyện
phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất
đai và giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
3. Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm :
- Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về quản
lý, sử dụng đất đai, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai
phạm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm;
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh
chấp, khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất đai; đồng thời đẩy mạnh
công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm giải quyết tranh
chấp, khiếu kiện của các cơ quan có thẩm quyền.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THANH TRA CHÍNH PHỦ (CHƯA CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ)
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment