Wednesday, May 28, 2014

BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRONG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI: MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHÁP LÝ ĐẾN THỰC TIỄN


child supportTHS. NGUYỄN THÙY TRANG – Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ – TKV
Về bản chất, bảo đảm tiền vay chỉ là một trong những biện pháp để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với hợp đồng chính, nó không phải là điều kiện bắt buộc, dù có các biện pháp này hay không đều không ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên, bên có nghĩa vụ vẫn phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ và chịu các biện pháp xử lý về tài sản nếu vi phạm (phong tỏa tài khoản, niêm phong tài sản, bị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác để đảm bảo trả nợ, …). Tuy nhiên, để đồng thời đạt được hai mục đích: Phát triển thị trường, khách hàng và bảo đảm an toàn đối với các khoản cho vay, thì việc áp dụng các biện pháp này được xem như công cụ hiệu quả và an toàn đối với các ngân hàng.
Hiện nay, mỗi ngân hàng thương mại hầu như đã xây dựng quy định về các biện pháp bảo đảm tiền vay để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả các “ông lớn” trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý, định giá tài sản bảo đảm dẫn đến việc đưa khoản tín dụng của mình lâm vào tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi khi những giao dịch bảo đảm không phát huy giá trị theo đúng nghĩa.
Hệ thống pháp luật nước ta quy định khá cụ thể về các giao dịch bảo đảm, từ Bộ luật Dân sự 2005 đến các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm tạo ra một hành lang pháp lý bình ổn cho các bên. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc, tất cả các hoạt động cấp tín dụng không có điều kiện bảo đảm là trái luật, vì pháp luật dân sự tôn trọng tối đa sự thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các bên, luật quy định về các hình thức bảo đảm nhưng không cấm việc giao kết tín dụng không có bảo đảm. Do vậy, khi xem xét có lựa chọn các biện pháp bảo đảm hay không, các bên cần nghiên cứu đồng thời các quy định của pháp luật và Điều lệ cũng như quy định quản lý nội bộ của ngân hàng, vì nếu các quy định của Điều lệ không vi phạm vào điều cấm của pháp luật[1], các bên buộc phải có nghĩa vụ tuân thủ, mà trong trường hợp này, pháp luật không cấm các ngân hàng đề ra các biện pháp bảo đảm tiền vay, vì vậy, nếu quy định nội bộ của ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay, thì cán bộ ngân hàng sẽ vi phạm pháp luật nếu cho vay không có bảo đảm.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định một số trường hợp cụ thể cho vay không cần có bảo đảm, tôi xin đơn cử một số quy định sau:

1. Một số trường hợp cho vay không cần có bảo đảm theo quy định của pháp luật
a) Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ. Quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó quy định cụ thể về mức cho vay tối đa trong trường hợp cho vay không có bảo đảm đối với cá nhân, tổ chức:
- Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;
- Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn;
- Tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại.
- Tổ chức tín dụng xem xét cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị – xã hội ở nông thôn theo quy định hiện hành. Tổ chức chính trị – xã hội phối hợp và được thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng sau khi đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng cho vay[2].
b) Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, theo đó mức cho vay tối đa không có bảo đảm tiền vay được Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Thương nhân vay vốn đến 30 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
- Thương nhân vay vốn trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội[3].
Các văn bản quy định về mức trần cho vay không cần có bảo đảm nêu trên là một chính sách ưu đãi và hỗ trợ tín dụng của Nhà nước đối với một số đối tượng kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực nhà nước khuyến khích phát triển như nông, lâm, ngư nghiệp, vùng sâu, vùng xa hoặc vùng kinh tế khó khăn, quy định này nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các cá nhân, tổ chức để phát triển sản xuất kinh doanh nếu họ chứng minh được mình thuộc diện ưu đãi vay vốn theo quy định của pháp luật.
