Wednesday, December 4, 2013

NHIỀU THOẢ THUẬN LÃI SUẤT CHO VAY CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG SẼ VÔ HIỆU?

ĐOÀN THÁI SƠN - Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Ngày 14/06/2005 Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự năm 2005 này (BLDS 2005) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. BLDS 2005 có vai trò quan trọng và là cơ sở pháp lý nền tảng cho quan hệ tài sản, nhân thân của các chủ thể trong xã hội. Các quy định của BLDS 2005 cũng có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập một vấn đề bất cập nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của các TCTD khi áp dụng các quy định về lãi suất cho vay của BLDS 2005.
Từ quy định mới của Bộ luật Dân sự 2005 về phạm vi điều chỉnh và khống chế lãi suất cho vay tối đa…
Một trong những điểm mới quan trọng của Bộ luật Dân sự năm 2005 là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự từ việc chỉ điều chỉnh “địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự” (trong Bộ luật Dân sự 1995) sang điều chỉnh “quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động” (trong Bộ luật Dân sự 2005). Như vậy, từ ngày 01/01/2006, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng, hợp đồng kinh doanh khác của các tổ chức tín dụng cũng chịu sự điều chỉnh điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 BLDS 2005, lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nói cách khác, thỏa thuận về lãi suất cho vay cao hơn 150% lãi suất cơ bản do NHNN là trái pháp luật.
Theo quy định hiện hành, NHNN công bố lãi suất cơ bản theo định kỳ hàng tháng, do đó, mức trần lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng cũng thay đổi tương ứng theo từng tháng. Trong các tháng gần đây – từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2006, Ngân hàng Nhà nước đều công bố mức lãi suất cơ bản là 8,25%/năm. Như vậy, mức lãi suất vay trong các hợp đồng tín dụng cũng sẽ không được phép vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản trên tức khoảng 12,375% / năm.
…đến một số rủi ro cho hoạt động cho vay của các TCTD và kiến nghị
Trên thực tế, với tư cách là trung gian tài chính nhận tiền gửi từ công chúng và sử dụng tiền gửi này để cấp tín dụng, mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… và chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng. Thực tiễn hoạt động cho vay của các TCTD cho thấy TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng khác nhau. Do vậy, việc khống chế mức lãi suất trần cho vay đối với hoạt động cho vay của TCTD là không cần thiết. Đây cũng chính là một lý do để Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách lãi suất từ việc có khống chế mức lãi suất cho vay tối đa sang tự do hoá lãi suất – cho phép TCTD và khách hàng tự thoả thuận lãi suất trên cơ sở cung cầu của thị trường từ 01/06/2002. Ngoài ra, các quy định của Bộ luật Dân sự về lãi suất không khả thi trên thực tế vì theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, hàng tháng NHNN chỉ công bố một mức lãi suất cơ bản duy nhất. Do vậy, các quy định về mức lãi suất cơ bản của loại cho vay tương ứng tại điều 476 BLDS 2005 là không thể thực hiện trên thực tế.
Tóm lại, với quy định khống chế mức lãi suất cho vay tối đa tại Điều 476 BLDS 2005, thoả thuận về mức lãi suất cho vay trong các Hợp đồng tín dụng giữa TCTD và khách hàng có mức lãi suất từ hơn 12,375%/năm (quá 150% mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố) hiện nay sẽ là vi phạm quy định tại Điều 467 BLDS 2005. Hậu quả là các TCTD có thể không thu được tiền lãi từ các hợp đồng tín dụng đúng như thỏa thuận, nếu khách hàng yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu thoả thuận do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Để giải quyết bất cập này, về lâu dài, việc sửa đổi Điều 476 BLDS 2005 theo hướng không áp dụng quy định này đối với hoạt động cấp tin dụng của các TCTD là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt khi BLDS chưa được sửa đổi, để đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc thay đổi cơ chế xác định mức lãi suất cơ bản theo hướng đưa mức lãi suất này gần hơn với mức lãi suất cho vay bình quân trên thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có điểm cần chú ý là việc thay đổi cơ chế xác định mức lãi suất cơ bản có thể có tác động dây chuyền đến việc xác định các mức lãi suất kinh doanh của các TCTD do việc tăng mức lãi suất cơ bản của NHNN là tín hiệu tăng lãi suất đối với các TCTD./.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code