Friday, December 27, 2013

Bàn về hoạt động tham gia tố tụng của luật sư trong việc sửa đổi Luật luật sư năm 2006

Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Ủy viên Ban Thường vụ,
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam
     I. Đặt vấn đề
          Luật luật sư ra đời từ năm 2006 đến nay đã được  5 năm. Một nửa thập kỷ trôi qua, chứa đựng trong lòng nó nhiều sự kiện có ý nghĩa to lớn đánh dấu  bước phát triển không ngừng của đội ngũ luật sư Việt Nam. Có thể nói, 5 năm qua, Luật luật sư đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý luật sư và hành nghề luật sư, là công cụ quan trọng để  các luật sư tuân thủ trong hoạt động nghề nghiệp; đồng thời đạo luật này đã bước đầu thể chế hóa nguyên tắc    “Tự quản kết hợp với quản lý Nhà nước” của tổ chức luật sư. Một sự kiện quan trọng có ý nghĩa đánh đấu  bước phát triển mới của nghề luật sư là sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Trong hơn hai năm qua, kể từ khi thành lập, hoạt động của Liên đoàn đã  góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, xây dựng đội ngũ luật sư  Việt Nam, là chỗ dựa đáng tin cậy của giới luật sư trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp khi hành nghề.
          Theo Báo cáo tổng kết của Đoàn luật sư TP. Hồ chí Minh, chỉ tính riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu cuối năm 2006 (thời điểm chấm dứt thi hành Pháp lệnh Luật sư năm 2001), Thành phố có 808 luật sư và 692 luật sư tập sự với 329 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam; 34 luật sư nước ngoài và 20 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, thì đến nay, số lượng luật sư tại Thành phố là 3.075 luật sư và 1.209 người tập sự hành nghề luật sư, với 1.041 tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, 19 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, 178 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư; 75 luật sư nước ngoài và 45 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Như vậy, sau gần 5 năm triển khai thi hành Luật Luật sư, số lượng luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng  380 %, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam tăng 316 %. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có số lượng luật sư và hành nghề luật sư nhiều nhất, chiếm hơn 42 % số lượng luật sư và 37 % tổ chức hành nghề luật sư trong số 7.260 luật sư và 3.500 người tập sự hành nghề luật sư và 2.850 tổ chức hành nghề luật sư trong cả nước.
Số lượng vụ việc  và doanh thu dịch vụ cũng không ngừng tăng lên. Cũng theo Báo cáo của Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của khoảng 50%  tổ chức hành nghề luật sư thì trong thời gian từ tháng 1/2007 đến tháng 6/2011, luật sư thành phố đã tham gia tổng cộng là 11.700 vụ án hình sự và phi hình sự, chiếm khoảng 1/7 số lượng vụ việc của đội ngũ luật sư cả nước. Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, luật sư Thành phố đã thực hiện tổng cộng là 44.863 vụ việc các loại, chiếm khoảng gần 1/3 số vụ việc của đội ngũ luật sư cả nước. Doanh thu của khoảng 50 % tổ chức hành nghề luật sư là  khoảng 2.003.554.862.000 đồng, nộp thuế vào ngân sách nhà nước tổng cộng là 298.655.031.000 đồng. 
Sự phát triển của nghề luật sư không chỉ đừng lại ở số lượng mà còn thể hiện ở chất lượng hoạt động cung cấp địch vụ pháp lý bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích của khách hàng. Trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề của luật sư đã được nâng lên. Một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp đã hình thành theo hướng chuyên sâu, đủ khả năng tư vấn và giải quyết các tranh chấp phức tạp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các tranh chấp mang tính quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức Việt Nam, kể cả lợi ích quốc gia trong một số vụ việc nhất định.
          Trầm tĩnh nhìn lại 5 năm qua, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, giới luật sư đã từng bước góp phần vào việc thực hiện dân chủ hóa hoạt động tư pháp, đặc biệt là hoạt động tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Với chức năng bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, hoạt động bào chữa của luật sư là một đối trọng không thể thiếu trong mối tương quan với chức năng buộc tội của cơ quan công tố; tiếng nói của luật sư đã có ý nghĩa là những lời phản biện pháp lý trong tranh tụng tại tòa, góp phần vào việc xét xử của Tòa án được khách quan công minh; là chỗ dựa tinh thần cho các bị can, bị cáo khi đối diện với các phán quyết của quyền lực nhà nước về số phận pháp lý của mình.
          Với những đóng góp ấy, giới luật sư đã tự nâng mình lên, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp, xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân, được cộng đồng xã hội thừa nhận.
          Tuy nhiên, vẫn còn những khiếm khuyết, bất cập trong các quy định về luật sư và hành nghề luật sư trong Luật Luật sư, cần nhận rõ để có hướng sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của nghề luật sư trong giai đoạn mới.
          Với tư cách là những người trực tiếp tham gia tố tụng, qua từng vụ án cụ thể, tiếp xúc với những thực trạng xảy ra trong quá trình giải quyết các vụ án, luật sư là người thấy rõ những khiếm khuyết, bất cập trong Luật luật sư. “Không ai hiểu nghề mình bằng chính mình”. Vì vậy, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư chắc chắn sẽ đóng góp được nhiều ý kiến quý báu trong việc sửa đổi Luật luật sư, đáp ứng yêu cầu của việc điều chỉnh pháp luật hoạt động của luật sư trong tương lai.
          II. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư có thể đóng góp sửa đổi những gì trong luật luật sư ?
1. Góp ý về việc bảo đảm các quyền hành nghề của luật sư
- Luật Luật sư đã có những quy định pháp lý về các quyền và nghĩa vụ của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Các bộ luật tố tụng tương ứng như  Bộ luật TTHS, TTDS cũng xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của luật sư trrong việc tham gia bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong các quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong các  loại quan hệ này, địa vị pháp lý của luật sư cũng chỉ là  “Người tham gia tố tụng” như những người tham gia tố tụng khác, có một số khác biệt  nhỏ không đáng kể. Sự tham gia tố tụng của luật sư trong các vụ án này bắt nguồn từ yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Trong khi đó, trên thực tiễn, đặc biệt là các vụ án hình sự mà bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội đặc biệt nghiêm trọng  thì luật bắt buộc phải có luật sư tham gia bào chữa. Việc tham gia tố tụng  của luật sư trong các trường hợp này không phải bắt nguồn từ các giao dịch dân sự thông thường với khách hàng mà là theo quy định của pháp luật. Nếu luật sư không tham gia tố tụng thì vụ án không thể được tiến hành. Như vậy, trong các vụ án loại này, luật sư là một thành tố tất yếu của hoạt động tố tụng chứ không còn chỉ là một hoạt động mang tính chất bổ trợ tư pháp thuần túy như các loại vụ việc khác. Vậy trong trường hợp này, địa vị pháp lý của luật sư phải được xác định cho rõ trong hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý của luật sư trong quan hệ tố tụng.
          - Ngay trong hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý của luật sư đã được luật xác định rõ, được hướng dẫn bởi hệ thống các văn bản dưới luật; nhưng trên thực tế, các quyền này vẫn bị các cơ quan và người tiến hành tố tụng không tôn trọng, thậm chí còn ngang nhiên vi phạm. Ví dụ như quyền được cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong các  vụ án hình sự; quyền có mặt  tham gia trong các buổi hỏi cung bị can…; thời gian tiếp xúc, làm việc giữa luật sư với bị can, bị cáo trong trại tạm giam;  quyền sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án; các quy định về thủ tục tham gia tố tụng của luật sư còn đặt ra những loại giấy tờ không cần thiết, gây khó khăn cho luật sư; quyền  kiến nghị khiếu nại đối với các vi phạm của những người tiến hành tố tụng  xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, thậm chí cả quyền hành nghề của luật sư. Việc khiếu nại có khi được trả lời, có khi không; việc trả lời (nếu có) của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể, chỉ như là một việc buộc phải làm không thể thoái thác, cho xong nghĩa vụ…
          Có một thực trạng là, trong giai đoạn điều tra, gia đình bị cáo nhờ luật sư bào chữa cho thân nhân của mình, nhưng khi làm thủ tục lại bị chính bị can từ chối. Tất nhiên, đấy là quyền lựa chọn luật sư của bị can theo quy định của pháp luật tố tụng, nhưng có trường hợp quyền từ chối này lại không xuất phát từ ý chí của bị can mà do bị tác động từ phía điều tra viên bằng nhiều phương cách như khuyên bảo, hướng dẫn… đến đe dọa, làm cho bị can thối chí, sợ mất lòng điều tra viên sẽ bất lợi cho mình, nên buộc phải chấp nhận từ chối. Quyền được có người bào chữa từ giai đoạn điều tra của bị can, vì thế đã không được bảo đảm, gây bất an về tâm lý, khiến có vụ án được điều tra theo hướng bất lợi cho họ.
          Trong các phiên tòa, sự có mặt tham gia của luật sư theo quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế, có tình trạng luật sư không được tôn trọng khi thực hiện các kỹ năng hành nghề trong các giai đoạn tranh tụng xét hỏi, tranh luận. Thẩm phán chủ tọa, nhân danh quyền lực nhà nước có thể tùy tiện ngắt lời luật sư mà không dựa trên một quy định nào cả; thậm chí, có thẩm phán nổi cơn tự ái còn ra lệnh  đuổi luật sư ra khỏi phiên tòa, gây bất lợi hoàn toàn cho việc hành nghề của luật sư. Việc tranh luận với công tố viên cũng nằm trong thực trạng tương tự. Bản chất của tranh luận là cùng nhau đối đáp trên cớ sở các luận điểm, luận cứ và luận chứng xác thực để cùng đạt đến chân lý khách quan, nhưng nhiều vụ án luật sư không nhận được sự đối đáp với tinh thần như thế, thậm chí còn có thể bị chụp mũ, quy kết mang tính chất cá nhân, xúc phạm đến danh dự, uy tín của luật sư, ảnh hưởng không tốt đến “Văn hóa pháp đình”, khiến cho phiên tòa rơi vào tình trạng căng thẳng, nặng nề, một không khí hoàn toàn bất lợi cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
          Nghị quyết số 08 và nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã chỉ rõ, bản án của tòa án phải được tuyên trên cơ sở kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa. Các luận cứ của luật sư đưa ra phải được tòa án  phân tích, đánh giá thấu đáo để quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ. Thế nhưng trong thực tế,  quy định này ít được tôn trọng và thực hiện. Có bản án chỉ  nhận định một câu rằng : “Xét ý kiến bào chữa của luật sư là không có căn cứ chấp nhận” mà không nói rõ không chấp nhận ở điểm nào, vì sao không chấp nhận, khiến luật sư rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”, chỉ biết lắc đầu và động viên khách hàng bằng những lời lẽ mang tính chất an ủi, tủi thân. Thực tế đã có luật sư tuyên bố và thực sự hoàn toàn bỏ nghề luật sư tranh tụng, chỉ làm tư vấn và các dịch vụ pháp lý khác để tránh cái thực trạng đáng buồn như viện dẫn trên đây. Trong số những người tiến hành tố tụng còn mang nặng một lối tư duy cũ, sai lầm rằng “Án tại hồ sơ” nên việc mở phiên tòa công khai chỉ là hình thức,  việc xét hỏi, tranh luận được thực hiện qua loa, thậm chí khi luật sư phát biểu quan điểm của mình, các thành viên HĐXX không thèm nghe, làm việc riêng để đến nỗi bản án được tuyên đem lại cảm giác cho những người tham dự về một thực trạng “án bỏ túi”, ảnh hưởng đến chức năng cao cả của hoạt động xét xử là  giáo dục và phòng ngừa tội phạm bằng những bản án thấu tình, đạt lý, khiến người bị xử phải “tâm phục, khẩu phục”.
          2. Góp ý về việc luật sư thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình
          2.1. Trong quan hệ với các cơ quan và người tiến hành tố tụng
          Xuât phát từ địa vị pháp lý của mình chỉ là người tham gia tố tụng, trong loại quan hệ này, nhiều luật sư  còn mang tâm lý “nhẫn nhịn”, có lúc còn rơi vào tình trạng cả nể, sợ làm “mất lòng” người tiến hành tố tụng dẫn đến những tình huống bất lợi cho khách hàng của mình. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý của luật sư đã được luật hóa rõ ràng, nhưng có khi bản thân luật sư cũng không tự mình kiên quyết đấu tranh để bảo vệ các quyền đó, dẫn đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng chưa được bảo đảm tốt nhất theo yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp.
          Trong thực tế, cá biệt còn tồn tại hiện tượng “chạy án” giữa luật sư với người tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng tới bản chất cao quý của nghề nghiệp, làm xói mòn danh dự, uy tín của người luật sư chân chính. Một vài trường hợp đã bị phát hiện và bị xử lý theo pháp luật đã cho thấy thực trạng này. Tuy nhiên, các trường hợp xử lý chỉ chiếm một phần nhỏ trong thực trạng nói trên.
          Trong phiên tòa, cá biệt có luật sư còn  bị xúc cảm cá nhân chi phối, có những lời lẽ bức xúc, thậm chí  mang tính chất kích động, thiếu văn hóa trong tranh luận với công tố viên, với những người tham gia tố tụng khác hoặc có những phản ứng mang tính chất tiêu cực với Hội đồng xét xử như tự ý bỏ phiên tòa, khiến cho quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm, ảnh hưởng tới việc xét xử của Tòa án.
          2.2. Trong quan hệ với khách hàng
          Luật Luật sư, Điều lệ và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư ( Quy tắc mẫu do Bộ Tư pháp ban hành trước đây) đã quy định rõ các quyền và nghĩa vụ pháp lý và đạo đức trong quan hệ giữa luật sư với khách hàng. Đa số luật sư đã thực hiện rất tốt các quyền và nghĩa vụ này trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng với sự tân tâm, bằng kỹ năng hành nghề  và trách nhiệm cao, giữ được uy tín nghề nghiệp của cá nhân nói rêng và giới luật sư nói chung.
          Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng các luật sư chưa làm hết bổn phận, trách nhiệm của mình với khách hàng, lấy thù lao cao hơn nhiều so với tính chất dịch vụ cung cấp, thiếu tận tâm trong thực hiện vụ việc, thiếu rèn luyện, học tập để nâng cao kỹ năng hành nghề, nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ, việc hệ thống, đánh giá tài liệu, chứng cứ còn sơ sài, ra tòa nói chung chung, thiếu tính thuyết phục…Thậm chí, có luật sư còn nói những điều gây bất lợi cho khách hàng của mình, trong đó có trường hợp hai hay nhiều luật sư cùng bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng nhưng lại không bảo đảm tính thống nhất trong quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, dẫn đến sơ hở trong tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, làm cho quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng.  Trong hoạt động tư vấn pháp luật, cá biệt còn có luật sư cho ý kiến sai làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của khách hàng…Thậm chí, có luật sư còn đang tâm lừa dối, phản bội lại quyền lợi của khách hàng, dẫn đến khách hàng khiếu nại, tố cáo, làm ảnh hưởng tới uy tín nghề nghiệp chung của cả giới luật sư.
          Theo báo cáo của đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, từ khi Luật Luật sư có hiệu lực thi hành đến đầu tháng 7/2011, Đoàn luật sư thành phố đã xử lý kỷ luật : Khiển trách : 01 luật sư; Cảnh cáo : 06 (có 04 luật sư và 02 tập sự hành nghề luật sư); Tạm đình chỉ tư cách thành viên 06 tháng : 01 luật sư; Xóa tên : 06 (có 01 luật sư và 05 tập sự hành nghề luật sư).
          2.3. Trong quan hệ với đồng nghiệp
          Trong thực tiễn hành nghề, các luật sư đã cố gắng giữ gìn sự đoàn kết trong tình đồng nghiệp, chân thành góp ý, giúp đỡ lẫn nhau trong hành nghề và trong sinh hoạt giao tiếp xã hội. Nhưng cá biệt, vẫn có những luật sư còn thiếu tôn trọng đồng nghiệp, thực hiện các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để giành khách hàng về cho mình, vi phạm các quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Trong quan hệ giữa luật sư hướng dẫn với người tập sự hành nghề luật sư vẫn còn tình trạng nhận hướng dẫn nhưng không tận tâm, bỏ mặc người tập sự, hoặc hướng dẫn qua loa, giao việc cho có hình thức, không kiểm tra, chỉ bảo tận tình, khiến chất lượng tập sự không đảm bảo, ảnh hưởng tới kỳ thi hết tập sự, có người phải thi lại nhiều lần mới đạt kết quả.
          III. Một số kiến nghị
          1. Cần sửa đổi các quy định của Luật Luật sư  theo hướng xác định rõ vị trí vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp xét xử, tạo điều kiện bảo đảm các quyền hành nghề của luật sư,  đặc biệt là từ giai đoạn điều tra vụ án, để luật sư thực sự là một thành tố quan trọng trong hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý và công bằng xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.
          2. Có các biện pháp nâng cao nhận thức và giáo dục ý thức tôn trọng  luật sư từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quan hệ với luật sư; giáo dục luật sư thấy rõ được vai trò quan trọng của mình trong hệ thống tư pháp để phát huy trách nhiệm, ý thức đấu tranh bảo vệ công lý, lẽ phải; giáo dục về đạo đức nghề nghiệp luật sư để giữ gìn danh dự, phẩm chất cao quý của người luật sư, nâng cao uy tín của giới luật sư trong  cộng đồng xã hội.
          3. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề luật sư của các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư để kịp thời giúp đỡ kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các luật sư trong quá trình hành nghề, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ trao đổi, bồi dưỡng cho các luật sư trẻ tại các diễn đàn nghề nghiệp theo hình thức, quy mô thiết thực, bổ ích.
          4. Thực hiện tốt nguyên tắc “Tự quản kết hợp với quản lý Nhà nước” ở cấp Liên đoàn và các đoàn Luật sư trong quan hệ với các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, các sở tư pháp địa phương,  duy trì chế độ báo cáo theo quy định để phát huy tính tự giác của các tổ chức hành nghề luật sư.
          5. Liên đoàn cần xây dựng một kế hoạch chiến lược trong việc đào tào, bồi dưỡng nghề nghiệp cho các luật sư về lâu dài, bảo đảm có một đội ngũ luật sư giỏi, có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng hành nghề tốt để hòa nhập với luật sư khu vực và trên thế giới.
 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code