2. Các biện pháp bảo đảm tiền vay trong tín dụng ngân hàng
Với bản chất là một tổ chức đặc thù có chức năng kinh doanh tiền tệ, ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh của mình thông qua các quan hệ tín dụng, từ các quan hệ này, mối quan hệ giữa ngân hàng với các tổ chức, cá nhân được thiết lập và phát triển, gắn ngân hàng gần với các hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội. Tuy nhiên, nếu không có những thiết chế cơ bản để bảo đảm các khoản tiền đi vay và cho vay hiệu quả, ngân hàng sẽ tự đặt mình trước những rủi ro khó lường đối với một loại hàng hóa vốn dĩ đã chứa đựng rất nhiều rủi ro, đó là “tiền tệ”. Lúc này, những thiết chế cơ bản về các biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2005 sẽ được ngân hàng lựa chọn. Nhưng trong số 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp thì các biện pháp: cầm cố, thế chấp và bão lãnh được ngân hàng sử dụng nhiều hơn cả. Nghị định 178/1999NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền tiền vay của các tổ chức tín dụng cũng tập trung hướng dẫn về 3 biện pháp trên. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích vào 2 biện pháp bảo đảm: cầm cố và thế chấp.
2.1. Tại sao ngân hàng hoặc khách hàng không sử dụng biện pháp đặt cọc, ký cược và ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?
Theo quan điểm của tác giả là do một số nguyên nhân sau:
Đặt cọc: Xét trên phương diện lý luận, đặt cọc chủ yếu được hiểu như một biện pháp đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, sau khi hợp đồng được ký kết, khoản đặt cọc này sẽ được trả lại hoặc được trừ vào nghĩa vụ thanh toán của bên đặt cọc. Ngược lại, nếu hợp đồng không được giao kết, bên có lỗi sẽ phải chịu một khoản phạt cọc theo quy định của pháp luật và/ hoặc theo thỏa thuận của các bên. Xét trên phương diện thực tiễn, bản chất của quan hệ tín dụng là bảo đảm tiền vay và tài sản bảo đảm ít nhất phải tương đương với giá trị của khoản tiền cho vay (trừ trường hợp ngoại lệ), mà biện pháp đặt cọc thông thường sẽ nhỏ hơn nhiều so với giá trị hợp đồng (nhằm để đảm bảo việc giao kết hoặc trừ vào nghĩa vụ thanh toán) nên nếu lựa chọn biện pháp này, ngân hàng sẽ đưa mình vào thế rủi ro đối với khoản tín dụng của mình. Đặt cọc thường được sử dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, còn đối với hợp đồng tín dụng – ngân hàng cho vay với người đi vay, thì ai sẽ là bên đặt cọc? Ngân hàng chắc chắn sẽ không bao giờ đưa cho khách hàng một khoản đặt cọc để bảo đảm hợp đồng vay. Còn khách hàng có lẽ sẽ rất ưa thích biện pháp này vì như vậy, họ sẽ nắm đằng chuôi, vừa “ép” được ngân hàng về việc giao kết hợp đồng và vừa phải bảo đảm khoản vay bằng một tài sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị hợp đồng. Do vậy, đặt cọc là một biện pháp có quá nhiều bất lợi cho ngân hàng nên xét trên phương diện thực tế, ngân hàng sẽ không lựa chọn hình thức này để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng tín dụng, dù trên phương diện lý luận, pháp luật không cấm.
Ký cược: Là biện pháp bảo đảm cho hợp đồng thuê tài sản, theo đó bên thuê sẽ giao cho bên cho thuê một tài sản là động sản để đảm bảo cho việc trả lại tài sản thuê. Tín dụng bản chất là một hợp đồng vay, không phải hợp đồng thuê tài sản nên việc áp dụng ký cược trong hợp đồng sẽ không phù hợp.
Ký quỹ: Tài sản ký quỹ theo quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005 “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự”, như vậy, các tài sản để ký quỹ, về bản chất, đều là tiền hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền, nếu gửi “tiền” vào một tài khoản phong tỏa của ngân hàng để đảm bảo cho một hợp đồng “vay tiền” khác thì có lẽ không hợp với logic, vì nếu khách hàng đã có tiền thì không có lý gì mang tiền đó đi ký cược để đảm bảo cho một hợp đồng vay tiền khác và phải chịu thêm một khoản lãi. Do vậy, trên thực tế, khách hàng sẽ không lựa chọn biện pháp bảo đảm trên trong hợp đồng tín dụng.
Về các biện pháp cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, tùy từng trường hợp, ngân hàng sẽ ký với khách hàng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phù hợp, trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin được phân tích bản chất pháp lý và một số vướng mắc xung quanh việc áp dụng biện pháp trên.
2.2. Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm cầm cố và thế chấp, những quy định pháp luật và một số vướng mắc hiện nay.
a) Cầm cố:
Cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[4], sau khi nhận chuyển giao tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố có thể ủy quyền cho người thứ 3 giữ tài sản nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước bên cầm cố về việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 332 – Bộ luật Dân sự 2005[5].
Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản[6]. Sự phát triển kinh tế – xã hội và đa dạng hóa các loại hình tài sản hiện nay đã khiến cho phương pháp liệt kê thông thường về tài sản tại Thông tư 06/2000/TT-NHNN1 ngày 4/4/2000 không còn phù hợp. Tài sản gồm nhiều loại: Động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản là các quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với giống cây trồng, vật nuôi, quyền đòi nợ[7],…
Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Khi áp dụng biện pháp bảo đảm này, có một vấn đề nảy sinh đó là vấn đề định giá và xác định giá trị hao mòn của tài sản. Về giá tài sản, căn cứ theo các quy định của pháp luật về giá và Bộ luật Dân sự 2005, giá là do các bên thỏa thuận (trừ những trường hợp thuộc diện Nhà nước quản lý về giá), do vậy, thông thường việc định giá tài sản bảo đảm xác định theo những yếu tố cơ bản sau: Thỏa thuận của các bên (có tính đến yếu tố thị trường) và giá trị hao mòn (hữu hình và vô hình) của tài sản. Tuy nhiên, đối với việc cầm cố một số loại tài sản có những biến động lớn về giá như hiện nay (ngoại tệ, vàng, kim khí quý, đá quý) thì sẽ có vấn đề nảy sinh. Ví dụ, khi cầm cố 100 cây vàng vào thời điểm đầu năm 2010, anh A chỉ có thể thỏa thuận được với ngân hàng vay tối đa 2 tỷ, nhưng đến cuối năm 2010, thì con số đó có thể lên tới 3 tỷ. Vấn đề là ngân hàng có xem xét cho anh A vay thêm 1 tỷ nữa hay không khi con số 2 tỷ chưa đến hạn trả nợ. Điều này tùy thuộc vào quy định của ngân hàng và thỏa thuận của các bên. Đơn cử quy định của Ngân hàng Nam Á “đối với tài sản đảm bảo là vàng bạc, đá quý, các giấy tờ có giá: Mức cho vay tối đa do các đơn vị tự thỏa thuận với khách hàng với điều kiện đảm bảo an toàn tín dụng”. Như vậy, nếu anh A có quan hệ tín dụng với ngân hàng Nam Á thì có lẽ với tài sản bảo đảm là 100 cây vàng, rất có thể ngân hàng sẽ xem xét cho anh A vay tiếp 1 tỷ nữa, vì trong trường hợp này, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp tài sản là động sản, cũng theo quy định của ngân hàng Nam Á, anh A chỉ có thể vay tối đa 60% giá trị tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, cầm cố chỉ áp dụng với một số khoản tín dụng có giá trị nhỏ, còn với khoản vay lớn các bên thường lựa chọn biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản.
b) Thế chấp
Trong quan hệ tín dụng ngân hàng, đây là biện pháp được sử dụng phổ biến hơn cả.
Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp[8].
Nếu như các quy định trước khi Bộ luật Dân sự 2005 ra đời phân biệt cầm cố và thế chấp dựa trên loại tài sản (thường phân loại thành động sản hay bất động sản) thì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, việc phân biệt hai biện pháp này phụ thuộc vào việc tài sản được bảo đảm do bên nào giữ. Nếu tài sản được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm, đó là cầm cố. Nếu tài sản do bên bảo đảm giữ và bên nhận bảo đảm giữ các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng (đối với đất đai), đó là thế chấp. Như vậy, nếu hiểu theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, thì ngay cả đối với bất động sản, ngân hàng hoàn toàn có thể yêu cầu áp dụng biện pháp cầm cố nếu ngân hàng thỏa thuận được với khách hàng và có khả năng cầm giữ tài sản đó.
