THANH LOAN
Trong năm qua,
báo chí đề cập rất nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề “Thương hiệu”
(xây dựng, đăng ký, quảng bá, phát triển, tranh chấp, đánh cắp… thương
hiệu). Một chuyện tưởng như không cần bàn tới nhưng hoá ra lại là gốc
của mọi khía cạnh khác: đó là: nên hiểu “Thương hiệu” là gì? – Trò
chuyện giữa phóng viên DĐDN với ông Phạm Đình Chướng – Cục trưởng Cục Sở
hữu công nghiệp.
- Thưa ông pháp luật về sở hữu
công nghiệp của nước ta có các quy định về nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu
dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý của hàng hoá và tên gọi xuất xứ
hàng hoá. Gần đây, nhiều người lại nói đến “Thương hiệu”. Có phải đây
là một loại đối tượng sở hữu công nghiệp khác chưa được đề cập tới trong
Luật sở hữu công nghiệp hay chỉ là một tên gọi khác của một loại đối
tượng nào đó đã có quy định trong Luật sở hữu công nghiệp?
Không một văn bản pháp luật nào về sở hữu công nghiệp
sử dụng thuật ngữ “Thương hiệu”. Thuật ngữ này chỉ được dùng ở một số
bài báo, một số chương trình tivi hoặc được một vài người sử dụng ở một
số diễn đàn. Tuy vậy, cũng đã có một số văn bản hành chính của một vài
cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thuật ngữ này.Thật ra, cái được gọi là
“Thương hiệu” nói tới trong các trường hợp trên đây đều không rõ ràng và
hoàn toàn không nhất quán. Có thể tạm chia ra làm mấy loại đối tượng
được báo chí và một số người gọi là “Thương hiệu” trong thời gian vừa
qua như sau: thứ nhất là loại như VINATABA (thuốc lá), Trung Nguyên (cà
phê), SAGIANG (bánh phồng tôm), VINAMILK (Sữa), PETRO VIETNAM (dầu
khí)…, loại thứ hai: Phú Quốc (nước mắm), Tân Cương (chè), Chợ Đào
(gạo), Made in Viet Nam (“xe máy, máy tính thương hiệu Việt Nam”), loại
thứ ba: PETRO VIETNAM, VNPT (Tên viết tắt của Tổng công ty Dầu khí; Tổng
công ty Bưu chính Viễn thông)…Rõ ràng là, cả ba đối tượng nói trên đều
đã được định danh trong các văn bản chính thức của nhà nước, cụ thể là
“nhãn hiệu” cho loại thứ nhất, “chỉ dẫn địa lý” cho loại thứ hai và “Tên
thương mại” (đúng hơn là một phần của Tên thương mại) cho loại thứ ba.
Nghĩa là, cái được gọi là “Thương hiệu” không phải là một đối tượng mới
nào cả mà chỉ là dùng một cái tên (thuật ngữ) khác để chỉ ba loại đối
tượng xác định.
- Thế thì tại sao phải dùng một
thuật ngữ khác như vậy? Điều đó có lợi gì không cho việc nhận thức và
thực thi pháp luật cũng như cho các hành động cụ thể liên quan đến cái
được gọi là “Thương hiệu” đó?
Tôi tin rằng không có ai trong số những người đã và
sẽ sử dụng thuật ngữ “Thương hiệu” phân tích và kết luận rằng thuật ngữ
đó là tốt hơn các thuật ngữ đang được sử dụng trong các văn bản pháp
luật. Tôi cho rằng lý do của việc sử dụng thuật ngữ này chủ yếu là do
thuật ngữ đó có vẻ tiện lợi hơn, dễ thuộc hơn. Khi thấy một người dùng,
nhiều người khác có thể thuộc và dùng theo được ngay.Tuy nhiên, sự tiện
lợi nói trên lại hàm chứa sự thiếu chính xác dễ dẫn đến sai lạc. Chẳng
hạn, không ít người cổ vũ các DN đăng ký “Thương hiệu” ra nước ngoài
trong khi không chỉ rõ cái được gọi là “Thương hiệu” cần phải đăng ký đó
là cái gì. Khi mà “Thương hiệu” được khuyến cáo cần đăng ký là cụm từ
“Made in Viet Nam” thì sự khuyến cáo làm cho người được khuyến cáo lạc
đường bởi vì đó là “chỉ dẫn địa lý” hoặc “chỉ dẫn xuất xứ” của hàng hoá,
và bởi vì không một nước nào đòi hỏi phải đăng ký đối tượng đó. Nói
chung, cả ba nhóm đối tượng nói trên (nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ
dẫn địa lý) đều có nhiều khía cạnh khác nhau cả về chức năng, bản chất
và cách đối xử. Sử dụng một chỉ dẫn cho loại đối tượng này để nói chung
cho cả loại đối tượng khác sẽ gây ra nguy cơ sai lạc như đã nói trên.Xin
nói thêm về tên thương mại và thương hiệu trong tên thương mại. Như ta
đã biết, tên DN được gọi là tên thương mại. Một tên thương mại tốt là
tên thương mại xác định rõ ràng loại hình DN, lĩnh vực kinh doanh và
phải có khả năng phân biệt cao. Muốn vậy, tên thương mại phải bao gồm
phần mô tả (loại hình, lĩnh vực) và phần phân biệt. Chính phần phân biệt
này là thương hiệu của DN. Khi xưng hô, giao dịch, DN và bạn hàng có
thể chỉ sử dụng phần phân biệt này. Nếu không có phần phân biệt, không
những tên doanh nghiệp dễ bị lẫn lộn với doanhg nhiệp khác mà còn làm
cho việc xưng hô, giao dịch trở nên kém thuận lợi. Khi đó lại phải đi
đặt thêm một “tên hiệu” khác mà chúng ta hay gọi là “tên tắt” hay “tên
giao dịch”. Ví dụ: “Tcty Bưu chính Viễn thông Việt Nam” không có phần
phân biệt vì “Tcty Bưu chính Viễn thông” chỉ là phần mô tả (“Tcty”: loại
hình Cty, “Bưu chính Viễn thông”: lĩnh vực hoạt động) còn “Việt Nam”
không đủ khả năng phân biệt. Vì lý do đó, DN này phải có thêm một dấu
hiệu khác là “VNPT”. Tôi tin chắc rằng không phải ai cũng biết “VNPT” là
Tcty Bưu chính Viễn thông VN! Trong trường hợp này, “VNPT” là thương
hiệu của Tcty Bưu chính Viễn thông VN.Khác với trường hợp trên, “Cty
bóng đèn phích nước Rạng Đông” lại là tên thương mại có bao gồm phần
phân biệt (Rạng Đông) và đây chính là thương hiệu của cty này. Khi giao
dịch, người ta có thể gọi là Cty Rạng Đông hoặc Rạng Đông là đủ hiểu.
- Gần đây, báo chí đã đề cập tới việc các nhãn
hiệu của Việt Nam bị “đánh cắp”, bị “mất” ở thị trường nước ngoài như
Vinataba, Petro Vietnam Cũng được biết rằng các DN có các nhãn
hiệu đó đã tiến hành các biện pháp nhằm đòi lại nhãn hiệu. Xin ông cho
biết Kết quả của các biện pháp đó cho tới nay ra sao?
Trước hết, cần nói rằng không nhất thiết phải tiến
hành các hoạt động nhằm “đòi lại” ở tất cả các nơi mà nhãn hiệu của mình
bị người khác đăng ký. ở những nước không phải là thị trường mà DN quan
tâm đến hoặc DN không có ý định hoạt động, việc “đòi lại” như vậy là vô
nghĩa. Cũng giống như trường hợp doanh nghiệp định đăng ký nhãn hiệu:
không phải bất cứ thị trường nào cũng phải đăng ký. Mặt khác, không nhất
thiết phải tiến hành “đòi lại” theo nghĩa là kiện tụng bởi vì có thể có
biện pháp khác. Vinataba, Petro Vietnam cũng đang hành động như vậy.
Các cty này đã và đang phân tích việc chọn lựa nơi và cách tiến hành một
cách phù hợp nhất. Cho tới nay, Tcty thuốc lá Việt Nam đã thành công
trong việc huỷ bỏ đăng ký tại Campuchia nhãn hiệu “Vinataba” dưới tên
một cty của Indonesia.
- Khi xảy ra các tình huống như
Vinataba, Petro Vietnam , Cục Sở hữu công nghiệp có giúp họ can thiệp
với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để giành lại nhãn hiệu hay không?
Thực tế, trong trường hợp Vinataba, Cục Sở hữu công
nghiệp có trao đổi với một vài cơ quan sở hữu công nghiệp nước ngoài để
tìm hiểu khả năng tiến hành các biện pháp huỷ bỏ đăng ký của phía bên
kia. Nói chung, trình tự để huỷ bỏ một đăng ký thường được tiến hành
trước Toà án. Sau khi Toà án ra phán quyết rằng một đăng ký nhãn hiệu
phải huỷ bỏ thì Cơ quan sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện việc huỷ bỏ đó
như là chấp hành một quyết định tư pháp. Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam
và Cơ quan Sở hữu công nghiệp quốc gia của nước sở tại không đóng vai
trò gì đáng kể trong trình tự này.
- Theo dõi các cuộc thảo luận, trao đổi trên báo chí gần đây, có thể thấy rằng
các DN VN chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề nhãn hiệu cho các sản phẩm
xuất khẩu. Các kết luận và lời khuyên được đưa ra là mọi DN xuất khẩu
hãy nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu của mình. Liệu lời khuyên như vậy có
đúng không, có cần phải lưu ý cái gì không thưa ông?
Về mặt nguyên tắc, lời khuyên nói trên là đúng. Mặc
dầu vậy, cần phải hiểu lời khuyên đó một cách tổng quát.Để xây dựng và
củng cố vị thế ở thị trường xuất khẩu, tăng cường khả năng cạnh tranh
của sản phẩm, không thể tiếp tục duy trì tình trạng sản phẩm xuất khẩu
không có nhãn hiệu hoặc mang nhãn hiệu của người khác. Cần phải tiến tới
có nhãn hiệu cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải đăng ký xong nhãn hiệu là mọi việc đều xong. Một
nhãn hiệu đã đăng ký phải được bảo vệ, chăm sóc, bồi dưỡng lâu dài. Giá
trị của nhãn hiệu phản ánh uy tín, ảnh hưởng và giá trị của sản
phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu, do đó các hoạt động “hậu đăng ký” mới là
điều quan trọng. Vì vậy, không nên thổi phồng quá mức ý nghĩa của việc
đăng ký nhãn hiệu để ai ai cũng đăng ký nhãn hiệu mà thiếu một chiến
lược đầy đủ về việc xây dựng và phát triển một nhãn hiệu.Cũng cần phải
lưu ý rằng, nếu trong thị trường nội địa mỗi một doanh nghiệp có một hay
nhiều nhãn hiệu cho một loại sản phẩm thì khi xuất khẩu, có thể nhiều
DN phải hợp sức dưới một nhãn hiệu chung. Điều này là cần thiết, nhất là
cho các DN nhỏ – thậm chí các DN vừa – trong giai đoạn mới thâm nhập
một thị trường mới. ở giai đoạn mới phát triển thị trường, một doanh
nghiệp nhỏ đơn độc với một nhãn hiệu sẽ gặp phải khó khăn về chi phí
cũng như khả năng tiến hành thủ tục cho việc đăng ký và theo dõi việc
xâm phạm, vi phạm của các đối thủ. Nhiều DN với một nhãn hiệu tập thể sẽ
khắc phục được khó khăn đó và tăng sức mạnh cạnh tranh. Sau khi đã
thiết lập xong vị thế với nhãn hiệu tập thể đó, mỗi DN có thể sẽ phát
triển nhãn hiệu riêng của mình cùng với và dưới ô nhãn hiệu tập thể nói
trên Điều lưu ý thứ ba là, không chỉ có nhãn hiệu mới quan trọng đối với
hoạt động xuất khẩu. Các đối tượng sở hữu công nghiệp khác – nhất là
tên gọi xuất xứ hàng hoá và chỉ dẫn địa lý nói chung cũng có vai trò
không kém. Với các đối tượng này, cũng cần có sự hợp sức của các DN như
đối với nhãn hiệu hàng hoá
- Xin cảm ơn ông!
SOURCE:
0 comments:
Post a Comment