Friday, December 27, 2013

Nên cho phép chuyển đổi loại hình của tổ chức hành nghề Luật sư

Luật sư Hà Thị Thanh
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Hưng Yên
(VBF) - Tính đến nay, Luật Luật sư đã được thi hành 5 năm, số lượng luật sư ở nước ta đã và đang phát triển rất nhanh với hơn 7.200 luật sư, tăng 250,8% so với trước khi Luật Luật sư có hiệu lực và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong hơn 2.900 tổ chức hành nghề luật sư. Không thể phủ nhận những điểm mới, tích cực của Luật Luật sư giúp cho hoạt động hành nghề luật phát triển, đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập, hạn chế nảy sinh, thậm chí có những vấn đề Luật Luật sư bị đánh giá là thụt lùi so với Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Chỉ xem xét ở các quy định có liên quan đến vấn đề tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Luật luật sư năm 2006 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc.
Theo quy định của điều 33 Luật luật sư năm 2006, thì Văn phòng luật sư được hoạt động theo mô hình của Doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu, người đứng đầu (Trưởng văn phòng) phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng lại không quy định về việc Văn phòng luật sư được chuyển đổi sang loại hình Công ty hợp danh hoặc trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Trong khi đó, Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi sang loại hình Công ty TNHH. Xét về mặt cơ chế chịu trách nhiệm, thực chất là chuyển đổi từ chế độ tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm vô hạn sang chế độ phải chịu trách nhiệm hữu hạn.
Tại điểm 3, mục IV của Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 04 năm 2007 về việc hướng dẫn một số quy định của Luật luật sư, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật luật sư có quy định: “Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 muốn chuyển đổi sang hình thức Công ty luật trách nhiệm hữu hạn thì phải chấm dứt hoạt động và làm thủ tục đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn được sử dụng tên của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh đã chấm dứt hoạt động”. Như vậy, muốn chuyển đổi loại hình, tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động phải tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động trước rồi mới được đăng ký hoạt động sang loại hình mới, nhưng nếu làm vậy, nhiều văn phòng luật sẽ bị ảnh hưởng về thương hiệu và giá trị doanh nghiệp được tạo dựng trong nhiều năm.  
Việc chấm dứt tổ chức cũ, thành lập tổ chức mới sẽ gây ra việc gián đoạn hoạt động do hoàn thiện về mặt thủ tục. Điểm a, khoản 1, điều 47 về chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư quy định, những trường hợp này sẽ được coi là tự chấm dứt. Thủ tục tự chấm dứt được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 47 như sau:
Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này thì chậm nhất là ba mươi ngày, trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh.
Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng. Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó”.
Để hoàn thành những công việc trên, thông thường sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tháng, thậm chí có những tổ chức kéo dài đến hàng năm. Đặc biệt là việc giải quyết các Hợp đồng dịch vụ pháp lý đang thực hiện với khách hàng rất khó khăn, do các thỏa thuận vẫn còn kéo dài, vẫn còn có hiệu lực và công việc vẫn còn phải thực hiện. Giả sử, trường hợp văn phòng đang ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý với khách hàng về nội dung cử Luật sư tham gia phiên tòa bảo vệ quyền và lợi ích cho bị can từ phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có). Và hiện, vụ án này đang bị xét xử đi, xét xử lại nhiều lần, kéo dài, do đó văn phòng luật sư cũng không thể chấm dứt/thanh lý hợp đồng với khách hàng được. Còn đối với những Hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên thì việc chấm dứt lại càng khó khăn hơn. Đang thực hiện hợp đồng và hàng tháng có thu nhập đều đặn, chẳng có văn phòng nào lại đi thanh lý Hợp đồng mặc dù cũng rất muốn chuyển đổi loại hình. Hay những trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ phải đối mặt với những tranh chấp có nguy cơ xảy ra.
Cũng trong nội dung khoản 2, điều 47 có quy định “Trong trường hợp không thể thực hiện xong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó”. Tuy nhiên, thỏa thuận là một chuyện, còn đồng ý hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. Sau khi chấm dứt hoạt động văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh, dù có được tạo điều kiện thuận lợi đến mấy thì cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định, công ty luật trách nhiệm hữu hạn mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động. Vấn đề đặt ra là nếu đúng vào giai đoạn pháp nhân cũ đã chấm dứt hoạt động, pháp nhân mới chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà xảy ra tranh chấp về hợp đồng dịch vụ pháp lý thì sẽ giải quyết thế nào? Hoặc đúng vào thời điểm gián đoạn này, khách hàng có mời tổ chức tham gia đàm phán với đối tác của khách hàng thì tổ chức lại không có địa vị pháp lý nào để tham gia. Chắc chắn một điều rằng, dù có tin tưởng đến mấy, thì cũng chẳng có khách hàng nào dám mời một tổ chức mà địa lý pháp lý không rõ ràng để cung cấp dịch vụ pháp lý.
Còn đối với các loại hình tổ chức theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản có liên quan, khi tổ chức chuyển đổi loại hình thì tổ chức vẫn hoạt động song song với việc tiến hành các thủ tục pháp lý, Mã số thuế của tổ chức vẫn được giữ nguyên. Tổ chức mới, sau khi được chuyển đổi có trách nhiệm kế thừa tất cả các nghĩa vụ cũng như được hưởng các quyền lợi từ tổ chức cũ phát sinh trong quá trình chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và hoạt động của tổ chức không bị gián đoạn hay tạm dừng. Chỉ cần đăng bố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tới khách hàng về việc chuyển đổi và tên giao dịch mới của tổ chức.
Thực chất, với điều luật này thì tổ chức không được chuyển đổi loại hình, chỉ là chấm dứt tổ chức cũ bao gồm cả việc quyết tóan và đóng Mã số thuế, sau đó thành lập tổ chức mới và được cấp Mã số thuế mới. Đứng ở góc độ tổ chức, chắc chắn người đứng đầu sẽ chọn giải pháp là không chuyển đổi còn hơn bị gián đoạn/tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến kinh doanh và mất đi lượng khách hàng không nhỏ. Cũng chẳng có gì để chứng minh cho việc có chuyển đổi mà thực chất là hai tổ chức hoàn toàn khác nhau.
Từ những bất cập như đã phân tích ở trên, theo tôi, đã đến lúc Bộ Tư pháp nên sửa đổi và cho phép Văn phòng luật sư, Công ty hợp danh được chuyển đổi loại hình theo đúng nghĩa là chuyển đổi mà không cần chấm dứt hoạt động. Về điều kiện và nguyên tắc chuyển đổi cũng chỉ cần thực hiện như quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code