HOÀNG LAM
Mức kỷ luật này quá nặng so với quy định của Bộ luật Lao động.
Năm 2005, anh T. (quận
Phú Nhuận, TP.HCM) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn để làm
công nhân cho một công ty của Nhật Bản có chi nhánh tại Việt Nam. Năm
2007, công ty thông báo hứa thưởng cho nhân viên cũ có công giới thiệu
nhân viên mới vào công ty. Nếu người mới ký hợp đồng và làm việc dưới
hai tháng thì người giới thiệu được thưởng 50 ngàn đồng, làm trên hai
tháng thì thưởng 100 ngàn đồng, làm trên sáu tháng thì thưởng 150 ngàn
đồng.
Muốn hưởng tiền thưởng, anh T. mạo nhận mình có giới
thiệu một số nhân viên mới. Thật không may, công ty phát giác hành vi
mạo nhận này nên đưa anh T. ra xem xét kỷ luật. Bởi lẽ khi đối chiếu
thực tế, các nhân viên do anh T. mạo nhận giới thiệu đã khẳng định mình
không hề quen biết anh T., cũng chưa từng nhờ anh nộp hồ sơ giúp.
Cuối tháng 2-2008, công ty lập biên bản kỷ luật anh
T. về hành vi “vi phạm gian dối để nhận tiền công ty”, đồng thời ra
quyết định sa thải anh T. với lý do “lừa dối nhận tiền công ty”. Điều
này đồng nghĩa với việc công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
đối với anh.
Cho rằng mình bị sa thải trái luật, anh T. nộp đơn
kiện công ty ra TAND quận nơi công ty đặt trụ sở. Theo anh T., hành vi
mạo nhận của mình tuy có thật nhưng mới là sai phạm lần đầu, chưa gây
thiệt hại cho công ty. Bởi lẽ anh chưa nhận của công ty một đồng tiền
thưởng nào. Giả như hành vi mạo nhận có trót lọt thì tiền thưởng anh
nhận được cũng chỉ khoảng 600 ngàn đồng. Anh T. nói công ty cần áp dụng
hình thức kỷ luật khác tương xứng với vi phạm của anh, chứ sa thải thì
quá nặng.
Anh T. khẳng định công ty họp xét kỷ luật sa thải mà
không mời anh tham gia. Trong đơn khởi kiện, anh yêu cầu tòa án hủy bỏ
quyết định sa thải của công ty, buộc công ty nhận anh trở lại làm việc.
Ngoài ra, anh còn yêu cầu công ty trả cho mình hơn 20 triệu đồng, bao
gồm tiền bồi thường vì bị sa thải trái luật và tiền lương trong những
ngày anh không được làm việc. Nếu không muốn nhận anh trở lại làm việc,
công ty phải trả cho anh trợ cấp thôi việc cùng một khoản tiền thỏa
thuận để chấm dứt hợp đồng.
Được biết, khi xem xét đơn kiện, TAND quận từng
yêu cầu anh T. rút đơn vì cho rằng vụ án này buộc phải thông qua thủ tục
hòa giải tại cơ sở. Theo giải thích (miệng) của thẩm phán, nếu anh T.
chỉ kiện công ty về quyết định sa thải thì tòa sẽ thụ lý ngay. Đằng này
anh còn yêu cầu công ty trả cho mình tiền bồi thường và lương.
Anh T. cho biết mình đã nộp đơn khởi kiện từ tháng
10-2008 nhưng không được thụ lý. Chiều 15-9, anh T. và đại diện công ty
đã đến làm việc tại TAND quận. Tại đây, TAND quận tiếp tục yêu cầu các
bên hòa giải mà chưa chính thức thụ lý vụ án.
Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM:Không cần hòa giải tại cơ sởCăn cứ vào Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2002 và Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, tôi cho rằng vụ án này không cần hòa giải tại cơ sở.Công ty trên đã làm không đúng cả về hình thức lẫn nội dung khi sa thải anh T. Điều 85 Bộ luật Lao động quy định khi người lao động “có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp” thì bị sa thải. Trong khi đó, hành vi lừa dối nhưng chưa nhận tiền thưởng của anh T. không thuộc trường hợp này. Ngay việc họp xem xét xử lý kỷ luật mà không có anh T. tham gia đã đủ cơ sở để tòa án tuyên hủy quyết định sa thải.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment