Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Trương
Trọng Nghĩa (đại biểu TP.HCM) thấy nếu cấm thì vô lý vì “không thể bắt
họ dạy những việc họ chưa hề làm, cũng giống như đào tạo bác sĩ”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa ủng hộ giảng viên luật hành nghề luật sư. Ảnh: Minh Thăng
Nhiều ĐB đồng tình quy định này sẽ giúp
các giảng viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy và tạo thêm
cơ hội lựa chọn dịch vụ pháp lý cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại các
giảng viên khó cân đối thời gian, đặc biệt trong những phiên tòa kéo
dài. Không ít ĐB trong ngành tư pháp chỉ ra nhiều phiên tòa đã chuẩn bị
cẩn thận lại bị hoãn vì luật sư không thể có mặt, gây lãng phí và thiệt
hại lớn.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chỉ ra
“không có phiên tòa nào mở ngoài giờ hoặc ban đêm”, giảng viên luật làm
luật sư chắc chắn phải bớt xén thời gian giảng dạy, khó tránh tình trạng
“chân ngoài dài hơn chân trong”.
Dù dự luật yêu cầu giảng viên muốn hành
nghề luật sư phải có sự đồng ý của cơ quan chủ quản, ông Cương vẫn lo
“chảy máu chất xám” khi “thử tưởng tượng tất cả giảng viên trường luật
đều ra ngoài làm”.
ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhắc lại vấn
đề này đã được thực hiện từ những năm 1990 nhưng đến luật Luật sư 2006
đã bỏ vì “luật sư phải tận tâm, tận lực với khách hàng, đầu tư nhiều
thời gian cho công việc, người kiêm nhiệm không thể đáp ứng, thậm chí có
thể gây phiên hà cho các cơ quan tố tụng, ảnh hưởng đến sự vô tư, khách
quan trong quá trình tố tụng”.
Theo ông Hùng, nếu chỉ để đạt mục tiêu
đến năm 2020 có khoảng 20 ngàn luật sư thì quy định này không thuyết
phục vì “số giảng viên luật cả nước chỉ vài ngàn, không phải ai cũng
hành nghề luật sư”. Cũng như để có luật sư giỏi chuyên môn và ngoại ngữ
đi tranh tụng ở nước ngoài, nhiều ngành khác còn có những cán bộ, công
chức đủ tiêu chuẩn hơn các giảng viên luật.
Cũng không ủng hộ việc kiêm nhiệm, Phó
Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh nhấn mạnh “để đảm bảo tính độc lập,
từ thẩm phán đến kiểm sát viên đều không được phép tham gia công việc
hay tổ chức nào khác, luật sư không thể là ngoại lệ”.
Cần một đội ngũ luật sư công giỏi
Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), một
đội ngũ luật sư công có trình độ cao có thể tham gia phản biện chính
sách, giúp xây dựng các văn bản pháp luật hiệu quả hơn.
Ông Xuyền cũng thấy cần thêm nhiều luật
sư công có hiểu biết và kinh nghiệm về pháp luật thương mại quốc tế để
tham gia các vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế.
Thảo luận tổ ngày 6/6, ĐB Nguyễn Văn
Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng nêu thực trạng “thừa luật sư thông thường
nhưng thiếu luật sư giỏi về thương mại, luật quốc tế cũng như ngoại
ngữ”, do đó không thể tranh tụng bằng ngoại ngữ, phải thuê luật sư nước
ngoài, dẫn đến thua thiệt cho phía Việt Nam.
ĐB Trần Xuân Hùng thì thấy nước ta còn
nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách rất cần hỗ trợ pháp lý
trong các quan hệ xã hội. Đội ngũ luật sư công sẽ rất có ích cho họ.
Hơn nữa, theo ông Hùng, với mục tiêu cải
cách tư pháp, có khoảng 20 ngàn luật sư vào năm 2020, số lượng trợ giúp
viên pháp lý hiện nay có thể phát triển thành đội ngũ luật sư công để
bổ sung phần thiếu. Hiện cả nước mới có 7.072 luật sư, tỉ lệ 1/16.000
dân là quá thấp so với các nước.
Vấn đề luật sư công đã được đặt ra từ
khi soạn thảo luật Luật sư năm 2006 dưới hình thức là luật sư làm việc
cho cơ quan nhà nước theo chế độ công chức, làm việc cho tổ chức trợ
giúp pháp lý theo chế độ viên chức. Nội dung này cuối cùng không được
đưa vào luật Luật sư 2006 và cũng không được đưa vào dự thảo luật sửa
đổi lần này.
Để luật ra thực sự đề cao vai trò của
luật sư, nhiều ĐB còn kiến nghị trong Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy
định để luật sư tham gia ngay từ đầu quá trình tố tụng. Vì nghề luật sư
cao quý và là tấm gương về tôn trọng pháp luật, các ĐB cũng không đồng ý
để người có tiền án hành nghề luật sư.
Dự thảo luật Luật sư (sửa đổi) sẽ còn được cho ý kiến một lần nữa trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp tới.
Chung Hoàng (VNN)
0 comments:
Post a Comment