Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN: BÁN NHÀ NHƯNG KHÔNG GIAO GIẤY TỜ

TÂN HỢP
Căn cứ án tòa, bên bán chỉ đi công chứng hợp đồng mua bán nhà, bỏ mặc bên mua loay hoay sang tên. Tháng 2-2009, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa ông M. (ngụ quận 9, TP.HCM) là nguyên đơn với bà Đ. (ngụ gần bên) là bị đơn.
Bên muốn hủy, bên không
Ông M. cho biết vào năm 1997, ông có ký hợp đồng bán một phần căn nhà ở phường Tăng Nhơn Phú, quận 9 cho bà Đ. với giá 30 lượng vàng. Bà Đ. đã thanh toán 12 lượng vàng và đã được ông M. giao nhà. Thời điểm này, phần nhà đó vẫn thuộc sở hữu nhà nước và ông M. là người đứng tên thuê.
Sau khi hai bên chuyển nhượng xong, con của ông M. (cũng có tên trong hợp đồng thuê nhà) đã đứng ra phản đối. Vì thế, ông M. đã đến gặp bà Đ. để thương lượng hủy hợp đồng nhưng bà Đ. không chịu.
Đến năm 2002, ông M. được cấp giấy hồng cho căn nhà trên. Nay ông M. đòi lấy lại phần nhà đã bán cho bà Đ. kèm theo điều kiện sẽ hoàn lại cho bà Đ. 12 lượng vàng và hơn 50 triệu đồng chi phí sửa chữa nhà.

Phía bà Đ. lại cho rằng hai bên đã thỏa thuận giá mua bán phần nhà nêu trên là hơn 15 lượng vàng và bà Đ. đã thanh toán trước 12 lượng vàng. Từ khi bán nhà, phía ông M. không hề gặp bà để yêu cầu hủy hợp đồng. Khi có giấy tờ nhà thì ông M. đòi bà trả thêm 400 ngàn đồng/m2 nhưng bà không chấp nhận. Bà Đ. yêu cầu ông M. tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Tòa phúc thẩm đã tuyên xử hai bên mua, bán tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng một phần căn nhà theo hợp đồng lập từ năm 1997. Hai bên mua, bán có trách nhiệm liên hệ với cơ quan công chứng để tiến hành các thủ tục mua bán căn nhà, hạn chót là ngày 25-4. Ngoài ra, bà Đ. phải thanh toán thêm cho ông M. 400 triệu đồng (chia làm hai lần) sau khi đã công chứng xong. Nếu quá thời hạn mà bà Đ. không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ông M. có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại căn nhà để thi hành bản án và các chi phí phát sinh.
Chỉ làm như án tuyên
Sau khi bản án trên có hiệu lực, ông M. và bà Đ. đã đi công chứng hợp đồng mua bán nhà. Sau đó, bà Đ. đã giao đủ tiền cho ông M. đúng như án tuyên. Nhưng đến khâu đóng thuế và sang tên thì ông M. lại không đưa giấy tờ nhà cho bà Đ. hoàn tất hai thủ tục này.
Theo ông M., ông đã làm đúng như nội dung ghi trong bản án tức chỉ đi công chứng mà thôi, mọi việc còn lại bà Đ. phải tự làm. Hiện bà M. đang kêu trời vì chưa được đứng tên làm chủ sở hữu căn nhà đã mua hợp pháp.
Ông Nguyễn Yểng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6, TP.HCM, cho biết bên mua có thể một mình đến cơ quan thuế để hoàn tất các nghĩa vụ thuế liên quan đến việc mua bán nhà với điều kiện phải có bản chính giấy tờ nhà. Nếu bên mua không có các giấy tờ này thì cơ quan thuế không thể giải quyết cho bên mua nộp thuế.
Tương tự như thế, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường quận Gò Vấp, cũng cho biết việc đăng bộ nhà không cần sự có mặt của bên bán nhưng bắt buộc phải có bản chính giấy tờ nhà. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, bên mua sẽ chưa được đứng tên trên giấy tờ nhà.
Xử lý thế nào?
Theo Điều 168 Bộ luật Dân sự, việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thế nhưng theo Điều 63 Luật Nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực.
Luật định vậy nhưng trên thực tế sau khi công chứng hợp đồng xong, hai bên mua bán còn phải tiếp tục liên hệ với cơ quan thuế để nộp thuế và UBND cấp huyện để được cập nhật biến động trên giấy hồng cũ hay được cấp hẳn giấy hồng mới.
Chính vì lý do này mà các bản án thường tuyên các bên có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng để hoàn tất thủ tục mua bán nhà chứ không đơn thuần tuyên liên hệ với cơ quan công chứng.
Ở trường hợp cụ thể nêu trên, có ý kiến cho rằng do bản án chỉ yêu cầu bên bán đi công chứng nên nay khi ông M. vẫn không chịu đưa giấy tờ cho bà Đ. đi đóng thuế, đăng bộ thì bà Đ. có thể khởi kiện ông M. ra tòa bằng một vụ án khác để yêu cầu ông M. giao giấy tờ nhà cho bà.
Song cũng có ý kiến đề nghị viện trưởng VKSND tối cao và chánh án TAND tối cao nên xem xét lại bản án trên theo trình tự giám đốc thẩm để giải quyết rốt ráo quyền lợi của người mua nhà hợp pháp.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code