Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG: THANH LÝ HỢP ĐỒNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TẠI NGA TRƯỚC THỜI HẠN, AI BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG?

HẠNH LÊ
Bất đồng quan điểm trong việc bồi thường, 36 lao động (LĐ) từ Nga trở về trước thời hạn đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng là kéo nhau đến trụ sở Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (gọi tắt là Trung tâm) thuộc TCty Thép VN và Cục quản lý LĐ ngoài nước để đòi quyền lợi.
Trong khi đó, tới thời điểm này không thấy Cục quản lý lao động ngoài nước có thêm biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi cho người LĐ ngoài một công văn yêu cầu Trung tâm đẩy nhanh tiến độ thanh lý hợp đồng được ký cách đây hơn 1 tháng. Khi LĐ tập trung đòi quyền lợi tại trụ sở Cty và tại trụ sở của Cục quản lý lao động ngoài nước chiều 28/8 thì Cục cũng chưa có câu trả lời cũng như một hướng giải quyết cụ thể nào trong khi người LĐ đang đặt hết hi vọng vào cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động.
5 tháng XKLĐ = 67 USD
36 LĐ – trong đó, có 34 LĐ là người Bắc Ninh, còn 2 LĐ trú tại Hà Nội ký hợp đồng với Trung tâm sang Nga làm việc cho chủ sử dụng lao động là Công ty APC từ tháng 9/2008. Chi phí cho chuyến đi là 3.000 USD/người. Tuy nhiên, khi sang Nga, NLĐ lại không làm việc cho Cty APC như hợp đồng mà được “chuyền tay” qua hết Cty này sang Cty khác như: Kamaz, Akvaxintez, Kaleri, Prophmarket… Mặt khác, thông tin trên thẻ lao động lại chỉ có vị trí “hoành tráng” như Giám đốc, Trưởng phòng, Tư vấn kinh doanh, nhân viên kinh doanh… chứ không phải thợ xây như hợp đồng lao động. “Cũng chính vì điều này mà NLĐ đã bị cơ quan chức năng Nga truy đuổi 3- 4 lần vì làm việc không đúng chức năng và không đúng địa điểm như thẻ lao động cấp!” – anh Nguyễn Hùng Vĩ – một lao động bức xúc.

Cũng theo hợp đồng, NLĐ được nhận lương từ 450 – 550 USD. Song trong thực tế, ngoài 300 USD được ứng thì tất cả đều không nhận được một đồng lương nào. Theo anh Vĩ, Cty tìm mọi cách bắt lỗi người lao động và trừ lương. Trong đó khoản nặng nhất là bị phạt 1.443 USD do LĐ đã làm hỏng công trình xây dựng biệt thự 5022. Vì vậy, sau 5 tháng làm việc, anh Vĩ – tổ trưởng tổ xây dựng chỉ còn lại… 67 USD. Cùng với hàng loạt lỗi khác, Cty APC đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngày 19/6/2009, tất cả 36 lao động đã về nước trước hạn.
Thanh lý hợp đồng: đẩy lỗi cho người lao động
Sau khi về nước, đại diện LĐ đã liên lạc với Trung tâm để thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, hợp đồng chưa thể thanh lý bởi Trung tâm luôn khẳng định, người LĐ về nước hoàn toàn do lỗi của họ vi phạm đối với chủ sử dụng APC tại Nga. Vì vậy, người lao động sẽ hoàn toàn phải chịu phạt, thậm chí phải chi trả toàn bộ vé về. Trung tâm không thanh lý hợp đồng mà chỉ hỗ trợ khoản tiền nhất định. Ông Đặng Văn Việt – Giám đốc Trung tâm thừa nhận chuyện LĐ không có lương và bị chậm lương là do đối tác phía Nga đã phạt vì một số sai sót trong thiết kế tại công trình 5022. Thế nhưng, theo ông Việt đây là do DN của Nga đã “gài bẫy”, người LĐ đã ký vào biên bản nên Trung tâm không có cách nào đòi lại khoản tiền bị trừ từ Cty APC. Hiện, Trung tâm chỉ thu được khoản phí quản lý 1.000 USD/người và đã mua vé lượt về cho người LĐ hết 600 USD/người nên Trung tâm chỉ có thể trả số tiền còn lại và tiền hỗ trợ LĐ tổng cộng là 500 USD. Trong khi đó, yêu cầu của NLĐ là Trung tâm bồi thường 4.500 USD (trong đó 3.000 USD chi phí ban đầu và 5 tháng tiền lương). Đẩy lỗi về phía người LĐ nhưng những sai phạm trong hợp đồng như người LĐ bị “chuyền” qua nhiều Cty mặc dù ký hợp đồng với APC, thẻ lao động không đúng chức danh và vị trí làm việc, mức lương không đúng như thỏa thuận… thì ông Việt không đưa ra lời giải thích hợp lý. Hơn nữa, Trung tâm hợp tác lao động nước ngoài (TCty Thép) cũng là đơn vị môi giới tại VN. Trung tâm này đã thu của người LĐ 1.000 USD/người được gọi là phí quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế trung tâm này hầu như không có vai trò gì, kể cả việc tuyển chọn, đào tạo người LĐ, thỏa thuận rõ ràng về định mức LĐ với chủ sử dụng tại Nga và bảo vệ quyền lợi của người LĐ khi cần thiết.
Việc người LĐ chịu phạt từ công trình 5022 cũng là điều phi lý. Bởi việc chịu trách nhiệm về kỹ thuật trong công trình xây dựng phải do người giám sát kỹ thuật mà không phải do người LĐ. Trong hợp đồng ký với chủ sử dụng LĐ cũng không có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, Trung tâm môi giới tại VN, mặc dù không đồng ý về quyết định của chủ sử dụng LĐ là Cty APC nhưng cũng không còn cách giải quyết nào hơn. Kết quả là người LĐ phải gánh chịu toàn bộ hậu quả.
Tuy nhiên, khi về nước việc thanh lý hợp đồng gần như giậm chân tại chỗ. Trung tâm không có động thái tích cực để thương lượng, giải quyết dứt điểm. Chỉ đến khi người lao động vạ vật, tập trung đòi quyền lợi tại trụ sở trung tâm thì trung tâm mới đưa ra mức hỗ trợ, chứ không chấp nhận thanh lý hợp đồng.
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code