TS. TRỊNH QUỐC TRUNG
Mục tiêu các hoạt động
sáp nhập, hợp nhất và mua bán lại (M&A) trong lĩnh vực tài chính –
ngân hàng có thể là để tối đa hóa lợi nhuận, đa dạng hóa và giảm rủi ro
cho chủ sở hữu, hoặc gia tăng các lợi ích cho các nhà quản trị, cũng như
có thể xuất phát từ mục tiêu của chính phủ nhằm tái cơ cấu lại hệ thống
trong các cuộc khủng hoảng. Thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng
(TCTD) ngân hàng và phi ngân hàng tại Việt Nam cho thấy, hoạt động
M&A đã từng được thực hiện vào những năm đầu của thập niên 90 của
thế kỉ XX sau cuộc đổ bể của các hợp tác xã tín dụng (HTXTD).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các cam kết của
Việt Nam khi gia nhập WTO và các thỏa thuận thương mại song phương và
đa phương khác thì trong hoạt động M&A có liên quan đến các TCTD cần
phải được thực hiện trong một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hoàn thiện và
có cơ sở khoa học.
1- THỰC TRẠNG M&A HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI
Sau bốn năm liên tục gia tăng, FDI toàn cầu đã tăng
khoảng 30% trong năm 2007 đạt mức 1.833 tỉ USD. Mặc dù có các cuộc khủng
hoảng tài chính và tín dụng bắt đầu vào nửa đầu 2007 nhưng cả ba nhóm
nước chính – các nước phát triển, các nước đang phát triển và các nền
kinh tế chuyển đổi tại Đông Âu và CIS vẫn tiếp tục gia tăng dòng vốn
vào. Tuy nhiên, vốn FDI vào các nước phát triển vẫn đạt 1.248 tỉ USD mà
chủ yếu là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada và Hà Lan với nguồn vốn chủ yếu đến
từ EU (chiếm khoảng 2/3).
Dòng vốn FDI toàn cầu gia tăng mạnh đã có sự đóng góp
đáng kể của hoạt động M&A xuyên biên giới. Trong năm 2007, giá trị
của các giao dịch M&A đạt 1.637 tỉ USD – cao hơn 21% so với mức kỷ
lục trước đó vào năm 2000 (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Giá trị các vụ M&A xuyên biên giới giai đoạn 1998 – 2008 (tỉ USD)
Nguồn: UNCTAD (dữ liệu 2008 tính đến tháng 6/2008)
Nhìn chung, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt
đầu với khủng hoảng nhà đất dưới chuẩn tại Hoa Kỳ đã không có tác động
xấu rõ rệt đến hoạt động M&A trên toàn cầu trong năm 2007. Cuối năm
2007, đã có những vụ M&A lớn với giá trị hàng tỉ USD xảy ra bao gồm
vụ tập đoàn Royal Bank for Scotland, Fortis và Santander mua lại
ABN-AMRO Holding NV với giá 98 tỉ USD đã làm cho hoạt động M&A xuyên
quốc gia đạt mức kỷ lục (Bảng 1) với số lượng các vụ M&A vào năm
2007 đạt 10.145 trường hợp (chỉ tính những giao dịch có giá trị trên 10%
vốn cổ phần). Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng hiện tại đã dẫn đến cuộc
khủng hoảng thanh khoản trên các thị trường tiền tệ và thị trường nợ tại
nhiều quốc gia phát triển đã làm cho các hoạt động M&A bắt đầu suy
giảm trong năm 2008, đặc biệt là các giao dịch LBO (Leverage Buyout) –
thường liên quan đến các quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity Fund).
Bảng 1 – Các vụ M&A trị giá trên 1 tỉ USD giai đoạn 1987 – 2008
Năm Số vụ Tỉ trọng Giá trị (tỉ USD) Tỉ trọng
Nguồn: UNCTAD (dữ liệu 2008 tính đến tháng 6/2008)
Trong giai đoạn 2005 – 2007, hoạt động M&A xuyên
biên giới chủ yếu diễn ra tại các nước phát triển nhưng nhìn chung, chủ
yếu vẫn xảy ra tại các ngành dịch vụ và sản xuất với sự giảm sút của
khối ngành cơ bản từ 17% vào năm 2005 còn 7% vào năm 2007 (Bảng 2) .
