HOÀNG VĂN
Nghi ngờ bị đơn chặt đuôi để lừa bán cừu giống xấu thành cừu giống tốt, nguyên đơn đã kiện ra tòa đòi bồi thường.
Cuối năm 2004, vợ chồng
ông T., ngụ phường Cam Lộc, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) có ý định mua
cừu giống về nuôi. Qua giới thiệu, họ được biết ông B. ở phường Ba Ngòi
có một bầy cừu 52 con muốn bán. Thế là vợ chồng ông T. đến gặp ông B.,
thỏa thuận mua bầy cừu này với giá 185 triệu đồng.
Biến cừu xấu thành cừu tốt?
Sau khi mang bầy cừu về nuôi, một hôm tắm cho chúng,
vợ chồng ông T. bất ngờ phát hiện trong số 44 con cừu cái giống chỉ có
sáu con là giống cụt đuôi (loại tốt, giống cừu thuần chủng của Việt
Nam), một con giống dài đuôi (loại xấu), 37 con còn lại đều là giống dài
đuôi nhưng đã bị… chặt cụt đuôi!
Nghi ngờ ông B. đã chặt đuôi cừu để lừa bán cừu giống
xấu thành cừu giống tốt cho mình, vợ chồng ông T. yêu cầu ông B. trả
lại số tiền chênh lệch 38 con cừu giống xấu với giá mỗi con 1,7 triệu
đồng, tổng cộng gần 65 triệu đồng. Ông B. không chịu, bảo việc mua bán
giữa hai bên diễn ra công khai. Vật mua bán là con cừu nên bên mua có
thể quan sát một cách toàn diện. Cái đuôi cừu thì nằm ở bên ngoài, bên
mua có thể quan sát, sờ mó được chứ không phải là đặc điểm ẩn giấu bên
trong nên “đã mua là phải chịu”.
Mỗi tòa một phán quyết
Không ai chịu ai nên tháng 5-2005, vợ chồng ông T. đã khởi kiện ông B. ra TAND thị xã Cam Ranh.
Bốn tháng sau, tòa này đưa vụ kiện ra xử. Theo
tòa, dù hợp đồng mua bán không ghi cụ thể chủng loại cừu nhưng ông B.
xác định cả đàn cừu ông bán đều là cừu cụt đuôi giống tốt trừ một con
cừu dài đuôi giống xấu. Nhưng thực tế lại có đến 37 con cừu dài đuôi
giống xấu đã bị chặt cụt đuôi để giả làm cừu giống tốt. Như vậy, ông B.
đã cố tình giao cho vợ chồng ông T. số cừu này. Việc vợ chồng ông T. yêu
cầu ông B. bồi thường tiền chênh lệch cừu giống xấu là hoàn toàn có cơ
sở chấp nhận.
Đi vào cụ thể, tòa phân tích theo hợp đồng mua bán
giữa hai bên thì vợ chồng ông T. mua cả đàn cừu 52 con của ông B. với số
tiền 185 triệu đồng. Giá bình quân mỗi con cừu này là hơn 3,5 triệu
đồng, trong khi giá cừu giống xấu trên thị trường tại thời điểm đó là
2,5 triệu đồng/con nên tiền chênh lệch giá mỗi con là hơn một triệu
đồng. Từ đó, tòa buộc ông B. phải bồi thường cho vợ chồng ông T. tổng
cộng hơn 40 triệu đồng.
Ông B. lập tức kháng cáo. Tháng 1-2006, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ kiện ra xử phúc thẩm với một phán quyết trái ngược hoàn toàn.
Tòa phúc thẩm phân tích: Vợ chồng ông T. nói ông B.
đã có hành vi gian dối khi bán cừu song lại không đưa ra được chứng cứ
chứng minh ông B. thỏa thuận bán cho vợ chồng ông loại cừu giống gì. Hai
bên chỉ thỏa thuận rằng mua một bầy cừu 52 con, trong đó có 44 con tơ
và mẹ, hai con đực lớn, một con cái choai và năm con đực vừa mà thôi.
Như vậy, không có cơ sở để khẳng định ông B. lừa dối vợ chồng ông T.
trong việc ký kết cũng như thực hiện hợp đồng mua bán bầy cừu như cấp sơ
thẩm nhận định.
Mặt khác, trong thời gian chờ thanh toán đủ tiền để
nhận cừu, gia đình ông T. đã đến tiếp xúc, làm quen và quản lý, chăn cừu
nên không thể cho rằng ông B. cố tình che giấu khuyết tật của vật giao
dịch được. Vì thế, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông B.,
tuyên bác yêu cầu bồi thường của vợ chồng ông T.
Cả tòa tối cao cũng vào cuộc
Vụ tranh chấp vì cái đuôi cừu này chưa dừng lại bởi
sau đó bản án phúc thẩm nói trên đã bị kháng nghị giám đốc thẩm. Xử giám
đốc thẩm, Tòa dân sự TAND tối cao đã quyết định hủy án, giao hồ sơ cho
TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm lại theo hướng công nhận bản án sơ
thẩm.
Theo TAND tỉnh Khánh Hòa, quá trình giải quyết lại vụ
án, tòa đã hai lần triệu tập hợp lệ nhưng ông B. vẫn không đến tham gia
phiên phúc thẩm lần hai. Vì vậy, tháng 7-2009, tòa đã ra quyết định
đình chỉ xét xử phúc thẩm, tức bản án dân sự sơ thẩm của TAND thị xã Cam
Ranh (tuyên vợ chồng T. thắng kiện) có hiệu lực pháp luật.
Chưa chịu, mới đây ông B. đã gửi đơn khiếu nại tới
các cơ quan chức năng, cho rằng mình không hề nhận được giấy triệu tập
nào của TAND tỉnh Khánh Hòa cả. Ông bảo cũng không được nhận văn bản
kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm trước đó…
* Tiêu đề bài viết Civillawinfor đặt lại
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment