Friday, December 27, 2013

Sửa đổi Luật luật sư năm 2006 trong mối liên hệ với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

PGS. TS Lê Minh Thông,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư đã được đưa vào Chương trình chính thức thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Việc Quốc hội quyết định đưa Luật luật sư 2006 mới qua hơn 5 năm thi hành vào danh mục chính thức các dự án luật cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ này cho thấy đây là một đạo luật khá quan trọng không chỉ có ý nghĩa lớn đến quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà còn cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật luật sư năm 2006 đã được khẳng định trong Tờ trình của Chính phủ về dự kiến danh mục các dự án luật do Chính phủ đề xuất thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và đã được phân tích, đánh giá trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm do Bộ tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức trong thời gian qua. Cùng với việc khẳng định sự cần thiết này không ít quan điểm định hướng, phạm vi, mức độ các vấn đề thuộc nội dung của luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cũng đã được đề xuất, phân tích khá toàn diện và sâu sắc trong các bài viết trên các diễn đàn tọa đàm, hội thảo liên quan đến chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật luật sư năm 2006.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006 được triển khai trong bối cảnh Quốc hội khóa XIII đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, cũng như bổ sung, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, tuy ở mức độ khác nhau nhưng đều tác động và chi phối đến việc sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006.
Do vậy, để việc sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006 đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung này cần được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã cụ thể hóa nhiều quan điểm quan trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam về dân chủ, về nhà nước pháp quyền, về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nhằm xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Các quan điểm quan trọng này sẽ được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 khi sửa đổi, bổ sung. Việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh về những nội dung quan trọng liên quan đến Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường sẽ tạo ra một khuôn khổ Hiến định mới cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật đã được ban hành trong những năm qua (trong đó có Luật luật sư 2006) và xây dựng ban hành nhiều đạo luật mới. Dĩ nhiên các sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành trong Hiến pháp năm 1992 sẽ có những tác động chi phối khác nhau đối với từng lĩnh vực điều chỉnh pháp luật, đến việc sửa đổi, bổ sung của từng đạo luật cụ thể. Đối với Luật luật sư 2006 việc sửa đổi sẽ chịu tác động lớn từ các quy định Hiến pháp về dân chủ, về Nhà nước pháp quyền, về quyền con người, quyền công dân.
Trước hết trong lĩnh vực dân chủ, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đối với quyền lực chính trị (quyền lực nhà nước) thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đặc biệt quyền của các tổ chức quần chúng nhân dân (Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức cộng đồng) trong việc thực hiện phản biện xã hội và giám sát xã hội đối với đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến định hóa quyền giám sát xã hội, phản biện xã hội của các tổ chức quần chúng sẽ tạo lập cơ sở Hiến định để các tổ chức này tham gia tích cực, chủ động vào đời sống chính trị và sinh hoạt dân chủ của đất nước. Với tinh thần này, việc sửa đổi Luật luật sư 2006 cần chú trọng đến việc nâng cao vị thế của Liên đoàn luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư các địa phương trong việc tham gia vào giám sát xã hội và phản biện xã hội. Điều này có nghĩa là cần nghiên cứu đưa vào Luật luật sư 2006 quyền và trách nhiệm của Liên đoàn luật sư, các đoàn luật sư thực hiện chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc thực thi quyền lực của nhân dân bởi bộ máy công quyền các cấp.
3. Vấn đề thể chế hóa các quan điểm của Đảng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp cũng sẽ tác động đến vai trò, trách nhiệm của các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Tinh thần thượng tôn pháp luật là quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong Hiến pháp sẽ đặt ra trước các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư những đòi hỏi mới cao hơn, quyết liệt hơn trong việc thực hiện quyền của các luật sư, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của luật sư trong hoạt động hành nghề luật sư. Điêu này có nghĩa là Luật luật sư sửa đổi sẽ phải làm rõ hơn, cụ thể hơn, đầy đủ hơn nội hàm của tôn chỉ hoạt động luật sư là: lợi ích của khách hàng chỉ có thể được bảo vệ, bảo đảm trong khuôn khổ luật pháp và bằng pháp luật. Luật sư không được phép đặt lợi ích của khách hàng lên trên luật pháp, lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy việc quy định quyền và trách nhiệm của luật sư cần xác định rõ: hoạt động luật sư không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng mà còn bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, phụng sự các giá trị cao cả của luật pháp trong nhà nước pháp quyền.
Bên cạnh việc cụ thể hóa tôn chỉ, mục đích của hoạt động luật sư thông qua các quy định về quyền và trách nhiệm của luật sư, việc sửa đổi Luật luật sư cần hướng tới việc nâng cao vị thế xã hội của luật sư, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để luật sư tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội không chỉ trong vai trò là người bảo vệ lợi ích khách hàng trong các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, trong các hoạt động tố tụng về kinh tế, lao động, hành chính mà còn trong vai trò của cố vấn pháp lý, tư vấn pháp luật đại diện cho khách hàng trong mọi quan hệ hành chính, dân sự và xã hội khác phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Để luật sư thực hiện tốt, hiệu quả quyền và trách nhiệm nghề nghiệp của mình cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật luật sư một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề, phối hợp với luật sư để xác lập và bảo vệ công lý, nghiêm cấm mọi hành vi hạn chế trái pháp luật, gây cản trở đến hoạt động của luật sư, có cơ chế thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong quá trình hành nghề. Có thể nghiên cứu xây dựng một điều khoản về việc bảo vệ luật sư, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đảm bảo các điều kiện thuận lợi để luật sư hành nghề theo đúng quy định của pháp luật, nghiêm cấm và xử lý nghiêm mọi hành vi gây cản trở quyền hành nghề hợp pháp của các luật sư.
4. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải xây dựng được một đội ngũ luật sư tinh thông nghiệp vụ, chuyên nghiệp có khả năng thích ứng với mọi thay đổi của sự phát triển. Do vậy vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đối với luật sư luôn là vấn đề có tính chiến lược. Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo luật sư và sẽ có thêm nhiều giải pháp để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng luật sư. Tuy nhiên, với chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa công tác đào tạo, Liên đoàn luật sư cần chủ động tham gia tích cực vào quá trình này để vừa tăng khả năng đào tạo luật sư, tạo môi trường cạnh tranh trong đào tạo luật sư nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo luật sư. Để đạt được mục tiêu này, cần nghiên cứu bổ sung quyền và trách nhiệm tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng luật sư vào chức năng của Liên đoàn luật sư Việt Nam.
5. Chất lượng xây dựng pháp luật có ảnh hưởng to lớn đến chất lượng pháp quyền của nhà nước. Dân chủ hóa hoạt động xây dựng pháp luật là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng luật pháp của quốc gia. Do vậy Đảng ta, Nhà nước ta luôn chủ trương huy động mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật. Tùy từng tính chất và đặc điểm của từng tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp mà có các hình thức và phương thức khác nhau để tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng pháp luật. Liên đoàn luật sư Việt Nam có ưu thế lớn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp gắn trực tiếp với việc thi hành luật pháp, bảo vệ luật pháp cần được trở thành một chủ thể tích cực trong hoạt động xây dựng pháp luật. Cũng tương tự như Hội luật gia Việt Nam sự tham gia tích cực và chủ động của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong các hoạt động xây dựng pháp luật trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua dự thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thực tiễn của dự thảo. Do vậy, trong hệ thống các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Việc tham gia của Liên đoàn luật sư vào các hoạt động xây dựng pháp luật không bó hẹp trong việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động luật sư trong các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, hành chính… mà còn cần mở rộng đến hoạt động xây dựng pháp luật trong tất cả các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật khác của đời sống xã hội. Sự tham gia của Liên đoàn luật sư, các đoàn luật sư vào hoạt động xây dựng pháp luật không chỉ nâng cao vị thế, sự đóng góp của Liên đoàn và các tổ chức luật sư trong các hoạt động xây dựng thể chế, góp phần củng cố các cơ sở pháp luật của nhà nước pháp quyền mà còn là cơ hội để các luật sư được trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật ngay từ các giai đoạn ban đầu, giúp các luật sư nắm bắt các vấn đề một cách trực tiếp hơn, hiểu rõ hơn các cơ sở lý luận và thực tiễn quá trình ra đời của mỗi một văn bản pháp luật để từ đó có sự vận dụng một cách hiệu quả, đúng đắn và sáng tạo hơn các quy định trong các văn bản pháp luật khi được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.
6. Trong các điều kiện của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng. Quốc hội khóa XIII sắp sửa thông qua dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Dự thảo luật đang được chuẩn bị đã thể chế hóa một trong những quan điểm quan trọng là xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế để huy động các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào công tác quan trọng này. Trong các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, liên đoàn và các đoàn luật sư, các luật sư có vai trò to lớn. Tính chất, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của các luật sư, các tổ chức luật sư và của liên đoàn tạo nên ưu thế vượt trội so với các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp khác trong việc tham gia vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân theo quy định của luật phổ biến, giáo dục pháp luật sắp được Quốc hội thông qua trong năm nay. Để đáp ứng được yêu cầu này cũng rất cần nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào các nhiệm vụ, chức năng của liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư địa phương. Đặc biệt cần có các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm xã hội của các luật sư trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Theo đó bên cạnh trách nhiệm cung cấp các dịch vụ pháp lý cho người nghèo (bào chữa miễn phí, tư vấn miễn phí) cần quy định trách nhiệm của luật sư tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật không chỉ cho đối tượng người nghèo mà còn cho cả các đối tượng khác trong các tầng lớp nhân dân.
7.  Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cũng đang đặt ra vấn đề là cần xử lý tốt mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quyền tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sao cho Nhà nước thực hiện được vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp bằng việc ban hành luật và kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của các tổ chức này, đồng thời đề cao tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức này. Các tổ chức luật sư là tổ chúc xã hội nghề nghiệp đặc thù có tính tự quản rất cao. Do vậy, việc phân định rõ ràng phạm vi, phương thức và nội hàm của quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các tổ chức luật sư với phạm vi, phương thức và nội hàm quyền tự quản của liên đoàn luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư tại các địa phương cần phải được quan tâm nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006. Theo đó trong dự thảo bổ sung, sửa đổi lần này cần tập trung xác định rõ hơn quyền tự quản của liên đoàn trong tổ chức và hoạt động của liên đoàn trên các phương diện đào tạo, bồi dưỡng kiểm tra sát hạch trình độ luật sư, công nhận tư cách hành nghề của luật sư, kiểm tra sát hạch kết quả tập sự hành nghề của các luật sư tập sự, khen thưởng, kỷ luật luật sư, xếp loại các tổ chức hành nghề luật sư
8. Song song với việc nghiên cứu cụ thể hóa quyền tự quản của liên đoàn, các đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư cần nghiên cứu làm rõ mối quan hệ giữa liên đoàn, các đoàn luật sư với các cơ quan hữu quan của nhà nước không chỉ trong phạm vi quy định của luật luật sư mà trong cả các đạo luật khác liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư. Trong mối quan hệ này, các tổ chức luật sư cần được đảo bảo quyền được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, không cản trở hoạt động của luật sư theo quy định của pháp luật mà còn có quyền yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm quyền hành nghề của luật sư.
Trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp đến hoạt động luật sư, cần làm rõ vai trò bảo vệ luật sư của liên đoàn và các đoàn luật sư trước nguy cơ bị phân biệt đối xử hay các hành vi xâm phạm đến uy tín, danh dự, tài sản sức khỏe và sinh mạng của luật sư khi triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tiến trình cải cách tư pháp đang diễn ra ở nước ta mà kết quả của nó sẽ được thể hiện trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, các luật về tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đã và sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong thực tiễn hoạt động tư pháp ở nước ta. Những thay đổi này sẽ tác động mạnh mẽ đến tổ chức và hoạt động của liên đoàn luật sư, các đoàn luật sư và hoạt động của mỗi luật sư. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006 cần thiết phải tính đến những thay đổi quan trọng này để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của cải cách tư pháp với các chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền trong các điều kiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay.
 

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code