Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN: DỨT RUỘT KIỆN CON ĐỂ GIÀNH NHÀ

TRÙNG KHÁNH – LINH GIANG
Tiếng là đồng sở hữu nhưng người mẹ chưa được đứng tên và chẳng thể định đoạt nhà. Từ khi trở về ở trong căn nhà tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, cuộc sống của bà M. là chuỗi ngày dài đầy nước mắt, buồn tủi. Rất nhiều lần bà đạp xe đi gõ cửa nhiều cơ quan với mong muốn được làm đồng sở hữu nhà với người con trai duy nhất.
Nhà của cha mẹ, con đứng tên
Căn nhà trên rộng gần 120 m2, gồm một trệt, một lầu. Nhưng nơi bà M. ở chỉ là căn phòng nhỏ khoảng 15 m2 dưới tầng trệt, ngổn ngang đủ thứ đồ đạc. Việc nấu nướng, nghỉ ngơi và các sinh hoạt cá nhân đều được bà M. thực hiện trong phạm vi căn phòng. Mỗi lần nấu ăn bà M. phải ngồi trông chừng cẩn thận bởi lửa từ bếp dầu cũ có thể bén sang giá phơi quần áo hay các đồ dùng khác bất cứ lúc nào…
Chồng bà M. mất khi hai anh em V. (người con trai đang sống cùng bà) còn rất nhỏ. Do đồng lương giáo viên ít ỏi nên bà phải cố gắng làm thêm nhiều việc để lo cho anh em V.
Năm 1978, anh V. được mẹ gửi vào TP.HCM sống cùng ông bà ngoại để tiện việc học hành. Sau đó không lâu, em trai anh V. mất, còn anh V. thì tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và được nhập hộ khẩu vào nhà ông bà ngoại.
Lúc này, bà M. nghỉ dạy do mất sức lao động và bà đã bán nhà ở quê, vào TP.HCM sinh sống cùng anh V. và cha mẹ bà. Gom tất cả tiền dành dụm, tiền bán nhà, bà M. mua hai lô đất và vì chưa có hộ khẩu nên bà để anh V. đứng tên.
Năm 1990, bà M. xây nhà và ba năm sau được cấp chủ quyền. Tất nhiên là anh V. cũng tiếp tục đứng tên trên giấy chứng nhận. Năm 1994, anh V. kết hôn và cùng vợ sống chung với bà M. tại căn nhà trên.

Ở trọ trong chính nhà mình
Sống chung được một năm thì bà M. chuyển về ở nhà cha mẹ để tiện chăm sóc hai cụ. Còn vợ chồng anh V. thì về bên vợ sống. Căn nhà trên được anh V. đem cho thuê dài hạn. Đến lúc có người thay bà M. phụng dưỡng cha mẹ thì bà M. đành ra ngoài thuê nhà ở.
Bà M. buồn nhớ lại: “Thời gian tui ở thuê, vợ chồng nó không đến thăm một lần. Hằng ngày tui cứ mong ngóng vợ chồng nó đón về sum họp nhưng không thấy ai cả. Đến khi người ta trả nhà, thấy vợ chồng nó dọn về ở, tui quyết định trả phòng để về với vợ chồng nó cho có mẹ có con. Nào ngờ, dù tui đã báo trước mà nó vẫn khóa cửa đi đâu mất khiến tui phải nằm ngoài hiên để chờ”.
Thương cho hoàn cảnh của bà M. khi ấy, những người hàng xóm đã giúp bà tấm áo mưa để che tạm, cho đi nhờ nhà vệ sinh… Suốt một tuần, bà M. hết nằm lại ngồi trên chiếc giường xếp phía trước hiên nhà, mặc cho mưa, nắng thất thường. Cuối cùng, bà phải nhờ thợ cưa khóa để vào nhà…
Giờ đây, dù ở cùng một nhà nhưng hai mẹ con như hai người xa lạ. Có những đêm bà sốt cao, cố gọi con nhưng vì căn phòng quá cách biệt nên V. không nghe, có hôm bà bệnh nặng, phải nhờ hàng xóm đưa đi bệnh viện. Vợ anh V. đến thăm bà nhưng anh V. thì không. “Nó đâu biết những lúc ấy tôi mong nó như thế nào…” – bà M. tức tưởi.
