Wednesday, December 4, 2013

ĐIỀU KHOẢN VỀ PHÁP LUẬT ÁP DỤNG CHO HỢP ĐỒNG

TS. ĐỖ VĂN ĐẠINhà pháp luật Việt – Pháp
Theo quy định của pháp luật về dân sự thì: Hợp đồng là thoả thuận giữa các bên làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ nhằm đạt được lợi ích hợp pháp mà họ mong muốn khi giao kết. Để đạt được lợi ích hợp pháp mong đợi, các bên thường cố gắng quy định cụ thể quan hệ của họ trong hợp đồng. Song, các bên không thể quy định cụ thể được hết tất cả các vấn để có thể xảy ra. Đối với những vấn đề không được quy định cụ thể, các bên thường chọn một hệ thống pháp luật áp dụng cho hợp đồng thông qua một điều khoản mà chúng ta thường gọi là điều khoản về pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số nội dung nghiên cứu điều khoản về pháp luật áp dụng cho hợp đồng có liên quan đến Việt Nam để chúng ta tìm hiểu và trả lời hai câu hỏi này trong hai phần: Thứ nhất, điều khoản về pháp luật áp dụng nhìn từ góc độ văn bản (I; thứ hai, điều khoản về pháp luật áp dụng nhìn từ góc độ thực tiễn (II).
1- Điều khoản về pháp luật áp dụng nhìn từ góc độ văn bản pháp luật.
Nhiều quy định của pháp luật Việt Nam cho phép các bên chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Điều đó có nghĩa là, theo các quy định này, điều khoản về pháp luật áp dụng cho hợp đồng có giá trị pháp lý và được bảo vệ. Tuy nhiên, cũng tồn tại trong pháp luật Việt Nam những quy định giới hạn việc tự do lựa chọn pháp luật để chi phối hợp đồng.
Những nội dung trên đã được quy định trong một số văn bản pháp luật sau đây:
Một là, các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng. Theo khoản 2 Điều 834 Bộ luật Dân sự, “quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng dân sự được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác”. Vậy, nếu các bên có thoả thuận về pháp luật áp dụng cho hợp đồng, pháp luật được chọn sẽ điều chỉnh hợp đồng. Hay nói cách khác, BLDS Việt Nam cho phép các bên lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Quyền lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng cũng được thừa nhận trong khoản 2 Điều 4 Bộ luật Hàng hải Việt Nam: “Các bên tham gia hợp đồng hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, thì có quyền thoả thuận áp dụng luật hoặc tập quán hàng hải nước ngoài hoặc quốc tế trong các quan hệ hợp đồng”. Tương tự, theo khoản 2 và 3 Điều 4 Luật Hàng không dân dụng, “tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể thoả thuận với tổ chức, cá nhân nước ngoài việc áp dụng pháp luật của nước ngoài khi ký kết hợp đồng vận chuyển, dịch vụ hàng không”. “Pháp luật của nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động hàng không dân dụng trong các trường hợp do pháp luật Việt Nam quy định hoặc có thoả thuận trong hợp đồng”.
Hai là, quyền lựa chọn pháp luật cho hợp đồng cũng được thừa nhận trong Luật Thương mại và Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo  khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại, “các bên trong hợp đồng được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài”. “Các bên trong hợp đồng được thoả thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế nếu tập quán thương mại quốc tế đó không trái với pháp luật Việt Nam”. Tương tự, theo khoản 5 Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài, “các bên có quyền thoả thuận lựa chọn pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này, tập quán thương mại quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp” và, theo khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh, “đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”. Vậy, theo Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 thì Trọng tài phải áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn.
Ba là, quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Theo Điều 43 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, “các quy định của Pháp lệnh này được áp dụng trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa pháp nhân Việt Nam với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”. Tuy nhiên, quy định của Pháp lệnh “được áp dụng” đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài (theo tinh thần của Điều 43 nêu trên) và không quy định là Pháp lệnh “phải” được áp dụng đối với quan hệ này. Việc quy định như trên không cho biết là các bên có quyền lựa chọn pháp luật để điều chỉnh hợp đồng hay không.
Thiết nghĩ quy định này của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế cần được sửa đổi theo hướng đối với hợp đồng kinh tế có yếu tố nước ngoài các bên có quyền chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng.
Trong thực tế, dường như Toà án tối cao cũng cho phép các bên quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Xin nêu một ví dụ: Đây là bản án ngày 4 tháng 12 năm 2003 liên quan đến hợp đồng kinh tế giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Singapore. Theo hợp đồng, các bên chọn Trọng tài Singapore để giải quyết tranh chấp và pháp luật Singapore để điều chỉnh hợp đồng. Khi có tranh chấp, bên Việt Nam cho rằng Toà án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết. Mặc dù vậy, Toà sơ thẩm vẫn xác định là có thẩm quyền và áp dụng pháp luật Việt Nam. Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án sơ thẩm với lý do là: “Bất luận trong mọi trường hợp, một khi có sự tranh chấp dẫn đến việc kiện tụng của các bên đương sự liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng thì phải căn cứ vào những điều khoản đã cam kết tại hợp đồng để phán xét cũng như xác định cơ quan có thẩm quyền tài phán”(1). Theo Toà án tối cao, phải căn cứ vào những điều khoản đã cam kết tại hợp đồng để xác định cơ quan có thẩm quyền tài phán và để phán xét. Điều khoản về pháp luật áp dụng cho hợp đồng là một Điều khoản cam kết để điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Đây là cơ sở để phán xét khi có tranh chấp. Vậy cũng cần phải tôn trọng. Nói một cách khác, dường như Toà án tối cao cho phép các bên chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng kinh tế.
Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn một số vấn đề chưa được quy định rõ ràng
Thứ nhất, quan hệ giữa hợp đồng và pháp luật được lựa chọn. Thông thường, các bên chọn pháp luật của một nước liên quan đến hợp đồng, nhất là pháp luật của nước mà một bên trong hợp đồng có quốc tịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bên còn chọn pháp luật một nước không có quan hệ nào với hợp đồng.
Việc các bên lựa chọn pháp luật không có quan hệ với hợp đồng như hai trường hợp vừa được nêu trên có được chấp nhận ở Việt Nam không? Những văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa quy định rõ vấn đề này. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên cho phép các bên lựa chọn pháp luật của một nước ngay cả khi pháp luật nước này không có chút quan hệ nào với hợp đồng. Trong thực tế, đôi khi cũng chính bởi vì pháp luật không có mối quan hệ nào với hợp đồng mà các bên quyết định lựa chọn pháp luật này để chi phối hợp đồng của họ.
Thứ hai, BLDS, Luật Hàng không dân dụng nêu trên cho phép các bên lựa chọn pháp luật một nước nào đó để chi phối hợp đồng. Bên cạnh việc cho phép các bên quyền lựa chọn pháp luật một nước nào đó, Luật Thương mại, Pháp lệnh Trọng tài và Bộ luật Hàng hải còn cho phép các bên chọn tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng(2). Trong thực tế, nhiều khi các bên chọn tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng. Ví dụ, trong một hợp đồng giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Hàn Quốc, các bên có ghi: “Hợp đồng này chịu sự chi phối của Incoterms 1980” (3).
