Wednesday, May 28, 2014

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI THEO HƯỚNG TÍCH TỤ ĐẤT

MINH HUỆ
Mặc dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong thời gian tới Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đe doạ sự mất ổn định an ninh lương thực (ANLT). Để hướng tới đảm bảo vững chắc ANLT với dân số ổn định ở mức 120 – 130 triệu dân, có ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2003.
Trưng dụng ồ ạt đất lúa
Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc mất ANLT quốc gia hoàn toàn có thể xảy ra nếu mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa diễn ra ồ ạt như những năm qua và không được điều chỉnh kịp thời. Từ năm 2000 đến năm 2007, diện tích đất trồng lúa đã giảm 361.935ha, bình quân giảm gần 51.705ha/năm. Với diện tích bị giảm như vậy, sản lượng thóc bị thâm hụt khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và việc làm của ít nhất 100.000 hộ nông dân/năm.
Nếu kiểu trưng dụng đất lúa ồ ạt như trên không được kìm chế, dự báo đến năm 2020, quỹ đất lúa nước ta chỉ còn khoảng 3,4 triệu hecta. Ngay cả tính đến phương án khai thác thêm 100.000ha đất nhờ đầu tư thuỷ lợi vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và một số vùng khác thì quỹ đất lúa cũng chỉ đạt 3,5 triệu hecta. Điều đáng nói là nguy cơ giảm diện tích đất trồng lúa tại ĐBSCL và một số vùng ven biển rất cao khi phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ cần nước biển dâng khoảng 1m, sẽ có tới 70 – 80% diện tích đất lúa bị ngập mặn.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, để đáp ứng nhu cầu lương thực của 130 triệu người vào năm 2035, chúng ta cần tới 36 triệu tấn thóc. Và muốn đạt được sản lượng thóc này cần duy trì tối thiểu 3 triệu hecta đất chuyên trồng lúa 2 vụ để có 6 triệu hecta gieo trồng/năm.
Nhằm đảm bảo ANLT quốc gia, hướng tới xuất khẩu trong điều kiện đất đai ngày càng thu hẹp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trình Chính phủ đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu chấm dứt tình trạng thiếu đói cục bộ vào năm 2012, nâng cao mức độ ANLT cho các nhóm có nguy cơ thiếu đói lương thực, cải thiện chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho người dân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn dưới 5%… Để đạt được những con số này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu duy trì diện tích trồng lúa tối thiểu là 3,5 triệu hecta đến năm 2020 (trong đó có 3,1 triệu hecta chuyên trồng lúa) và mức này sẽ duy trì lâu dài. Nhiều ý kiến cho rằng, để quỹ đất lúa được bảo vệ, phải sửa đổi Luật Đất đai hiện hành.

Hạn chế quyền tự quyết của địa phương
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, để giữ được đất lúa và hoàn thành mục tiêu Đề án đảm bảo ANLT, chúng ta cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng hạn chế quyền tự quyết của các địa phương đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa.
Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án ANLT quốc gia đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền các cấp trong việc quản lý đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa theo quy định; điều chỉnh, khuyến khích phát triển công nghiệp, đô thị, hạ tầng trên đất không phải là đất lúa, nhất là lúa hai vụ; nâng mức hạn điền, kéo dài thời gian giao đất, cho thuê đối với người sử dụng đất lúa để khuyến khích tích tụ ruộng đất, hướng tới sản xuất lúa hàng hoá.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cho rằng, chúng ta cần thay đổi thái độ đối với việc thu hồi đất đai của nông dân, bởi khi bị thu hồi đất, nông dân không được bàn bạc, thảo luận mà chỉ được thông báo là thu hồi. Do vậy, bà con thường phải chịu thiệt thòi về giá đền bù. Đất đai là sở hữu của Nhà nước, song nó vẫn là hàng hóa, vì vậy phải ứng xử sòng phẳng, công bằng khi giải quyết việc thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng cho mục đích khác. Bên cạnh đó, ai cũng khẳng định một điều là muốn đời sống người dân ổn định thì phải giao đất lâu dài bà con mới yên tâm canh tác.
Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có đề xuất bỏ cơ chế chủ đầu tư tự thoả thuận với người sử dụng đất đối với các dự án có mục đích phát triển kinh tế. Muốn thế Nhà nước phải kiện toàn và tạo cơ chế vốn để các trung tâm khai thác và phát triển quỹ đất trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Nhà nước sẽ giao đất cho các trung tâm này để tạo quỹ đất sạch, sau đó tổ chức đấu giá đất và chuyển lại phần lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước sử dụng cho phát triển hạ tầng, lợi ích công cộng…
Theo Luật Đất đai năm 2003, thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây lâu năm không quá 50 năm, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là 20 năm. Đa số các ý kiến đều cho rằng, không nên quy định thời hạn sử dụng đất, đặc biệt là với hộ gia đình và nên nới rộng hạn điền. Hạn mức giao đất hiện nay (mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; đất trồng cây lâu năm: không quá 10ha đối với khu vực đồng bằng, không quá 30ha đối với khu vực trung du, miền núi) đang làm khó cho những hộ gia đình, cá nhân muốn đầu tư làm ăn lớn. Trong khi ở khu vực ĐBSCL, người nông dân muốn có cuộc sống ổn định và hướng tới làm giàu từ nông nghiệp thì phải có ít nhất 2ha.
Ông Vũ Công Kích, chuyên viên Vụ Chính sách đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua thực tiễn tại các địa phương, Luật Đất đai 2003 đang bộc lộ khá nhiều bất cập, vướng mắc, làm cản trở sự phát triển; có 8 điểm cần sửa đổi, trong đó giá đất và thời hạn sử dụng đất là những vấn đề nóng. Hiện Bộ này đã thống nhất sẽ xem xét vấn đề bỏ thời hạn sử dụng đất để tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bức xúc lớn nhất hiện nay là vấn đề định giá đất. Thực tế, địa phương nào định giá mức cao nhất cũng chỉ bằng 60% so với khung giá của Chính phủ. Giá các loại đất Nhà nước thu hồi để làm đường, bệnh viện, trường học không gây quá nhiều bức xúc mà chủ yếu “nóng” ở việc lấy đất nông nghiệp chuyển sang làm đất đô thị, phi nông nghiệp do lợi nhuận khi đền bù và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng quá lớn. Vì vậy, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, cơ sở để xác định từng loại giá đất tới đây sẽ được tổ chức theo hệ thống thống nhất, từ cấp Bộ đến các sở Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, việc xác định giá đất sẽ tính ở giá trị đang sử dụng chứ không tính giá trị tới đây sẽ sử dụng như thế nào để làm căn cứ xây dựng mức giá. Nếu trước đây phải đền bù cho dân khoảng 200.000 đồng/m2 nhưng sau khi xây dựng đô thị, giá tăng gấp hàng trăm lần thì tới đây, “bàn tay” của Nhà nước sẽ phải điều chỉnh sự chênh lệch này.
Bộ, ngành phải tham gia lập quy hoạch sử dụng đất
Trong một buổi làm việc lấy ý kiến các địa phương về việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận, từ trước đến nay ở cấp Trung ương, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đều do Bộ này đơn phương thực hiện. Điều này đã nảy sinh những bất cập cũng như điểm yếu trong công tác quy hoạch, dẫn đến tình trạng khi các ngành khác có kế hoạch sử dụng đất thì quy hoạch trước đó sẽ phải điều chỉnh, sau nhiều lần đương nhiên sẽ làm vỡ quy hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, nhất thiết phải gắn kết các bộ ngành trong việc lập quy hoạch và quản lý sử dụng đất. Trong đó, các bộ như Nông nghiệp và PTNT, Quốc phòng, Giao thông Vận tải… sẽ có trách nhiệm đưa ra nhu cầu sử dụng đất của bộ mình, căn cứ vào đó, Nhà nước sẽ đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Riêng Bộ Nông nghiệp và PTNT-lĩnh vực có nhu cầu sử dụng đất lớn – phải cung cấp kế hoạch, nhu cầu các loại hình đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản… cho công tác quy hoạch, từ đó góp phần bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp để đảm bảo ANLT.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, tới đây, cùng với đất quốc phòng, đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp sẽ được chốt thật chặt. Quá trình này sẽ được thực hiện bằng cách vạch chỉ đỏ trên từng thửa đất chứ không thể chung chung như hiện nay. Nhưng muốn làm được điều đó, không những phải nâng cao năng lực cho cán bộ ngành tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành liên quan từ cấp tỉnh đến cấp xã (nhất là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thẩm định đất đai) mà còn phải có sự tham gia, đóng góp ý kiến của người dân vào việc quy hoạch sử dụng đất.
SOURCE: BÁO KINH TẾ NÔNG THÔN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code