Theo
Nghị quyết số 57/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc Hội về kế hoạch sử
dụng đất 5 năm 2006-2010 của cả nước thì chỉ tiêu chuyển mục đích sử
dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp
được phê duyệt là 645.200 ha. Nếu tính trung bình 1 ha đất nông nghiệp
liên quan đến 1-2 lao động nông nghiệp thì số nông dân bị ảnh hưởng trực
tiếp từ việc thu hồi đất nông nghiệp từ năm 2006-2010 không dưới 1
triệu người.
Tuy
chính sách thu hồi đất nông nghiệp, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ
trợ tái định cư đã được đổi mới, hoàn thiện, đảm bảo người nông dân được
trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xứng đáng với giá trị quyền sử
dụng đất nông nghiệp bị thu hồi theo cơ chế thị trường nhưng với khả
năng quản lý tài chính hạn chế, nhận được khoản tiền bồi thường lớn, đa
số nông dân thường sử dụng vào mục đích tiêu dùng mà chưa chú trọng vào
việc dùng tiền đầu tư sản xuất kinh doanh hay thậm chí gửi tiền vào ngân
hàng để lấy lãi suất tiêu dần trong tương lai. Trong khi đất nông
nghiệp bị thu hồi, không còn tư liệu sản xuất, người dân không biết làm
gì để sống, thường kéo nhau lên thành phố làm thuê tự phát dẫn đến mất
ổn định an ninh, dễ pháp sinh tệ nạn xã hội.
Trước
tình hình đó, bài toán đặt ra là phải tạo ra một cơ chế để đảm bảo cho
người dân có được nguồn tài chính đảm bảo đời sống lâu dài khi bị “công
nghiệp hoá, hiện đại hoá” diện tích đất họ đang trồng cấy. Nghị quyết số
26 – NQ/T.Ư ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn đã đưa ra giải pháp cho vấn
đề này là chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế cho nông dân
góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cơ chế này không những đảm
bảo giúp người dân có nguồn tài chính lâu dài để ổn định đời sống mà còn
giúp doanh nghiệp giảm tải gánh nặng giải phóng mặt bằng thực hiện dự
án đầu tư, đặc biệt giúp các doanh nghiệp nông lâm nghiệp hình thành và
ổn định vùng nguyên liệu. Ngoài ra, khi đời sống nông dân mất đất được
cải thiện thì nhà nước cũng giảm được áp lực về phúc lợi xã hội để ổn
định an sinh xã hội cho nông dân mất đất.
Vấn
đề là xây dựng cơ chế cho nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất như
thế nào cho phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan cũng như
thực sự đi vào đời sống? Câu trả lời là để xây dựng được một khung pháp
lý hoàn chỉnh, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Một là,
nếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp vào dự án sản xuất kinh
doanh phi nông nghiệp thì người dân sẽ phải chuyển mục đích sử dụng đất.
Số tiền sử dụng đất để được chuyển mục đích sử dụng đất là rất lớn,
trên thực tế luôn vượt quá khả năng tài chính của người dân. Do đó, nên
chăng quy định phạm vi nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án
sản xuất lâm, nông nghiệp (không phải chuyển mục đích sử dụng đất). Còn
đối với các dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì người dân
được góp vốn bằng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hai là, cơ
chế này sẽ tạo một số ưu đãi nhất định cho nông dân bị thu hồi đất nông
nghiệp theo quy hoạch nên cần có quy định tránh tình trạng dân thành
thị đầu cơ đất nông nghiệp tại các vị trí có quy hoạch thu hồi đất thực
hiện dự án đầu tư rồi đưa vào góp vốn để hưởng các ưu đãi đó. Có thể hạn
chế tình trạng trên bằng các quy định cụ thể đối tượng hộ nông dân góp
vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ giới hạn là những hộ nông dân trực tiếp
sản xuất nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có quy
hoạch sử dụng đất.
