Saturday, December 28, 2013

Đất nước 'ưa kiện tụng', nghề luật sư có lương bổng rất cao

Cũng giống như ở nhiều nước trên thế giới, nghề luật ở Mỹ bao gồm nghề luật sư, chuyên gia pháp lý của doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý của các cơ quan hành chính, nghề dạy học ở các trường luật, thẩm phán hay công tố viên. Trong đó, luật sư ở Mỹ được coi là phổ biến và có lương bổng cao nhất nên rất nhiều người muốn trở thành luật sư.
Nghề Luật sư rất phổ biến và có lương bổng cao nhưng khó thành công
Có nhiều nguyên nhân giải thích vấn đề đội ngũ luật sư đông đảo và lương bổng cao nhất ở Mỹ. Thứ nhất, nước Mỹ là một nước ưa kiện tụng nhất trên thế giới nên số số lượng luật sư ở Mỹ rất lớn. Người dân có thể kiện bất kỳ về vấn đề gì họ thấy cần có sự can thiệp của pháp luật. Thứ hai, cho dù họ không kiện ai đi chăng nữa thì rất nhiều giao dịch trong xã hội cần thông qua luật sư nếu muốn chắc ăn. Bạn cần đến luật sư từ việc rất nhỏ như vi phạm giao thông, khai thuế, cho đến ly dị, thừa kế, các loại giao dịch theo hợp đồng… Dĩ nhiên là chi phí thuê luật sư rất cao. Ví dụ bạn chay xe quá tốc độ cho phép bị cảnh sát bắt và bạn muốn nhờ luật sư thì chi phí tùy theo mức độ nặng nhẹ và tiểu bang mà bạn vi phạm có giá dao dộng ít nhất từ $300 trở lên.

Luật sư Arthur Chaskalson (giữa) là người da trắng, nhưng đứng cùng chiến tuyến với ông Mandela chống lại nạn phân biệt chủng tộc (Nguồn: AFP)
Theo một khảo sát của Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA), chỉ hơn 50% số luật sư hài lòng với nghề nghiệp. Trong số các luật sư có 6 - 9 năm kinh nghiệm, chỉ có 4/10 luật sư cho biết họ hài lòng với sự nghiệp của mình, với những luật sư hành nghề từ 10 năm trở lên, tỷ lệ này là 6/10. Trong số gần 800 người được hỏi, 80% nói rằng họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình, 81% nhận xét đây là nghề đòi hỏi nhiều trí tuệ.
Những con số trên cho thấy luật sư chỉ hài lòng với nghề nghiệp khi đã có tuổi, đơn giản vì khi sự nghiệp phát triển, họ cần phải có nhiều trách nhiệm hơn để giữ vững uy tín cũng như lấy đó làm đảm bảo cho việc chuyển nghề khác sau một vài năm. Tuy nhiên, chỉ có 42% luật sư hành nghề từ 10 năm trở lên khuyến nghị giới trẻ chọn nghề luật, với luật sư hành nghề dưới 3 năm, tỷ lệ này là 57%.
Rất nhiều luật sư đánh giá thấp công tác đào tạo sinh viên ngành luật tại Mỹ, 54% luật sư được hỏi đồng ý với nhận định công tác đào tạo tại các trường luật rất nghèo nàn. sinh viên luật không được thông tin đầy đủ về nhu cầu của nghề.
Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo về đạo đức nghề luật sư. Trong những năm gần đây, phí tranh tụng tăng lên, ngày càng có nhiều biểu hiện không công bằng giữa các luật sư với nhau, nguyên nhân theo các chuyên gia là do bắt nguồn từ việc cạnh tranh để giành khách hàng. Điều đó dẫn đến việc các luật sư quan tâm đến tiền nhiều hơn công việc chính của họ là giải quyết vấn đề cho khách hàng. "Họ đặt mục tiêu giành thắng lợi bằng mọi giá, dẫn đến việc cư xử "thiếu lễ độ" với nhau và đẩy tiến trình tranh tụng thêm hao tốn tiền của".
Điều kiện để trở thành luật sư ở Mỹ
Ở Mỹ không có sự phân biệt giữa luật sư tư vấn và luật sư bào chữa. Thông thường họ được gọi là lawyer, còn khi đi bào chữa được gọi là attorney. Luật sư hoạt động dưới sự kiểm soát của Toà án tối cao cấp Tiểu bang nơi họ hành nghề. Khác với những người dạy học ở các trường luật và luật gia doanh nghiệp không chịu sự kiểm soát của toà án, nhưng hầu như luôn luôn là thành viên của Đoàn luật sư của Tiểu bang nào đó, không nhất thiết là Tiểu bang nơi họ hành nghề.
Điều kiện trở thành luật sư ở các Tiểu bang không giống nhau. Một người được thừa nhận là luật sư ở các Tiểu bang thì chỉ được hành nghề ở Tiểu bang đó, và trước toà án Liên bang. Mọi luật sư đều có thể được đăng ký vào danh sách luật sư (và phải trả một khoản thuế không lớn lắm). Hiện nay, ở nhiều Tiểu bang, muốn hành nghề luật sư phải chấp nhận qua kỳ kiểm tra được tổ chức dưới sự kiểm soát của toà án. Ở ¾ số Tiểu bang ở nước Mỹ, có bằng đại học là điều kiện cần nhưng chưa đủ để trở thành luật sư.
Đa số các luật sư Mỹ hành nghề với danh nghĩa cá nhân (70%) hoặc liên kết với duy nhất một đồng nghiệp khác (15%). Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, luật sư thường làm việc trong một Văn phòng luật bao gồm khoảng từ 10 đến 200 luật sư. Một số ít luật sư theo chuyên ngành luật sư tranh tụng, tham gia hoạt động tố tụng trước phiên toà (hỏi cung và phản cung) trong các vụ án dân sự và hình sự. Một số khác theo chuyên ngành tương tự như luật sư công của Pháp. Còn lại đa số luật sư hoạt động ngoài lĩnh vực tranh tụng, thực hiện vai trò tương tự như công chứng viên, nhà tư vấn pháp luật, nhà tư vấn về thuế. Rất nhiều luật sư được tuyển dụng tại các cơ quan hành chính, các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân.
Tuy nhiên, để trở thành luật sư thì không dễ. Hầu hết các tiểu bang đều yêu cầu phải có bằng luật sư như là một điều kiện tiên quyết (một số tiểu bang không yêu cầu có bằng luật là California, Maine, New York, Vermont, Virginia, Washington and Wyoming và họ có thể tự học khi làm thực tập ở văn phòng luật nào đấy). Xu thế hiện nay là ngày càng có ít người tự học để làm luật sư và tất nhiên, để được nhận vào học và hoàn tất chương trình luật sư thì không dễ dàng chút nào.
Đào tạo luật sư ở Mỹ
Không phải như ở Việt Nam, nghề luật đòi hỏi phải có bằng cấp, tức là bạn phải tốt nghiệp đại học. Cụ thể hơn, các trường đại học Mỹ không cấp bằng Cử nhân Luật. Các trường luật danh tiếng hằng năm nhận rất nhiều hồ sơ của các ứng viên đã là Tiến sĩ ở một ngành nào đấy và muốn đổi nghề làm luật sư. Hội đồng xét tuyển sẽ căn cứ vào điểm số (điểm trung bình toàn khoá học, điểm của từng môn học) mà bạn đã từng học, thư giới thiệu, bài viết giới thiệu bản thân,… và một kì thi tuyển đầu vào (tuỳ từng trường). Mặc dù điểm số bài thi đầu vào không phải là thước đo hoàn toàn chính xác khả năng lý luận cần thiết của một luật sư nhưng các trường thường đặt trọng số tương đối lớn đối với bài thi này.
Phương pháp dạy - học ở trường luật của Mỹ rất khác so với phương pháp của các trường ở Pháp và ở Anh. Sinh viên phải đọc tài liệu trước khi đến lớp (theo yêu cầu của Giáo sư). Tài liệu bao gồm: các bản án, văn bản pháp luật, học thuyết pháp lý (đoạn trích), một số bài viết kinh tế và xã hội học. Trong hầu hết các giờ học, người ta sử dụng phương pháp hùng biện, theo đó sinh viên làm việc theo nhóm dưới sự chỉ đạo của các giáo sư, trình bày về những gì họ đã đọc, những vấn đề mà họ nhận thức được, giáo sư sẽ đặt câu hỏi cho các học viên, để làm cho họ phát hiện được mối quan hệ giữa vấn đề đang nghiên cứu và những vấn đề có liên quan.
Thời gian học luật thường là 3 năm tập trung, khối lượng bài vở của luật cực kỳ nhiều. Sinh viên phải đọc luật, án lệ, và viết các bài bình luận … Ngoài ra, sinh viên luật năm nhất phải học qua lớp dạy kỹ năng viết để có thể viết bài cho một tạp chí pháp luật đúng cách (đó cũng là cả một quá trình học tập và làm quen). Khối lượng bài vở lớn nhưng các hoạt động ngoại khóa của các trường đào tạo luật ở Mỹ vẫn chiếm một mức độ ưu tiên không nhỏ để viết để chuẩn bị cho việc hành nghề trong tương lai. Họ phải tích cực tham gia phiên toà diễn tập, hoặc làm biên tập cho tạp chí pháp luật của sinh viên, tư vấn luật miễn phí cho cộng đồng... Một số trường (như trường luật Harvard) bắt buộc sinh viên phải làm 40 giờ tư vấn miễn phí cho cộng đồng như là một điều kiện để tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng để hành nghề luật sư. .
Tuy nhiên, được cấp bằng luật sư không phải mặc nhiên là có thể hành nghề được. Những người được cấp bằng luật sư còn phải trải qua một kỳ thi để được tiếp nhận vào luật sư đoàn. Tất cả các bang đều quy định tất cả luật sư tiềm năng (cho dù có bằng luật sư hay không như yêu cầu của một số bang ở Mỹ) đều phải thi đậu vào một luật sư đoàn nào đó thì mới được hành nghề luật sư.
Ngoài ra, ở Mỹ có xu hướng kết hợp giữa đào tạo lý thuyết với đào tạo nghề trong chương trình đại học luật. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp trường luật chỉ cần qua thời gian tập sự ngắn là có thể làm việc được. Cách đào tạo này rất khác so với cách đào tạo ở các nước châu Âu (thường đưa đào tạo luật vào chương trình đại học cơ bản và sinh viên tốt nghiệp không đủ khả năng hành nghề ngay và những người muốn hành nghề phải trải qua một khoá đào tạo nghề).
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Luật sư là một 'nghề cao cả'
Hồi tháng 6 năm ngoái, trả lời câu hỏi của VnExpress.net, 'ở Mỹ, trung bình 250 dân thì có một luật sư, Thái Lan là hơn 1.000, Nhật Bản hơn 4.000... Ở Việt Nam thì sao', bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: "Tôi đi nhiều tỉnh miền núi thấy rằng, ngay cả luật sư chỉ định tham gia vào các phiên toà theo quy định của pháp luật còn thiếu thì lấy đâu ra luật sư phục vụ nhu cầu của người dân.
Còn về chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của luật sư hiện nay cũng rất bất cập. Tôi rất buồn khi thấy luật sư vi phạm luật pháp. Có một số luật sư có hành vi lừa đảo khách hàng. Chúng ta không thể chấp nhận những luật sư đang vi phạm ở một nghề cao cả. Tới đây, với việc thành lập Liên đoàn luật sư toàn quốc sẽ phát triển nhanh hơn nhưng đồng thời phải bền vững".
Nguyễn Hải Yến – Investconsult Group

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code