PGS.TS. LÊ TRỌNG – Đại học Kinh tế quốc dân
Tích tụ ruộng đất là một
biểu hiện về quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định
của lực lượng sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp theo
hướng chuyên môn hóa, phát triển các loại cây trồng thâm canh cao để sản
xuất nông sản hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và
ngoài nước. Tích tụ ruộng đất đã và đang diễn ra rất phong phú trong
thực tiễn. Bài viết dưới đây phản ánh những hình thức đang có tại Việt
Nam và một số suy nghĩ về giải pháp cho việc tích tụ ruộng đất hợp lý.
Trong quá trình tích tụ ruộng đất để công nghiệp hóa,
Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh: Phải chọn hình thức hợp lý tạo điều kiện
thuận lợi cho nông dân có việc làm, có đời sống tốt hơn, xóa đói giảm
nghèo nhanh và bền vững. Từng bước giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa
các hộ, giữa thành thị và nông thôn.
I – Các hình thức
Thực tế những năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu phát
triển của sản xuất nông nghiệp, ở nước ta đã có nhiều hình thức tích tụ
ruộng đất khác nhau, có thể tổng kết lại như sau:
1. Nhiều nhà nông đã tích tụ ruộng đất lập trang trại
bằng cách thuê đất công – tư, mua, mượn hoặc được giao, được thừa kế,
cho… để phát triển kinh tế trang trại có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đây là
hình thức đầu tiên được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ XX.
2. Dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ,
có dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp là hình thức phổ biến mà nhiều
tỉnh đã và đang làm (như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình…). Đây là một
yêu cầu của tích tụ ruộng đất để thực hiện cơ giới hóa có hiệu quả trong
giai đoạn đầu, sau đó có thể chọn hình thức hợp tác liên kết sản xuất –
kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
3. Hộ tự nguyện góp đất, vốn mua máy lập tổ hợp
tác sản xuất, Nhà nước hỗ trợ vốn để mua máy, thực hiện cơ giới hóa nông
nghiệp theo hướng: liền đồng, cùng trà, tăng hiệu quả cho từng hộ theo
mức tích tụ đất và vốn của mỗi hộ (như ở thôn Vị Hà, xã Bình Minh, huyện
Bình Lục, Hà Nam đang làm gần như một công ty cổ phần nhỏ). Đây là một
hình thức tích tụ hợp lý thỏa mãn được đầy đủ các yêu cầu của tích tụ
ruộng đất và sẽ hoàn thiện dần từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ nông
đến sâu, từ tổ hợp tác sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên
cơ sở liên kết nông – công – thương trong tương lai.
4. Ruộng đất đã tích tụ trong các nông, lâm trường
của Nhà nước. Hiện những nông, lâm trường quản lý, kinh doanh tốt và
những cơ sở giống quốc gia thì được củng cố, phát triển, còn những nông,
lâm trường quản lý kém, làm ăn thua lỗ thì đã và đang được cổ phần hóa
hoặc thực hiện công tư hợp doanh.
5. Trong ngành mía đường, còn có một hình thức tích
tụ ruộng đất trồng mía của nông dân xung quanh nhà máy đường của Công ty
đường Bourbon (Buốc-bông) của Pháp đóng tại Tây Ninh và Gia Lai theo
nguyên tắc: "Liền đồng, cùng trà, khác chủ" trên cơ sở liên kết nông-
công – thương, thực hiện sản xuất nguyên vật liệu mía của nông dân, chế
biến và tiêu thụ đường của Công ty đã đạt hiệu quả kinh doanh cao. Trong
đó, nông dân được Công ty hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, công khai
hóa ngày trồng – tháng đốn, đầu tư giống mới, máy cày làm đất, phân,
thuốc phòng trừ sâu bệnh và có hợp đồng mua mía bảo đảm giá mua có lãi
thỏa đáng, tạo độ tin cậy cao cho nông dân phát triển sản xuất mía
nguyên liệu cho nhà máy.
