NGUYÊN TRƯỜNG
Một bên nói chỉ bán lúa
non mới trồng, bên kia lại khăng khăng rằng bỏ tiền ra để mua đất chứ
ai lại chỉ mua hoa màu… Theo dự kiến, ngày 18-6 tới, TAND tỉnh Bến Tre
sẽ xét xử phúc thẩm một vụ tranh chấp khá lạ: Một bên cương quyết chỉ
bán hoa màu trên đất (lúa non mới trồng), bên kia lại khăng khăng rằng
bỏ tiền ra để mua đất chứ ai lại chỉ mua hoa màu…
Bán hoa màu hay bán đất?
Theo bà M., ngày 26-3-1993, vợ chồng bà đã mua của vợ
chồng bà Đ. một thửa đất ruộng diện tích hơn 1.700 m2 tại xã Quới Sơn,
Châu Thành (Bến Tre). Do thời điểm này pháp luật về đất đai chưa cho
phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên hai bên phải cùng nhau thỏa
thuận làm “giấy nhượng hoa màu trên đất ruộng”. Nội dung giấy này ghi rõ
“sang nhượng quyền canh tác một thửa ruộng với diện tích hơn 1.700 m2
tổng cộng 8,5 chỉ vàng 24K”.
Bà M. kể, vợ chồng bà Đ. cam kết nếu sau này có ai
tranh chấp thì họ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngoài ra, vợ chồng bà Đ.
còn hứa là khi nào được cấp giấy đỏ sẽ làm thủ tục chuyển tên cho vợ
chồng bà. Từ ngày làm giấy nhượng hoa màu, vợ chồng bà đã nhận đất và
trồng lúa. Mãi đến năm 2002, sau khi chồng bà Đ. chết thì hai bên phát
sinh tranh chấp: bà Đ. đã đòi vợ chồng bà phải trả lại đất cho mình vì
cho rằng chỉ bán hoa màu trên đất chứ không bán đất.
Tòa buộc trả đất
Nói lý với nhau không được, bà M. đã nộp đơn khởi
kiện yêu cầu TAND huyện Châu Thành buộc bà Đ. phải chuyển quyền sử dụng
đất cho mình.
Tại tòa, bà Đ. khẳng định năm 1993, vợ chồng bà chỉ
chấp nhận bán lúa non mới trồng chứ không bán đất cho vợ chồng bà M. Bà
Đ. trình bày thêm, lúc đó hai bên còn thỏa thuận khi nào vợ chồng bà có
nhu cầu chuộc lại đất thì chỉ phải trả cho vợ chồng bà M. đúng 8,5 chỉ
vàng 24K.
Hòa giải không thành, TAND huyện Châu Thành đã đưa vụ
án ra xét xử. Theo tòa, dựa vào nội dung giấy sang nhượng hoa màu trên
đất ruộng ngày 26-3-1993 giữa hai bên thì đất chuyển nhượng là đất
ruộng, không có công trình kiến trúc, cây lâu năm trên đó. Ở thời điểm
sang nhượng, vợ chồng bà Đ. chưa được cấp giấy đỏ, gần hai tháng sau thì
ông Đ. được cấp giấy đỏ nhưng vợ chồng bà M. lại không liên hệ để
chuyển quyền sử dụng đất. Vì thế, căn cứ vào điểm b tiểu mục 2.2 mục 2
Phần 2 Nghị quyết số 02 ngày 10-4-2002 của Hội đồng thẩm phán TAND tối
cao thì hợp đồng “sang nhượng quyền canh tác đất ruộng” giữa hai bên
không được công nhận.
Từ đó, tòa đã tuyên buộc vợ chồng bà M. phải giao trả
hơn 1.700 m2 đất cho bà Đ. Ngược lại, tòa cũng tuyên buộc bà Đ. phải
trả cho vợ chồng bà M. 70 triệu đồng, tương đương với giá trị 8,5 chỉ
vàng 24K vào thời điểm năm 1993.
Ngay sau khi tòa tuyên án, vợ chồng bà M. đã kháng
cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem lại vì theo họ “Đất này chúng tôi đã canh
tác hơn 16 năm. Trước đây giá trị đất rất thấp nên chúng tôi mua với giá
8,5 chỉ vàng 24K là mua đất chứ không phải mua hoa màu trên đất”…
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 1-7-1980 (ngày Chính phủ ban hành Quyết định số 201/CP) đến trước ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực):B. Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thực hiện thì tòa án công nhận hợp đồng trong các trường hợp sau đây:b.1. Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;b.2. Trường hợp đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND có thẩm quyền, UBND đã cho phép việc chuyển nhượng;b.3. Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh, không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối khi bên nhận chuyển quyền sử dụng đất xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên đất đó.(Theo điểm b tiểu mục 2.2 mục 2 Phần 2 Nghị quyết số 02 ngày 10-4-2002 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao).
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment