THS. HUỲNH KIM TRÍ – VietinBank Bắc Đà Nẵng
Dựa vào lý thuyết ngân
hàng hiện đại về thẩm định cho vay theo nguyên tắc 6C và trải nghiệm
nhiều năm làm công tác tín dụng, chúng tôi chia điều kiện cấp tín dụng
có tài sản bảo đảm (TSBĐ) thành 2 nhóm:
- Nhóm điều kiện cần là khách hàng cũng như phương án
vay đã được Ngân hàng cho vay (NHCV) thẩm định và đánh giá là đáp ứng
được các điều kiện về: tính cách người vay (Character); năng lực tài
chính, khả năng trả nợ (Capacity); dòng tiền (Cash Flow); điều kiện môi
trường (Conditions).
- Nhóm điều kiện đủ gồm tài sản thế chấp món vay (Collateral) và sự kiểm soát (Control).
Sở dĩ chúng tôi chia thành 2 nhóm: điều kiện cần,
điều kiện đủ vì theo logic thì các điều kiện cần là điều kiện tiên quyết
để xét duyệt món vay. Nhóm điều kiện đủ là các điều kiện bổ sung, đảm
bảo quá trình kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay, là bảo đảm bằng
tài sản để thu hồi nợ vay khi có rủi ro bất khả kháng mà không còn
nguồn trả nợ.
Có nghĩa là khi thẩm định xem xét cho vay, về nguyên
tắc, các NHCV đều phải thẩm định, đánh giá đầy đủ các yếu tố chủ quan,
nội tại của khách hàng như: năng lực pháp luật, năng lực hành vi, phương
án sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, hiệu quả sinh lời, các hệ
số đòn bẩy, tài chính, đánh giá tính ổn định cũng như dự lường các rủi
ro từ thị trường đầu vào – ra của phương án vay, thẩm định và kiểm soát
được dòng tiền, thẩm định tính hiện thực của nguồn trả nợ, dòng tiền thu
hồi để trả nợ… Khi xác định và yên tâm rằng khách hàng vay đáp ứng đủ
các điều kiện cần trên thì đã có thể xem xét cấp tín dụng. Còn biện pháp
kiểm soát, TSBĐ là điều kiện bổ sung.
Lý thuyết là vậy, còn về đạo lý thì bất kỳ NHCV nào
cũng muốn thẩm định kỹ khách hàng vay và mong muốn khách hàng vay làm ăn
có lãi để trả nợ vay cả gốc lẫn lãi chứ không trông mong vào việc xử lý
tài sản thế chấp thu hồi nợ. Nếu NHCV chỉ quan tâm đến TSBĐ mà coi nhẹ
việc thẩm định các điều kiện cấp tín dụng thì chẳng khác nào biến Ngân
hàng thành “tiệm cầm đồ”.
Tuy nhiên trong tình hình kinh tế nước ta hiện
nay, môi trường pháp lý về chế độ kế toán, kiểm toán tài chính đang
trong quá trình hoàn thiện, vì thế tính minh bạch, trung thực của báo
cáo tài chính, các thông tin của khách hàng cung cấp nhiều khi chưa đủ
tin cậy theo đúng qui chế cho vay. Do vậy các điều kiện cần như thẩm
định năng lực tài chính, năng lực trả nợ, việc kiểm soát dòng tiền, …
đối với nhiều khách hàng vay hiện nay là các doanh nghiệp dân doanh
(Công ty cổ phần, Công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá
thể,…) rất khó xác định đúng nhu cầu để thuyết phục khách hàng chấp
nhận. Thực tế đã có trường hợp khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, Ngân
hàng tiếp cận cho vay, thẩm định số liệu báo cáo tài chính, xác định mức
cho vay vốn theo nhu cầu thực tế thấp hơn so với mức cho vay tối đa
tính trên giá trị nghĩa vụ được bảo đảm của tài sản thế chấp thì khách
hàng bỏ đi vay ngân hàng khác. Đó là một thách thức giữa việc tuân thủ
quy chế nghiệp vụ và yêu cầu phát triển thị phần tín dụng mà nguyên nhân
là do môi trường pháp lý về kế toán, kiểm toán chưa hoàn thiện, sự cạnh
tranh gay gắt của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc tìm kiếm
khách hàng tốt.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay khi các căn cứ thẩm
định món vay như đã nói trên chưa thật sự yên tâm đối với NHCV thì thiết
nghĩ điều kiện tài sản thế chấp lại chuyển sang nhóm điều kiện cần để
bảo đảm an toàn. Việc đánh giá TSBĐ cho món vay (bao gồm việc thẩm định
điều kiện tài sản thế chấp, năng lực pháp lý của người thế chấp tài sản,
định giá tài sản, tính thanh khoản của tài sản,…) là cần thiết trong
tình hình hiện nay. Đặc biệt từ đầu năm 2012 sau khi Ngân hàng Nhà nước
phân loại 4 nhóm Ngân hàng với các tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương ứng
là 17%, 15%, 8%, 0% thì đương nhiên sẽ dần dần có sự dịch chuyển khách
hàng từ các NHTM nhóm 3, 4 về các NHTM nhóm 1, 2. Và như vậy, hơn lúc
nào hết NHCV càng phải đề cao vai trò của TSBĐ từ việc tuân thủ tỷ lệ
xác định cho vay tối đa do Trụ sở chính (TSC) qui định, chẳng hạn như:
thẩm định vị trí, tính thanh khoản của quyền sử dụng đất và tài sản gắn
liền trên đất, hạn chế hoặc từ chối TSBĐ là hàng hóa, máy móc thiết bị
khó quản lý, thanh khoản thấp,…
Cũng đang có ý kiến phản biện rằng nếu siết chặt điều
kiện TSBĐ thì làm sao phát triển được dư nợ? Quan điểm chúng tôi cho
rằng, với tình hình hiện nay để bảo đảm an toàn tín dụng, giải pháp siết
chặt điều kiện TSBĐ là lựa chọn phù hợp nhất vì: (i) Tình hình thị
trường bất động sản đang chìm lắng, giá bất động sản có xu hướng giảm
thấp, tính thanh khoản kém; (ii) Sử dụng điều kiện TSBĐ siết chặt như
một “hàng rào” sàng lọc khách hàng xấu từ các NHTM khác, nhất là từ các
ngân hàng nhóm 3, 4 chuyển sang; (iii) Với những trường hợp đặc thù, xét
thấy bảo đảm, Chi nhánh hoàn toàn có thể trình TSC phê duyệt riêng.
Trước thực trạng bức tranh kinh tế hiện nay, các chủ
trương lớn của Chính phủ về tái cơ cấu ngành, doanh nghiệp nhà nước, tái
cơ cấu NHTM, chính sách tài chính tiền tệ thận trọng… sẽ tác động đến
hoạt động tín dụng của các NHTM. Dẫu trong tình huống nào thì các biện
pháp an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng vẫn là tiêu chí quan trọng
để tăng năng lực tài chính của NHTM. Với nhận thức đó, biện pháp TSBĐ
trong cho vay hiện nay cần được coi trọng và đánh giá đúng mức để phòng
ngừa rủi ro tín dụng./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG VIETTINBANK
0 comments:
Post a Comment