Nhà và quyền sử dụng đất, cầm cố hay thế chấp? Theo quy định tại Điều 12, Điều 22 – Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 3 – Nghị định 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ, đối với một số quyền tài sản hoặc bất động sản như quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, tàu biển, quyền đòi nợ sẽ được áp dụng biện pháp bảo đảm là thế chấp. Vậy câu hỏi đặt ra là, các tài sản này có thể áp dụng biện pháp bảo đảm cầm cố có được không?
Ví dụ, doanh nghiệp A muốn vay vốn dài hạn (5 năm) của ngân hàng X bằng việc thế chấp nhà và quyền sử dụng đất có vị trí rất đẹp ngay giữa trung tâm thành phố, ngân hàng X lại đang có nhu cầu mở thêm chi nhánh và muốn doanh nghiệp A cầm cố tài sản đó cho ngân hàng, theo đó tiền hoa lợi, lợi tức của nhà và đất sẽ được xác định đúng bằng giá thuê theo giá thị trường. Trường hợp này sẽ có hai quan điểm:
(i) Doanh nghiệp A thế chấp nhà đất cho ngân hàng X và hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng thuê nhà – chính là tài sản được thế chấp. Theo quan điểm này, vì nhà đất là tài sản không thể chuyển dịch nên không thể cầm cố được và hiện nay khung pháp lý quy định về thế chấp nhà, đất quy định rất cụ thể, rõ ràng.
(ii) Doanh nghiệp A và ngân hàng thỏa thuận cầm cố nhà đất (nhà đất giao cho ngân hàng giữ) với thỏa thuận hoa lợi, lợi tức phát sinh thuộc tài sản của bên thế chấp (hoặc thuộc tài sản thế chấp). Theo quan điểm (ii) thì mặc dù tài sản không thể chuyển dịch được nhưng ngân hàng hoàn toàn có thể cử bộ phận của ngân hàng đến tiếp quản và quản lý, nên vẫn có thể áp dụng biện pháp bảo đảm cầm cố (tuy nhiên, hiện nay khung pháp lý cho việc cầm cố nhà đất pháp luật chưa quy định nên dù có theo quan điểm (ii) thì cũng khó có cơ sở thực hiện).
Trên thực tế, ngay tại các quy định của luật cũng đã có sự điều chỉnh, ví dụ tại điểm c, khoản 1, Điều 12 – Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định “thế chấp tàu bay, tàu biển”, không có quy định cầm cố tàu bay, nhưng sang đến Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm quy định “cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay”. Điều này có nghĩa, nếu tài sản có khả năng chuyển giao được sang bên nhận bảo đảm giữ, thì vẫn có thể áp dụng biện pháp cầm cố, như vậy việc cầm cố nhà và quyền sử dụng đất theo quan điểm (ii) không phải không có cơ sở.
b.1. Xác minh giá trị tài sản khi áp dụng biện pháp bảo đảm thế chấp. Những vấn đề nghịch lý.
Định giá tài sản dựa trên yếu tố thỏa thuận là một chế định dân chủ và văn minh của các quy định pháp luật dân sự, vì nó tôn trọng tối đa quyền của đương sự trong quan hệ dân sự, vấn đề là các bên dựa vào quy định đó như thế nào để vận dụng có lợi nhất cho mình. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có bộ phận định giá hoặc thuê tổ chức định giá trung lập đối với tài sản có giá trị lớn. Nhưng việc định giá tài sản thế chấp là bất động sản của ngân hàng còn một số bất cập, điển hình là hai trường hợp cụ thể sau:
(i) Định giá quá thấp so với giá thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, không ít các doanh nghiệp “kêu trời” vì cách định giá tài sản là “quyền sử dụng đất” của ngân hàng, khi định giá để xác định mức cho vay, một số ngân hàng áp dụng nguyên khung giá đất do Nhà nước quy định (thực chất đây là khung giá để Nhà nước tính thuế) thấp hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng trên thị trường. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp được vay vốn quá ít so với mức thực tế họ lẽ ra được hưởng.
(ii) Định giá quá cao hoặc không đúng thực chất đối với tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật, đất thuê trả tiền hàng năm, hoặc đất mà Nhà nước không thu tiền sử dụng đất sẽ không được chuyển nhượng hoặc thế chấp, nhưng tài sản trên đất vẫn có thể được đem ra thế chấp. Tất nhiên, việc thế chấp tài sản gắn liền với đất trong những trường hp này sẽ đưa ngân hàng vào thế rủi ro cao nếu không nghiên cứu và dự liệu đầy đủ về các tình huống phát sinh. Vụ việc về thế chấp tài sản là rừng cây lâu năm trên khu đất do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất giữa Ngân hàng N và doanh nghiệp A hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Vì trong quá trình thế chấp tài sản, Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy hoạch, ngân hàng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan vì không thể phát mại rừng cây để trừ vào nghĩa vụ thanh toán, vụ việc trên hiện vẫn trong quá trình điều tra xem xét của các cơ quan chức năng.
b.2. Xác minh tư cách chủ sở hữu, tính hợp pháp của giấy tờ đối với tài sản thế chấp. Những vướng mắc chưa có đường gỡ.
Vấn đề đặt ra ở đây, ai là người xác minh, xác minh như thế nào, nếu xác minh sai, ai là người chịu trách nhiệm? Một loạt các sai phạm của cá nhân, cán bộ ngân hàng đến các cơ quan tổ chức khác khiến cho các nhà làm luật và áp dụng luật nao núng đi tìm nút gỡ, vì sai phạm và tổn thất trong ngành Ngân hàng đặc biệt nhạy cảm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và gây hoang mang cho doanh nghiệp khi gửi đồng tiền mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của mình vào tổ chức này. Về lý, cá nhân nào có lỗi, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng thực tế không đơn giản như vậy, vì thực chất rủi ro về kinh tế thường vẫn do ngân hàng gánh chịu.
Để làm sáng tỏ vấn đề trên, tác giả xin lược qua một số vụ án điển hình liên quan đến thế chấp, lừa đảo trong hoạt động ngân hàng gần đây.
Giám đốc công ty TNHH Trần Vũ dùng sổ đỏ giả thế chấp và chiếm đoạt 20 tỷ đồng của 5 ngân hàng, với hành vi trên, Trần Vũ đã bị Công an Đà Nẵng khởi tố về tội lừa đảo[9].
Vụ án Trần Lệ Thủy (sinh năm 1969, nguyên là cán bộ Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam BIDV, Chi nhánh Đông Đô) cùng 10 đồng phạm cấu kết làm giả sổ tiết kiệm, gây thất thoát hơn 170 tỷ đồng của BIDV Đông Đô. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Trần Lệ Thủy đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, cấu kết với người thân trong gia đình, bạn bè và một số cán bộ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công (Hà Nội) sửa chữa, xác nhận khống số dư trên giấy chứng nhận tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của Vietcombank Thái Bình và Vietcombank chi nhánh Thành Công, sau đó đem thế chấp tại Quỹ tiết kiệm số 1 Ngân hàng BIDV Thái Bình và BIDV Đông Đô để chiếm đoạt tiền của các Ngân hàng trên. Bằng các thủ đoạn tương tự, từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Thủy cùng đồng phạm đã sửa chữa, làm giả, tráo đổi 14 giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đoạt của BIDV Thái Bình hơn 29 tỷ đồng. Ngoài ra, Thủy chỉ đạo người thân quen sửa chữa, làm giả 23 giấy chứng nhận tiền gửi, xác nhận khống nhiều giấy tờ có giá trị để làm thủ tục vay hơn 260 tỷ đồng tại BIDV Đông Đô… Sau khi chiếm đoạt được tiền, các bị cáo đã dùng vào việc đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng, tiêu xài cá nhân[10].