6. Trong ngành cà-phê có hình thức hộ nông dân góp
vốn cổ phần bằng đất để trồng cà-phê vào công ty cổ phần như ở Công ty
cà-phê Thái Hòa (Lạc Sơn, Hòa Bình). Công ty bỏ vốn (khoảng 80 triệu
đồng/ha) đầu tư xây dựng cơ bản vườn cà-phê (cây giống, phân, nước…) đến
khi vườn cà-phê đưa vào kinh doanh ổn định; hướng dẫn kỹ thuật trồng
mới cho nông dân. Hộ nông dân sau khi góp vốn bằng đất sẽ là thành viên
của Công ty, được hưởng chế độ quy định, được bố trí làm việc theo khả
năng của từng người theo nguyên tắc “ai làm nhiều được hưởng nhiều”. Tuy
vậy, khi hộ nào thấy cần rút vườn cà-phê của mình ra khỏi Công ty để tự
sản xuất thì trả lại phần vốn đầu tư trồng mới cho Công ty; hộ tự sản
xuất (có sự giúp đỡ kỹ thuật và ứng vật tư của công ty) sẽ bán nguyên
liệu cà phê cho Công ty theo hợp đồng. Công ty sẽ tiến lên có nhà máy
chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện công nghiệp hóa liên hoàn đạt
hiệu quả cao.
II – Kinh nghiệm của các nước và so sánh với Việt Nam
Từ thực tế của những hình thức tích tụ ruộng đất chủ
yếu ở trên, để bước đầu có thể đánh giá được những hình thức hợp lý
trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
chúng ta cần nghiên cứu rút kinh nghiệm của một số nước đi trước mà ta
có thể vận dụng trong những điều kiện cho phép. Vì những kinh nghiệm đó
rất có giá trị tham khảo đối với chúng ta. Qua nghiên cứu, chúng tôi
thấy có một sự khác biệt đáng kể về sự tập trung ruộng đất ở Nhật Bản,
Đài Loan, Hàn Quốc với các nước Âu, Mỹ là quy mô đất nông hộ.
Ở các nước Âu, Mỹ, quy mô ruộng đất của mỗi chủ sản
xuất có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn héc-ta, nhưng ở Nhật Bản, Đài
Loan, Hàn Quốc quy mô ruộng đất của nông hộ đa số chưa vượt quá 10 ha.
Đến năm 1986 – thời kỳ hoàn thành cơ khí hóa nông nghiệp ở Nhật Bản,
bình quân ruộng đất của nông hộ là 1,24 ha. Đài Loan, năm 1986, khi hoàn
thành cơ khí hóa nông nghiệp, bình quân ruộng đất nông hộ chỉ khoảng 1
ha. Thời gian hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của
Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chỉ khoảng 25 – 30 năm, bằng trên dưới 1/3
các nước Âu Mỹ đi trước.
Ngoài ra, ngày nay sản xuất hàng hóa lớn, thị trường
mở rộng ra cả thế giới, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm ngày càng khắt
khe, chẳng hạn lương thực, thực phẩm không những phải bảo đảm chất lượng
mà còn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm phải ghi rõ
nguồn gốc xuất xứ, người chủ sản xuất và chế biến phải chịu trách nhiệm
trước người tiêu dùng.
Cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn để làm rõ ưu, khuyết
điểm của từng hình thức, tích tụ ruộng đất hiện nay. Nhân rộng những
hình thức tốt, đồng thời sớm hoàn thiện các chính sách về ruộng đất,
nhất là Luật đất đai.
Vậy, để sản xuất ra được nguồn nguyên liệu sản phẩm
nông nghiệp đạt được những yêu cầu trên, tất yếu phải tổ chức sản xuất
trên cơ sở tích tụ ruộng đất liền vùng rộng lớn, cùng trà giống, cùng
quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiến tới bảo đảm
cả chế biến, lưu thông hàng hóa một cách có thương hiệu, với giá thành
hạ, lợi nhuận cao. Để chủ động, Nhật Bản, Đài Loan đã lựa chọn một hình
thức tích tụ ruộng đất mới thực hiện sản xuất lớn trên cơ sở “liên vùng,
cùng trà, khác chủ" gắn với một cơ sở (xí nghiệp) chế biến hiện đại (sơ
hoặc tinh chế) và tiêu thụ sản phẩm, hay một hợp tác xã dịch vụ – chế
biến – tiêu thụ sản phẩm, hình thành lên "tổ hợp nông – công – thương".
Từ đó, ở mức cao hơn, là các hộ có thể dùng ruộng đất để góp cổ phần
trong tổ hợp sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.
Ở nước ta, các hình thức tích tụ ruộng đất từ 1 đến 6
được hình thành trong những điều kiện lịch sử "đổi mới". Tuy nhiên,
chúng ta đang tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở quá khứ và vận dụng
kinh nghiệm về các hình thức tích tụ ruộng đất, thực hiện công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nên độ
dao động còn lớn. Để so sánh, đánh giá có căn cứ khoa học, cần dựa vào
mấy chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu sau:
Một là, trong những vùng có cùng điều kiện về đất đai thì năng suất ruộng đất, năng suất lao động tăng hơn bao nhiêu?
Hai là, trong chuỗi giá trị sản phẩm
hoàn chỉnh (đến người tiêu dùng) thì mỗi cung đoạn sản xuất – chế biến –
tiêu thụ chiếm bao nhiêu %? Tính doanh lợi (lãi kinh doanh) của mỗi
phần đó được bao nhiêu? Có hài hòa không?
Ba là, mỗi hình thức đã tạo việc làm, nâng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho nông dân có ruộng ở mức nào?
Cần tổng kết, đánh giá ưu, khuyết của mỗi hình thức
để có căn cứ nhân rộng những hình thức tích tụ ruộng đất hợp lý hơn,
đồng thời hoàn thiện chính sách về ruộng đất, vốn, lãi suất, thuế… cho
phát triển. Song cuộc sống không thể chờ đợi, do đó qua nghiên cứu và
trong chừng mực đã nhận xét về tính hợp lý của một vài hình thức như
trên, tổng hợp lại tôi thấy cần quan tâm phát triển các hình thức một
(1), hai (2), năm (5), nhất là nhấn mạnh đến hình thức thứ ba (3) về
tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất ở thôn Vị Hạ, tỉnh Hà Nam.
III – Về giải pháp
Mỗi hình thức tích tụ ruộng đất ứng với một số giải
pháp nhất định. Trong điều kiện nông thôn của ta ở hiện tại, nhìn chung
bước đầu, tác giả thấy có thể vận dụng để phát triển mạnh hình thức tích
tụ ruộng đất hợp tác sản xuất như ở thôn Vị Hạ (Hà Nam) là hợp lý hơn.
Để phát triển hình thức này có thể áp dụng mấy giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, cán bộ phải có tâm huyết, trình độ,
có giải pháp trao đổi, thảo luận trực tiếp với nông dân từ ít đến nhiều
chủ hộ để họ nhận thức được lợi ích của tích tụ ruộng đất, lập tổ hợp
tác sản xuất (gần như một công ty cổ phần nhỏ) theo hướng cơ giới hóa…
và tham gia một cách tự nguyện.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như :
- Vốn cho nông dân mua máy thực hiện cơ giới hóa với
mức từ 30 đến 60% (theo tiêu chí loại thôn xã nghèo nhất, trung bình
hoặc khá giả).
- Kinh phí tạo nghề (nông- công – thương) phù hợp với yêu cầu.
- Kinh phí cho một số chủ hộ đi tham quan (ví dụ đến Vị Hạ) học tập để về áp dụng, nhất là thời gian đầu.
- Có chính sách tín dụng, lãi suất ngân hàng, giảm thuế…
Thứ ba, cần sửa chữa, bổ sung Luật Đất đai,
nghị định và có chính sách khuyến khích về tích tụ ruộng đất hợp lý để
hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo bền vững
thực sự.
Thứ tư, từng hình thức hợp tác cần có quy chế
tích tụ ruộng đất, góp vốn (theo đầu sào… như cổ phần), chi phí vật tư,
lao động sản xuất, kinh doanh và phân chia sản phẩm, tiền làm ra minh
bạch trong mỗi vụ và cả năm cho mỗi hộ theo mức ruộng đất và vốn mà mỗi
hộ đã tích tụ.
Thứ năm, Nhà nước phải cấm tích tụ ruộng đất
theo kiểu bắt bí hộ đói nghèo… để mua rẻ, hoặc thu hồi đất “bờ xôi,
ruộng mật”, lập dự án treo, hay phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì
lợi ích của một nhóm người nào đó./.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: