TH-VP
Ngày 21/12/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước đã ban hành Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng kèm theo
Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN thay thế Quyết định số 140/1999/QĐ-NHNN14
ngày 19/4/1999. Theo đó, việc mua, bán nợ được thực hiện theo một trong
hai phương thức sau và do các bên tham gia lựa chọn: (1) Mua, bán nợ
thông qua đấu giá các khoản nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về
bán đấu giá tài sản. (2) Mua, bán nợ thông qua đàm phán trực tiếp giữa
bên bán nợ và bên mua nợ hoặc thông qua môi giới.
Quyết định 59 đã tạo điều kiện thuận lợi
hơn cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động mua bán nợ nhằm mở rộng khả
năng cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, tăng cường khả
năng chuyển dịch cơ cấu đầu tư, góp phần quản lý rủi ro tín dụng, củng
cố tính thanh khoản và chất lượng các khoản đầu tư của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 59, hiện
các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc bán đấu giá
các khoản nợ, đó là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/1/2005 của Chính
phủ về bán đấu giá tài sản đã có hiệu lực hơn hai năm, nhưng đến nay
vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 34 Nghị
định số 05/2005/NĐ-CP thì người bán đấu giá gồm: “Doanh nghiệp bán đấu
giá tài sản; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Hội đồng bán đấu giá
tài sản”.
Thời gian qua, để bán đấu giá các khoản
nợ cho vay của mình, một số tổ chức tín dụng đã liên hệ với Trung tâm
dịch vụ bán đấu giá tài sản thì được Trung tâm cho biết là hiện nay
Trung tâm chưa được hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ đấu giá nợ. Do vậy,
việc mua bán nợ của tổ chức tín dụng thông qua đấu giá chưa thể thực
hiện được.
Thứ hai, đối với trường hợp đấu giá thông
qua Hội đồng bán đấu giá tài sản, tại Điều 37 Nghị định số 05 quy định:
(i) Hội đồng đấu giá tài sản do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có
thẩm quyền quyết định thành lập để tổ chức bán đấu giá tài sản của nhà
nước có giá trị dưới 10 triệu đồng; (ii) Trong trường hợp tài sản là cổ
vật, tài sản có giá trị văn hoá, tài sản có giá trị đặc biệt lớn phải
được bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán
đấu giá nước ngoài thì việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc
thuê tổ chức đấu giá nước ngoài được thực hiện theo quyết định của Thủ
tướng Chính phủ.
Do đặc điểm hoạt động của các tổ chức tín
dụng, đa số các khoản nợ cho vay của tổ chức tín dụng là khá lớn cả về
số lượng cũng như về giá trị. Hơn nữa, mua, bán nợ là một nghiệp vụ diễn
ra thường xuyên tại tổ chức tín dụng nhằm cơ cấu lại nợ, lành mạnh hoá
bảng cân đối tài chính đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại nhà
nước chuẩn bị cổ phần hoá. Nếu theo quy định nêu trên, mỗi lần bán đấu
giá các khoản nợ có giá trị lớn đều phải có quyết định của Thủ tướng
Chính phủ thì tính khả thi sẽ không cao vì sẽ có nhiều phiền hà về thủ
tục, gây chậm trễ trong quá trình mua, bán nợ, làm mất cơ hội của tổ
chức tín dụng trong việc thay đổi cơ cấu đầu tư, kinh doanh.
Kiến nghị: Để tạo điều kiện thuận lợi cho
các tổ chức tín dụng trong việc bán đấu giá các khoản nợ, thay đổi cơ
cấu đầu tư, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng
dẫn thực hiện Nghị định 05 về bán đấu giá tài sản. Từ đó, các tổ chức
tín dụng có thể sớm thực hiện việc bán đấu giá các khoản nợ qua Trung
tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
Một điều cần lưu ý, trong quá trình xây
dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 05, Bộ Tư pháp cần xem xét đến tính
đặc thù của các khoản nợ cho vay của tổ chức tín dụng để có quy định phù
hợp, tạo điều kiện cho hoạt động bán đấu giá các khoản nợ của tổ chức
tín dụng được thông suốt, hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng
được phát triển.
SOURCE: http://www.sbv.gov.vn
0 comments:
Post a Comment