Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI: THIẾU HỢP ĐỒNG THANH LÝ . . . ĐƯA NHAU RA TÒA

HỮU TUẤN
Hơn 100 tỷ đồng tiền mua bán hàng hoá trong vòng 7 năm mà không hề có hợp đồng thanh lý, chốt nợ là nguyên nhân khiến hai bên phải kéo nhau ra toà…  Toà án Kinh tế, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán giữa Công ty TNHH Daewoo Hanel (Công ty Hanel) và Công ty TNHH Dịch vụ Thảo Anh (Công ty Thảo Anh). Đây là vụ tranh chấp kinh tế khá đặc biệt khi nhà sản xuất kiện ra toà đòi nợ đại lý phân phối sản phẩm.
Từ năm 1998 đến 2005, giữa Công ty Hanel và Công ty TNHH Dịch vụ Thiên Hưng (mà sau năm 2002 là Công ty Thảo Anh) có ký kết hợp đồng mua bán hàng điện tử, điện lạnh do Công ty Hanel sản xuất với giá trị hàng hoá hơn 100 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên về phương thức thanh toán là hàng tháng sẽ quyết toán, cộng sổ sách một lần, một năm sẽ cộng sổ, chốt nợ một lần.
Phương thức thanh toán là không thanh toán theo từng hoá đơn, mà thanh toán trên tổng số tiền hàng bán ra. Cũng từ đây mọi rắc rối bắt đầu nảy sinh. Giữa hai bên đã có hàng chục "thông báo tình hình thanh toán và xác nhận số dư nợ" có ký tên, đóng dấu của ông Đỗ Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Thảo Anh, với các đại diện Công ty Hanel. Đây là những khoản nợ đọng gối đầu sau các giao dịch mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Cho đến ngày 31/8/2005, số công nợ mà hai bên xác nhận với nhau là 1.038.560.213 đồng. Ngày 23/02/2006, Hanel có đơn khởi kiện Công ty Thảo Anh. Đại diện Công ty Hanel, ông Dương Kim Sơn cho rằng, ngoài số tiền nợ trên (tính từ tháng 8/2005 đến tháng 6/2009), bên Thảo Anh phải trả số tiền lãi suất của 46 tháng theo quy định là 418.020.425 đồng. Tuy nhiên, để thể hiện thiện chí, ông Sơn đã đề nghị Công ty Thảo Anh chỉ phải trả số nợ gốc mà không phải trả tiền lãi.

Quan điểm này ngay lập tức bị ông Nghĩa phủ nhận. Ông Nghĩa cho rằng, bản đối chiếu này chỉ mang tính chất tạm thời, không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Và theo sổ sách, hoá đơn của Công ty Thảo Anh cộng dồn từ năm 1998 đến năm 2005 thì phía Hanel còn nợ lại Thảo Anh số tiền là 1.714.499.045 đồng. Ông Nghĩa lý giải, trong số tiền dư ra này là do cứ ngày 15 hoặc ngày 30 hàng tháng trả tiền cho Công ty Hanel sẽ được khuyến khích lãi suất 1,5% và cộng cả số tiền thưởng, hoa hồng cho các đại lý.
Trong vụ án này, nhân vật quan trọng là ông Lê Đức Hiền cũng không có mặt. Ông Hiền nguyên là cán bộ bán hàng trực tiếp theo dõi việc bán hàng cho Công ty Thiên Hưng từ 1998 đến năm 2002. Ông Nghĩa đã tố cáo ông Hiền tự ý lấy mã khách hàng của Công ty Thiên Hưng đem đi bán ở nơi khác, nhưng không nộp về Công ty Hanel. Khoản nợ 1.038.560.213 đồng mà ông Nghĩa ký nhận thuộc về số hàng này.
Ông Hiền khai tại cơ quan điều tra là đã lấy mã hàng của Công ty Thiên Hưng, nhận hàng, mang đi nơi khác tiêu thụ và thu tiền nộp về Công ty Hanel, nhưng đều chuyển hoá đơn về Công ty Thiên Hưng để theo dõi. Đại diện Công ty Hanel cho rằng, trong sổ sách kế toán của Công ty Hanel chỉ thể hiện là Công ty Thiên Hưng thanh toán tiền, chứ không thể hiện ai là người nộp tiền. Các vận đơn liên quan đến số hoá đơn mà cơ quan điều tra xác minh Công ty Hanel hiện không nắm giữ.
Cơ quan điều tra xác định giữa ông Nghĩa và ông Hiền có quan hệ kinh doanh hàng hoá với nhau, nhưng đến nay hai bên vẫn chưa quyết toán với nhau, nên chưa có căn cứ để xác định ông Hiền chiếm đoạt tiền hàng.
Điều đáng lưu ý là, tuy giao dịch trong một khoảng thời gian dài, tổng số tiền lớn như vậy, nhưng giữa hai bên không hề có một hợp đồng thanh lý, quyết toán, chốt nợ nào cả. Bên nguyên đơn (Công ty Hanel) đưa ra bản đối chiếu công nợ dựa trên tài liệu bán hàng chứ không dựa vào hợp đồng quyết toán, còn Công ty Thảo Anh dựa trên sổ sách, hoá đơn, ký nhận của nhân viên Công ty Hanel việc nhập hàng, thanh toán của mình.
Toà cũng xác định việc không có hợp đồng thanh lý, chốt nợ trong giao dịch giữa hai bên đã vi phạm Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế trước đây và Luật Thương mại sau này, gây khó khăn trong việc xác định có hay không khoản nợ này. Ông Phạm Tuấn Anh, chủ toạ phiên toà, đã nhiều lần nhắc nhở rằng, toà án đã cho thời gian để hai bên đối chiếu sổ sách, hoá đơn, nhưng các đương sự không làm được.
Ông Nghĩa mang đến phiên toà 3 va li giấy tờ, sổ sách và sẵn sàng đối chiếu hoá đơn, chứng từ. Đại diện Công ty Hanel cho rằng, việc này là không cần thiết, bởi đã có bảng đối chiếu, hơn nữa mỗi một sản phẩm là một hoá đơn nên nếu đối chiếu hơn 10.000 hoá đơn trong khoảng thời gian dài như vậy là việc làm khó khả thi. Mặt khác, việc thanh toán giữa 2 bên không cụ thể cho một hoá đơn nào mà thanh toán cho tổng số tiền hàng tháng, hàng năm.
Tại phiên toà, Công ty Hanel cũng chỉ xuất trình được 2 hợp đồng số 002/2004/HĐKT ký ngày 1/4/2004 và hợp đồng số 40/2005/HĐKT ký ngày 10/6/2005 thể hiện hoạt động kinh doanh giữa hai bên là mua bán hàng điện tử.
Toà cho rằng, phía nguyên đơn không chứng minh được khoản nợ trên nằm trong hợp đồng nào, cũng không chứng minh được số nợ đó qua các hoá đơn chứng từ mà toà yêu cầu cung cấp. Đồng thời, toà cho rằng: "thông báo tình hình thanh toán và xác nhận số dư nợ" không phải là bản hợp đồng thanh lý, chốt nợ hàng năm như trong điều 14 của hợp đồng hai bên đã ký…
Vì vậy, Toà án kinh tế, Toà án Nhân dân TP.Hà Nội đã bác đơn khởi kiện yêu cầu đòi trả khoản nợ 1.038.560.213 đồng ùcủa Công ty Hanel với Công ty Thảo Anh. Ông Nguyễn Chí Kiên, Trưởng phòng Pháp chế của Công ty Hanel cho biết, ngay sau phiên toà, Công ty Hanel sẽ nộp đơn kháng cáo lên toà phúc thẩm.
SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code