PGS. TS. PHẠM DUY NGHĨA – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội
"Muốn dân không mất ruộng, phải xem lại chế độ sở hữu áp dụng đối với ruộng đất của nông dân. Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi. Muốn dân không chán quê, phải xem lại ai được lợi từ chi dùng tài chính công." – TS. Phạm Duy Nghĩa
Dù nhìn gần hay xa, bao
giờ nông thôn cũng là tương lai của một xứ nông nghiệp. Ai giữ được
nông dân, người ấy thường kiểm soát được nhiệt độ của chảo lửa chính trị
quốc gia. Sự ổn định của nước ta phụ thuộc vào cách mà các nhà chính
trị đối xử với nông dân.
Hiện nay có ba nguy cơ rất rõ ràng đối mặt với những
người dân quê, đó là: (i) nông dân mất ruộng, (ii) nông dân chán ruộng,
(iii) nông dân chán chốn thôn quê. Ly nông, ly hương, ly tán bất đắc dĩ,
những vấn đề xã hội của nông dân có thể trở thành những quả bom nổ
chậm.
Muốn dân không mất ruộng, phải xem lại chế độ sở hữu áp dụng đối với ruộng đất của nông dân.
Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các
chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi. Có vẻ như
một hạt thóc mang lại nhiều lời hơn cho người giữ độc quyền buôn bán
giống, phân bón hay kênh xuất nhập khẩu gạo hơn là chút lợi rơi sót lại
cho người nông dân.
Muốn dân không chán quê, phải xem lại ai
được lợi từ chi dùng tài chính công. Một khi điện, đường, trường, trạm, y
tế, cây xanh, điện thoại cho tới truyền hình cáp ở đô thị đều sẵn, tốt
và rẻ hơn ở nông thôn, thật chẳng ngạc nhiên khi phố chật chội với lao
động nhập cư, trong khi thôn quê dần trở nên heo hút với người già và
con trẻ.
Nông dân mất ruộng
Có vẻ như khẩu hiệu "dân cày có ruộng" nhiều thời đã
lôi cuốn được nông dân đi theo vô số cuộc cánh mạng. Thì vẫn thế, quyền
tài sản tư nhân của nông dân vẫn bỏng giãy thời nay. Chỉ có điều trước
những ánh mắt thèm khát tài nguyên của các ông chủ tư bản và sự im lặng
của người có quyền, đôi khi người ta lảng tránh bàn về đề tài này. Song
càng lảng tránh, đơn thư khiếu nại nhà đất càng chồng chất.
Hơn
80% trong số gần 2 vạn đơn thư khiếu nại của cử tri gửi tới các cơ quan
và đại biểu dân cử có nội dung liên quan đến quyền tài sản nhà đất của
người dân. Tranh kiện liên quan đến nhà đất, đền bù, giải toả, khi
chuyển đổi đất ruộng thành đất kinh doanh là mầm mống cho vô số vụ
"khiếu kiện tập thể" lan dần từ thôn quê lên thành thị.
Chẳng cần tốn kém điều tra, chỉ tắt máy điều hoà, mở
cửa sổ và nhìn ra cái oi bức của xứ nhiệt đới, quan chức nước ta sẽ cảm
nhận được cái nóng từ quyền sở hữu ruộng đất đôi khi áp sát cổng chính
quyền.
Không thể im lặng mãi trước vấn đề quyền tài sản của
nông dân đối với ruộng đất. Ngược lại muốn bảo vệ nông dân, Nhà nước
phải bảo vệ quyền tài sản tư của họ, giúp họ tự do hưởng dụng quyền ấy
phù hợp với quy hoạch quốc gia và địa phương.
Tại sao việc giao đất cho các ông chủ tư bản (trong
và nước ngoài) đều có thể dài tới 50 năm, trong khi ruộng đất giao cho
nông dân canh tác bị giới hạn 20 năm? Tại sao ông chủ tư nhân có hầu hết
các quyền sở hữu trên đất đã được giao (tuỳ nghi khai thác, hưởng dụng,
chuyển bán, thế chấp); trong khi nông dân chỉ có quyền trồng cấy và thu
lượm hoa lợi, thậm chí bị hạn định rõ là cây trồng hằng năm hay lưu
niên?
Đất trở thành vàng, khi ruộng muống biến thành đất ở,
đất kinh doanh. Chỉ tiếc rằng, khi ấy ruộng đất bị “thu hồi”, người
nông dân canh tác bị “giải toả” và được đền bù “theo quy định của pháp
luật”.
