Luật sư Nguyễn Hải Nam
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn quốc
Mục tiêu tổng quát của “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” (do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 1072/QĐ-TTg ngày 05/07/2011) là phát
triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hoạt
động hành nghề luật sư, nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong hoạt
động tố tụng, từng bước phát triển và mở rộng thị trường dịch vụ pháp
lý, tạo nền tảng để phát triển nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với các
nước trong khu vực và trên thế giới…
Là
trung tâm về kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, đầu mối giao thương
quốc tế năng động trong khu vực, nơi có truyền thống nghề luật sư ra đời
từ rất sớm, TP.HCM có môi trường hết sức thuận lợi cho nghề luật sư
phát triển. Trong nhiều năm qua, tại thành phố luôn có số lượng luật sư,
tổ chức hành nghề luật sư đông đảo nhất, với gần 1/2 tổng số luật sư và
khoảng 40% số tổ chức hành nghề trên cả nước. Nhu cầu dịch vụ pháp lý
tại thành phố cũng rất đa dạng với tính phức tạp ngày một cao, từ các
công việc “truyền thống” như tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và trợ
giúp pháp lý cho người dân, đến hoạt động tư vấn pháp lý cho doanh
nghiệp, tổ chức trong các giao dịch đầu tư, tài chính ngân hàng, thị
trường vốn, thị trường bất động sản, sở hũu trí tuệ, tham gia giải quyết
tranh chấp có yếu tố nước ngoài…Từ những đặc điểm cơ bản của thị trường
dịch vụ pháp lý tại Thành phố, có thể nhận định rằng việc thực hiện
thành công Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn thành phố có ý nghĩa quyết định thành công của chiến lược trên phạm vi cả nước.
Là
tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho giới luật sư của thành phố,
Đoàn Luật sư TP.HCM là một trong những chủ thể thực hiện chiến lược trên địa bàn thành phố. Vị trí, vai trò của Đoàn Luật sư được thể hiện thông qua việc thực hiện tốt chế độ tự quản, được cụ thể hóa bằng các chức năng, nhiệm vụ được Luật Luật sư (1) là Điều lệ quy định. Cùng với việc tham gia xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố (do
Ủy Ban Nhân dân Thành phố ban hành), Đoàn Luật sư còn có vai trò xuyên
suốt cùng phối hợp với các chủ thể khác trong việc thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp được nêu trong dự thảo Kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược.
1. Phát triển số lượng luật sư và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư
Nhờ
những điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội và thị trường dịch vụ
pháp lý, đội ngũ luật sư tại Thành phố phát triển rất nhanh, tăng lên
gấp 4 lần chỉ sau 6 năm thi hành Luật Luật sư (2). Với mức tăng trung bình hàng năm trên 400 luật sư, mục tiêu đến năm 2020 thành phố có khoảng 7.000 luật sư như dự thảo Kế hoạch đặt ra là hoàn toàn khả thi. Tuy
nhiên, hiện nay chỉ mới có khoảng 50% luật sư thành viên của Đoàn Luật
sư có đăng ký hành nghề (3). Nếu tính cả số lượng luật sư làm công tác
pháp lý tại các doanh nghiệp, tổ chức… thì tỷ lệ luật sư thường xuyên
hành nghề ước tính không vượt quá 70%. Vì vậy, mục tiêu thực chất của
gia tăng số lượng luật sư chính là nâng tỷ lệ số luật sư thường xuyên hoạt động hành nghề và thực sự sống được bằng nghề luật sư. Dự thảo Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% số luật sư thường xuyên hành nghề.
Việc phát triển số lượng không tách rời nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, hướng đến đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân và doanh nghiệp, quan tâm đến hoạt động trợ giúp pháp lý, chuyên môn hóa theo lĩnh vực hành nghề, nhất là các lĩnh vực về hội nhập kinh tế quốc tế.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đoàn Luật sư sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động chủ yếu sau:
- Tham
gia thực hiện Chiến lược truyền thông của Liên Đoàn, phối hợp với các
cơ quan, tổ chức khác trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao
nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, khuyến khích việc
sử dụng luật sư trong tố tụng, trong giao dịch dân sự và các giao dịch,
dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…
- Tham gia các hoạt động hướng nghiệp nhằm giúp sinh viên luật có sự chuẩn bị tốt hơn cho dự định trở thành luật sư trong tương lai.
- Thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện đăng ký tập sự và gia nhập Đoàn Luật sư đáp ứng yêu cầu minh bạch, thuận lợi, đúng pháp luật và Điều lệ.
- Tăng cường giám sát hoạt động tập sự để hoạt động này thực chất hơn, góp phần nâng chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư.
- Phối hợp với Liên Đoàn, các cơ quan liên quan tổ chức các kỳ thi đánh giá kết quả tập sự luật sư nghiêm túc, chặt chẽ nhằm đánh giá đúng năng lực của người tập sự.
-
Phối hợp với Liên Đoàn, tổ chức thực hiện bồi dưỡng bắt buộc đối với
luật sư, trong đó có bồi dưỡng về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp
luật sư (4).
- Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, các kiến thức pháp luật về hội nhập quốc tế.
Mặc dù kinh nghiệm và kỹ năng của luật sư hiện nay được phát triển chủ
yếu qua thực tiễn hành nghề, Đoàn Luật sư cũng có vai trò tích cực trong
việc tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chung (khóa học, hội thảo, tọa
đàm…), nhờ thế mạnh tập hợp, kết nối được các nguồn lực của các tổ chức
hành nghề và các luật sư có kinh nghiệm, uy tín, và kết hợp với các hoạt
động hợp tác quốc tế của Đoàn (5).
2. Phát triển tổ chức hành nghề luật sư, phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn thành phố
Quy
mô hoạt động luật sư hiện nay còn rất phân tán: phổ biến mỗi tổ chức
hành nghề luật sư chỉ có từ 1 đến 2 luật sư (6). Điều này do tập quán
hành nghề riêng lẻ của luật sư và phù hợp với đặc điểm phát triển của
thị trường, với cá nhân là đối tượng khách hàng chính. Trong điều kiện
hội nhập quốc tế, thị trường đã có nhiều thay đổi, số lượng khách hàng
là doanh nghiệp tăng lên, quy mô và tính phức tạp của các vụ việc, giao
dịch đòi hỏi dịch vụ pháp lý có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, và có quy mô tập trung hơn. Việc đáp ứng những đòi hỏi này còn tùy thuộc vào năng lực phát triển và quản trị của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Đoàn
Luật sư có thể phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc
thực hiện chính sách, pháp luật để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích,
thúc đẩy và hỗ trợ cho việc mở rộng quy mô, nâng cao tính chuyên nghiệp
và chuyên môn hóa trong tổ chức hành nghề, thông qua các hoạt động hội
thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng quản trị, điều hành tổ
chức hành nghề (7).
Việc phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một yêu cầu cấp thiết. Đoàn Luật sư có thể thực hiện các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên về pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế, tập
hợp các nhóm luật sư hoạt động chuyên sâu về thương mại quốc tế để giao
lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong hành nghề và thực hiện các
hoạt động khác phục vụ hội nhập.
3.
Phát triển hoạt động hành nghề luật sư; phát huy vai trò của luật sư
trong đổi mới hoạt động tố tụng, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp
Ngoài hoạt động tuyên truyền, cần có các hoạt động cụ thể thiết thực của đội ngũ luật sư nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và của chính luật sư về vai trò và ý nghĩa xã hội của hoạt động luật sư. Đoàn Luật sư có trách nhiệm phát động, tổ chức thực hiện các hoạt động sau:
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
Cùng với việc báo cáo tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các luật sư
của Đoàn thực hiện tại các cơ quan, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp,
trên các phương tiện thông tin đại chúng…, Đoàn Luật sư trực tiếp tổ
chức các hoạt động tuyên truyền về các quy định pháp luật mới ban hành
có phạm vi ảnh hưởng rộng đến đời sống xã hội. Bản tin Luật sư và
website của Đoàn Luật sư ngoài việc đưa các thông tin hoạt động của
Đoàn, còn đăng tải những bài viết về những vấn đề pháp luật được quan
tâm.
- Hoạt động tham gia tố tụng:
Đoàn Luật sư tập hợp, phản ánh các ý kiến của luật sư về hoạt động tham
gia tố tụng, kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật và thực tiễn
áp dụng để tiếp tục tháo gỡ các rào cản, vướng mắc đang hạn chế quyền
hành nghề hợp pháp của luật sư trong tố tụng; tiếp tục làm tốt công tác
phân công bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần
nâng dần tỷ lệ số vụ án hình sự do tòa án xét xử tại thành phố có luật
sư tham gia.
- Hoạt động trợ giúp pháp lý: Cùng với các hoạt động trợ giúp pháp lý do các luật sư của Đoàn thực hiện tại trung
tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tại các tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn
Luật sư tiếp tục duy trì hoạt động trợ giúp pháp lý thường xuyên tại trụ
sở Đoàn. Hoạt động trợ giúp pháp lý còn được lồng ghép trong các hoạt
động phong trào của Đoàn như Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại các
vùng sâu, vùng xa, kết hợp với các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ
đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách…
- Hoạt động đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và hội nhập kinh tế quốc tế: Tổ
chức và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm, góp ý bằng văn bản, tham
gia ý kiến tại các cuộc họp của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố để góp ý đối
với các dự án luật và văn bản dưới luật trong quá trình soạn thảo (8).
Phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc thực tiễn hoạt động
luật sư trong khuôn khổ hoạt động giám sát chấp hành pháp luật của các
Đoàn công tác của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố…
4. Tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập về luật sư.
Hoạt
động hợp tác quốc tế của Đoàn Luật sư trong nhiều năm qua đã được Ban
Chủ nhiệm hết sức quan tâm, thúc đẩy (9). Thông qua hoạt động hợp tác
quốc tế của Đoàn (các cuộc hội thảo, hội nghị, gặp gỡ, giao lưu...),
hàng trăm lượt luật sư của Thành phố đã có cơ hội tham gia giao lưu,
chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với giới luật sư khu vực và thế giới.
Trong
thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh về quan hệ và
kinh nghiệm trong nhiều năm qua, phối hợp với các hoạt động trong khuôn
khổ hợp tác quốc tế của Liên đoàn, nhằm tận dụng có hiệu quả các hoạt
động hợp tác quốc tế để tăng cường cơ hội giao lưu, hợp tác, chia sẻ
kinh nghiệm và mở rộng hội nhập cho luật sư Việt Nam.
5.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề
luật sư; nâng cao chế độ tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp của
luật sư
Để thực hiện tốt việc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản, Đoàn Luật sư sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động sau:
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Tư pháp…) trong hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư.
- Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư và Hội Luật gia TP.HCM ban hành ngày 15/10/2012.
-
Phối hợp với Liên đoàn trong các hoạt động thực hiện chế độ tự quản của
Liên đoàn trong phạm vi cả nước và Đoàn Luật sư tại địa phương.
-
Xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ của Đoàn
Luật sư phù hợp với quy định mới của Luật Luật sư (sửa đổi năm 2012), và
Điều lệ mới của Liên đoàn sắp được ban hành.
-
Xem xét giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về hoạt động hành nghề
luật sư, thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy trình chặt chẽ,
dân chủ, đúng pháp luật và Quy chế xử lý kỷ luật do Liên đoàn ban hành,
đồng thời đề cao trách nhiệm bảo vệ luật sư bị khiếu nại, tố cáo sai
hoặc không thuộc các trường hợp vi phạm pháp luật, Điều lệ hoặc Quy tắc
đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
-
Tiếp tục sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn ngân sách của Đoàn luật
sư (chủ yếu từ thu phí thành viên), tận dụng có hiệu quả các nguồn lực
khác như sự hỗ trợ của nhà nước, các nguồn tài trợ đóng góp từ các tổ
chức hành nghề, từ hoạt động hợp tác quốc tế… phục vụ lợi ích thiết thực
của các luật sư thành viên.
-
Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn Luật
sư nhiệm kỳ 2014 – 2018, tiến tới Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc
nhiệm kỳ II trong năm 2014.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2013
________________
(1) Điều 61 - Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Luật sư - Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012)
(2) Từ 808 luật sư cuối năm 2006 tăng lên 3.304 luật sư trong năm 2013
(3)
Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm Thi hành Luật Luật sư (Bộ Tư pháp), cuối
năm 2011 có 1.467 trên 3.075 luật sư thành viên của ĐLS TP.HCM đăng ký
hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư và hành nghề cá nhân.
(4) Riêng trong năm 2012, ngoài 1 lớp tập huấn và 2 khóa học Quy
tắc do Liên đoàn tổ chức, Đoàn Luật sư đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn
về Quy tắc cho luật sư và người tập sự hành nghề luật sư.
(5) Một
số chủ đề trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên tại Đoàn Luật trong
các năm qua: Tư duy pháp lý; Nghệ thuật hùng biện và kỹ năng tham gia tố
tụng; Trọng tài thương mại quốc tế; Chống độc quyền và chống phá giá;
Giao dịch điện tử; Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, Soạn thảo hợp đồng
thương mại…
(6)
Tại Thành phố với khoảng hơn 1.500 luật sư đăng ký hành nghề (trong
tổng số gần 3.300 luật sư) nhưng đã có đến gần 1.200 tổ chức hành nghề
luật sư.
(7) Trong năm 2012,
Đoàn Luật sư đã tổ chức một số buổi hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh
nghiệm về các nội dung: Kinh nghiệm về quản trị có hiệu quả đối với các
tổ chức hành nghề; Tiếp cận, giữ chân khách hàng; Quan hệ hợp tác giữa
luật sư công ty và công ty luật….
(8)
Trong năm 2012, Đoàn đã tập trung góp ý kiến đối với dự thảo Luật Luật
sư (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) và tổng kết thi hành Bộ
Luật Dân sự năm 2005.
(9) Đoàn Luật sư thường xuyên duy trì quan hệ với hầu hết các đoàn luật sư trong khu vực, một số đoàn
luật sư lớn trên trên thế giới (Hoa kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn quốc …) và
các tổ chức luật sư quốc tế như IPBA, LAWASIA, IBA và UIA.
0 comments:
Post a Comment