Bảng 2 – M&A xuyên biên giới theo lĩnh vực và theo khối kinh tế (tỉ USD)
2- HOẠT ĐỘNG SÁP NHẬP, HỢP NHẤT VÀ MUA LẠI TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG
Hiện nay, việc hợp nhất, sáp nhập, mua lại các ngân
hàng là hiện tượng phổ biến ở các nước mà điển hình nhất là hệ thống
ngân hàng Mỹ. Năm 1985, nước Mỹ có 14.000 ngân hàng thì 10 năm sau chỉ
còn 11.500 ngân hàng và trung bình trong thập niên 80 mỗi năm có 355 vụ
M&A và thập niên 90 là gần 400 nhưng lý do dẫn đến việc sáp nhập,
hợp nhất và mua lại có sự khác nhau nhất định của từng quốc gia.
Sau cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất tại Hoa Kỳ nổ
ra vào giữa năm 2007, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng trên
thế giới xảy ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Tại Hoa Kỳ, từ đầu năm
2009 đến đến 6/6/2009, đã có 37 ngân hàng buộc phải đóng cửa và phải bán
tài sản của mình so với 25 ngân hàng bị đóng cửa trong năm 2008. Tính
đến hết quý 1/2009, FDIC đã đưa trên 300 ngân hàng Hoa Kỳ vào diện “có
vấn đề” so với 252 ngân hàng vào quý 4/2008 – cao hơn 21% so với cùng kỳ
năm 2008 và cao nhất trong 15 năm. Trong năm 2009, vụ sụp đổ lớn nhất
là ngân hàng Bank United vào ngày 21/5 được giải quyết theo hình thức
bán cho các nhà đầu tư tư nhân và vẫn hoạt động với tên gọi cũ.
2.1. Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng ở các nước phát triển
Các ngân hàng ở những quốc gia này đã phát triển đến
mức bão hòa với qui luật lợi nhuận giảm dần nên doanh thu, lợi nhuận
cũng giảm do đó chúng đã sáp nhập, hợp nhất và mua lại lẫn nhau nhằm cắt
giảm chi phí, mở rộng mạng lưới hoạt động, bổ sung, đa dạng hoá sản
phẩm, tăng cường qui mô kinh doanh cũng như lợi thế cạnh tranh đáp ứng
với xu thế phát triển của nền kinh tế khu vực hoá và quốc tế hoá.
Ví dụ, tại Mỹ thời gian qua đã có nhiều cuộc sáp nhập
do những lý do như: (1) Các ngân hàng Mỹ đã cho vay các nước đang phát
triển quá nhiều nên nguy cơ thiếu vốn gia tăng; (2) Sự khác biệt về luật
pháp làm cho nguồn dự trữ của hệ thống dự trữ liên bang không lớn; (3)
Mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng Mỹ không lớn do các hạn chế về mở
chi nhánh ở các bang khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, tùy thuộc vào qui
mô của các ngân hàng mà lý do sáp nhập cũng khác nhau.
Đối với các ngân hàng lớn
Lý do quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động
và gia tăng qui mô kinh doanh nhờ việc sáp nhập, hợp nhất sẽ tăng vốn
huy động, tăng vốn điều lệ và giới hạn cho vay từng khách hàng đơn lẻ.
Ngoài ra cũng có thể để đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ kinh doanh, tăng
uy tín của ngân hàng hoặc tiết kiệm chi phí thành lập chi nhánh.
Đối với các ngân hàng nhỏ
Các ngân hàng nhỏ sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại cho
những ngân hàng lớn vì thiếu vốn điều lệ theo luật hoặc tránh phá sản
hoặc để tối đa hoá lợi ích của các cổ đông. Ngoài ra, các ngân hàng nhỏ
cũng có thể tiến hành sáp nhập, hợp nhất để thành một ngân hàng lớn hơn.
2.2. Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng ở các nước đang phát triển
Tại các quốc gia đang phát triển hoặc chuyển đổi, hệ
thống ngân hàng hầu như còn rất non trẻ, nên qui mô không lớn, kinh
nghiệm kinh doanh chưa nhiều, sản phẩm còn nghèo nàn, luật lệ kinh doanh
chưa rõ ràng, đầy đủ nên lý do dẫn đến việc sáp nhập, hợp nhất các ngân
hàng ở các nước chủ yếu là do chính phủ muốn sắp xếp, củng cố hệ thống
ngân hàng nhằm tăng cường qui mô vốn, an toàn trong kinh doanh ngân hàng
như các nước Nga, Bungari, các nước Đông Nam Á sau khủng hoảng tài
chính tiền tệ 1997.