Chỉ riêng cách dùng từ ngữ và thái độ của người làm
luật đã cho thấy nông dân không được xem là ông chủ tài sản có được từ
nhiều đời cha ông của họ; ruộng đất của họ có thể bị dễ dàng tước đi vài
các dự án sân golf, khu công nghiệp. Các ông chủ đích thực chính là
những người có quyền lực lập dự án và hô biến ruộng lúa thành sân golf.
Vì lẽ ấy, muốn thành thực với nông dân không thể né
tránh một cuộc cách tân đến tận gốc rễ, đó là minh định quyền tài sản
của người nông dân Việt Nam đối với ruộng đất.
Đối với đất canh tác đã đươc chia, được giao, đươc
người dân tự khẩn hoang, Nhà nước phải cho một thời hạn để họ tự đăng ký
và long trọng tuyên bố quyền sở hữu bất khả xâm phạm của họ.
Quyền tài sản ấy không bị giới hạn về thời gian,
người dân tuỳ nghi canh tác, nhượng đổi phù hợp với quy hoạch của chính
quyền, tuỳ nghi bán lại cho các ông chủ tư bản theo giá thoả thuận hoặc
góp vốn kinh doanh như cổ phần trong các công ty.
Các ông chủ tịch tỉnh chỉ có quyền xây dựng quy
hoạch, không thể có quyền thu hồi đất của nông dân giao cho các dự án,
trừ khi Nhà nước bỏ tiền mua lại đất của nông dân vì các mục đích công
cộng theo nguyên tắc thoả thuận dựa trên giá đất của thị trường.
Đất đai của toàn dân thì Nhà nước trả lại cho người
dân cũng là một lẽ đương nhiên. Nói cách khác, phải thay đổi cách nhìn
về sở hữu toàn dân, tăng quyền tài sản tư đối với ruộng đất cho các gia
đình nông dân, tôn trọng và nêu rõ thái độ của Nhà nước sẽ bảo vệ sở hữu
của họ khi cần thiết. Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 2003 cần đựoc viết
lại vì quyền lợi của nông dân.
Khác với động sản, đất không thể di dời, ngày càng có
giá nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng tiện cho dân sinh, ngày càng mất giá
nếu môi trường sống suy thoái.
Bởi lẽ đó, kể cả khi ruộng đất đã là của tư, bằng chính sách quy hoạch và đầu tư công, chính quyền dư sức làm tăng hay giảm một cách đáng kể giá trị của đất.
Không chỉ đòi quyền tài sản, muốn bảo vệ sản hữu của
mình, nông dân phải được tổ chức để can dự vào các chính sách công, ví
dụ như tham gia vào quá trình quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng và
các dự án hạ tầng.
Công khai quy hoạch, tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích
phản biện chính sách, tạo cơ hội cho cơ quan dân cử đại diện khách quan
cho lợi ích các nhóm cử tri, xây dựng các thiết chế giải quyết bất đồng
về lợi ích, có lẽ với nhiều cách ấy hi vọng sự tham gia của nông dân
trong quy hoạch địa phương mới có thể xuất hiện.
Nông dân chán ruộng
Vừa mất ruộng, vừa chán ruộng có thể sẽ là một xu thế
khó tránh khỏi mà người nông dân nước ta chắc chắn còn phải trải nghiệm
ít nhất trong vài thập kỷ nữa.
Làm ruộng thời thị trường cũng tựa kinh doanh, khôn
sống mống chết, cuộc ganh đua tự nhiên sẽ dồn đẩy người nông dân theo
nhiều thái cực, trong đó chắc sẽ có những người có năng lực quy tụ tài
nguyên đất đai và nguồn lực con người, tổ chức kinh doanh nông nghiệp
một cách hiệu quả trên quy mô rộng hơn.
Những người còn lại có thể bị bần cùng hoá, trở thành vô sản, tìm kiếm cơ hội bằng cách bán sức lao động của mình.
Có lẽ Nhà nước khó có thể làm thay hay ngăn cản thị
trường; chính sách hạn điền chỉ có thể làm chậm lại hoặc biến dạng sự
xuất hiện của các địa chủ mới.
Theo một tư duy thị trường, người có năng lực phải
được ban thưởng cho những nỗ lực của mình, tích tụ ruộng đất chắc phải
là một nền tảng cho một nền công nghiệp mang tính cạnh tranh.
Khuyến khích và bảo hộ những sự tích luỹ tự nhiên đó,
đồng thời với những chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh chế
biến nông sản, liên kết chuyển giao công nghệ cho nhà nông, hạn chế độc
quyền cung cấp nguyên liệu cho nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, Nhà
nước cần có một thái độ rõ rệt trong khuyến khích cạnh tranh.