Vụ án Mạc Thanh Việt (sinh năm 1970) vào thời điểm 1998 – 2001 được bầu làm Tổ trưởng tổ vay vốn của ấp Láng Cùng để quan hệ với Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay tiền phục vụ sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Việt đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của người dân để vay tiền bỏ túi riêng rồi trả lời với chủ hộ là vay không được. Chưa hết, Việt đã đánh cắp, mua và cả xin GCNQSDĐ của người khác, đem đi sửa hoặc đến cơ sở in lụa để in nâng diện tích đất trên giấy lên cao gấp nhiều lần và đem đến “người quen” là các cán bộ của xã Lương Thế Trân (cũ) để được ký chứng nhận, xác nhận các thủ tục giấy tờ cần thiết để vay tiền. Việt còn móc ngoặc với các “tay trong” là cán bộ ngân hàng để hồ sơ vay tiền khống, hồ sơ giả được “qua ải” trôi chảy mà không cần phải có bước kiểm tra, thẩm định. Khi các thủ tục đã xong, cuối cùng Việt thuê người đến ngân hàng ký vào các chứng từ để nhận tiền vay. Vụ việc diễn ra êm đến mức rất nhiều hộ dân tại xã Lương Thế Trân không hay rằng GCNQSDĐ của mình đã nằm trong ngân hàng, mãi cho đến khi cán bộ địa chính mang giấy nợ đến nhà thì mới “tá hỏa”.[11]
Như vậy, các quy định của pháp luật hay tổ chức tín dụng dù có chặt chẽ đến đâu, nhưng những người có trình độ thẩm định tính hợp pháp của giấy tờ và cán bộ ngân hàng nếu không làm đúng chức năng, nhiệm vụ và tư lợi cá nhân thì sai phạm và thất thoát tất yếu sẽ xảy ra, do vậy, kiện toàn quy định pháp luật phải đồng nghĩa với việc kiện toàn nhân lực, xây dựng quy chế quy định về trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng để giảm thiểu tối đa những vụ án nghiêm trọng như đã xảy ra trong thời gian gần đây. Các biện pháp bảo đảm thực chất là để ràng buộc nghĩa vụ giữa các bên, nhưng nếu được áp dụng và hiểu không đúng bản chất thì đôi khi nó lại trở thành công cụ để một số đối tượng lạm dụng để trục lợi.

Chú thích:
[1] Khoản 16 – Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005; Khoản 1 – Điều 31 Luật các Tổ chức tín dụng 2010
[2] Điều 8 – Nghị định 41/ 2010/ NĐ – CP ngaây 12/ 4/ 2010
[3] Điều 12 – Quyết định số 92/ 2009/ QĐ – TTg ngày 8/ 7/ 2009
[4] Điều 326 – Bộ luật Dân sự 2005
[5] Điều 16 – Nghị định 163/ 2006/ NĐ – CP ngày 29/ 12/ 2006
[6] Điều 163 – Bộ Luật Dân sự 2005
[7] Điều 22 – Nghị định 163/ 2006/ NĐ – CP ngày 19/ 12/ 2006
[8] Điều 342 – Bộ luật Dân sự 2005
[9] Nguồn; Báo Tuổi trẻ
[10] Nguồn: Vnexpress.net
[11] Nguồn: Vietbao.vn
Tài liệu tham khảo:
Nghị định số 178/ 1999/ NĐ – CP ngày 29/ 12/ 1999, Thông tư 06/ 2000/ TT – NHNN1 ngày 4/ 4/ 2000 hướng dẫn Nghị định 178, Nghị định 85 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 178/ NĐ – CP. Tuy nhiên, khi Bộ luật dân sự 2005 ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, áp dụng chung cho tất cả các giao dịch bảo đảm, kể cả trong tín dụng ngân hàng, bãi bỏ Nghị định 178/1999/NĐ-CP và Nghị định 85/2000/NĐ-CP.
Nghị định 83/2010 ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 151/2006/ NĐ-CP ngày 20/12/2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/ 9/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 151/2006/NĐ-CP quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, điểm đáng lưu ý là quy định về việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay (thực chất là tài sản hình thành trong tương lai theo khoản 2 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2005, Thông tư số 12/2009/TT-NHNN ngày 28/5/2009 hướng dẫn một số nội sung trong cho vay có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại ban hành theo Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, …
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 23 NĂM 2010

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code