Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU: AI LÀ CHỦ SỞ HỮU NHÀ 22D – 24 PHAN ĐĂNG LƯU?

MINH ANH
34 năm nay, cựu cán bộ tình báo 52 tuổi Đảng Nguyễn Thơ vẫn cư ngụ trong ngôi nhà mang số 22D-24 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh, TPHCM, do một người anh em tặng ông sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được chính quyền quân quản cách mạng xác nhận. Thế mà mới đây, ông được Tòa án nhân dân TPHCM triệu tập vì bị kiện… đòi nhà và nguyên đơn là một người lạ. Kỳ lạ hơn, ngôi nhà của ông đang ở lại được cấp “sổ hồng” (Giấy CNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho người khác?…
Chủ nhà… lạ hoắc!
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung tá Nguyễn Thơ được người anh em bạn dì ruột là thương gia Dương Xưng Đường tặng cho căn nhà số 22D-24 Phan Đăng Lưu quận Bình Thạnh, TPHCM. Ngày 16-6-1975, thương gia Dương Xưng Đường làm “Giấy cho nhà” gửi Ủy ban An ninh quận Bình Hòa, tỉnh Gia Định lúc đó, có nội dung: “Hôm nay toàn miền Nam đã giải phóng, em tôi Nguyễn Thơ đã về. Tôi xin làm giấy này bằng lòng cho em tôi cái nhà mang số 22D-24 đại lộ Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu – PV), Gia Định. Xin yêu cầu chính quyền chứng nhận để em tôi là Nguyễn Thơ, cán bộ Phòng Quân báo, Bộ Tham mưu QGPNDMNVN được toàn quyền làm chủ cái nhà nói trên”.
Ông Nguyễn Thơ đăng ký hộ khẩu và sử dụng căn nhà trên từ ngày 1-10-1976. Ông kể: “Bỗng dưng ngày 4-2-2009, tôi nhận được giấy mời của Tòa án nhân dân TPHCM. Lý do là UBND quận Bình Thạnh đã cấp “sổ hồng” cho một người lạ hoắc tên là Trần Thị Ngọc Trang và người này kiện đòi nhà của… chính tôi”. Tuy nhiên điều “không thể hiểu nổi” – theo ông là tại sao bỗng dưng lại có người có “giấy chủ quyền” để… chiếm nhà.

Quy trình cấp giấy hồng: Nhiều chi tiết bị bỏ qua
Sau nhiều lần liên hệ và có công văn đề nghị, UBND quận Bình Thạnh mới cử lãnh đạo Phòng TN-MT quận công khai quy trình cấp “sổ hồng” cho căn nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu nêu trên. Qua đối chiếu so sánh, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy nhiều công đoạn của quy trình cấp “sổ hồng” cho bà Trần Thị Ngọc Trang cần được kiểm tra lại.
Theo quy trình, cán bộ thụ lý pháp lý phải kiểm tra đất đăng ký sử dụng theo diện kê khai 1977, kê khai 1999… Nếu bà Trang có cư ngụ hay có sở hữu hợp pháp hoặc có kê khai ngôi nhà trên theo đúng các đợt kê khai thì cán bộ pháp lý mới lập tờ trình trình cấp trên.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, PV Báo SGGP đã có bản “Kê khai nhà cửa” của ngôi nhà trên vào ngày 23-12-1977. Trong đó ghi rõ người kê khai là Nguyễn Thơ. Rồi trong đợt kê khai nhà đất gần đây nhất vào ngày 3-8-1999, cũng chỉ có ông Nguyễn Thơ đăng ký kê khai và còn được UBND phường 6, quận Bình Thạnh xác nhận “không tranh chấp”. Như vậy, đã có ai đó bỏ qua hai chi tiết quan trọng này để hành trình cấp “sổ hồng” cho bà Trần Thị Ngọc Trang?
Sự việc chưa dừng lại ở đây. Qua đối chiếu quy trình cấp “sổ hồng” cho bà Trần Thị Ngọc Trang, chúng tôi nhận thấy nếu như đúng trình tự liên thông, phiếu chuyển thuế sẽ được lập trong cuối tháng 8-2008 và đương sự sẽ đóng thuế trong khoảng thời gian này để ngay sau đó nhận “sổ hồng” (căn nhà trên được cấp “sổ hồng vào đầu tháng 9-2008). Vậy mà vào ngày 3-6-2008, cơ quan chức năng quận đã có thông báo nộp lệ phí trước bạ cho bà Trần Thị Ngọc Trang, trước 90 ngày khi được cấp “sổ hồng”, trước cả khi bà Trang nộp hồ sơ xin cấp “sổ hồng”!
Thêm một chi tiết nữa là trong các loại thủ tục xin cấp “sổ hồng”, quận Bình Thạnh có yêu cầu đương sự phải có tờ trình nguồn gốc sử dụng đất và phải có xác nhận của UBND phường. Và bà Trần Thị Ngọc Trang cũng đã có tờ xác nhận này (ký ngày 21-6-2008) với chữ ký của Phó Chủ tịch UBND phường 6 Cao Hồng Hà cùng lời xác nhận “không tranh chấp”. Ở đây cần làm rõ chi tiết vì sao UBND phường 6 “không biết” có một cán bộ tình báo hưu trí 52 tuổi Đảng đang sinh sống tại ngôi 22D-24 Phan Đăng Lưu từ 34 năm qua?
Sự thật như thế nào?
Trả lời câu hỏi vì sao quận Bình Thạnh cấp “sổ hồng” cho bà Trần Thị Ngọc Trang trong khi chủ sử dụng – ông Nguyễn Thơ – đã và đang sử dụng từ sau giải phóng đến nay, Trưởng phòng TN-MT Nguyễn Thanh Hòa và Phó phòng TN-MT Đặng Minh Nguyên cho rằng: “Do bà Trần Thị Ngọc Trang được một người tên Đoàn Thị Hương làm “Hợp đồng tặng” ngôi nhà nêu trên. Bà Đoàn Thị Hương lại được “chủ nhân thực sự” là bà Doãn Thị Trước (hiện đang ở Pháp) làm giấy ủy quyền…”.
Xem qua “Giấy ủy quyền” và nội dung ủy quyền, chúng tôi ghi nhận từ Pháp, bà Doãn Thị Trước có ủy quyền cho bà Đoàn Thị Hương “được trọn quyền thay tôi tham gia tố tụng tại tòa án nhân dân các cấp trong vụ án tranh chấp căn nhà số 22D-24 Phan Đăng Lưu”. Như vậy nội dung ủy quyền nêu trên là để cho bà Đoàn Thị Hương “thay tôi tham gia tố tụng” chứ không phải bà Đoàn Thị Hương có quyền làm “Hợp đồng tặng” ngôi nhà nêu trên cho Trần Thị Ngọc Trang (người được cấp “sổ hồng”). Ở đây, chúng tôi chưa đề cập đến tính hợp pháp của “Giấy ủy quyền” bởi lẽ Đại sứ nước ta tại Pháp đã ghi rõ trong giấy “chỉ xác nhận chữ ký, không xác nhận nội dung”.
Để góp phần khẳng định tính pháp lý “Giấy ủy quyền” trên, chúng tôi đã đến Trung tâm Lưu trữ TPHCM. Và thật bất ngờ là nơi đây vẫn còn lưu bộ hồ sơ “Ủy quyền tổng quát” vào ngày 25-6-1968, cũng do bà Doãn Thị Trước ủy quyền cho ông Dương Xưng Đường. Trong hồ sơ “Ủy quyền tổng quát” trên, bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều ký tên vào từng mục, từng trang giấy trước mặt vị Chưởng khế Sài Gòn, với nội dung: bà Doãn Thị Trước đã ủy quyền cho ông Dương Xưng Đường “tất cả các quyền hành để bán hay làm chuyện khác”. “Ủy quyền tổng quát” có hiệu lực từ ngày ký. Với giấy “Ủy quyền tổng quát” này, ông Dương Xưng Đường hoàn toàn có quyền cho, tặng hoặc bán ngôi nhà trên cho người khác.
Sau 30-4-1975, nếu ông Dương Xưng Đường đi nước ngoài mà không làm “Giấy tặng nhà” cho ông Nguyễn Thơ, thì ngôi nhà trên cũng thuộc quyền quản lý của nhà nước. Bà Doãn Thị Trước không còn quyền sở hữu để được ủy quyền một lần nữa (từ Pháp) như trên.
Sự thật đã rõ. Đề nghị UBND quận Bình Thạnh nhanh chóng khắc phục sai sót, truy tìm nguyên nhân và xử lý người tiếp tay “đổi trắng thay đen” hòng chiếm đoạt tài sản hợp pháp của công dân.
SOURCE: BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code