Wednesday, May 28, 2014

NGUYÊN NHÂN ÁCH TẮC TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

PHẠM THÁI QUÍ
Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc giải quyết tranh chấp đất đai phải qua hòa giải tại UBND cấp xã đương sự mới có quyền khởi kiện đến Tòa án. Quy định này qua nhiều năm thi hành vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, nên có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây cản trở, ách tắc trong công tác giải quyết tranh chấp đất đai.
Theo quy định tại các Điều 135 và 136 của Luật Đất đai, khi xảy ra tranh chấp đất đai nhất thiết phải qua hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) nơi có đất tranh chấp. Chỉ sau khi UBND cấp xã đã tiến hành hoà giải mà một hoặc các bên đương sự không nhất trí mới được phép khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết (nếu tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án). Triển khai thi hành Luật Đất đai 2003, ngày 22.7.2004 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 116/2004/KHXX hướng dẫn: kể từ ngày 1.7.2003, Tòa án chỉ thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí và khởi kiện đến Toà án. Trong trường hợp đương sự nộp đơn khởi kiện mà tranh chấp đó chưa qua hoà giải tại UBND cấp xã, thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Với quy định này, thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai trong hơn hai năm qua đã phát sinh những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Thực tế, có trường hợp sau khi nhận được đơn yêu cầu của đương sự, để tiến hành hòa giải, UBND cấp xã đã triệu tập nhiều lần nhưng người bị kiện cố tình trốn tránh không đến, nên không thể tiến hành hòa giải được. Trong trường hợp này, có nơi UBND cấp xã vẫn tiếp tục triệu tập người bị kiện để tổ chức hòa giải bằng được, cho dù vi phạm thời hạn hòa giải (trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn). Nhưng cũng có nơi lại lập biên bản ghi nhận về việc không thể tiến hành hòa giải được để giao cho đương sự nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Đến giai đoạn khởi kiện, khi người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án, có Tòa án chấp nhận biên bản về việc không tiến hành hòa giải được do UBND cấp xã lập để thụ lý đơn khởi kiện của đương sự, nhưng cũng không ít Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vì căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự, cho rằng tranh chấp chưa được hòa giải tại cấp xã, chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Trong thực tế, thông thường người bị kiện luôn tìm mọi cách để đối phó, nhằm lẩn tránh việc giải quyết tranh chấp, trong khi đó pháp luật không có quy định về việc áp giải người bị kiện đến để tham gia hòa giải. Do đó, nếu người bị kiện cố tình trốn tránh đến cùng việc tham gia hòa giải thì tranh chấp sẽ không bao giờ được giải quyết. Trường hợp này, việc các Tòa án đòi hỏi nhất thiết phải có biên bản hòa giải tại UBND cấp xã mới thụ lý vụ án là quá máy móc. Pháp luật về giải quyết khiếu kiện hành chính, giải quyết tranh chấp lao động đều có quy định: trong trường hợp đơn khiếu nại không được giải quyết, hoặc tranh chấp lao động không được hòa giải tại cơ sở trong thời hạn pháp luật quy định thì người khiếu nại, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết. Ngay trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định, trường hợp bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hoà giải được để làm cơ sở đưa vụ án ra xét xử, không nhất thiết phải tiến hành hòa giải. Vì vậy, không nên vận dụng cứng nhắc, cứ phải có biên bản hoà giải mới thụ lý đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện cung cấp được biên bản của UBND cấp xã về việc không tiến hành hòa giải được vì bên bị kiện cố tình vắng mặt và các tài liệu về việc UBND cấp xã đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, mà người bị kiện vắng mặt thì Tòa án vẫn thụ lý vụ án để giải quyết.
Một vấn đề nữa là theo quy định tại Điều 135 Luật Đất đai thì “UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai”. Trong thực tế, đã có những tranh chấp đất đai mà UBND cấp xã đã tiến hành hoà giải nhưng thành phần hòa giải không có cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc không có cán bộ của các tổ chức thành viên của Mặt trận, nên Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, thậm chí là đã thụ lý vụ án vẫn cứ yêu cầu UBND cấp xã phải hòa giải lại cho đúng thành phần, vì sợ rằng cấp phúc thẩm sẽ huỷ án sơ thẩm. Trước yêu cầu phải hoà giải lại, có nơi UBND cấp xã chấp nhận tổ chức hòa giải, nhưng nhiều nơi, UBND cấp xã từ chối việc hòa giải lại vì cho rằng tranh chấp đã được hòa giải. Cứ như thế, việc tranh chấp bị “treo” mãi.
Thiết nghĩ, trong điều kiện sự am hiểu và nắm bắt pháp luật của cán bộ cấp xã còn hạn chế, pháp luật lại quy định thời hạn 30 ngày phải tiến hành việc hòa giải, nên việc có đủ các thành viên của Mặt trận tham gia hòa giải là rất khó. Do đó, Tòa án không nên cứ nhất thiết đòi hỏi mọi thủ tục hòa giải ở cấp xã, để rồi đẩy các tranh chấp đất đai vào vòng luẩn quẩn, trong khi tranh chấp đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code