HOÀNG YẾN
Người lao động kiện đòi
bồi thường hơn 2,5 tỷ đồng bị tòa bác. Theo tòa, việc bà K. chỉ căn cứ
vào hai thư điện tử để cho rằng công ty cho bà nghỉ việc trái luật là
không đủ căn cứ. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa bác kháng cáo
của hai bên đương sự trong một vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao
động. Vụ án khá phức tạp bởi tranh chấp xoay quanh việc cho nghỉ việc
bằng thư điện tử (email) và mức đòi bồi thường lên đến tiền tỷ.
Rắc rối từ email
Cuối tháng 9-2008, bà K. (ngụ ở Hong Kong) đã nộp đơn
đến TAND TP.HCM kiện Công ty liên doanh U. Việt Nam vì đơn phương chấm
dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với bà. Bà K. yêu cầu công ty bồi
thường toàn bộ tổn thất hơn 2,5 tỷ đồng bao gồm tiền lương, phụ cấp,
tiền phép năm cũng như bồi thường vì chấm dứt hợp đồng trái luật.
Theo bà K., tháng 9-2007, bà ký hợp đồng lao động làm
trưởng phòng Dịch vụ khách hàng và thị trường của công ty đến năm 2010.
Cuối tháng 3-2008, dù bà không hề có ý định bỏ việc nhưng lại nhận được
hai email từ phía công ty nói là cho bà nghỉ việc.
Email đầu tiên bà nhận được vào ngày 26-3-2008, nội
dung là người phụ trách về nhân sự đã cố gắng liên lạc với bà trong ngày
nhưng không được. Do phải đi công tác lâu mới quay về nên người này đưa
ra các đề nghị với bà. Cụ thể vào thứ Hai 31-3-2008, công ty sẽ thông
báo với đội của bà rằng bà sẽ rời chức trách vì quyết định về Hong Kong.
Hôm sau, quản lý nhân sự sẽ gặp bà để sắp xếp.
Cạnh đó, bà K. còn nhận được một bức thư của tổng
giám đốc chấp nhận cho bà chấm dứt công việc, trở về Hong Kong và yêu
cầu bà nghỉ làm trong những ngày còn lại của tuần. Sang tuần mới, người
phụ trách về nhân sự sẽ liên lạc và sắp xếp cuộc họp.
Sau đó, bà K. đã trả lời email trên cho tổng giám đốc
là không hề có ý định muốn nghỉ việc. Kể từ đó, email của bà bị khóa
khiến bà không thể tiếp tục làm việc. Nhiều lần bà liên lạc với công ty
để giải quyết về chuyện nghỉ việc của mình nhưng chỉ được trả lời miệng.
Đến tháng 9-2008, bà nhận được quyết định xử lý kỷ
luật lao động với hình thức sa thải của công ty và quyết định đơn phương
chấm dứt hợp đồng lao động với bà.
Công ty phản tố
Ngược lại, phía công ty cho rằng sau khi bà K. gửi
thư phản hồi cho tổng giám đốc về việc không muốn nghỉ việc thì nội dung
của email ngày 26-3-2008 không thực hiện được nữa. Những ngày sau đó,
hai bên ngồi lại bàn bạc nhưng không thống nhất được.
Đến ngày 15-5-2008, công ty gửi thông báo cho bà K.
bằng nhiều đường: Gửi qua bưu điện, email và chuyển tay đề nghị bà đến
công ty để làm việc nhưng không thấy đến. Vì bà K. không đến làm việc mà
không có lý do nên công ty mới sa thải bà.
Cạnh đó, công ty phản tố yêu cầu bà K. bồi thường máy
vi tính xách tay đã làm mất trị giá 24 triệu đồng, thanh toán toàn bộ
chi phí hơn 670 triệu đồng mua báo cáo thị trường trong tháng 3-2008,
bồi thường thiệt hại do các dự án của công ty bị ngưng trệ.
Ngoài ra, công ty còn yêu cầu bà K. trả lại chi phí
vé máy bay đi về của trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường khu vực từ
Philippines sang Việt Nam để trực tiếp giải quyết những công việc tồn
đọng do bà K. không đến công ty.
Cho nghỉ việc là đúng
Xử sơ thẩm hồi tháng 5, TAND TP nhận định việc bà K.
chỉ căn cứ vào hai email để cho rằng công ty cho bà nghỉ việc trái luật
là không đủ căn cứ. Bởi lẽ sau đó công ty có liên lạc với bà để bàn bạc
giải quyết về quan hệ lao động. Trong bốn lần công ty mời bà đến làm
việc vào tháng 8-2008, bà đều tự ý vắng mặt không lý do nhưng công ty
vẫn trả lương cho bà đến đầu tháng 9-2008, cũng như cung cấp nhà, xe cho
đến sau khi có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, bà K. đã tự ý bỏ việc từ giữa tháng 5-2008
đến đầu tháng 9-2008 khi công ty chính thức sa thải bà. Từ đó, tòa không
chấp nhận việc bà K. yêu cầu hủy hai quyết định sa thải và chấm dứt hợp
đồng lao động của công ty. Công ty chỉ phải thanh toán cho bà K. tiền
lương 10 ngày phép năm chưa nghỉ và tiền lương từ ngày 1 đến ngày 4-9,
tổng cộng là 70 triệu đồng. Đồng thời, tòa cũng chỉ chấp nhận yêu cầu
phản tố đòi bồi thường máy vi tính đã làm mất là 24 triệu đồng. Các
thiệt hại còn lại mà công ty đưa ra theo tòa là không có căn cứ để chấp
nhận.
Sau phiên xử này, hai bên đều không đồng ý với phán
quyết của tòa sơ thẩm nên kháng cáo. Tuy nhiên mới đây, Tòa phúc thẩm
TAND tối cao đã bác toàn bộ kháng cáo của cả hai bên vì cho rằng phán
quyết của cấp sơ thẩm là chính xác.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment