TRÙNG KHÁNH
Gần ba năm nay, ông
N.H.P (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) cứ ấm ức khi không được giao kiốt
theo đúng vị trí trong bản đồ phân lô đã được niêm yết công khai tại
UBND phường.
Tháng 10-2006, ông P. tham gia bốc thăm mua một kiốt
tại chợ Vĩnh Đông (phường Núi Sam). Kết quả, ông bốc được kiốt số 45 lô B
(dành cho ngành hàng vải, quần áo may sẵn).
Ngay sau đó, ông đã ký hợp đồng sử dụng kiốt với
Doanh nghiệp tư nhân Như Ý – đơn vị đầu tư xây dựng chợ. Vài ngày sau,
doanh nghiệp tổ chức công khai sơ đồ mặt bằng phân lô tại UBND phường
Núi Sam. Theo đó, vị trí kiốt của ông P. nằm ở phía ngoài, giáp lối đi
chính.
Không theo sơ đồ đã duyệt
Chừng đến ngày nhận kiốt thì ông P. giật mình khi vị
trí thực tế của kiốt không giống như bản đồ đã công bố. Cụ thể, kiốt số
45B mà ông P. được giao không phải ở mặt tiền mà giáp đường đi phụ, nằm
đâu lưng so với vị trí được ghi nhận trên bản đồ.
Qua tìm hiểu, ông P. được biết trước ngày bốc thăm
kiốt, UBND thị xã Châu Đốc đã có quyết định phê duyệt đề án di dời chợ
Vĩnh Đông. Theo đề án này, lô B có 84 kiốt. Bản đồ quy hoạch chợ được
niêm yết tại phường cũng có nội dung này và đã được các cơ quan thẩm
quyền của thị xã phê duyệt. Nhưng khi triển khai, doanh nghiệp Như Ý đã
tự ý thay đổi một số chi tiết trong đề án.
Ông P. yêu cầu doanh nghiệp phải giao cho ông lô
kiốt có vị trí như ông đã bốc thăm. Phía đơn vị lập quy hoạch phân lô
(do doanh nghiệp Như Ý thuê) cho rằng đề án trên tuy đã được duyệt nhưng
không được sử dụng. Bởi lẽ đơn vị này không được Phòng Kinh tế thị xã
ký hợp đồng giao việc, cũng như chi trả các chi phí lập đồ án và bản vẽ
phân lô. Về sau đơn vị này mới biết công trình chợ đã được thực hiện
theo bản vẽ của một đơn vị khác.
Về phía doanh nghiệp Như Ý, mặc dù thừa nhận có lỗi
vì đã không kiểm tra tính chính xác của bản đồ quy hoạch nhưng lại đổ
lỗi cho Phòng Kinh tế thị xã đã đánh nhầm số của các kiốt khiến các vị
trí bị lệch.
Đối với trường hợp của ông P., doanh nghiệp Như Ý
không đồng ý giao kiốt cho ông P. theo bản đồ phân lô đã niêm yết “vì
trên thực tế đó là lô số 44B, đã được giao cho người khác sử dụng”.
Người này cũng bốc thăm và ký hợp đồng cùng ngày với ông P. nhưng đến
nhận kiốt trước ông P. Nếu ông P. không chịu nhận kiốt được chỉ định,
doanh nghiệp sẽ hoàn trả cho ông số tiền đã nhận cùng tiền lãi phát
sinh.
Hai lần thua kiện
Tháng 8-2007, TAND thị xã Châu Đốc đã mở phiên tòa
xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp giữa đôi bên. Cho rằng doanh nghiệp đã vi
phạm nghĩa vụ giao tài sản cho ông P. theo hợp đồng, tòa sơ thẩm buộc
doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho ông P. Tuy nhiên, do không có
cơ sở xác định giá trị thực tế của kiốt để tính mức bồi thường thiệt
hại nên tòa này đã xác định thiệt hại theo khoản tiền lãi tính theo mức
lãi suất nợ quá hạn của ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Tính ra,
ông P. sẽ được doanh nghiệp hoàn trả 20 triệu đồng đã nhận, đồng thời
được bồi thường một khoản tiền theo cách tính nêu trên.
Tháng 11-2007, tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh An
Giang đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trên để tòa án thị xã giải quyết lại
vụ án.
Tòa án tỉnh nhận định: Ông P. hoàn toàn không có lỗi
trong việc thay đổi vị trí kiốt. Để ông có điều kiện kinh doanh quần áo
may sẵn là ngành nghề chính của gia đình, doanh nghiệp phải tiếp tục
giao cho ông kiốt nằm ở trung tâm chợ. Nếu không thì tòa phải định giá
kiốt ở vị trí ấy theo giá sang nhượng thực tế để buộc doanh nghiệp bồi
thường thỏa đáng cho ông P.
Mặc dù tòa phúc thẩm yêu cầu như vậy nhưng phiên xử
sơ thẩm lần hai vào tháng 3-2009 của TAND thị xã Châu Đốc cũng có cách
xử lý tương tự như phiên xử lần một. Cho rằng quyền lợi của người nhận
lô 44B phải được bảo đảm, lại nữa không thể xác định giá trị thực tế của
kiốt do chưa có giao dịch chuyển nhượng kiốt trên thực tế, tòa này tiếp
tục xử cho ông P. thua kiện. Phía doanh nghiệp phải thanh toán cho ông
P. số tiền đã nhận và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCMLuật sư Phan Thanh Huân, Đoàn luật sư TP.HCM:Khó làm khác hơn nếu không xác định thiệt hạiVề nguyên tắc, việc bồi thường trong dân sự phải được dựa trên mối quan hệ nhân quả do lỗi từ hành vi của người này gây thiệt hại cho người khác và phải xác định được mức thiệt hại cụ thể.Ở trường hợp nêu trong bài, một khi đã xác định phía doanh nghiệp có lỗi vi phạm hợp đồng thì phía nguyên đơn cần chứng minh (hoặc đề nghị một cơ quan định giá chứng minh) có sự chênh lệch giá trị cụ thể giữa hai kiốt trong thời điểm hiện tại so với thời điểm mua thì mới có cơ sở để đòi bồi thường thiệt hại. Nếu cơ sở để xét bồi thường không có và cũng không thể giao kiốt đúng theo nguyện vọng của nguyên đơn thì chỉ còn cách hủy bỏ hợp đồng. Doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã nhận kèm theo khoản lãi tính theo lãi suất ngân hàng.
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=261629
0 comments:
Post a Comment