Wednesday, May 28, 2014

TRANH CHẤP SỞ HỮU CHUNG CỦA CỘNG ĐỒNG: TỰ Ý ĐỤC TƯỜNG NHÀ NGƯỜI KHÁC

CẨM TÚ
Viện lẽ không phải sở hữu riêng, ban quản trị chung cư đã tự đục tường các căn hộ để dời đồng hồ nước ra ngoài. Chiều 27-5, khi đi làm về, chị Nhung (chủ căn hộ số A9-8 chung cư cao tầng Khánh Hội đặt tại 360C Bến Vân Đồn, quận 8, TP.HCM) phát hoảng khi thấy nhà mình bị đục một lỗ thủng to tướng trên tường để dời đồng hồ nước ra ngoài. Không chỉ riêng nhà chị Nhung, nhiều căn hộ khác trong chung cư này cũng bị đục tường.
Không thể lấy ý kiến
“Theo thông báo được dán ở chân cầu thang máy, ban quản trị chung cư sẽ dời đồng hồ nước ra hộp gen chung kể từ ngày 27-5. Tuy nhiên, khi chưa được sự đồng ý của chủ nhà thì họ đã tự ý đục tường để thực hiện việc này” – chị Nhung phản ánh. Nhiều người khác cũng bức xúc: “Trong hợp đồng mua bán nhà với chúng tôi, chủ đầu tư đã ghi rõ chúng tôi được sở hữu tường nhà. Có lẽ vì ban quản trị là người của chủ đầu tư nên họ mới giành cho mình quyền tự đục đẽo tường nhà người khác”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội (chủ đầu tư chung cư trên), thừa nhận ban quản trị chung cư do công ty cử ra chứ chưa được thành lập theo đúng luật định. Về việc đục tường, ông Lộc giải thích: “Trước đây chúng tôi bố trí đồng hồ nước nằm trong nhà dân. Căn cứ vào đồng hồ tổng, chúng tôi sẽ trả tiền nước cho công ty cấp nước rồi mới thu lại tiền của các hộ. Hai năm nay, do mỗi tháng chung cư bị thất thoát 700-800 m3 nước nên chúng tôi phải tổ chức dời đồng hồ nước ra ngoài để dễ ghi chỉ số nước của từng hộ. Giai đoạn đầu chúng tôi làm thí điểm ở 20 hộ, sau đó mới triển khai ra toàn chung cư. Việc đục tường không thể lấy ý kiến rộng rãi trước khi thực hiện, bởi lẽ chung cư có 330 căn hộ với hơn 500 nhân khẩu nhưng khi họp thì chỉ chừng 100 người đến nên cũng không bàn bạc được gì. Do vậy, có việc gì là ban quản trị dán thông báo chỗ thang máy để mọi người đều biết”. Cũng theo ông Lộc, phần tường bị đục thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư. “Tuy nằm trên phần tường nhà của người mua nhưng đây là phần thông giữa các tầng để cấp nước cho các hộ nên nó phải thuộc sở hữu chung” – ông Lộc nói.
Ban quản trị làm sai quy định
Theo quy chế quản lý chung cư Khánh Hội do Công ty Khánh Hội ban hành năm 2008, sở hữu chung trong nhà chung cư là “phần diện tích còn lại trừ phần diện tích sở hữu riêng…”, còn sở hữu riêng là “phần diện tích bên trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công gắn liền với căn hộ đó”. Gần đây, dự thảo quy chế quản lý, sử dụng chung cư do Sở Xây dựng TP.HCM soạn thảo cũng có định nghĩa tương tự như trên về phần sở hữu riêng, sở hữu chung. Trường hợp nhà chung cư có những công trình, diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu khác thì phải nêu rõ, ví dụ bể bơi, sân tennis, siêu thị, nơi để xe phục vụ cho kinh doanh v.v…
Cần lưu ý, khi tính diện tích căn hộ để mua bán, cấp chủ quyền, các cơ quan chức năng đều tính cả phần tường bao ngoài. Nhưng khi xác lập sở hữu riêng cho các hộ thì các quy chế chỉ nêu “là phần diện tích bên trong căn hộ”. Chính sự bất nhất này đã dẫn đến những xung đột đáng tiếc giữa chủ đầu tư và người mua nhà chung cư.
Trở lại việc đục tường nêu ở phần trên, ngay cả khi phần tường bị đục thuộc sở hữu chung của tất cả các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư thì việc tự ý đục tường của ban quản trị cũng sai pháp luật. Bởi lẽ theo khoản 2 Điều 225 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu các căn hộ chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung. Ngoài ra, khoản 2 Điều 223 bộ luật này cũng yêu cầu “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung”. Như vậy, khi chưa được sự đồng ý của các chủ sở hữu căn hộ, ban quản trị chung cư Khánh Hội (nói cách khác là chủ đầu tư chung cư) không được quyền tự ý đục tường mà các hộ đang sử dụng bất kể mục đích gì.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code