HOÀNG LAM
Tháng 8-2008, khi đi bộ
đến chỗ làm việc, anh Nguyễn Đình Lộc (huyện Bến Cát, Bình Dương) bị
một xe cuốc đất đụng. Anh bị gãy kín nửa dưới hai xương cẳng chân phải,
gãy khung xương chậu và viêm phúc mạc do vỡ đại tràng.
Anh Lộc phải nhiều lần đến bệnh viện ở Bình Dương và
TP.HCM để điều trị, phẫu thuật, tổng chi phí điều trị đã hơn 70 triệu
đồng. Tuy nhiên, người gây tai nạn chỉ mới bồi thường cho anh chưa đến
10 triệu đồng. Anh yêu cầu được giám định thương tật để có cơ sở xử lý
hình sự người gây tai nạn nhưng cơ quan chức năng chưa chấp thuận.
Tháng 3-2009, Công an thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương)
có công văn cho biết sẽ giám định khi thương tích của anh Lộc thực sự
bình phục. Hiện tại anh vẫn đang điều trị nên không thể xác định tỷ lệ
thương tật và “chưa đủ căn cứ xử lý người gây tai nạn bằng pháp luật
hình sự hay hành chính”.
Theo luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn luật sư
TP.HCM), hướng xử lý trên của Công an thị xã Thủ Dầu Một chưa ổn thỏa vì
có thể vô tình giúp người gây tai nạn được nhẹ tội và giảm trách nhiệm
bồi thường. Theo Điều 14 Quyết định 18 ngày 5-1-2007 của Bộ Công an về
quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan công
an có thể ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án dựa vào tỷ lệ
thương tật tạm thời. sau khi thu thập đầy đủ giấy chứng thương của bệnh
viện, đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông cần đối chiếu các quy định
liên quan để sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của người bị nạn.
Kết quả sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật là căn cứ để ra quyết
định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y
tỉnh Đồng Nai, cho biết không nên chờ nạn nhân thực sự bình phục mới
tiến hành giám định vì thời gian chờ bình phục trong nhiều trường hợp có
thể sẽ rất lâu. Nạn nhân điều trị tại cơ sở y tế sẽ được cấp giấy chứng
nhận thương tích (gọi là y chứng). Có y chứng, nạn nhân cần đề nghị cơ
quan điều tra cho tiến hành giám định tỷ lệ thương tật. Cơ quan điều tra
buộc phải ra quyết định trưng cầu giám định pháp y. Tiếp đó, nạn nhân
đem y chứng, quyết định trưng cầu giám định đến trung tâm giám định pháp
y. Trung tâm sẽ xem xét thương tích trên người nạn nhân, thực hiện các
kiểm tra như chụp X-quang, đo điện não, siêu âm các bộ phận trên cơ thể…
để đối chiếu với y chứng. Sau khi có kết quả kiểm tra, một hội đồng
giám định được thành lập để tính tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần
trăm. Đây là tỷ lệ thương tật tạm thời và là cơ sở để cơ quan điều tra
xử lý người gây tai nạn.
Luật đã rõ và cách thực hiện cũng đã thông. Vậy mà đã
chín tháng qua, anh Lộc phải dùng nạng để đi lại mà vẫn chưa được giám
định thương tích. Đề nghị Công an thị xã Thủ Dầu Một sớm xem xét, giải
quyết lại vụ việc để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của anh Lộc.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment