Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỞ HỮU: THAY ĐỔI QUYẾT ĐỊNH SAU 11 NĂM LÀ SAI?

BÌNH NGUYÊN
Lúc đầu tỉnh cho chủ đất nhận trọn thửa đất cho ở nhờ nhưng sau đó lại giảm xuống một nửa. Năm 1958, bà Nguyễn Thị Nương (ấp Long Thuận, xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) cho người quen sử dụng tạm 1.000 m2 đất hương hỏa để cất nhà, xây trại mộc. Lúc đó, người quen và con dâu là bà Nguyễn Thị Cúc cùng sống ở đây. Thời gian sau, người quen trả lại đất cho bà Nương và đi nơi khác sinh sống, còn trại mộc thì bỏ trống.
Sau giải phóng, bà Cúc quay về ấp Long Thuận sinh sống. Thấy hoàn cảnh bà Cúc khó khăn, UBND xã đã thỏa thuận với bà Nương cho bà Cúc sống tạm ở trại mộc ngày trước.
Năm 1991, bà Cúc đứng tên kê khai phần đất trên để được sử dụng hẳn. Không đồng ý, bà Nương đã khởi kiện. Năm 1992, tòa án huyện đã ra quyết định buộc bà Cúc trả lại 1.000 m2 đất cho bà Nương. Sau đó, quyết định này bị tòa án tỉnh hủy bỏ vì được ban hành không đúng thẩm quyền. Vụ tranh chấp này được chuyển đến UBND huyện giải quyết.
Năm 1995, UBND huyện Long Hồ đã ra quyết định buộc bà Cúc trả đất cho bà Nương, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của bà Nương cho bà Cúc 105 m2 đất nơi khác và một triệu đồng di dời. Lần này, bà Cúc đã khiếu nại.
Năm 1998, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định bác đơn khiếu nại của bà Cúc và công nhận cách giải quyết của UBND huyện. Tiếp sau đó, khi thanh tra lại vụ việc, UBND tỉnh đã ra công văn khẳng định: “Sự vụ không có tình tiết mới để làm thay đổi kết quả giải quyết của UBND tỉnh nên quyết định trên của UBND tỉnh là đúng pháp luật. Từ nay về sau, tỉnh không xem xét bất kỳ đơn khiếu nại nào liên quan đến vụ tranh chấp trên vì đã hết thẩm quyền”. Đến năm 2002, bà Nương được huyện cấp giấy đỏ cho số đất trên.

Cứ tưởng đến đây vụ việc đã kết thúc nhưng không phải. Năm 2003, bà Cúc tự ý xây mộ cho chồng trên đất của bà Nương. Khi gia đình bà Nương đến dựng nhà, bà Cúc sai người dùng dao chặt phá, rồi cho hai con tưới dầu đốt nhà…
Bất ngờ, ngày 17-2-2009 (tức sau 11 năm kể từ thời điểm tỉnh ra quyết định giải quyết vụ việc), UBND tỉnh lại ra quyết định mới để thay thế quyết định cũ. Theo đó, tỉnh đồng ý chia cho bà Cúc 1/2 diện tích đất nơi có mộ làm trái phép. Đáng nói là quyết định này không giải thích lý do bà Cúc được giao đất.
Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM:
Không được tùy tiện điều chỉnh
Việc UBND tỉnh Vĩnh Long giải quyết lại một tranh chấp đã được giải quyết dứt điểm từ 11 năm trước dễ gây nhiều hậu quả phức tạp về mặt pháp lý và thực tế làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ hành chính, dân sự.
Cần lưu ý là quyết định điều chỉnh mà UBND tỉnh Vĩnh Long ký năm 2009 đã vi phạm pháp luật vì sai thẩm quyền. Theo Luật Đất đai, mọi tranh chấp đất mà đương sự đã có giấy chứng nhận do TAND giải quyết. Sở dĩ luật định vậy là vì về mặt pháp lý, khi được nhà nước cấp giấy chứng nhận thì quyền sử dụng đất đã trở thành quyền tài sản. Tranh chấp về tài sản phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Thời gian qua, một số cơ quan hành chính vẫn viện lẽ mình là người ra quyết định thì có quyền thu hồi, sửa đổi quyết định đó. Đây là cách hành xử tùy tiện, sai luật. Dù quyết định đã ban hành là sai thì UBND tỉnh cũng không được chen ngang giải quyết tranh chấp đất có giấy đỏ. Thay vì nhận giải quyết lại, tỉnh có thể hướng dẫn các bên đương sự làm thủ tục khởi kiện. Sau đó, căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan hành chính có thể ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định sai của mình. Cơ quan hành chính không thể nay cấp giấy cho người này, mai lại tùy tiện thu hồi giấy để cấp cho người khác.
TH.C ghi
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code