Ba là, về
thẩm quyền quyết định cho phép góp vốn nên giao cho cấp Huyện hay cấp
Tỉnh? Nếu giao cho cấp huyện thì sẽ tiết kiệm được chi phí hành chính
cũng như đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân hơn do là cơ quan
“gần dân” hơn cấp Tỉnh. Tuy nhiên, cấp Tỉnh lại có khả năng rà soát lựa
chọn được những dự án sử dụng đất khả thi để đảm bảo nông dân góp vốn
sẽ thu được lợi tức, vấn đề tiên quyết của cơ chế này. Nếu dự án kém
hiệu quả kéo dài thì mục tiêu ổn định đời sống cho người dân mất đất sẽ
không thực hiện được.
Bốn là,
về xác định giá trị quyền sử dụng đất góp vốn: Giá trị quyền sử dụng
đất góp vốn được thể hiện trong hợp đồng góp vốn. Nên quy định giá trị
quyền sử dụng đất góp vốn là giá thoả thuận giữa các bên góp vốn? giá
trị quyền sử dụng đất theo bảng giá đất do UBND cấp Tỉnh ban hành hàng
năm hay chỉ bằng một phần giá trị thực của quyền sử dụng đất nông nghiệp
vì sau thời hạn góp vốn thì đất vẫn thuộc quyền sử dụng của các hộ nông
dân? Để đảm bảo quyền lợi của các bên, nên chăng quy định giá trị quyền
sử dụng đất được xác định theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng
góp vốn. Chỉ khi các bên không có hoặc không thể thoả thuận thì các cơ
quan nhà nước mới can thiệp để xác định.
Năm là,
thực hiện việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất: Nên quy định
theo hướng hộ nông dân được nhận giá trị vốn góp bằng cổ phần của các tổ
chức nhận vốn góp tương ứng với phần giá trị vốn góp và được lựa chọn
loại cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vấn đề là nếu tổ chức
nhận góp vốn là doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì tính
giá trị quyền sử dụng đất góp vốn theo giá nào của cổ phần? Theo mệnh
giá cổ phần hay theo giá thị trường của cổ phần tại thời điểm góp vốn?
Nên chăng quy định mở là giá trị góp vốn được xác định bằng cổ phần theo
giá do hai bên thoả thuận. Quy định này đảm bảo được nguyên tắc góp vốn
bằng quyền sử dụng đất là tự nguyện, cùng thoả thuận, đảm bảo quyền lợi
của các bên liên quan.
Sáu là,
trường hợp doanh nghiệp cổ phần sản xuất kinh doanh chưa có lãi trong
những năm đầu thực hiện dự án thì nông dân góp vốn không có cổ tức để
đảm bảo đời sống. Giải quyết vấn đề này, nên chăng có quy định bên góp
vốn hưởng trợ cấp khi Công ty chưa có cổ tức. Mức hỗ trợ cụ thể do hai
bên tự thoả thuận và ghi cụ thể vào Hợp đồng góp vốn; Đồng thời, hộ nông
dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất được ưu tiên thanh toán
trước các cổ đông khác giá trị cổ phần tương đương với giá trị quyền sử
dụng đất đã góp vốn khi doanh nghiệp nhận góp vốn phá sản, giải thể phải
phát mãi tài sản của doanh nghiệp để thanh toán nợ.
Trên
đây là một số gợi ý về cơ chế cho phép nông dân góp vốn bằng quyền sử
dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đây là cơ
chế hoàn toàn mới, cần phải được thực nghiệm từng bước thận trọng trước
khi áp dụng rộng rãi. Do đó, Bộ, ngành có thẩm quyền nên xây dựng cơ chế
thí điểm để thực hiện trong một số dự án điển hình; sau đó đúc rút kinh
nghiệm thực tế và dần hoàn thiện chính sách cho phù hợp. Hơn nữa, để cơ
chế này thực sự khả thi trên thực tế thì sau khi cơ chế này được ký ban
hành, cơ quan nhà nước tại địa phương nên thể chế hoá thành quy chế cho
phép nông dân góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp với những quy định
cụ thể và riêng biệt phù hợp với đặc điểm của từng địa phương./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC QUẢN LÝ CÔNG SẢN, BỘ TÀI CHÍNH
0 comments:
Post a Comment