Việt Nam cũng đang tiến hành đồng thời hai cuộc cải
cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển đó là cải cách các doanh
nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống ngân hàng với nhiều biện pháp khác
nhau. Theo đó, một trong những biện pháp quan trọng là thực hiện việc
M&A đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nhằm hình
thành những ngân hàng lớn, đủ sức cạnh tranh trong tương lai khi Việt
Nam gia nhập AFTA và WTO, đồng thời tránh sự lập lại của cuộc đổ bể tín
dụng vào những năm 1989-1990 (Bảng 3).
3- KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO M&A TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM
3.1. Các qui định chung về M&A
Tại Việt Nam, qui định của Nhà nước liên quan đến
hoạt động M&A được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp luật khác
nhau như Bộ Luật Dân sự; Luật Cạnh tranh 2004; Luật Doanh nghiệp 2005;
Luật Chứng khoán 2006; Luật Đầu tư 2005.
Do chịu sự điều tiết của nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên hoạt động M&A vẫn tồn tại những cách hiểu khác nhau:
- Luật Cạnh tranh 2004, hoạt động M&A được xem là hành vi tập trung kinh tế thuộc nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh;
- Luật Doanh nghiệp 2005, hoạt động M&A được xem là hành vi “tổ chức lại doanh nghiệp”;
- Luật Đầu tư 2006 lại xuất phát từ việc phân loại
đầu tư trực tiếp (nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động
đầu tư) và đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ
phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng
khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư
không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, việc M&A có lúc được xem là hoạt động
đầu tư trực tiếp (Điều 21) nhưng có khi lại được xem là hoạt động đầu tư
gián tiếp (Điều 26). Việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức đầu tư
gián tiếp phải tuân thủ các qui định pháp luật về ngân hàng, chứng khoán
và các qui định khác của pháp luật có liên quan (Điều 76).
Để kiểm soát quá trình M&A nhằm đảm bảo hoạt động
này không dẫn đến tình trạng hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn đủ
lớn có khả năng khống chế thị trường dẫn đến thiệt hại cho người tiêu
dùng, các doanh nghiệp khác cũng như Nhà nước, Luật Cạnh tranh 2004 chỉ
kiểm soát hoạt động M&A dựa trên cơ sở xem xét qui mô kiểm soát thị
trường của doanh nghiệp sau khi thực hiện hoạt động M&A. Cụ thể như
sau:
- Đối với các trường hợp trong đó, thị phần kết hợp
trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia dưới 30% hoặc
trường hợp doanh nghiệp hình thành sau khi thực hiện tập trung kinh tế
vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì
các doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế mà không cần phải thực
hiện thủ tục thông báo bắt buộc cho Cục Quản lý cạnh tranh (có vốn đăng
ký dưới 10 tỉ đồng và dưới 300 lao động – Nghị định số 90/2001/NĐ-CP).-
Đối với các trường hợp trong đó, thị phần kết hợp trên thị trường liên
quan của các doanh nghiệp tham gia từ 30% đến 50% thì các doanh nghiệp
được tiến hành tập trung kinh tê, tuy nhiên, đại diện hợp pháp của các
doanh nghiệp đó phải thực hiện thủ tục thông báo cho Cục Quản lý cạnh
tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế theo hồ sơ thông báo tập
trung kinh tế do Cục Quản lý cạnh tranh ban hành.
- Đối với các trường hợp trong đó, thị phần kết hợp
trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia chiếm trên 50%
trên thị trường liên quan và doanh nghiệp hình thành sau hoạt động tập
trung kinh tế không thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của
pháp luật (Điều 18, Luật Cạnh tranh) thì không được chấp thuận.
Tuy nhiên, các vụ M&A thuộc diện bị cấm cũng có
thể được xem xét và miễn trừ trong hai trường hợp: (i) Một hoặc nhiều
bên tham gia hoạt động M&A đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm
vào tình trạng phá sản; hoặc (ii) Việc M&A có tác dụng mở rộng xuất
khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công
nghệ (Điều 19, Luật Cạnh tranh).
Áp dụng các qui định của Luật cạnh tranh trong việc
xác định thị phần đối với các TCTD nếu muốn tham gia vào hoạt động
M&A sẽ được tính toán (Điều 12 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày
15/9/2005 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Cạnh tranh) như sau :
Doanh thu để xác định thị phần của TCTD được tính
bằng tổng các khoản thu nhập sau đây: (1) Thu nhập tiền lãi. (2) Thu
nhập phí từ hoạt động dịch vụ. (3) Thu nhập từ hoạt động kinh doanh
ngoại hối. (4) Thu nhập từ lãi góp vốn, mua cổ phần. (5) Thu nhập từ
hoạt động kinh doanh khác. (6) Thu nhập khác.
Trường hợp ngoại lệ, nếu TCTD mua lại doanh nghiệp
khác nhằm mục đích bán lại trong thời gian dài nhất là 01 năm sẽ không
bị coi là tập trung kinh tế nếu doanh nghiệp mua lại không thực hiện
quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại hoặc thực hiện
quyền này chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó
(Điều 35 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP).
3.2. Qui định đặc thù cho hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng
Đối với hoạt động M&A giữa các TCTD Việt Nam
Theo Điều 3 và 19 Quyết định 241/1998/NHNN5 do Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành Qui chế sáp nhập, hợp nhất, mua lại
TCTD cổ phần Việt Nam có qui định:
- Các TCTD cổ phần đang hoạt động bình thường, nhưng
tự nguyện xin sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại TCTD cổ phần khác để thành
một TCTD cổ phần có quy mô lớn hơn, hoạt động an toàn hơn và có mức vốn
điều lệ lớn hơn.
Các TCTD cổ phần được đặt trong tình trạng kiểm soát
đặc biệt hoặc không đủ mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Nhà
nước hoặc hoạt động yếu kém có thể tự nguyện xin sáp nhập, hợp nhất hoặc
mua lại theo quy định. Trong trường hợp các TCTD cổ phần này không thể
thực hiện theo hình thức tự nguyện và có nguy cơ đổ vỡ, Ngân hàng Nhà
nước sẽ quyết định thu hồi giấy phép hoạt động (TCTD cổ phần phải giải
thể, nếu có khả năng thanh toán hết nợ hoặc phá sản theo luật định) hoặc
bắt buộc TCTD cổ phần phải sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại và chỉ định
TCTD khác mua lại. Trường hợp xử lý bắt buộc được thực hiện khi có ý
kiến đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan và được Chính
phủ chấp thuận.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia M&A với các ngân hàng Việt Nam
Theo Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/ 2007 của
Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương
mại Việt Nam: Các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần của các ngân
hàng Việt Nam (ngân hàng thương mại nhà nước được cổ phần hóa và ngân
hàng thương mại cổ phần) với một số qui định sau:
- Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài:
+ Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước
ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) và người có liên quan của
các nhà đầu tư nước ngoài đó không vượt quá 30% vốn điều lệ của một
ngân hàng Việt Nam.
+ Mức sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài
không phải là TCTD nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước
ngoài đó không vượt quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
+ Mức sở hữu cổ phần của một TCTD nước ngoài và người
có liên quan của TCTD nước ngoài đó không vượt quá 10% vốn điều lệ của
một ngân hàng Việt Nam.
+ Mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước
ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó
không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.
- Điều kiện để ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài:
+ Vốn điều lệ tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng;
+ Có tình hình tài chính lành mạnh, đáp ứng các điều kiện liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
+ Có bộ máy quản trị, điều hành, hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả;
+ Không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt do vi phạm
các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 24
tháng đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét.
- Điều kiện của TCTD nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam:
+ Có tổng tài sản Có tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ vào năm trước năm đăng ký mua cổ phần.
+ Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
+ Được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp
hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình
thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều
hướng không thuận lợi.
- Điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phần
của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường chứng khoán: Khi ngân hàng
Việt Nam niêm yết chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần
của ngân hàng Việt Nam theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và
thị trường chứng khoán và phải tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định
như trên.
- Điều kiện tham gia quản trị tại ngân hàng Việt Nam:
+ Một TCTD nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại một ngân hàng Việt Nam.
+ Một TCTD nước ngoài chỉ được tham gia Hội đồng quản trị tại không quá hai ngân hàng Việt Nam.
4- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT VÀ KIẾN NGHỊ
4.1 Tiêu chí sử dụng để tính toán thị phần của các ngân hàng Việt Nam
Vấn đề cần giải quyết
Theo chúng tôi, qui định hiện hành về cách tính thị
phần của TCTD dựa trên doanh thu từ hoạt động bao gồm thu nhập tiền lãi;
thu nhập từ hoạt động dịch vụ; thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại
hối; thu nhập từ lãi góp vốn, mua cổ phần và thu nhập từ hoạt động kinh
doanh khác là không hợp lý vì:
- Thu nhập của một ngân hàng từ hoạt động của mình
không trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của ngân hàng đó trên
thị trường mà chỉ thể hiện tính hiệu quả của hoạt động cung ứng sản
phẩm, dịch vụ ra thị trường cùng với năng lực quản lý, điều hành hiệu
quả hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro của ngân hàng đó.
- Xuất phát từ bản chất tài chính của sản phẩm, dịch
vụ do các ngân hàng cung cấp nên việc sử dụng thu nhập để tính thị phần
sẽ không thể hiện được mức độ khống chế về mức độ cung ứng và kiểm soát
thị trường trong khi điều này lại là một trong các lý do quan trọng của
việc kiểm soát hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng
nói riêng.
Ngoài ra, trong điều kiện thông tin chưa đủ minh bạch
ở thị trường ngân hàng Việt Nam hiện nay, trong trường hợp các ngân
hàng Việt Nam muốn tính toán kế hoạch M&A có vi phạm qui định về tập
trung kinh tế hay không cũng khó có thể thực hiện được.
Kiến nghị
Theo chúng tôi, khi xác định thị phần để quyết định
tỉ lệ tập trung thị trường khi quyết định chấp thuận hay từ chối một vụ
M&A nên sử dụng chỉ số cho thấy tốt nhất về năng lực cạnh tranh
tương lai của doanh nghiệp. Ví dụ như có thể sử dụng doanh số bán nếu
phân biệt các doanh nghiệp chủ yếu bằng sự khác biệt của các sản phẩm,
hoặc sử dụng đơn vị hàng hóa tiêu thụ nếu sự phân biệt giữa họ chủ yếu
dựa trên lợi thế tương đối của các doanh nghiệp trong việc phục vụ các
khách hàng hoặc nhóm khách hàng khác nhau.
Do đó, đối với qui định sử dụng doanh thu để xác định
thị phần (Nghị định số 116/2005/NĐ-CP) của các TCTD chưa phản ánh đúng
bản chất của sự tập trung trong hoạt động ngân hàng mà nên sử dụng kết
hợp các tiêu chí sau:
- Tỉ trọng tiền gửi/tổng tiền gửi của toàn ngành;
- Tỉ trọng tín dụng/tổng tín dụng của toàn ngành;
- Tỉ trọng thu nhập từ lãi suất/tổng thu nhập lãi suất của toàn ngành;
Mặt khác, khi tính toán mức độ tập trung, Việt Nam có
thể xem xét sử dụng hệ số HHI để tính toán sẽ có ý nghĩa hơn về mặt
thực tiễn thay vì chỉ cộng dồn thị phần của các tổ chức có liên quan mà
không xét đến yếu tố trọng số liên quan.
Ngoài ra, khi Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý cạnh
tranh xem xét hoạt động M&A giữa các TCTD có thể sử dụng bất kỳ tiêu
chí liên quan đến bất kỳ hoạt động nào của các TCTD nhằm tránh việc dẫn
đến sự suy giảm cạnh tranh trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài
chính ra thị trường dưới mọi góc độ.
4.2. Việc M&A giữa một ngân hàng Việt Nam và một TCTD phi ngân hàng
Vấn đề cần giải quyết
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật chưa đề cập đến
việc M&A giữa một ngân hàng Việt Nam và một TCTD phi ngân hàng, ví
dụ như giữa một ngân hàng Việt Nam (ngân hàng A) và một công ty cho thuê
tài chính (công ty B) tại một địa phương cụ thể (tỉnh X) mà nơi đó đã
có sự hiện diện của chi nhánh hoặc công ty cho thuê tài chính của chính
ngân hàng này và chỉ có họ mà thôi.