Có vẻ như việc tổ chức thu mua, xuất khẩu gạo còn hàm
chứa vô số độc quyền; những độc quyền ấy thường ít mang lại lợi ích cho
nông dân.
Đã chấp nhận gia nhập WTO với những cam kết không bảo
hộ đáng kể gì cho nông sản Việt Nam, điều còn lại mà Nhà nước phải làm
là vận dụng được tất cả những cơ hội mà luật lệ khắt khe của WTO cho
người sản xuất nông nghiệp.
Phần từ hạt gạo xuất khẩu dành cho nông dân có đủ lớn
mới giữ được họ ở lại với ruộng đồng. Phần ấy có từ việc hạn chế độc
quyền xuất nhập khẩu, hạn chế trung gian, song phần ấy cũng có thể khéo
léo được tạo ra dưới đủ loại hình thức hỗ trợ mà quốc gia nào cũng hỗ
trợ cho nông dân của mình, ví dụ dưới dạng các tài trợ hợp pháp cho thuỷ
lợi, giống, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ kỹ thuật.
Thêm một điều mà Nhà nước đáng ra phải làm đó là khéo
léo nâng cao thái độ trân trọng nông sản Việt Nam trong nhận thức và
thói quen của dân chúng. Gọi là khéo léo bởi dưới ánh mắt soi mói của
các nhà tư bản nước ngoài bất kỳ hành vi phân biệt đối xử nào cũng có
thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Nhìn người Hàn rầm rộ biểu tình chống thịt bò Mỹ chợt
thấy lo khi dân tộc không biết cách phản ứng trước gạo mốc hay nội tạng
bảo quản bằng chất hại người được luồn về từ bên ngoài.
Nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá, nông
sản chỉ có giá khi được người mua tin dùng, cái vốn xã hội lớn lao dành
cho nông sản Việt Nam chỉ có thể tạo ra với một thái độ rõ rệt của nhà
nước.
Nông dân chán chốn thôn quê
Không ai muốn và có lẽ cũng chăng
ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống đô thị và nông thôn quá
xa khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa
hướng ra phố. Điều này phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hoá nông thôn.
Việc điều tiết lớn lao này không thể do thị trường, đó là trách nhiệm
của Nhà nước, càng bắt đầu muộn càng thêm tốn kém và bất lực.
Chính sách công có một tác động rất lớn có thể chèo
lái tâm lý dân chúng, giúp họ vì những lợi ích cá nhân mà ở lại với nông
thôn. Có người ta bảo nếu Nhà nước chi 10 đồng cho y tế, thì đến 8 đồng
chỉ có lợi cho khu vực đô thị, chỉ còn hai dồng rơi xuống y tế xã, y tế
cộng đồng, các trung tâm cấp huyện và địa phương.
Thì cũng thế đối với chi tiêu giao thông công cộng,
giáo dục, điện nước và các hạng mục ngân sách khác, có vẻ như Nhà nước
càng tăng chi thì đôi khi người ở phố và người giàu càng được lợi.
Vì lẽ ấy, muốn làm cho cuộc sống nơi thôn quê tiện
ích chẳng kém nơi đô thị, cần có một cuộc kiểm định lại tác động của chi
dùng tài chính công đối với khu vực nông thôn và xây dựng các chính
sách điều tiết phù hợp. Chẳng hạn, nếu thu nhập cho công chức, viên chức
nhận nhiệm sở thì các địa phương cũng đỡ than phiền về nguồn nhân lực.
Tương tự như vậy, nếu khuyến khích thoả đáng, các nhà
kinh doanh hạ tầng (như điện, nước, truyền thông) mới có động lực để
vươn tới nông thôn. Nếu mở rộng tranh luận, người dân sẽ có đủ muôn ngàn
kế giúp phát triển nông thôn.
Chỉ riêng chi tiêu ngân sách cho các bộ ngành, chẳng hạn
nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được đặt tại vựa lúa Cửu
Long, Tổng cục du lịch điều hành toàn ngành từ Quảng Ninh hay Bộ
LĐ-TB-XH được đặt tại những miền quê Nam Định dư thừa lao động.
Chắc rằng nguồn kinh phí quốc gia sẽ không quá dồn vào những đô thị trọng tâm mà lan toả ra rất nhiều vùng. Điều quan trọng đối với chính quyền, vì lẽ ấy, cho hôm nay và những ngày sau.
Chắc rằng nguồn kinh phí quốc gia sẽ không quá dồn vào những đô thị trọng tâm mà lan toả ra rất nhiều vùng. Điều quan trọng đối với chính quyền, vì lẽ ấy, cho hôm nay và những ngày sau.
SOURCE: VIETNAMNET
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment