Độ mấy tháng nay, cứ vừa chợp mắt khi đã quá nửa
đêm, sau một ngày làm việc căng thẳng, thì bất chợt điện thoại di động
của tôi lại rung lên. Không cần kiểm tra thì tôi cũng biết đó là ai.
Đọc những dòng tin nhắn viết ngắt quãng, dài
lê thê, có khi trong lòng không cảm thấy thoải mái, thậm chí hơi bực
bội, tôi định gọi điện thoại hoặc nhắn tin lại, bảo với ông xin vui lòng
đừng làm phiền tôi nữa, nhưng lại thôi… Cứ nghĩ đến cảnh ông nằm bán
thân bất toại, cấm khẩu không nói được thành lời, trong một căn phòng
chật hẹp dành cho bệnh nhân, tôi lại nguôi ngoai không muốn trách cứ
ông.Tôi hình dung nằm trên giường bệnh, điều duy nhất tiếp sức ông chống chọi với cái chết chính là nội lực tinh thần phải đi đến tận cùng sự thật của vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu căn nhà với một khát vọng cháy bỏng mong muốn công lý được thực thi. Câu chuyện tranh chấp bắt đầu từ cách đây gần 24 năm, khi ông vào TP Hồ Chí Minh công tác và có nhu cầu mua một căn nhà.
Sau khi đọc quảng cáo trên báo, ông tìm đến chủ của căn nhà tọa lạc tại một quận trung tâm, hai bên thỏa thuận giá cả và cách thức thanh toán. Tuy nhiên, ngay sau khi thống nhất việc mua bán thì nảy sinh vấn đề là vào thời điểm nói trên, do ông chưa có hộ khẩu tại thành phố nên không thể đứng tên sở hữu nhà được. Để thu xếp việc này, trong quá trình giao dịch và làm ăn, ông có quen một người có hộ khẩu tại thành phố và quyết định nhờ người đó đứng tên trên giấy tờ sở hữu nhà, nhưng trong thỏa thuận riêng với nhau và ra đến phường đều có ghi rõ tên của cả hai người.
Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương. Ảnh: Thuận Thắng
Tuy nhiên, ngay sau khi từ Hà Nội trở vào thành phố, ông thật bất ngờ khi nhận được hung tin là toàn bộ giấy tờ căn nhà để trong két sắt đã bị mất và chỉ thời gian ngắn tìm hiểu ở Phòng quản lý đô thị thì ông té ngửa người khi được thông báo người mà ông nhờ đứng tên đã loại ông ra khỏi cuộc chơi và thực sự chiếm luôn căn nhà.
Quá bức xúc, ông quyết định làm đơn tố cáo đến Công an quận về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng hồ sơ bị trả lại để chuyển sang Tòa án giải quyết. Kể từ đó, hành trình tố tụng đưa ông đi từ Tòa án cấp quận, sau đó chuyển thẩm quyền lên Tòa án thành phố, qua phiên tòa sơ thẩm đầu tiên bị Tòa phúc thẩm hủy án, vụ kiện được Tòa án thành phố xét xử lại, ông bị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện và gần như trắng tay. Vụ kiện đang được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm vào giữa tháng Tư năm 2013.
Cách đây ba năm, sau một cơn tai biến, ông bị liệt toàn thân phải nằm điều trị tại bệnh viện. Mặc dù vẫn biết đời người luôn có những khúc quanh, nhưng là một luật sư song hành bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho ông chừng ấy thời gian kể từ khi phát sinh tranh chấp, có lẽ chỉ tôi mới biết vì sao ông bị tai biến mạch máu não. Đó không chỉ là sự già đi của từng tế bào ngày đêm bị phân hủy theo quy luật tự nhiên của tạo hóa, mà còn là sự tích tụ của những đớn đau vì sự bội tín của lòng người, làm cho mạch máu nuôi dưỡng thần kinh của ông đã ở độ tuổi gần tám mươi không chịu đựng nổi mà vỡ ra…
Ông nhắn cho tôi: “Luật sư ơi, luật sư đừng bỏ tôi, xin luật sư hãy đi đến cùng để bảo vệ sự thật. Công chứng viên đã vào tận bệnh viện để chứng thực việc tôi ủy quyền cho con trai tham gia phiên tòa. Cháu nó còn nhỏ dại, chưa va chạm với đời, mong luật sư tận tình chỉ bảo cho cháu với. Không biết tôi có sống đến ngày chứng kiến những gì là tài sản hợp pháp của tôi được trả về cho chủ sở hữu đích thực của nó không ? Ngàn lần mong luật sư đừng trách cứ tôi gửi tin nhắn quá nhiều, vì tôi không thể nói được, chỉ còn cử động được những ngón tay mà thôi…”.
Ôi, những ngón tay già nua, nhăn nheo và yếu ớt của ông. Tôi như nhìn thấy qua không gian và thời gian hình ảnh của những cử động yếu ớt của đời người, như cây đã héo úa, và ngôi sao định vị số phận ông dường như sắp tắt. Có người nói với tôi, mỗi người có một thói quen và cách sử dụng ngón tay để viết tin nhắn, nhưng tôi hình dung ông sẽ gặp khó khăn gấp vạn lần người khác khi phải rướn người để cố gắng tìm ra những ký tự chữ cái của tiếng Việt, rồi run run ấn phím trên chiếc điện thoại di động cũ kỹ như con người ông.
Đó cũng là lý do vì sao trong những đoạn, câu tin nhắn của ông hay bị ngắt quãng hoặc bị viết sai chính tả. Tôi còn mường tượng đến cảnh người vợ già nua mỗi ngày phải vào ra dăm bận để nuôi ông trên giường bệnh, đêm về hai ông bà chăm nhau, dường như mọi thứ trôi đi chậm rãi, buồn tẻ như thân phận đời người.
Cách đây mấy ngày, phiên tòa phúc thẩm đã được mở, Hội đồng xét xử sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu bảo vệ quyền lợi cho đương sự của luật sư hai bên, đã nhận định cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, việc điều tra, thu thập chứng cứ có nhiều thiếu sót, dẫn đến việc đánh giá không đúng bản chất sự thật khách quan của vụ án, nên đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao lại cho Tòa án cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Mặc dù ngay sau khi tuyên án, con trai ông chắc đã tìm cách liên lạc, nhưng tôi cũng đã nhắn tin cho ông, vậy mà mấy ngày nay tôi vẫn chưa nhận được những dòng tin nhắn run rẩy tội nghiệp của ông ! Bây giờ, khi đêm về, bỗng nhiên tôi nhớ tiếng rung lên của chiếc điện thoại di động và cầu mong những ngón tay của ông vẫn còn cử động được…
Luật sư Phan Trung Hoài (tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt; nguồn: cổng thông tin Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Băng Tâm (BT)
0 comments:
Post a Comment