Một câu hỏi đặt ra là liệu ở Việt Nam, các bên có được quyền chọn những quy tắc theo thông lệ thương mại quốc tế hay tập quán quốc tế để điều chỉnh hợp đồng không? Ví dụ: Các bên có quyền chọn những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (Unidroit hay những nguyên tắc châu Âu về hợp đồng hay không? ở nước ngoài, việc chọn các nguyên tắc trên là phổ biến và được thừa nhận trong thực tế Trọng tài hay trong thực tế Toà án(4). Không một văn bản nào ở Việt Nam cấm các bên lựa chọn các quy tắc này. Cũng không có văn bản nào của Việt Nam cho phép rõ ràng các bên quyền lựa chọn những quy tắc này. Nói một cách khác, hiện nay câu hỏi trên không được đề cập trong văn bản pháp luật hiện hành. Thiết nghĩ, trong quan hệ thương mại quốc tế, chúng ta nên cho phép các bên lựa chọn các nguyên tắc trên. Bởi vì: Một là, hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên và họ tự định đoạt quan hệ của họ bằng một hệ thống pháp luật mà họ cho là hợp lý; Hai là, pháp luật thực định của một nước là pháp luật được thiết lập cho những quan hệ trong nước nên thường xuyên không phù hợp với quan hệ quốc tế trong khi đó những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế hay những nguyên tắc châu Âu về hợp đồng được thiết lập để điều chỉnh những quan hệ vượt ra ngoài lãnh thổ một quốc gia. Ba là, thông thường bên nước ngoài không thích chọn pháp luật Việt Nam và bên Việt Nam cũng không hài lòng khi bị ép buộc chọn pháp luật nước ngoài. Trong khi đó những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế hay những nguyên tắc châu Âu về hợp đồng dễ được nhận biết và hiểu hơn vì các quy phạm này được dịch sang nhiều thứ tiếng(5) và phổ biến rộng rãi.
Thứ hai, nhiều luật áp dụng cho hợp đồng. So với pháp luật một nước, những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế hay những nguyên tắc châu Âu về hợp đồng ít hoàn thiện hơn vì một số vấn đề liên quan đến hợp đồng không được điều chỉnh ở đây. Để có cơ sở pháp lý toàn diện, các bên nên chọn thêm một hệ thống pháp luật quốc gia nào đó để điều chỉnh bổ sung. Hoàn cảnh này dẫn đến hiện tượng “nhiều pháp luật áp dụng cho hợp đồng” trong tư pháp quốc tế. Đây là vấn đề tương đối phổ biết trong thực tế. Theo các chuyên gia về tư pháp quốc tế thì nên chấp nhận, cho phép các bên chọn hai hay nhiều hệ thống pháp luật để chi phối hợp đồng như trên(6). Pháp luật hiện hành của Việt Nam không có quy định cụ thể vấn đề này. Song, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên cho phép các bên quyền chọn hai hay nhiều hệ thống pháp luật để điều chỉnh hợp đồng.
Qua nghiên cứu quy định hiện hành, chúng ta lại thấy trong một số trường hợp, pháp luật Việt Nam không cho phép các bên lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong một số trường hợp khác, các bên có quyền chọn pháp luật nước ngoài nhưng pháp luật nước ngoài được chọn sẽ không được sử dụng. Bên cạnh hai hạn chế trên, các bên còn phải chịu ảnh hưởng của những quy phạm áp dụng bắt buộc.
Về những quy phạm không cho phép chọn pháp luật nước ngoài;
Theo khoản 3 Điều 837 BLDS, “pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tương tự, theo điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 60/CP ngày 6 tháng 6 năm 1997 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ có yếu tố nước ngoài, “pháp luật nước ngoài được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp được các bên thoả thuận trong hợp đồng, nếu thoả thuận đó không trái với các quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam”. Từ các quy định trên, có thể hiểu nếu các bên chọn pháp luật nước ngoài khi pháp luật Việt Nam không cho phép thì thoả thuận chọn pháp luật nước ngoài không có giá trị pháp lý. Chúng tôi xin dẫn một số trường hợp mà pháp luật Việt Nam không cho phép các bên chọn áp dụng pháp luật nước ngoài.
Theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, “việc cầm cố, thế chấp tàu biển tại Việt Nam được giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Hợp đồng về cầm cố, thế chấp tàu biển tại Việt Nam phải làm bằng văn bản và được cơ quan công chứng chứng thực”. Đối với các hợp đồng trên, các bên dường như phải sử dụng pháp luật Việt Nam và không được chọn pháp luật nước ngoài.
Trong một số trường hợp, các bên dường như chỉ được chọn pháp luật nước ngoài khi pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể. Theo Điều 4 Nghị định 24/2000/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, “trong trường hợp cụ thể nào đó về hoạt ðđộng ðđầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng luật của nước ngoài”. Vậy, trong quan hệ về đầu tư nước ngoài, các bên chỉ được chọn áp dụng pháp luật nước ngoài khi pháp luật Việt Nam chưa có quy định. Đối với những trường hợp cụ thể mà pháp luật Việt Nam có quy định thì các bên không có quyền chọn pháp luật nước ngoài để điều chỉnh.
Đối với một số quan hệ có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam có quy định bắt buộc áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ, theo khoản 2 Điều 834 BLDS, “hợp đồng dân sự được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, thì phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và theo khoản 3 Điều 834 BLDS, “hợp đồng dân sự liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Một vấn đề khác cần trao đổi, đó là, nhiều khi pháp luật Việt Nam không cấm các bên chọn pháp luật nước ngoài hay tập quán thương mại quốc tế nhưng lại phủ nhận áp dụng pháp luật nước ngoài hay tập quán thương mại quốc tế đã được các bên lựa chọn. Tuy nhiên, việc phủ nhận này là có điều kiện.
Theo Điều 827 Bộ luật Dân sự, “pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế cũng chỉ được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tương tự, theo Điều 4 Nghị định 24/2000/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, “trong trường hợp cụ thể nào đó về hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng luật của nước ngoài nếu việc áp dụng luật của nước ngoài không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Cũng tương tự, theo khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài năm 2003, “việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, đối với những trường hợp các bên được quyền chọn pháp luật nước ngoài nhưng việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thì pháp luật nước ngoài cũng không được áp dụng và thay vào đó, là pháp luật Việt Nam vì theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/CP ngày 6 tháng 6 năm 1997 nêu trên, “trong trường hợp việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các quy định tại các điều từ Điều 2 đến Điều 11 của Bộ luật Dân sự Việt Nam và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật Việt Nam, thì áp dụng pháp luật Việt Nam”.
Theo  khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại, “các bên trong hợp đồng được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài không trái với pháp luật Việt Nam”. Tương tự, theo Điều 7, Bộ luật Hàng hải, “trong trường hợp Bộ luật này quy định hoặc do có thoả thuận trong hợp đồng, thì luật nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam đối với các quan hệ hợp đồng hàng hải, nếu luật đó không trái với pháp luật Việt Nam”(7).
Bên cạnh đó, ở nước ta đã tồn tại một số quy phạm áp dụng bắt buộc. Song, chúng chưa được khai thác một cách triệt để và chưa được thừa nhận như một phương pháp điều chỉnh xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế. Nhân cơ hội này, một lần nữa chúng tôi hy vọng các nhà làm luật Việt Nam, nhất là những người đang tham gia sửa đổi Bộ luật Dân sự, sớm thừa nhận loại quy phạm này trong Phần VII, Bộ luật Dân sự nước ta. Việc thừa nhận này sẽ cho phép chúng ta áp dụng vào thực tiễn của việc ký kết hợp đồng một số quy phạm của pháp luật Việt Nam khi các bên chọn pháp luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng.
2. Điều khoản về pháp luật áp dụng nhìn từ góc độ thực tiễn
Phần trình bày trên cho thấy pháp luật Việt Nam cho phép các bên quyền chọn pháp luật cho hợp đồng. Song, trong thực tế, quyền lựa chọn này rất ít được sử dụng. Đối với những hợp đồng mà các bên không có thoả thuận chọn pháp luật áp dụng, phần trình bày sau cho thấy Toà án hay Trọng tài áp dụng một cách tương đối máy móc pháp luật Việt Nam. Vậy, nếu các bên không muốn áp dụng pháp luật Việt Nam thì họ nên đưa vào hợp đồng điều khoản về pháp luật áp dụng.
Bộ luật Dân sự quy định việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng khi các bên không có thoả thuận về vấn đề này. Theo Bộ luật, cần phải áp dụng pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng. Song, Luật Thương mại, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng không quy định rõ ràng việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng khi các bên không có thoả thuận. Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 quy định: “Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định”. Trong thực tế, khi các bên không có thoả thuận chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng, Trọng tài và Toà án có xu hướng chung là áp dụng pháp luật Việt Nam.
Khi các bên không có thoả thuận về pháp luật điều chỉnh hợp đồng, Toà án Việt Nam có xu hướng chung là áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ: Đối với tranh chấp về hợp đồng ký ngày 27 tháng 7 năm 1993 giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Đài Loan, hợp đồng không có điều khoản về pháp luật chi phối hợp đồng, Toà án Việt Nam áp dụng pháp luật Việt Nam và không lý giải tại sao(8). Tương tự, đối với hợp đồng không có điều khoản về pháp luật áp dụng giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Nhật Bản, Toà án Việt Nam đã áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp và cũng không lý giải tại sao(9).
Cũng như Toà án, Trọng tài Việt Nam có xu hướng áp dụng pháp luật Việt Nam khi các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng. Xin trích 3 ví dụ: Ví dụ thứ nhất liên quan đến tranh chấp giữa một Công ty Balan và một doanh nghiệp Việt Nam. Theo phán quyết của Trọng tài, “trong hợp đồng do hai bên ký kết không quy định luật áp dụng cho hợp đồng. Trọng tài xét xử vụ kiện này đã quyết định Luật áp dụng cho hợp đồng là Luật Việt Nam, căn cứ vào các tiêu chí sau: Người xuất khẩu (người bán) là doanh nghiệp Việt Nam; nơi xét xử là Việt Nam; tại phiên họp xét xử nguyên đơn (Ba Lan) tuyên bố chấp nhận Luật áp dụng cho hợp đồng là Luật Việt Nam và bị đơn không phản đối gì”(10).
Ví dụ thứ hai liên quan đến tranh chấp giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một Công ty Hoa Kỳ. Theo phán quyết của Trọng tài, “mức lãi suất 9%/năm do nguyên đơn (Việt Nam) tính toán là quá cao và không phù hợp với mức lãi suất tiền vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Từ đó, Trọng tài chấp nhận đối với thời gian chậm trả tiền hàng từ ngày 20/9/1999 đến ngày 8/7/2000 nguyên đơn chỉ được hưởng lãi suất theo mức lãi suất tiền vay trung bình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào thời gian này là 5%/năm”(11). Trong tranh chấp này, Trọng tài đã quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam nhưng trong phán quyết không thấy diễn giải tại sao pháp luật Việt Nam là pháp luật được áp dụng cho hợp đồng.
Ví dụ thứ ba liên quan đến tranh chấp giữa một Công ty Malaysia và một doanh nghiệp Việt Nam. Theo Trọng tài, “hai bên thoả thuận trong hợp đồng mức phạt là 20% trị giá hợp đồng nếu không thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, Luật áp dụng cho hợp đồng này được xác định là Luật Việt Nam, mà Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 lại quy định mức phạt tối đa là 8% trị giá hợp đồng (Điều 228). Vì vậy, Trọng tài không thừa nhận mức phạt 20% trị giá hợp đồng vì trái với Luật áp dụng, Trọng tài chấp nhận mức phạt 8% áp dụng cho việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng”(12). Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam nhưng không cho biết tại sao pháp luật Việt Nam là pháp luật được áp dụng vào hợp đồng.
Về các trường hợp có thoả thuận chọn pháp luật áp dụng.
Trong thực tế có thể gặp trường hợp, khi ký hợp đồng các bên chọn pháp luật nước ngoài điều chỉnh quan hệ hợp đồng nhưng khi có tranh chấp, Toà án hay Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ: Trong hợp đồng ký ngày 9 tháng 11 năm 1995 giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Singapore, các bên có thoả thuận là “hợp đồng này sẽ được điều chỉnh và giải thích và sẽ có hiệu lực theo Luật của Singapore” (Điều 37). Nhưng khi có tranh chấp, Toà án áp dụng pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự)(13). Về vấn đề pháp luật áp dụng cho hợp đồng, theo chúng tôi phán quyết trên là không thuyết phục.
Từ những nội dung đã trình bày ở trên, chúng tôi xin nêu một số giải pháp kiến nghị như sau: Toà án hay Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam và một bên có phản ứng về việc áp dụng này trong quá trình xét xử sơ thẩm, Toà án hay Trọng tài không được áp dụng pháp luật Việt Nam nữa. Nếu vẫn áp dụng pháp luật Việt Nam mặc dù có phản ứng của một bên thì phán quyết đó là đáng bị phê phán.
Ngược lại, nếu Toà án hay Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam và không một bên nào có phản ứng về việc áp dụng này trong quá trình xét xử sơ thẩm, Toà án hay Trọng tài được áp dụng pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, chúng ta coi như các bên tự ngầm bỏ thoả thuận về pháp luật đã ghi trong hợp đồng và tự đồng ý chấp nhận áp dụng pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam cho phép các bên chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng. Nhưng tự do này có một số giới hạn. Trong chừng mực cho phép, các bên có thể đưa vào cuối hợp đồng điều khoản với nội dung sau: Đối với những vấn đề không được quy định rõ trong hợp đồng, pháp luật thực chất của nước A sẽ được áp dụng để điều chỉnh và đối với những vấn đề không được quy định rõ trong hợp đồng, những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế được áp dụng (Unidroit). Và đối với những vấn đề không được quy định rõ trong hợp đồng hay bởi những nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế, pháp luật thực chất của nước A sẽ được áp dụng để điều chỉnh.u
________________
1 Xem Bản án số 174/DSPT của Toà án nhân dân tối cao, Tòa phúc thẩm tại Hà Nội.
2, 3 Xem hợp đồng đăng trong cuốn Hợp đồng thương mại quốc tế của Nguyễn Trọng Đàn, Hà Nội 1997, các tr. 160, 291, 259, 398 và 168.
4 Xem E. S. DARANKUM, “Về việc Trọng tài và Toà án áp dụng nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế”, Tạp chí R.J.T. n 36/2002.
5 Về bản dịch sang tiếng Việt của những nguyên tắc này, xem: Lê Nết, Nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
6 Xem M.-L. NIBOYET, J.-Cl. civil, 2e app. art. 1134 et 1135, Fasc. 20: Contrats internationaux – Dộtermination du droit applicable – Le principe d’autonomie, n° 56.
7 Khoản 3 Điều 4 Luật Hàng không dân dụng còn quy định không cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài như sau: “Pháp luật của nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động hàng không dân dụng trong các trường hợp do pháp luật Việt Nam quy định hoặc có thoả thuận trong hợp đồng, nếu không trái với trật tự và lợi ích công cộng của Việt Nam”.
8 Xem Bản án số 136 PT/KT ngày 30 tháng 9 năm 1997 của Toà án nhân dân tối cao.
9 Xem Bản án số 158 QĐ-PT ngày 18 tháng 9 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao.
10, 11, 12 Xem Hoàng Ngọc Thiết, Tranh chấp từ hợp đồng xuất nhập khẩu-An Lệ trọng tài và kinh nghiệm, NXB Chính trị quốc gia 2002, tr. 78, 79, 141, 142 và 182.
13 Xem Bản án số 06/DSST ngày 10/03/2003 của Toà án nhân dân Hà Nội.
NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code