TRÙNG KHÁNH
Sau 10 năm chờ
nhận nhà trúng đấu giá, đương sự chỉ được hoàn trả tiền gốc cộng tiền
lãi theo lãi suất ngân hàng. Gần mười năm nay, bà LTA (ngụ phường 4, TP
Cà Mau) ăn ngủ không ngon vì bận lo nghĩ về căn nhà đã trúng đấu giá
nhưng đến giờ vẫn không thấy “mặt mũi” đâu.
10 năm chưa được giao nhà
Tháng 9-1999, theo thông tin trên báo, bà A. tham gia
mua đấu giá một căn nhà tại trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh.
Kết quả, bà A. trúng đấu giá với giá trị căn nhà hơn 300 triệu đồng.
Hơn một tháng sau, bà đã đóng đủ số tiền trên cho trung tâm theo hợp
đồng.
Căn nhà mà bà A. mua vốn thuộc sở hữu của bà H. (tỉnh
Cà Mau). Bà H. nợ tiền của một người khác và vụ việc được đưa đến tòa.
Tháng 10-1997, TAND thị xã Cà Mau đã ra quyết định hòa giải thành theo
hướng bà H. phải trả cho chủ nợ gần 70 triệu đồng. Tháng 4-1998, do đến
hạn mà bà H. không tự nguyện thi hành án nên Đội Thi hành án thị xã Cà
Mau đã ra quyết định kê biên, bán đấu giá căn nhà của bà H.
Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, bà A. yên tâm chờ
được giao nhà. Tuy nhiên, nhiều năm nay bà vẫn không nhận được căn nhà
trên. Bà A. đã nhiều lần liên hệ, hối thúc Đội Thi hành án thị xã thực
hiện hợp đồng nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu với lý do “chưa có
quyết định của phòng thi hành án và cần chờ ý kiến chỉ đạo của cấp
trên”. Thì ra phía bà H. đã khiếu nại việc chấp hành viên phụ trách thi
hành án đã tiến hành các thủ tục không đúng quy định, định giá nhà bà
thấp… Đến tháng 11-2003, vì chưa giao được nhà cho bà A. nên Thi hành án
dân sự TP Cà Mau đã gửi vào ngân hàng số tiền nhận được từ bà A.
Chỉ được nhận lại vốn + lãi ngân hàng
Trong suốt gần 10 năm, việc thi hành án của bà H. đã
được nhiều cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương ra văn bản trả lời
hoặc chỉ đạo. Do vậy, việc giao nhà cho bà A. cũng bị “treo” theo.
Đến tháng 9-2008, đoàn thanh tra thuộc Bộ Tư pháp đã
công bố bản kết luận thanh tra việc thi hành án trên. Theo đó, Thi hành
án dân sự TP Cà Mau đã mắc ba sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thi
hành quyết định hòa giải thành liên quan đến bà H. Đoàn thanh tra đã
kiến nghị Thi hành án TP Cà Mau hủy quyết định thi hành án trước đó để
ra quyết định mới, đồng thời phải có biện pháp bảo đảm quyền lợi vật
chất chính đáng của người mua nhà đấu giá là bà A.
Căn cứ vào đó, ngày 18-3-2009, hội đồng xét giải
quyết bồi thường thiệt hại gồm đại diện các cơ quan chuyên môn của TP Cà
Mau đã lập biên bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho bà A. Hội đồng
đưa ra hướng giải quyết bồi thường theo lãi suất cơ bản 7% do Ngân hàng
nhà nước Việt Nam công bố ngày 23-1-2009. Cụ thể, bà A. được hoàn trả
hơn 606 triệu đồng gồm có hơn 300 triệu đồng tiền vốn cộng hơn 301 triệu
đồng tiền lãi trong vòng 10 năm. Cho rằng cách xử lý này không thỏa
đáng, bà A. đã đề nghị được bồi thường theo giá trị căn nhà, đất cùng vị
trí tại thời điểm bồi thường.
Tuy nhiên, Thi hành án dân sự TP Cà Mau vẫn quyết
định bảo lưu quan điểm bồi thường đã nêu ở trên. Cơ quan này còn hướng
dẫn “nếu không chấp nhận, bà A. được quyền yêu cầu tòa án xác định mức
bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM:Phải định giá nhà để có cơ sở bồi thườngĐối với giao dịch dân sự về nhà, đất thì không thể xác định mức bồi thường thiệt hại theo lãi suất ngân hàng. Theo tôi, Thi hành án TP Cà Mau có thể tham khảo Nghị quyết số 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để giải quyết trường hợp cụ thể của bà A. Nếu hợp đồng bán đấu giá nhà trước đây không có thỏa thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại để bảo đảm thực hiện hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị nhà, đất thời điểm mua do các bên thỏa thuận với giá trị tại thời điểm xét bồi thường. Nếu các đương sự không thỏa thuận được thì tòa án yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá.Như vậy, thay vì chỉ được thanh toán giá vốn + lãi suất, bà A. phải được thanh toán giá vốn + khoản tiền chênh lệch giữa giá vốn với giá trị căn nhà mua hụt tại thời điểm bồi thường.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment