Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP DÂN SỰ VỀ GIA SÚC BỊ THẤT LẠC: RỐI RẮM CHUYỆN CON BÒ ĐI LẠC

HỒ SỸ
Chủ bò muốn bắt đền người đã xẻ thịt con bò nhưng xã chỉ huyện, huyện lại đổ xã.
Con bò “bất hạnh” trên thuộc sở hữu của ông Phan Văn Hạnh, ngụ xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Sau khi vay tiền ngân hàng, ông Hạnh đã dùng 18 triệu đồng mua một con bò đực để cày đất và chở nông sản. Tối 5-2-2008 (nhằm ngày 29 Tết Mậu Tý), con bò thường ngày được cột trong vườn nhà ông Hạnh bị tuột dây, đi lạc.
Còn sống hay đã chết?
Ngày 20-6-2008, sau bốn tháng trời ròng rã truy tìm, ông Hạnh mới hay tin con bò của mình đã được ông C. (thôn Lập Phước, xã Tân Lập) bắt được và nuôi giữ. Ông C. cũng thừa nhận việc này nhưng lại cho rằng “đó là chuyện của quá khứ” vì vào đầu tháng 6 thì con bò đã chết và ông đã đem ra xẻ thịt.
Không dễ dàng cho qua việc này, ông Hạnh đã nộp đơn yêu cầu UBND xã Tân Lập xử lý. Gần ba tháng sau đó, xã mời ông Hạnh đến làm việc nhưng không phải về vụ đòi bò mà là vụ con bò của ông đã gây thiệt hại cho ông C. và một người khác cùng thôn vào đêm bị lạc. Theo biên bản do thôn lập ngày 6-2-2008 thì con bò của ông Hạnh đã ăn gần 1.500 trái và bông thanh long, đạp rách 12 tấm bạt để phủ đất và đạp bể 200 viên gạch. Theo đó, xã yêu cầu ông Hạnh phải bồi thường 6,4 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trọng Tâm, nguyên thôn phó thôn Lập Phước, biên bản trên được lập không có căn cứ. “Chỉ trong một đêm thì con bò không thể nào quậy phá tanh bành như thế! Nhưng thôn trưởng chỉ đạo tôi cứ lập biên bản để bắt chủ bò bồi thường nhằm lấy tiền làm quỹ thôn” – ông Tâm nói. Ông Tâm còn khẳng định: “Trong thời gian ở nhà ông C. thì con bò không chết và không hề bị xẻ thịt. Chính xác là ông C. đã bán bò cho một người ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Tôi đã thu âm được lời của hai người bàn việc mua, bán bò và tôi sẵn sàng đứng ra làm chứng việc này”.

Người nuôi giữ phải có trách nhiệm
Từ thông tin do ông Tâm cung cấp, cứ tưởng UBND xã Tân Lập sẽ nhanh chóng xác định thủ phạm “tẩu tán” con bò để bù đắp thiệt hại cho ông Hạnh nhưng không phải vậy. Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết: “Chúng tôi không đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc này. Do vậy, chúng tôi đã chuyển đơn của ông Hạnh đến huyện”. Trong khi đó, vào tháng 6, 7-2009, UBND huyện Hàm Thuận Nam liên tiếp có hai văn bản yêu cầu xã Tân Lập giải quyết và có văn bản trả lời cho huyện. Mới đây nhất, vào ngày 14-8, UBND huyện lại có văn bản giao Công an huyện giải quyết vụ việc. Cách chuyển giao tới lui này khiến ông Hạnh bị xoay như đèn cù.
Theo Điều 242 Bộ luật Dân sự, người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho UBND xã nơi cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được. Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được. Trong thời gian nuôi giữ, người nuôi phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.
Nếu ông Tâm nói đúng thì ông C. đã làm sai quy định khi không báo tin để UBND xã thông báo công khai và còn tự ý bán con bò đi lạc khi chỉ mới nuôi bốn tháng. Trường hợp con bò chết như trình bày của ông C. thì nguyên nhân chết cũng cần được làm rõ để có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của ông C.
Được biết, ông Hạnh đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi kiện ông C. ra tòa. “Trong đơn kiện tôi sẽ yêu cầu ông C. trả lại bò hoặc ông C. phải thanh toán cho tôi giá trị con bò” – ông Hạnh cho biết.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code