Luật sư Phan Văn Trường - luật sư người Việt Nam đầu tiên
Ngày 30/1/1911, nhà cầm quyền Pháp ban hành Sắc lệnh mở rộng cho người
Việt Nam không có quốc tịch Pháp được làm luật sư và hành nghề luật sư.
Qua nhiều thăng trầm theo vận nước, Việt Nam đã có nhiều thế hệ luật sư
không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách
mạng, giải phóng dân tộc.
Người Pháp xâm lăng đất nước ta bắt đầu ở Nam kỳ từ năm 1858, đến ngày
26 tháng 11 năm 1876, toàn quyền Pháp ban hành Nghị định về việc biện hộ
tại toà án cho người Pháp hoặc người Việt mang quốc tịch Pháp. Sau khi
thiết lập bộ máy cai trị ở Đông Dương, thực dân Pháp chia nước ta ra 5
xứ gồm: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên. Cùng với đó, toàn
quyền Pháp ký Sắc lệnh thành lập Đoàn luật sư Sài Gòn và Đoàn luật sư Hà
Nội, thành viên bao gồm các luật sư đã tốt nghiệp trường Luật ở Pháp và
có quốc tịch Pháp. Tiếp đến sắc lệnh ngày 30/01/1911, nhà cầm quyền
Pháp đã mở rộng nghề luật sư không hạn chế chỉ người Pháp và người Việt
mang quốc tịch Pháp, mà còn có cả người Việt Nam mang quốc tịch Việt
Nam. Ngày 25/5/1930, toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở
Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẳng. Sắc lệnh này mở rộng thêm phạm vi hành nghề
cho các luật sư, theo đó luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc
tịch Pháp mà cho cả thân chủ không phải là người có quốc tịch Pháp; Luật
sư không chỉ biện hộ ở tòa án Pháp mà biện hộ cả toà Nam Án.
Luật sư người Việt Nam đầu tiên là ông Phan Văn Trường, tốt nghiệp
trường Đại học Luật ở Pháp và làm luật sư tại Paris. Giai đoạn 1930 -
1945 chính là thời kỳ bùng nổ nghề luật sư ở Việt Nam, khi mà các luật
sư sau khi du học tại Pháp trở về cùng với một số lượng đông đảo những
người được đào tạo ngành Luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội (một
số những luật sư vang danh thời kỳ đónhư: Phan Văn Trường, Phan Anh, Vũ
Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ...).
Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp. Ngày 10
tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức
các Đoàn luật sư trong nước đã ghi nhận “Các tổ chức các đoàn thể luật
sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ” (Sắc lệnh
ngày 25/5/1930 quy định những tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều
sửa đổi sau này”). Theo đó: Điều 5 của Sắc lệnh 25/5/1930 được thay bằng
điều 3 của Sắc lệnh 46/SL (Quy định chặt chẽ để được liệt danh vào bảng
luật sư tại tòa Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn), nội dung sửa đổi là:
Luật sư phải có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt nam, nữ; có bằng cử
nhân luật; đã làm tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn
phòng luật sư thực thụ trong nước; có hạnh kiểm tốt; được bằng chứng
nhận đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ. Điều 4 của
Sắc lệnh 46/SL quy định về bầu Hội đồng luật sư, hoặc Ban luật sư thực
thụ tùy theo địa hạt có mười văn phòng trở lên hay dưới mười văn phòng.
Điều 5 của Sắc lệnh 46/SL quy định những luật sư đã tập sự được mười tám
tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một văn phòng.
Sau Hiệp định Genever năm 1954, nước Việt Nam tam thời bị chia cắt hai
miền với hai chế độ khác nhau: Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; Miền
Nam tạm thời còn trong vòng kiểm soát của đế quốc Mỹ. Ngày 31/12/1958,
Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đây là
bản Hiến pháp thứ hai), tại điều 101 quy định “Việc xét xử tại các Tòa
án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp đặc biệt do luật định. Quyền
bào chữa của bị cáo được đảm bảo”. Còn ở miền Nam thì trường Đại học
Luật khoa Huế, Đà Lạt, Sài Gòn đào tạo nhiều cử nhân Luật, một số sinh
viên tốt nghiệp cử nhân Luật được đào tạo để trở thành Luật sư và đã
hành nghề. Trong các tòa Vi cảnh, tòa Sơ thẩm, tòa Đại hình, tòa Thượng
thẩm đều có công tố viên và có luật sư tranh luận, bào chữa bảo vệ thân
chủ. Theo đúng qui định, Luật sư có quyền tham gia trong giai đoạn điều
tra, giai đoạn tranh tụng trước tòa án.
Năm 1975 đất nước thống nhất, vì nhiều lý do nên nghề luật sư Việt Nam
chưa tổ chức lại. Đến ngày 18/12/1980, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua, theo đó quyền tự do dân chủ
của công dân được khẳng định tại điều 133 Hiến pháp “Tòa án nhân dân xét
xử công khai, trừ trường hợp do luật định. Quyền bào chữa được bảo đảm.
Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị can, bị cáo và các đương sự
khác về mặt pháp lý”.
Ngày 15/4/1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam. Theo đó Điều 132 đã khẳng định lại một lần nữa về quyền
bào chữa của luật sư “Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào
chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các
đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo
vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 25/7/2001, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Luật
sư số 37/2001/PL-UBTVQH10. Theo đó, nội dung pháp lệnh qui định rõ “Luật
sư không phải là cán bộ, công chức theo quy định pháp luật về cán bộ
công chức” … “Luật sư là người có trình độ đại học Luật và tốt nghiệp
khóa đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam hoặc nước ngoài được pháp luật Việt
Nam công nhận” …. “Đoàn luật sư là tổ chức nghề nghiệp của các luật sư,
còn tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật
hợp danh” ….. “trong phạm vi toàn quốc sẽ có một tổ chức luật sư do
Chính phủ quy định, kết hợp chặt chẽ việc quản lý của nhà nước với việc
tư quản của tổ chức luật sư”.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội ban hành Luật luật sư; Ngày 20/11/2012quốc hội
ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật luật sư, theo đó
nghề luật sư được mở rộng hơn, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch
sử phát triển nghề luật sư. Luật đã thống nhất điều chỉnh thị trường
dịch vụ pháp lý, đã thừa nhận nghề luật sư là một nghề luật mang tính
chất dịch vụ trong và ngoài tòa án; nghề luật sư và đạo đức nghề luật sư
gắn liền với số phận con người, có tính nhân bản sâu sắc và có tính
quốc tế.
Tháng 5/2009 tại Hà Nội, lần đầu tiên Đại hội đại biểu luật sư toàn
quốc được diễn ra, tại đây đại hội đã bầu Luật sư Lê Thúc Anh làm Chủ
tịch liên đoàn luật sư Việt Nam. Đại hội chính thức thông qua đề án
thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg,
lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam.
Như vậy là sau hơn 100 năm,những người hành nghề Luật sư ở Việt Nam đã
chính thức có ngày lễ truyền thống được Chính phủ công nhận. Tính đến
đầu năm 2013, cả nước đã thành lập 63 đoàn luật sư trên 63 tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương với hơn 8000 luật sư và 3000 người tập sự hành
nghề luật sư hoạt động tại trên 2.750 tổ chức hành nghề luật sư. Đi đôi
với số lượng luật sư ngày càng tăng thì chất lượng hành nghề của luật
sư cũng đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Luật sư Dương Minh Kiên
(Văn phòng Luật sư Dương Minh Nhâm, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang
0 comments:
Post a Comment