PHAN GIA HI
VKS đã vạch ra cả chục
điểm sai trong một bản án xử vụ tranh chấp vườn cà phê. Bản án sơ thẩm
đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự và việc áp dụng pháp luật
về dân sự…” – VKSND huyện Krông Năng (Dăk Lăk) vừa kháng nghị như trên
về một bản án của TAND huyện này.
Chị em tranh chấp vườn cà phê
Theo đơn kiện của ông Đ., ông có một mảnh vườn trồng
gần 2.000 cây cà phê. Sau đó, ông đã nhờ gia đình người chị trông coi
vườn giúp để ông yên tâm đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, ông nhắn
nhủ: “Anh chị trông coi, chăm sóc, thu hoạch hoa lợi, duy trì vườn cây
cho tôi”. Gia đình người chị nhận lời.
Mấy năm sau, ông trở về nước, nể công anh chị giữ
vườn tược vất vả nên vẫn để cho anh chị tiếp tục quản lý, thu hoạch hoa
màu. Đầu năm 2007, ông nghe tin gia đình người chị đã đăng ký quyền sử
dụng đất và tặng mảnh vườn cho con gái nên đòi gia đình người chị phải
trả lại.
Phía người chị lại cho rằng một nửa vườn cà phê này
là của cha mình, nửa còn lại là của ông Đ. Đầu năm 1992, gia đình bà đã
mua lại của cả hai người. Sau đó gia đình bà đi đăng ký rồi được cấp
giấy đỏ. Hai năm trước, con gái lấy chồng, gia đình bà cho các con, giờ
không biết vì lý do gì mà ông Đ. lại đi đòi…
Giữa tháng 5, TAND huyện Krông Năng xử sơ thẩm,
nhận định ông Đ. không có giấy tờ chứng minh mảnh vườn cà phê là tài sản
gửi người chị trông giùm. Trong khi đó, phía người chị đã sử dụng ổn
định, lâu dài, không có tranh chấp gì và đã được cấp giấy đỏ. Do không
có nhu cầu sử dụng nên phía người chị đã tặng cho con gái và việc tặng
cho này cũng không trái pháp luật. Từ đó tòa đã bác yêu cầu đòi lại đất
của ông Đ.
Sai tố tụng
Theo văn bản kháng nghị của VKSND huyện Krông Năng,
trước hết TAND huyện đã thiếu sót, không đề cập đầy đủ yêu cầu khởi kiện
của ông Đ., vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, ông
Đ. khởi kiện yêu cầu tòa đòi lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền
trên đất nhưng trong thông báo thụ lý vụ án, tòa chỉ thụ lý việc tranh
chấp quyền sử dụng đất mà không hề đề cập gì đến tài sản gắn liền trên
đất.
Thứ hai, cũng trong thông báo thụ lý vụ án, tòa xác
định bị đơn là vợ chồng người con gái được gia đình người chị ông Đ. cho
đất. Tòa không đưa gia đình người chị ông Đ. vào với tư cách bị đơn là
vi phạm khoản 3 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tiếp nữa, ở quyết định định giá tài sản, trong số bốn
thành viên định giá không có ai là chủ tịch hội đồng. Chưa kể là trong
quyết định định giá không có tên ông A. nhưng ông này lại ký tên là chủ
tịch hội đồng ở biên bản định giá sau này. Sai sót khác là quyết định
đưa vụ án ra xét xử xác định thư ký phiên tòa là ông S. nhưng trong biên
bản phiên tòa thì thư ký lại là ông T. Việc tòa thay đổi thư ký trước
khi mở phiên xử mà không ra quyết định là vi phạm tố tụng. Ngoài ra, án
sơ thẩm không buộc ai chịu chi phí giám định chữ ký (trong các giấy tờ
liên quan đến tranh chấp) là thiếu sót, vi phạm Điều 138 Bộ luật Tố tụng
dân sự.
Sai cả nội dung
Không chỉ thế, theo VKS huyện, ban đầu các bên khai
thống nhất nguồn gốc đất là của cha ông Đ. và ông Đ. Tuy nhiên, trong
một số biên bản, phía bị đơn lại khai rằng đất này do xã cấp. Lời khai
của bị đơn mâu thuẫn nhưng khi giải quyết án, thẩm phán lại không cho
đối chất. Tại tòa, những mâu thuẫn này cũng không được làm rõ nhưng khi
nhận định trong bản án, tòa lại cho rằng nguyên đơn đã gửi tài sản cho
bị đơn mà không có giấy tờ chứng minh nên bác yêu cầu. Đây là phần nhận
định chưa chính xác vì hợp đồng gửi giữ tài sản không quy định hình
thức.
Một vấn đề khác, bị đơn khai mua lại vườn cà phê của
phía nguyên đơn nhưng không làm thủ tục. Vậy mà tòa lại nhận định trình
tự, thủ tục làm hồ sơ xin cấp giấy đỏ của phía nguyên đơn là… phù hợp
quy định.
Sai luôn trích dẫn
Một cái sai nguy hiểm nữa là tòa trích dẫn sai văn
bản áp dụng. Trong phần quyết định của bản án, tòa áp dụng Nghị định 64
ngày 27-9-1995 của Chính phủ (quy định về việc giao đất nhà nước cho hộ
gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích nông nghiệp)
cùng Thông tư 346 ngày 16-3-1997 của Tổng cục Địa chính (hướng dẫn về
trình tự, thủ tục cấp giấy đỏ) để bác yêu cầu của nguyên đơn. Thế nhưng
năm 1995, Chính phủ không ban hành nghị định nào có số 64 ngày 27-9-1995
quy định về việc giao đất nhà nước cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng
ổn định, lâu dài vào mục đích nông nghiệp. Tương tự, năm 1997 không có
thông tư nào của Tổng cục Địa chính có số 346 ngày 16-3-1997 hướng dẫn
về thủ tục cấp giấy đỏ cả.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment