Sunday, December 29, 2013

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỨC NĂNG BUỘC TỘI



LÊ TIẾN CHÂU
Th.S, GV Khoa luật hình sự trường ĐH Luật TP.HCM

1. Chức năng tố tụng hình sự (TTHS) là vấn đề không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn. Bởi lẽ, nhận thức đúng đắn, đầy đủ các chức năng tố tụng là cơ sở để xác định vị trí, vai trò và phạm vi của từng chức năng trong sự vận hành của TTHS, phân định rõ ràng và hợp lý chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), các cá nhân thực hiện chức năng TTHS, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, không làm hết chức năng, lẫn lộn chức năng… điều thường được thể hiện rõ trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây chính là nội dung trọng tâm của đổi mới tư pháp trong điều kiện hiện nay, góp phần hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự, từng bước nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề chức năng tố tụng hình sự hầu như chưa được đề cập đầy đủ và thỏa đáng trong các công trình nghiên cứu, trong các sách báo, các ấn phẩm pháp lý ở nước ta. Vì vậy, nó đã để lại những khoảng trống trong khoa học, trong lý luận và trong pháp luật.

Như chúng ta đã biết, TTHS được đặc trưng bởi ba chức năng cơ bản đó là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến chức năng buộc tội.

2. Khái niệm chức năng buộc tội: Buộc tội là một trong những chức năng cơ bản trong TTHS, có vai trò rất quan trọng, nhất là trong hình thức buộc tội nhân danh nhà nước, nhưng hiểu đầy đủ và chính xác “chức năng buộc tội” là gì, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: “buộc tội là ghép cho ai một việc bị luật hình sự trừng phạt”1; hay “buộc tội là luận tội”2. Những người theo quan điểm này cho rằng hành vi ghép một người về việc bị luật hình sự trừng phạt đó là sự buộc tội. Quan điểm này khá phổ biến trong luật TTHS của các nước theo truyền thống luật án lệ. Theo họ thì chức năng buộc tội bắt đầu từ thời điểm xét xử tại phiên tòa, người thay mặt Nhà nước gán ghép cho một người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội thì đó là thực hiện sự buộc tội. Những người không đồng tình với quan điểm này cho rằng hiểu buộc tội như vậy là quá hẹp. Sự buộc tội không chỉ diễn ra tại phiên tòa mà nó được bắt đầu sớm hơn (kể từ khi một người chính thức bị đưa vào vòng của tố tụng) và nó không chỉ đơn thuần là hành vi gán ghép tội lỗi cho một người mà việc buộc tội được thực hiện với tổng hợp các hoạt động tố tụng hướng đến sự chứng minh lỗi của một người đã thực hiện hành vi bị luật hình sự nghiêm cấm.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: “buộc tội là kết luận của Viện kiểm sát trước phiên tòa về hành vi phạm tội của bị can, dựa trên cơ sở phân tích chứng cứ, vận dụng các điều, khoản pháp luật đã quy định. Kiểm sát viên có quyền buộc tội nhưng việc kết tội lại thuộc về quyền của Tòa án”3. Những người theo quan điểm này bước đầu đề cập đến nội dung của khái niệm buộc tội: buộc tội trên cơ sở phân tích chứng cứ, vận dụng các điều khoản pháp luật quy định để quy lỗi của “bị can”. Tuy nhiên, quan điểm này lại đồng nhất với quan điểm thứ nhất về thời điểm thực hiện chức năng buộc tội và theo đó chức năng buộc tội chỉ xuất hiện vào thời điểm xét xử. Quan điểm này đã thu hẹp phạm vi hoạt động và thời hạn thực hiện chức năng buộc tội và đồng thời phủ nhận chức năng buộc tội của cơ quan điều tra.

- Quan điểm thứ ba cho rằng: “chức năng buộc tội còn gọi là chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, là một dạng hoạt động tố tụng nhằm phát hiện kẻ phạm tội, chứng minh lỗi của người đó, bảo đảm phán xử và hình phạt đối với người đó”4.

Đây là quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong TTHS Xô Viết. Những người theo quan điểm này cho rằng trong khoa học pháp lý XHCN, TTHS bắt đầu từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, thậm chí trong một số trường hợp thời điểm này bắt đầu sớm hơn (bắt người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, …). Tuy nhiên, chức năng buộc tội chỉ thực sự bắt đầu khi có quyết định khởi tố bị can. “Khi có căn cứ cho rằng một người đã thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can…” (Điều 103 BLTTHS Việt Nam, Điều 143 BLTTHS Liên bang Nga). Kể từ thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền mới chính thức buộc tội đối với người bị tình nghi. Quan điểm này hoàn toàn khác so với những quan điểm cho rằng TTHS bắt đầu từ khi vụ án được xem xét tại phiên tòa, hoạt động buộc tội (chức năng buộc tội) chỉ chính thức bắt đầu tại phiên tòa. Để thực hiện việc chứng minh tội phạm trong một vụ án hình sự đòi hỏi phải tiến hành rất nhiều hoạt động tố tụng: khởi tố vụ án, bị can, tiến hành các hoạt động điều tra (hỏi cung, đối chất, nhận dạng…), các hoạt động bảo vệ cho những người tham gia tố tụng (bào chữa, khiếu nại, kháng cáo…), xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm…). Như vậy, trong số những hoạt động trên, những hoạt động nào nhằm phát hiện kẻ phạm tội, chứng minh lỗi của người đó và đề nghị Tòa án ra phán quyết áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp thì đó là những hoạt động buộc tội – một trong những chức năng cơ bản của TTHS.

- Quan điểm thứ tư cho rằng: “chức năng buộc tội là hoạt động của Viện kiểm sát nhằm xác định tội phạm và người phạm tội, buộc kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”5.

Như vậy, theo quan điểm này thì chức năng buộc tội là chức năng riêng của Viện kiểm sát. Trong hoạt động TTHS chỉ có Viện kiểm sát mới có chức năng buộc tội mà thôi, các cơ quan THTT khác như: Cơ quan điều tra, và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội biên phòng, hải quan, Kiểm lâm…) không có chức năng buộc tội. Chúng tôi không tán thành quan điểm này bởi lẽ: Chức năng buộc tội không chỉ thuộc về chức năng riêng của Viện kiểm sát, mà thông qua hoạt động điều tra của mình, Cơ quan điều tra cũng thực hiện chức năng buộc tội. Nhưng do đặc thù và yêu cầu chứng minh buộc tội ở giai đoạn điều tra và xét xử là khác nhau nên hình thức buộc tội của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng khác nhau. Về bản chất, cả hai cơ quan THTT này đều có chức năng buộc tội.

Như vậy, quan điểm thứ ba là có cơ sở và đúng đắn hơn cả, và chúng tôi đồng tình với quan điểm này về khái niệm chức năng buộc tội, về nội dung, phạm vi, thời điểm xuất hiện cũng như đối tượng tác động của chức năng buộc tội. Cụ thể là:

- Chức năng buộc tội là một dạng hoạt động TTHS;

- Chức năng buộc tội đối lập với chức năng bào chữa và cùng tồn tại với chức năng này;

- Chức năng buộc tội bắt đầu từ thời điểm khởi tố bị can (trừ trường hợp đặc biệt);

- Nội dung của chức năng buộc tội là phát hiện kẻ phạm tội, chứng minh lỗi của người đó.

3. Vai trò của chức năng buộc tội: chức năng buộc tội là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của TTHS. Sự tồn tại của chức năng buộc tội quyết định sự tồn tại của chức năng bào chữa và chức năng xét xử. “Chức năng buộc tội nhất là trong hình thức buộc tội nhân danh Nhà nước, có vai trò động lực của TTHS. Nó được coi là trục chính thu hút hoạt động của tất cả những người tham gia phiên tòa”6. Chúng ta biết rằng, xuất phát từ nguyên tắc công tố, nên vụ án hình sự được bắt đầu bằng việc khởi tố vụ án của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là từ khi có quyết định buộc tội (quyết định khởi tố bị can). Kể từ thời điểm này đánh dấu sự tham gia tố tụng của các chủ thể và họ đều bị chi phối bởi quyết định buộc tội. Đồng thời mục đích tham gia tố tụng của các chủ thể cũng bắt đầu từ sự buộc tội, từ chức năng buộc tội. Như vậy “trong hệ thống các chức năng TTHS cơ bản thì chức năng buộc tội được coi là chức năng đóng vai trò chủ đạo, quyết định. Không có sự buộc tội thì không thể có TTHS, TTHS sẽ trở thành không có mục đích và đối tượng”7. Tuy nhiên, khẳng định trên không có nghĩa là chức năng bào chữa và chức năng xét xử đóng vai trò thứ yếu, chức năng phụ. Rõ ràng cả ba chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử đều là những chức năng cơ bản, chức năng nào cũng quan trọng và không được phép đặt chức năng này lên trên chức năng khác. Tuy nhiên, trong ba chức năng đó thì chức năng buộc tội là động lực đầu tiên làm xuất hiện các chức năng tố tụng khác, là đòn bẩy đưa bộ máy tố tụng vào hoạt động. Chức năng buộc tội là chức năng bắt buộc, mang tính qui luật, không có chức năng buộc tội thì không có chức năng bào chữa và tất nhiên cũng không có chức năng xét xử. Thực hiện tốt chức năng buộc tội và chức năng bào chữa là điều kiện quan trọng giúp cho Tòa án kiểm tra một cách đầy đủ nhất các chứng cứ, các tình tiết của vụ án, góp phần đảm bảo cho Tòa án xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

4. Nội dung chức năng buộc tội bao gồm những hoạt động tố tụng nhằm phát hiện người đã thực hiện hành vi phạm tội, tội phạm đã thực hiện, những tình tiết thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, chứng minh lỗi của những người đã thực hiện tội phạm, động cơ mục đích cũng như những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, nội dung chức năng buộc tội chính là nội dung các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể buộc tội theo quy định của pháp luật. Chức năng buộc tội tồn tại từ giai đoạn điều tra và sẽ kéo dài cho đến khi bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tức là nó phải trải qua giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Tất nhiên việc buộc tội trong giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử có những nội dung khác nhau.

Nội dung cơ bản của chức năng buộc tội trong giai đoạn điều tra trước hết đó là tất cả những gì Cơ quan điều tra (thủ trưởng CQĐT và điều tra viên) thực hiện để trực tiếp tìm tòi, phát hiện chứng cứ buộc tội thông qua các hoạt động điều tra, cũng như việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội. Ngoài ra, nội dung buộc tội trong giai đoạn điều tra còn được thể hiện thông qua việc tìm kiếm chứng cứ, đề xuất các yêu cầu như: đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, đề nghị áp dụng biện pháp đảm bảo bồi thường, khiếu nại các quyết định của CQTHTT… của người bị hại, đặc biệt là trong các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Tất cả hoạt động trên đây nhằm mục đích chuẩn bị các căn cứ và các điều kiện cho sự buộc tội tại phiên tòa. Ở giai đoạn xét xử nội dung của việc buộc tội được thực hiện thông qua hoạt động của Kiểm sát viên và người bị hại, các hoạt động này được tập trung để bảo vệ cáo trạng đã truy tố và chứng minh lỗi của bị cáo, thể hiện qua ba nội dung.

- Buộc bị cáo về một tội danh cụ thể;

- Đưa ra những chứng cứ chứng minh tội phạm;

- Thuyết phục Hội đồng xét xử, bác bỏ nội dung bào chữa không có căn cứ.

Thực hiện ba nội dung trên đây, pháp luật TTHS quy định cho chủ thể buộc tội các quyền tập trung vào hai nhóm hoạt động đó là: tham gia thẩm vấn (xét hỏi) và tranh luận tại phiên tòa nhằm chứng minh buộc tội đối với bị cáo.

5. Thời điểm bắt đầu và kết thúc chức năng buộc tội: hiện nay đang còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Khái quát lại thì có các loại quan điểm sau đây:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: chức năng buộc tội xuất hiện từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can và kết thúc bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án8.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: chức năng buộc tội thông thường bắt đầu kể từ khi CQĐT khởi tố bị can, tuy nhiên trong một số trường hợp thời điểm này xuất hiện sớm hơn - kể từ khi một người bị tạm giữ; chức năng buộc tội sẽ kết thúc khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt hoặc áp dụng các biện pháp miễn hình phạt (toàn bộ) hoặc được đại xá hay ân xá9.

- Quan điểm thứ ba cho rằng: chức năng buộc tội xuất hiện từ khi khởi tố vụ án, thậm chí trước khi khởi tố vụ án (trường hợp khám nghiệm hiện trường…), chức năng buộc tội sẽ kết thúc khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc kết thúc khi tại phiên tòa Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố.

- Quan điểm thứ tư: theo TS Nguyễn Thái Phúc thì trong số các tác giả Xô viết cũng có người cho rằng chức năng buộc tội chỉ xuất hiện ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tại phiên tòa, còn trong giai đoạn điều tra chỉ có chức năng điều tra10; chức năng buộc tội sẽ kết thúc khi bản án buộc tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nhìn chung, mỗi quan điểm nêu trên đều được lý giải trên những cơ sở các quy định pháp luật và thực tiễn ở nước ta, dù ít hay nhiều đều có những hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên, theo chúng tôi các quan điểm trên vẫn còn những điểm bất cập nhìn từ nhiều khía cạnh, những bất cập đó thể hiện ở chỗ: hoặc là quá mở rộng phạm vi chức năng buộc tội (buộc tội ngay khi chưa có đối tượng bị buộc tội và tồn tại cho đến thời điểm mà ở đó việc chứng minh buộc tội đã được Tòa án chấp nhận); hoặc là quá thu hẹp phạm vi chức năng buộc tội (chỉ xuất hiện ở giai đoạn xét xử phủ nhận chức năng buộc tội ở giai đoạn điều tra); thậm chí đánh đồng chức năng buộc tội với việc “thực hành quyền công tố”.

Để xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc chức năng buộc tội chúng tôi cho rằng cần phải chú ý một số vấn đề sau đây:

+ Thứ nhất: Khái niệm buộc tội, khái niệm công tố và nội dung của nó là hai vấn đề khác nhau, công tố là một trong những hình thức khác nhau của chức năng buộc tội, công tố là hình thức chủ đạo diễn ra trong điều kiện đặc thù là phiên tòa xét xử do người duy nhất đại diện cho Nhà nước thực hiện, người đó là Kiểm sát viên. Trong khi đó chức năng buộc tội đã thực sự xuất hiện ở giai đoạn điều tra (từ khi khởi tố bị can), thậm chí buộc tội còn xuất hiện vào thời điểm người bị tình nghi bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

+ Thứ hai: Thời điểm bắt đầu và kết thúc của TTHS và của chức năng buộc tội là hoàn toàn khác nhau. Thời điểm bắt đầu của TTHS kể từ khi khởi tố vụ án, có trường hợp thời điểm này xuất hiện sớm hơn (hoạt động khám nghiệm hiện trường…) ; ở thời điểm này chức năng buộc tội chưa thể xuất hiện. Bởi lẽ việc buộc tội chỉ có thể được tiến hành với một người cụ thể khi có căn cứ cho rằng người đó đã thực hiện hành vi phạm tội chứ không phải đối với một tội phạm. Tương tự như vậy, thời điểm kết thúc TTHS là khi bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành xong (Điều 1 BLTTHS); Trong khi đó, chức năng buộc tội kết thúc khi việc chứng minh buộc tội của Viện kiểm sát hoặc người bị hại đã được Tòa án chấp nhận hoặc bác bỏ bằng hình thức bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, kể từ thời điểm này việc buộc tội không còn được tiếp tục.

+Thứ ba: trong TTHS không có chức năng điều tra độc lập với tư cách là chức năng cơ bản. Vì vậy, trong giai đoạn điều tra chỉ tồn tại chức năng buộc tội và chức năng bào chữa.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng chức năng buộc tội xuất hiện từ khi cơ quan có thẩm quyền khởi tố bị can, trong trường hợp có người bị tạm giữ thì chức năng buộc tội xuất hiện từ thời điểm có người bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ; chức năng buộc tội sẽ kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

6. Về chủ thể thực hiện chức năng buộc tội: cá nhân, tổ chức nào thực hiện chức năng buộc tội cũng chưa được nhận thức thống nhất. Có ý kiến cho rằng chủ thể thực hiện chức năng buộc tội bao gồm: Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ. Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng chủ thể thực hiện chức năng buộc tội bao gồm: Tòa án11, người làm chứng, người giám định, nguyên đơn dân sự…. Nhưng không bao gồm Cơ quan điều tra, Điều tra viên… Về vấn đề này chúng tôi cho rằng:

- Thứ nhất: Tòa án không phải là chủ thể buộc tội, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử và yêu cầu của việc xét xử là Tòa án phải thực sự độc lập, độc lập với bên buộc tội và bên bào chữa. Tòa án phải thật sự khách quan, vô tư, phải là người thực hiện vai trò trọng tài, người cầm trịch giữa bên buộc tội và bên bào chữa. Tòa án không thực hiện chức năng buộc tội ngay cả khi ra quyết định khởi tố vụ án hoặc tuyên bản án kết tội. Bởi lẽ khi khởi tố vụ án, Tòa án không đưa ra kết luận về lỗi của một người cụ thể, không buộc tội ai, chỉ chuyển giao vụ án cho Viện kiểm sát xem xét việc điều tra. Khi Tòa án tuyên bản án kết tội là khi bên buộc tội đã thuyết phục được Tòa án về lỗi của bị cáo, về sự cần thiết phải trừng phạt bị cáo. Vì vậy, không thể có cách nào khác hơn là Tòa án tuyên bản án kết tội. Nếu cho rằng Tòa án là chủ thể buộc tội sẽ dẫn đến việc mất đi vai trò trọng tài của Tòa án, Tòa án không thực hiện được chức năng xét xử của mình, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa. Về vấn đề này C.Mác đã từng phê phán rất kịch liệt: “Trong tố tụng hình sự, một người vừa là quan tòa, vừa là người buộc tội và bào chữa là điều hết sức phi lý”12.

- Thứ hai: Cơ quan điều tra – Điều tra viên chính là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội. Thông qua hoạt động điều tra, Cơ quan điều tra, Điều tra viên thu thập chứng cứ để buộc tội đối với bị can và làm tiền đề cho kiểm sát viên – Viện kiểm sát buộc tội bị cáo tại phiên tòa. Nếu phủ nhận tư cách chủ thể buộc tội của Cơ quan điều tra – Điều tra viên có nghĩa là phủ nhận chức năng buộc tội trong giai đoạn điều tra.

- Thứ ba: Người làm chứng, người giám định không phải là chủ thể của bên buộc tội ngay cả khi họ đưa ra chứng cứ bất lợi cho bên bị buộc tội. Nhiệm vụ của họ là giúp cho Cơ quan điều tra làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trong trường hợp cung cấp những thông tin sai lệch, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Như vậy, có thể khẳng định rằng chức năng buộc tội do nhiều chủ thể thực hiện ở những mức độ và phạm vi khác nhau, chủ thể đó bao gồm Cơ quan điều tra – Điều tra viên; Viện kiểm sát - Kiểm sát viên; người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.

7. Trên cơ sở những nội dung lý luận trên đây chúng tôi có một số kiến nghị sau đây nhằm thực hiện tốt chức năng tố tụng buộc tội:

- Một là: trong mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát (hai cơ quan thực hiện chức năng buộc tội) pháp luật TTHS Việt Nam quy định cho VKS quá nhiều quyền hạn, còn Cơ quan điều tra thì có quá nhiều trách nhiệm và trong hoạt động điều tra hai cơ quan này hầu như độc lập với nhau. Là cơ quan chủ yếu thực hiện chức năng buộc tội, vai trò của VKS phải được thể hiện ngay trong giai đoạn điều tra… Mặt khác, buộc tội là một chức năng thống nhất, đòi hỏi có sự liên tục, không ngắt quãng và do một cơ quan (cá nhân) thực hiện… Vì vậy, chúng tôi kiến nghị pháp luật tố tụng hình sự trước mắt cần được sửa lại theo hướng: VKS phải hoàn toàn có trách nhiệm và quyền hạn trong điều tra vụ án hình sự. Cơ quan điều tra chỉ nên ở vị trí giúp việc, hỗ trợ VKS và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của VKS. Về tổ chức của hai cơ quan này cũng cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn trên.

- Hai là: pháp luật TTHS một mặt hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho bên buộc tội thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Mặt khác, pháp luật TTHS lại giao cho Tòa án quá nhiều quyền và trách nhiệm, nội dung quyền và trách nhiệm này lại không thuộc nội dung của chức năng xét xử, mà thực chất là nội dung của chức năng buộc tội và bào chữa… Vì vậy, chúng tôi kiến nghị nội dung các điều 181, 183, 184, 185 BLTTHS cần được sửa lại theo hướng giao phần lớn trách nhiệm xét hỏi cho bên buộc tội và bào chữa, còn Tòa án (Hội đồng xét xử) chủ yếu là điều khiển và giữ trật tự tại phiên tòa. Hội đồng xét xử chỉ nên tham gia xét hỏi những vấn đề chưa được làm rõ, trả lại đúng chức năng cho từng cơ quan, chấm dứt tình trạng Tòa án “lấn sân” chức năng buộc tội và bào chữa.

- Ba là: xuất phát từ nguyên tắc không có buộc tội thì không có bào chữa và tất nhiên không có xét xử, vì vậy tại phiên tòa kiểm sát viên rút quyết định truy tố, có nghĩa là bên buộc tội cho rằng việc buộc tội không còn cơ sở và căn cứ, họ đã từ chối buộc tội, chức năng buộc tội đã kết thúc, chức năng bào chữa và xét xử sẽ không còn cơ sở để tồn tại. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các Điều156, 169, 195, 196 BLTTHS cần được sửa lại theo hướng: nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa thì Tòa án đình chỉ vụ án; tại phiên tòa, Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì Tòa án chỉ xét xử phần còn lại, nếu rút toàn bộ quyết định truy tố, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo vô tội, đồng thời phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là rút một phần quyết định truy tố; trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ không đồng ý việc rút quyết định truy tố, Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử.

- Bốn là: khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can là nội dung thuộc chức năng buộc tội. Tuy nhiên, tại Điều 13, khoản 1 Điều 87 BLTTHS giao cho Tòa án ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên tòa phát hiện tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra là chưa phù hợp. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa lại Điều 13, khoản 2 Điều 87 BLTTHS theo hướng không giao cho Tòa án khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp phát hiện tội phạm, người phạm tội mới cần phải điều tra thì kiến nghị cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố.

- Năm là: nội dung khoản 4 Điều 39 BLTTHS cần được cụ thể hóa ở Chương XX BLTTHS về việc tranh luận tại phiên tòa, nội dung cụ thể cần làm rõ theo hướng: xác định ý nghĩa pháp lý của lời luận tội, trình tự, thủ tục khi luận tội… và những vấn đề có liên quan đến quyền luận tội của người bị hại trong những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của họ.



1 Từ điển luật học, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1999.

2 Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai Trí, 62 Lê Lợi, Sài Gòn.

3 Từ điển bách khoa Việt Nam, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.

4 Nguyễn Thái Phúc, Một số vấn đề về quyền công tố của Viện kiểm sát, Kỷ yếu đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của TTHS Việt Nam”, VKSNDTC, trang 22.

5 Hoàng Thị Sơn, Khái niệm quyền bào chữa và việc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, Tạp chí số 5/2000.

6 Nguyễn Thái Phúc, sđd.

7 V.M. Xavitxki, Buộc tội nhà nước tại phiên tòa, Nxb Khoa học, Matxcơva, 1971.

8 Nguyễn Thái Phúc, sđd, tr. 22.

9 Phạm Hồng Hải, Mấy suy nghĩ về vấn đề bảo vệ quyền con người trong TTHS ở nước Tòa án, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 3/1998.

10 Xem thêm bài Một số vấn đề về quyền công tố của Viện kiểm sát, Nguyễn Thái Phúc, Kỷ yếu đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của TTHS Việt Nam”, VKSNDTC, trang 22.

11 Phạm Hồng Hải, Bàn về quyền công tố, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Bộ, VKSNDTC, 1999.

12 C. Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code