Điều cần lưu ý là các TCTD phi ngân hàng cũng cung
cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng tương tự như các ngân hàng nhưng
không đầy đủ và đa dạng bằng. Do đó, nếu đứng trên phạm vi toàn quốc thì
trường hợp xảy ra M&A giữa hai tổ chức nói trên có thể sẽ không vi
phạm qui định về tập trung kinh tế theo pháp luật hiện hành.
Như vậy, rõ ràng là sau khi vụ M&A diễn ra thì
khách hàng có nhu cầu sử dụng các nghiệp vụ của công ty B chắc chắn sẽ
không còn nhận được các sản phẩm, dịch vụ và điều kiện như cũ nữa vì
trên địa bàn X chỉ còn duy nhất một đơn vị cung ứng loại sản phẩm, dịch
vụ này là ngân hàng A. Điều này có nghĩa là hoạt động M&A giữa ngân
hàng A và công ty B diễn ra đã gây phương hại đến hoạt động cạnh tranh
tại địa phương X.
Kiến nghị
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là cơ quan
quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng cần ban hành qui định về vấn đề
này như sau:
- Các bên có liên quan phải đảm bảo sau khi tiến hành
M&A giữa ngân hàng A và công ty B tại địa phương X (như ví dụ ở
trên) không được làm xấu đi hiện trạng về việc cung ứng sản phẩm tài
chính đang được cung cấp tại địa bàn như về chủng loại sản phẩm, giá cả,
điều kiện tiếp cận trừ khi đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới – chưa
được cung cấp tại đây;
- Trong trường hợp người sử dụng sản phẩm dịch vụ của
công ty B hoặc ngân hàng A tại địa phương X khiếu nại và chứng minh
được việc M&A giữa ngân hàng A và công ty B đã dẫn đến thiệt hại của
mình thì ngân hàng A và công ty B phải chịu sự xử lý của pháp luật vì
đã vi phạm qui định về cạnh tranh.
4.3. Giới hạn về mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng
Vấn đề cần giải quyết
Hiện nay, đang tồn tại tình trạng không thống nhất về
cơ sở tính toán mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng giữa Luật
Cạnh tranh và Nghị định số 69/2007/NĐ-CP.
Cụ thể là Luật Cạnh tranh qui định giới hạn mức độ
tập trung trong lĩnh vực ngân hàng dựa trên thị phần, trong khi theo
Nghị định số 69/2007/NĐ-CP lại qui định giới hạn về mức độ tập trung
trong lĩnh vực ngân hàng căn cứ trên vốn điều lệ.
Kiến nghị
Nhằm đảm bảo tính nhất quán trong qui định của pháp
luật và tạo điều kiện dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân trong nước cũng
như nước ngoài tham gia vào hoạt động M&A và việc quản lý hoạt động
này đối với các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, theo chúng tôi, cần sửa đổi qui
định trong Nghị định số 69/2007/NĐ-CP theo Luật Cạnh tranh.
4.4. Một số vấn đề khác
Qui định hiện hành của Việt Nam liên quan đến hoạt
động M&A trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn một số vấn đề chưa được
qui định liên quan đến một số tình huống sau:
- Hoạt động M&A của TCTD phi ngân hàng nước ngoài và ngân hàng Việt Nam;
- Hoạt động M&A giữa các TCTD Việt Nam không phải là ngân hàng;
- Ngân hàng Việt Nam niêm yết ở nước ngoài;
- TCTD nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn tại hai ngân hàng Việt Nam trở lên;
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần bổ sung thêm
các qui định liên quan đến các vấn đề nói trên để hoạt động M&A
trong lĩnh vực ngân hàng có thể được kiểm soát chặt chẽ và đầy đủ hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Luật Dân sự 2005;
Luật Doanh nghiệp 2005;
Luật Đầu tư 2005;
Luật Cạnh tranh 2004;
Luật Chứng khoán 2006;
Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003;
WIR 2008 của UNCTAD;
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 14 NĂM 2009
0 comments:
Post a Comment