Cùng đường, mẹ đành kiện con
“Tui già rồi, còn sống được bao lâu. Tui chỉ có mình nó, tui có chết thì cũng để lại nhà cho vợ chồng nó. Vậy mà nó không hiểu, không thương tui. Phải kiện nó ra tòa, tui đau lòng lắm nhưng cùng đường rồi, tui không còn cách nào khác” – bà M. tâm sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, anh V. cho rằng tiền mua đất, nhà trên là tiền của bà M. cho anh và cũng là tiền của ba anh để lại. Do vậy, anh không đồng ý sang tên nhà cho mẹ.
Vợ anh V. thì bảo căn nhà là tài sản chung của vợ chồng. Trong quá trình sử dụng, họ đã bỏ ra nhiều tiền tu sửa nhà nên nay họ không thể chấp nhận yêu cầu của bà M.
Sau cùng, tòa sơ thẩm tuyên xử cho bà M. được quyền sở hữu nhà, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của bà M. cho anh V. 1/2 căn nhà. Không bằng lòng, anh V. đã kháng cáo.
Tòa phúc thẩm đã sửa một phần án sơ thẩm, cho anh V. hưởng 1/4 giá trị căn nhà từ việc được thừa kế di sản của người cha đã mất.
Tính ra, do lần này được mẹ tự nguyện cho 1/4 nhà nên anh V. được sở hữu cả thảy 1/2 giá trị căn nhà. Nếu người nào muốn sở hữu toàn bộ thì phải thanh toán cho người kia 1/2 giá trị căn nhà.
Tưởng vậy là xong nhưng không phải. Tiếng là đồng sở hữu nhà nhưng bà M. chẳng được đứng tên trên giấy chủ quyền và cũng không được thực hiện quyền sở hữu nhà cùng với anh V.
Liên hệ với UBND quận để được bổ sung tên trên giấy chủ quyền, bà đã bị từ chối chỉ vì không thể bổ sung bản chính giấy hồng. Quay sang thi hành án quận, bà cũng nhận được những cái lắc đầu với lý do “bản án phúc thẩm không buộc anh V. giao lại giấy chủ quyền để bà M. đi làm giấy tờ”.
Gần đây, sau thời gian chạy tới chạy lui, bà đã được UBND quận Tân Bình tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo lời một cán bộ thì “có thể tới đây quận sẽ có văn bản từ chối giải quyết yêu cầu của bà”.
“Đó là chuyện riêng của gia đình tôi”
Trao đổi với phóng viên, anh V. cho rằng mình chỉ làm đúng theo bản án phúc thẩm. Bản án không yêu cầu anh phải đưa giấy tờ cho mẹ anh đi bổ sung tên nên anh không thể thực hiện. “Trước đây, khi Thi hành án TP.HCM yêu cầu tòa giải thích nội dung bản án, tòa cũng chỉ nói việc đồng sở hữu có nghĩa là sở hữu chung, không nói tôi phải có trách nhiệm gì cả” – V. nói.
Khi được hỏi về cuộc sống khó khăn hiện tại của người mẹ và chuyện người mẹ phải ngủ ngoài hiên cả tuần, anh V. từ chối trả lời, viện lẽ đây là chuyện của cá nhân anh. Anh V. bảo: “Mọi người chỉ nhìn thấy hình thức bên ngoài mà không hiểu được nội tình bên trong. Đó là chuyện riêng của gia đình tôi”.
Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM: Quận phải giải quyết theo án tòa
Dù bản án có tuyên hay không tuyên bà M. được quyền liên hệ với cơ quan chức năng để bổ sung tên vào giấy tờ nhà thì cơ quan Thi hành án dân sự cũng không thể can thiệp. Bởi lẽ pháp luật về tố tụng dân sự chỉ quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về tòa án, còn hậu quả hành chính thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, mà cụ thể ở đây là cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Khi có yêu cầu của bà M., dựa vào bản án, cơ quan cấp giấy có thể mời người con lên để giao bản chính giấy chủ quyền nhà trong hạn định. Nếu người con không thực hiện, cơ quan này có quyền ra quyết định hủy bỏ giấy chủ quyền đó. Sau đó, cấp giấy chứng nhận mới có tên của cả hai mẹ con bà M. Trường hợp từ chối giải quyết, cơ quan hành chính phải trả lời bằng văn bản. Khi đó, bà M. có quyền căn cứ vào trả lời đó để khởi kiện án hành chính.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code